Nhật ký Bắc Kinh (25/09/20): Tù binh Nhật đào tạo phi công Trung Quốc

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 9/2020.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hôm thứ Năm (24/09/2020), tin về cái chết của một phi công lái máy bay chiến đấu huyền thoại đã lên trang nhất Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân. “Vương Hải, nguyên Tư lệnh Không quân, qua đời ở tuổi 95”. Ông mất ngày 2 tháng 8 tại Bắc Kinh.

Tôi không biết về ông Vương mãi tới khi đến thăm Bảo tàng Quân sự Cách mạng Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 7.

Mô tả sau đây được đính kèm trưng bày máy bay chiến đấu MiG-15 (trong hình) được dùng trong Chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950: “Vương Hải, phi công của chiếc máy bay chiến đấu này, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Chiến đấu Hạng Nhất của Lực lượng Không quân Chí nguyện vì đã bắn rơi 9 máy bay địch.”

“Máy bay địch” có nghĩa là máy bay Mỹ. Ở Trung Quốc, Chiến tranh Triều Tiên thường được gọi là “Chiến tranh kháng Mỹ viện Triều.”

“Kháng Mỹ viện Triều” là khẩu hiệu được Đảng Cộng sản Trung Quốc dùng trong Chiến tranh Triều Tiên.

Khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào tháng 10 năm 1949, Quân Giải phóng Nhân dân vẫn chưa có không quân. Không quân Trung Quốc được thành lập khoảng một tháng sau đó, vào ngày 11 tháng 11 theo chỉ đạo của Mao Trạch Đông.

Vậy tại sao Vương, một phi công của Lực lượng Không quân Trung Quốc non trẻ, lại có thể bắn hạ máy bay chiến đấu hùng mạnh của Không quân Hoa Kỳ? Bởi vì thầy dạy ông là các phi công của Quân đội Đế quốc Nhật Bản.

Vào tháng 9 năm 1945, ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, Phi đội 4 của Đạo quân Quan Đông, đóng tại Mãn Châu cũ, đã đầu hàng Quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi ấy Lâm Bưu là chỉ huy quân đội ở đông bắc Trung Quốc. Ông Lâm được chính thức chỉ định kế nhiệm Mao nhưng đã chết trong một vụ tai nạn máy bay bí ẩn năm 1971.

Thay vì giam giữ họ, ông Lâm đưa ra một đề xuất bất thường cho các cựu phi công của Quân đội Đế quốc Nhật Bản. Ông yêu cầu họ dạy kỹ thuật bay. Đến tháng 3 năm 1946, khoảng 300 tù binh Nhật Bản đã trở thành giảng viên tại trường đào tạo phi công đầu tiên của quân đội, Trường Phi công Mẫu Đơn Giang ở tỉnh Cát Lâm.

Ông Vương tốt nghiệp trường này, sau đó tận dụng những kỹ thuật học được để trở thành phi công lái máy bay chiến đấu huyền thoại trong Chiến tranh Triều Tiên. Vương là một trong số nhiều sinh viên tốt nghiệp của trường giúp xây dựng nên Lực lượng Không quân Trung Quốc trong những ngày đầu sơ khai. Thật trớ trêu khi máy bay của Mỹ, từng đánh bại Nhật trong Thế chiến II, lại bị bắn rơi trong Chiến tranh Triều Tiên bởi các phi công của Không quân Trung Quốc do chính người Nhật chỉ dạy.

Ngày 25 tháng 10 sẽ đánh dấu kỷ niệm 70 năm Trung Quốc can thiệp vào Chiến tranh Triều Tiên. Khi căng thẳng quân sự giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc leo thang ở Biển Đông và những nơi khác, khẩu hiệu cũ “Kháng Mỹ viện Triều” có thể lại được nhìn thấy trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc. Giữa những căng thẳng này là cái chết của người anh hùng Chiến tranh Triều Tiên.

Liệu Mỹ và Trung Quốc có đấu với nhau trong một cuộc chiến khác? Nhật Bản sẽ không thể đứng ngoài lề.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.