Nhật ký Bắc Kinh (16/10/20): Trung Quốc bắt điệp viên Đài Loan

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 10/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

“Điệp viên đến từ Đài Loan” đang gây xôn xao ở Trung Quốc.

Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm thứ Năm (15/10/2020) đã đăng một bài bình luận với tiêu đề “Lời cảnh báo cho các quan chức tình báo Đài Loan,” cáo buộc hòn đảo tự trị này đẩy mạnh hoạt động gián điệp nhằm giành độc lập.

Mọi chuyện bắt đầu khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin vào tối Chủ nhật (11/10/2020) rằng các nhà chức trách an ninh quốc gia đã phá hàng trăm vụ gián điệp có liên quan đến Đài Loan và bắt nhiều người được cho là gián điệp trong một chiến dịch ​​đặc biệt mang tên “Sấm sét 2020”.

Chương trình đề cập một người đàn ông đến từ Đài Loan bị bắt giữ ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, vào tháng 8 năm 2019. Anh ta được cho là đã vào thành phố này sau khi tham gia biểu tình ở Hồng Kông và bí mật chụp ảnh Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (Vũ cảnh), lúc này đang tập trung để chuẩn bị sẵn sàng nếu phải đàn áp người biểu tình.

Người đàn ông xuất hiện trong chương trình, và cho biết anh rất hối lỗi. Người này nói việc sử dụng bạo lực chống lại quê hương mình là sai trái, đồng thời chỉ trích các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.

Dường như luận điệu được đưa ra là: Chính quyền Đài Loan đang hỗ trợ các hoạt động ủng hộ độc lập ở Hồng Kông, và các nhà hoạt động ủng hộ độc lập ở Đài Loan cũng như Hồng Kông đã chung tay gây rối ở Trung Quốc đại lục.

Chiến dịch của Trung Quốc chống lại các gián điệp Đài Loan là nhằm kiểm soát vị tổng thống ngày càng thân Mỹ, Thái Anh Văn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thị sát căn cứ của Lực lượng Thủy quân Lục chiến Quân Giải phóng Nhân dân ở Quảng Đông vào hôm thứ Ba (13/10/2020). Lực lượng này được thành lập từ năm 2017 nhằm đối trọng với Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ.

“Lực lượng lính thủy đánh bộ của Hải quân Trung Quốc là lực lượng đổ bộ tinh nhuệ”, ông Tập nói trong một bài phát biểu. “Chúng ta cần cải thiện khả năng tác chiến và huấn luyện binh sĩ xuất sắc có thể hoạt động ở mọi khu vực”, ông nói tiếp, ám chỉ về một chiến dịch đổ bộ vào Đài Loan.

Ngày 1 tháng 1 năm 1979, ngay sau khi Đặng Tiểu Bình đề ra chiến lược “cải cách và khai phóng”, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã phát hành một bức thư ngỏ cho đồng bào Đài Loan kêu gọi thống nhất một cách hòa bình. Đó là một bước thay đổi so với chính sách thống nhất Đài Loan bằng vũ lực của Mao Trạch Đông.

Nhưng 40 năm sau, vào ngày 2 tháng 1 năm 2019, ông Tập tuyên bố tại một buổi lễ kỷ niệm: “Chúng ta không hề hứa từ bỏ sử dụng vũ lực và sẽ bảo lưu lựa chọn sử dụng mọi phương tiện cần thiết.”

Tình hình xung quanh eo biển Đài Loan đang căng thẳng hơn bao giờ hết, trở thành một trong hai điểm nóng tiềm ẩn xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc – điểm còn lại là Biển Đông.

Trở lại Bắc Kinh, có một khu vực với các nhà hàng và cơ sở vui chơi giải trí được gọi là Phố Đài Loan, cách Quảng trường Thiên An Môn khoảng 15 km về phía tây. Nó được xây dựng khi mối quan hệ hai bờ eo biển vẫn còn thân thiện. Cựu Phó Tổng thống Đài Loan Liên Chấn cũng từng tham dự sự kiện khai trương khu phố này vào năm 2010.

Tôi ghé qua đây vào hôm thứ Năm, nhưng rất ít cửa hàng mở cửa giữa đại dịch coronavirus.

Điều đập vào mắt tôi là một bức ảnh khổng lồ của ngôi sao nhạc pop Đài Loan Teresa Teng (Đặng Lệ Quân), người cũng rất nổi tiếng ở đại lục. Bức tranh phai màu toát lên một nỗi buồn nào đó – và tôi chợt nghĩ, dường như nó cũng phản ánh tình trạng quan hệ Trung – Đài hiện nay./.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.