Mỹ đã thay Pháp bước vào Chiến tranh Việt Nam như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Trích dịch: Lê Đỗ Huy

Cuốn Kết thúc một cuộc chiến tranh: Đông Dương năm 1954 (End of a war: Indochina 1954) của Jean Lacouture và Philippe Devillers được NXB Fredrick A. Praeger (Mỹ) xuất bản năm 1969, đề cập tình hình quốc tế và Đông Dương giai đoạn Hiệp định Geneva 1954. Các tác giả, cũng là những nhà Việt Nam học nổi tiếng, phê phán các cường quốc phương Tây cố tình lập các “bức màn sắt” chia cắt các dân tộc, chia cắt thế giới, nhằm thực hiện chính sách “chia để trị” của chủ nghĩa thực dân cũ trong hoàn cảnh hệ thống xã hội chủ nghĩa hình thành. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số nội dung của cuốn sách (các đầu đề nhỏ là của người dịch).

Một ‘Bức tường Berlin” nữa

Kết chương “Tạo nên một nhà độc tài” (về sự xuất hiện của Ngô Đình Diệm), các tác giả Jean Lacouture và Philippe Devillers viết:

22/1/1955, tướng Pháp Paul Ely, Cao ủy kiêm Tư lệnh quân viễn chinh Pháp (đang rút khỏi) Đông Dương, gửi về Paris những báo cáo động trời từ các nguồn đáng tin cậy: cả Liên Xô và Trung Quốc đều nhấn mạnh với các nhà lãnh đạo ở Hà Nội là không thể chờ đợi gì ở Hiệp định Geneva; người Nga tỏ ra đặc biệt rõ ràng khi trình bày điểm này. Người Nga và người Trung Quốc cho hay bộ chỉ huy quân Pháp sẽ tiếp tục tuân thủ các điều khoản về quân sự của Hiệp định, nhưng các điều khoản chính trị được nhấn mạnh tại điều 14 và trong Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneva (hòa giải dân tộc, không phân biệt đối xử và trả thù) sẽ bị cố tình làm ngơ bởi chính quyền Sài Gòn, với sự khuyến khích của Mỹ. Moscow và Bắc Kinh cũng nhấn mạnh là Pháp không giữ được vị thế khả dĩ để ngăn cản được xu thế này (của chính quyền Sài Gòn và Mỹ). Vẫn theo người Nga và người Trung Quốc, giải pháp duy nhất dành cho Hà Nội là dựa hoàn toàn vào hai đồng minh lớn của mình, bởi vì từ nay trở đi, chỉ các nền chính trị tầm cỡ thế giới mới có thể tạo nên tình hình thuận lợi để Việt Nam có thể thống nhất.

Một chiến tuyến giữa hai thế giới đã được dựng lên, dọc theo trái tim của Việt Nam.

Trách nhiệm của Pháp

Các tác giả Jean Lacouture và Philippe Devillers nhìn thấy các nguyên nhân của việc Hiệp định Geneva không đạt được nhiều hơn ngoài sự ngừng bắn:

Nền cộng hòa thứ tư của Pháp đã mất ít hơn một năm để tự loại bỏ mình khỏi cuộc chiến tranh ở Việt Nam, cũng như để trút hết gánh nặng Đông Dương của nó. Chỉ 310 ngày sau quyết định đàm phán được đưa ra tại Hội nghị Berlin (Hội nghị Tứ cường Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô, 18/2/1954), người Pháp đã bàn giao Sở Hối đoái Pháp ở Sài Gòn, ngày 31/12/1954 (sẽ trở thành Viện Hối Đoái dưới chính quyền Diệm).  Người Pháp cũng chứng kiến tuyên bố Năm nguyên tắc chung sống hòa bình ở New Dehli tháng 6, cuộc đảo chính ở Guatemala lật đổ các thành quả của cách mạng dân chủ ở nước này, sự kiện Tây Đức gia nhập  NATO, và cuộc chiến tranh ở Algeria bùng nổ. 1954 quả là một năm định mệnh.

Sự căng cứng của “hệ thống các khối” của thế giới bộc lộ rõ ràng, nhất là ở Việt Nam. Người dân  và chính quyền ở Việt Nam cố tìm cách tránh khỏi bị bánh xe (của mâu thuẫn giữa các khối) nghiến nát, và tới một lúc, Thủ tướng Pháp Mendes France đã khiến họ nghĩ rằng họ có thể thành công. Tuy nhiên, từ 1945, những người cộng sản đã vượt lên vị trí dẫn dắt nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh xuyên thế kỷ chống lại ách thuộc địa do người da trắng áp đặt, vì thế mà họ bị các thế lực quốc tế chống Stalin và chống chính sách của Kremli, quy chụp. Cách chụp mũ (phong trào cách mạng Việt Nam) như vậy vừa thô thiển vừa vô nghĩa, tuy nhiên khát vọng của người Việt giành độc lập, thống nhất và dân chủ vẫn bị cáo buộc là thủ đoạn và sự ngụy trang của các mưu đồ thiết lập chủ nghĩa cộng sản, chỉ vì người phát ngôn cho phong trào này là nhà cộng sản Hồ Chí Minh.

Trên thực tế, chính quyền thực dân Pháp, bắt đầu từ đầu những năm 1920, đã vu cho tất cả những ai chống lại quyền uy tuyệt đối của họ là “cộng sản”.  Người Pháp đã thành công ngoài ý muốn trong biến Đảng Cộng sản Việt Nam thành đảng dân tộc chủ nghĩa hàng đầu, thành chính đảng có ảnh hưởng nhất cho tới nay (nửa sau thế kỷ 20), chỉ vì bị gán cho “cộng sản” là “chống đối chính quyền thuộc địa”. Kết cục của một chính sách thiển cận như thế là Trận Điện Biên Phủ.

Nhưng thay vì thay đổi chính sách và nhìn Việt Nam đúng với thực chất của nước này, giới cầm quyền Pháp lại chọn cách truyền cây gậy tiếp sức cho Mỹ, “nhượng” lại cuộc chiến tranh chống Việt Nam, với những cay đắng và hậm hực của mình cho đồng minh hùng mạnh này của Paris. Áp phe này được thực hiện không chỉ bởi những nhà lãnh đạo (Pháp và Mỹ) không hiểu biết về Đông Dương, mà bởi cả những nhà ngoại giao và nhà binh từng dính dáng nhiều năm với cuộc xung đột và với những bế tắc của nó.

Can thiệp của Mỹ

Những người này nghĩ rằng họ có nguyên cớ để mừng rỡ, Việt Minh sẽ không thể ca khúc khải hoàn – vì Mỹ nay đã ở trên tuyến đầu. Những người Pháp này đã thành công trong việc làm cho người Mỹ, nổi tiếng về sự ngoan cố có tính kinh điển, dính chặt vào rào chắn vĩ tuyến 17, cắt ngang cơ thể sống của Việt Nam. Tầm nhìn và thiện ý của người Việt Nam, sự kiện Hà Nội (cuối 1954) tuyên bố  sẵn lòng hợp tác với Pháp, và những hành động chứng tỏ Việt Minh sẽ theo đuổi một đường lối độc lập – đều không được đền đáp. Những gì quan trọng đối với những người phương tây (diều hâu) ấy, là cố kết được khối Bắc Đại Tây Dương (NATO) và duy trì được vị thế của người da trắng ở châu Á, vốn đang vô cùng lung lay…

Bi kịch là ở chỗ, về cả dự định lẫn mục đích, người Mỹ chưa bao giờ hiểu rõ, và chưa bao giờ thực sự có thực tiễn gì trong vấn đề Việt Nam. Trên thực tế, đã không có gì ngoài một “bộ xương” là Phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam trước năm 1954. Sách tiếng Anh về Việt Nam (trước 1954) chỉ có vài cuốn. Trong đó chỉ có ba cuốn là thực sự có giá trị, đó là Cuộc tranh giành xứ Đông Dương (The Struggle for Đông Dương), của Ellen Hammer, do NXB Đại học Stanford xuất bản năm 1954; Tai nghe mắt thấy ở Đông Dương (Eyewitness in Đông Dương), xuất bản tại New York, 1954; và Đông Dương thuộc Pháp (French Indochina, xuất bản tại New York, 1937).

Cả giới học thuật lẫn công luận Mỹ tới lúc đó đều chưa có khái niệm về Việt Nam và về các vấn đề căn bản của nước này. Nhưng khi một vài chính khách, nhà ngoại giao, và tướng lĩnh Pháp ngỏ lời về “mối đe dọa cộng sản” năm 1949, Đông Dương bị đẩy vào tầm cỡ “các kế hoạch chiến lược toàn cầu”. Thắng lợi của Mao Trạch Đông ở Trung Hoa lục địa, cuộc chiến tranh Triều Tiên, chủ nghĩa McCarthy (thuyết chống cộng cực đoan ở Mỹ, thời kỳ sau Chiến tranh thế giới thứ II) đẩy xu thế này mạnh hơn.

Washington đã đi đến chỗ tin rằng nước này có thể hành động ở Việt Nam rập theo khuôn mẫu hành động của Mỹ ở Triều Tiên. Đối với Lầu Năm góc, lịch sử Đông Dương bắt đầu vào các năm 1953 -1954. Còn những gì xảy ra trước đó có thể giải thích bằng cách lắp ráp khéo léo các nguyên tắc kinh điển của chủ nghĩa phi thực dân hóa với cách giải thích của người Pháp về các sự kiện xảy ra ngay trước năm 1954. Vì thế, việc leo thang của sự can thiệp của Mỹ ở Đông Dương sẽ được tiến hành với một logic chặt chẽ…

Người Mỹ xây dựng chính sách ở Việt Nam của họ hoàn toàn dựa trên chủ nghĩa chống cộng. Người Mỹ chắc đã không cần biết rằng từ khi xâm lược Việt Nam năm 1885, người Pháp đã áp đặt lên đầu nhân dân Việt Nam các vua bù nhìn, các đại thần bất tài, các quan bị dân khinh bỉ… Trên thực tế, không phải là nhân dân Việt Nam, mà lại là người Mỹ đã quyết để Ngô Đình Diệm đứng đầu ở Nam Việt Nam sau tháng 9 năm 1954, hoàn toàn giống như người Pháp đã quyết dựng vua bù nhìn Đồng Khánh năm 1885, Nguyễn Văn Thinh vào năm 1946 (đứng đầu cái gọi là Cộng hòa tự trị Nam Kỳ), và Bảo Đại năm 1948.

B. Murti, nhà ngoại giao Ấn Độ, thành viên của ủy ban giám sát quốc tế thi hành Hiệp định Geneva (gồm Ba Lan, Canada, và Ấn Độ), viết: “… Chính người Mỹ đã gây ảnh hưởng loại bỏ tướng Nguyễn Văn Hinh, và viện trợ đô la để Diệm chia rẽ và đánh bại các giáo phái, cũng chính người Mỹ đã đẩy Pháp ra khỏi Nam Việt Nam và tạo mọi thuận lợi cho Diệm. Lời hứa viện trợ đô la dồi dào của Mỹ đã tạo được ảnh hưởng lớn (ở chính trường hậu thực dân cũ tại Sài Gòn), mở đường cho Ngô Đình Diệm giành ghế Tổng thống ở Nam Việt Nam”…

Chính sự không hiểu biết lịch sử một cách sâu sắc và gây kinh ngạc của các chính khách và chiến lược gia Mỹ đã dẫn họ đến sự bắt chước một cách vô ý thức cách thức đô hộ thuộc địa của người Pháp. Người Mỹ nghĩ rằng họ đang chống lại “chủ nghĩa cộng sản trên phạm vi quốc tế”, theo cách họ đang làm ở Đức hay ở Triều Tiên. Nhưng bằng cách biến vĩ tuyến 17 thành một “bức tường chắn” chống lại Hà Nội, người Mỹ đã lặp lại cách người Pháp tìm cách chia tách Nam Kỳ khỏi Việt Nam năm 1946. Tuy nhiên, người Mỹ cũng “hiện đại hóa” chiến lược chia cắt Việt Nam bằng cách đưa một quan lại cũ của Pháp, theo đạo Thiên chúa, người miền Trung, lên đứng đầu chính quyền ở Nam Việt Nam, và tạo ra một làn sóng di cư, chủ yếu của người Thiên chúa giáo từ miền Bắc vào Nam, để ủng hộ ông này.

Như vậy, 9 năm sau khi quân Anh đổ bộ vào Sài Gòn (tháng 9 năm 1945), mọi thứ lại trở lại như khi cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất bắt đầu. Giữa Đô đốc Mounbatten (Anh, cuối 1945) và các tướng Mỹ (cuối 1954) là các nỗ lực chiến tranh của Pháp. Nhưng đến 1954, cái vòng luẩn quẩn khép lại, và người Mỹ lại dẫm vào những vết chân của người Pháp. Một lần nữa, Nam Việt Nam bị tìm cách biến thành thuộc địa, thành căn cứ để thực hiện chính sách bình định, bất chấp việc miền Bắc Việt Nam, vốn là thành trì của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc chống Pháp, tìm mọi cách để thương lượng hơn là tái khởi động cuộc xung đột, cho dù đã rõ là khó mà tránh khỏi. Liệu Việt Nam sẽ có lúc chấm dứt số phận là đồ chơi và chiến lợi phẩm của các cường quốc lớn? Trên thực tế, tờ Thời báo London đã đưa ra nhận định khúc chiết là “tình hình (sau khí ký kết Hiệp định Geneva) lại như 1946”.

Một phiên bản của bài dịch được đăng lần đầu trên Văn hoá Nghệ An.