Thế giới hôm nay: 10/03/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Gói kích thích của Joe Biden sẽ đóng góp khoảng một điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021, theo OECD. Và tác động của nó lên tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ còn lớn hơn; cụ thể OECD đã tăng dự báo, từ 3,2% lên 6,5%. Dự luật trị giá 1,9 nghìn tỷ đô la đã được cả hai viện của Quốc hội thông qua. Ông Biden dự kiến ​​sẽ ký nó thành luật trong tuần này.

Vắc-xin covid-19 của Nga, Sputnik V, sẽ được sản xuất ở Ý tại các cơ sở thuộc sở hữu của Adienne, một hãng dược phẩm Ý-Thụy Sĩ. Đây là nước EU đầu tiên đồng ý sản xuất loại vắc-xin của Nga. Theo thỏa thuận, Ý sẽ sản xuất 10 triệu liều trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 1/2022. Sputnik V vẫn chưa được cấp phép dùng khẩn cấp ở châu Âu.

Tăng trưởng GDP của Nhật Bản trong ba tháng cuối năm 2020 đã bị điều chỉnh giảm từ 12,7% theo năm xuống còn 11,7%. Các công ty đã chi tiêu ít hơn dự đoán; cụ thể đóng góp vào GDP của chi tiêu cho máy móc sản xuất và hàng tồn kho tư nhân đã giảm. Trong khi đó, chi tiêu hộ gia đình cũng giảm 6,1% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, do cắt giảm giờ làm và người mua sắm hạn chế ra ngoài để phòng covid-19.

Nghiên cứu lớn nhất từ ​​trước đến nay của Tổ chức Y tế Thế giới về bạo hành phụ nữ cho thấy khoảng một phần ba phụ nữ đã từng bị bạo hành thể chất (bao gồm cả tình dục). Và cứ bốn phụ nữ thì có một người phải chịu đựng bạo hành vào giữa độ tuổi 20. Hầu hết điều này là do bạn tình gây ra: 27% phụ nữ trong độ tuổi 15-49 trong nghiên cứu cho biết bị lạm dụng bởi bạn tình.

Chính phủ Nhật Bản cấm du khách nước ngoài tham dự Olympics mùa hè này vì lo ngại covid-19. Họ cho rằng du khách có thể mang tới những biến thể mới dễ lây lan hơn. Các báo cáo cho thấy hiện khoảng 900.000 vé đã được bán ở bên ngoài Nhật Bản. Chỉ riêng lần hoãn năm ngoái đã khiến chi phí đội lên ít nhất 1,6 nghìn tỷ yên (15 tỷ đô la).

Khoảng 200 người biểu tình – chủ yếu là sinh viên – bị mắc kẹt qua đêm tại một quận của Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, đã trốn thoát được sau khi cảnh sát rời đi. Hiện ít nhất 40 người đã bị bắt vì tham gia đình công trên toàn quốc. Biểu tình trên khắp nước này đã kéo dài kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2; đến nay ít nhất 54 người đã chết. Và quân đội đã cho đóng cửa năm hãng truyền thông vì đưa tin về các cuộc biểu tình.

Cơ quan thực phẩm và dược phẩm Indonesia đã cấp phép dùng khẩn cấp cho vắc-xin covid-19 của AstraZeneca-Oxford. Chỉ mới hôm thứ Hai, quốc gia có 270 triệu người này đã nhận được hơn 1 triệu liều từ COVAX, một sáng kiến ​​chia sẻ vắc-xin toàn cầu. Indonesia bắt đầu tiêm chủng từ tháng 1. Cho đến nay họ đã nhận được khoảng 38 triệu liều của Sinovac Biotech, một công ty dược phẩm Trung Quốc.

TIÊU ĐIỂM

Mỹ thông qua gói kích thích của tổng thống Biden

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống vào năm ngoái, mong muốn hợp tác lưỡng đảng và chủ nghĩa trung dung của Joe Biden đã khiến phe tiến bộ lo lắng. Họ muốn một nhân vật sẵn sàng chiến đấu chứ không phải một kẻ thỏa hiệp. Nhưng hôm nay, Hạ viện đã sẵn sàng thông qua – và ông Biden sẽ ký thành luật – dự luật kích thích khổng lồ của ông. Nó sẽ không tăng lương tối thiểu liên bang lên 15 đô la mỗi giờ hoặc trợ cấp thất nghiệp từ 300 lên 400 đô la một tuần, nhưng hầu hết người Mỹ sẽ nhận được chi phiếu 1.400 đô la.

Dự luật này cũng giải ngân hàng tỷ đô la cho các chính quyền bang và địa phương, các trường học cũng như phát triển và phân phối vắc-xin. Nó cũng mở rộng hỗ trợ gia đình có trẻ em và tăng trợ cấp theo Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Vừa túi tiền, theo đó có thể giúp hàng triệu người nhận được bảo hiểm y tế. Về mặt chính trị, nó cho thấy rằng Biden sẽ không để mong muốn hợp tác lưỡng đảng làm chệch hướng chương trình nghị sự của ông — gói dự luật thông qua hai viện theo đúng lập trường đảng phái. Kỷ nguyên chính phủ lớn, mà Bill Clinton tuyên bố đã chết cách đây 25 năm, dường như đang quay trở lại.

Cựu tổng thống Brazil Lula có khả năng ra tranh cử năm 2022

Một thẩm phán Tòa Tối cao Brazil đã tuyên hủy một loạt cáo buộc tham nhũng chống lại cựu tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, dọn đường cho ông tái tranh cử vào năm 2022. Ông Lula, người thuộc Đảng Công nhân cánh tả, bị cấm tranh cử vào năm 2018, khi sự phẫn nộ của công chúng đối với vụ bê bối tham nhũng Lava Jato (“Car Wash”) đã giúp bầu ra một nhà dân túy cực hữu, Jair Bolsonaro. Vị thẩm phán này phán quyết rằng các vụ kiện đã đệ trình sai thẩm quyền.

Nếu toàn tòa đồng thuận, các vụ kiện có thể được nộp lại từ đầu ở một tòa khác. Tin này sẽ thúc đẩy chia rẽ khi cuộc bầu cử đến gần. Trong một cuộc khảo sát gần đây, 50% người Brazil cho biết họ có thể bỏ phiếu cho ông Lula nhưng 44% nói họ sẽ không bao giờ làm vậy. Trong khi đó, 38% có thể bỏ phiếu cho ông Bolsonaro; và 56% từ chối. Nguy cơ chia phiếu đã làm dấy lên những lời kêu gọi thành lập một “mặt trận rộng lớn” của các đảng đối lập để đưa lên một ứng viên ôn hòa hơn. Song chính các đảng này lại đang chia rẽ về các vấn đề kinh tế và ý thức hệ chính.

Adidas và Reebok sắp chia tay

Adidas và Reebok như đang đường ai nấy đi. Adidas, gã khổng lồ trong lĩnh vực đồ thể thao của Đức, sẽ vạch ra kế hoạch tách khỏi công ty con giày thể thao này khi công bố bản cập nhật chiến lược kinh doanh vào hôm nay. Adidas đầu tư rất nhiều vào các nền tảng trực tuyến kể từ năm 2017, và đã giúp doanh thu của họ chống chọi với đại dịch. Chẳng hạn, họ giờ có thể mang lại cho khách hàng mua sắm từ xa trải nghiệm tốt hơn bằng các công cụ thực tế tăng cường, và tặng các phần thưởng kèm link đến các bài tập thể dục.

Doanh số bán hàng trực tuyến tăng đã giúp lợi nhuận của Adidas tăng 1,1 tỷ euro (1,3 tỷ đô la) từ quý 2 đến quý 3 năm 2020. Song Reebok bị bỏ lại, tiếp tục phong độ phập phù kể từ khi Adidas mua lại họ với giá 3,8 tỷ đô la hồi năm 2006. Reebok vốn được kỳ vọng giúp Adidas đấu với đối thủ lớn của họ, Nike, ở Bắc Mỹ; nhưng kể từ đó thương hiệu ba sọc cốt lõi của Adidas đã đủ lớn mạnh để tự cạnh tranh. Vì vậy, họ có thể sẽ bán Reebok — với giá chỉ 1 tỷ euro.

John Kerry công du châu Âu để bàn về vấn đề khí hậu

Năm năm và ba tháng sau khi thỏa thuận khí hậu Paris được thông qua, John Kerry hôm nay quay lại thành phố này với vai trò mới là đặc phái viên khí hậu của Joe Biden. Trên cương vị ngoại trưởng của Barack Obama, ông Kerry từng đàm phán về thỏa thuận này tại hội nghị thượng đỉnh COP21 của Liên Hợp Quốc. Tại London vào hôm thứ Hai, ông đã gặp Alok Sharma, chủ tịch của COP26 năm nay, sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 11 tại Glasgow.

Ông cũng đã gặp các ủy viên châu Âu tại Brussels hôm qua. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết mục đích chuyến công du của ông Kerry là nhằm “tăng cường tham vọng khí hậu toàn cầu” trước thềm COP26 và cuộc họp các nhà lãnh đạo thế giới do Tổng thống Biden kêu gọi vào đúng Ngày Trái đất 22 tháng 4. Đó là một mục tiêu xứng đáng, vì hầu hết chương trình khí hậu của các nước đều không đạt được mục tiêu của thỏa thuận Paris. Nhưng chuyến đi có lẽ cũng là một nỗ lực phục hồi vị thế lãnh đạo vấn đề khí hậu của Mỹ, vốn bị xói mòn bởi chính quyền Trump và các chính sách thất thường của Mỹ ở trong nước.