Thế giới hôm nay: 26/03/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Ấn Độ, quê hương của hãng sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, đã đình chỉ xuất khẩu vắc-xin covid-19 của AstraZeneca-Đại học Oxford trong tối đa ba tháng. Quyết định này có thể tác động đến nguồn cung toàn cầu: có tới nửa tỷ liều vắc-xin sản xuất bởi Serum Institute là dành cho COVAX, sáng kiến ​​chia sẻ vắc-xin nhằm giúp đỡ các nước thu nhập thấp, trong năm 2021 và 2022. Trong khi đó, Đan Mạch đã đình chỉ loại vắc-xin này thêm ba tuần nữa để điều tra các báo cáo về chứng đông máu nguy hiểm.

Đài Loan nói họ đang sản xuất một tên lửa tầm xa, một động thái công khai hiếm hoi cho thấy nỗ lực phát triển năng lực tấn công quân sự của hòn đảo này. Trung Quốc, nước tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, đã tăng cường hoạt động gần hòn đảo trong những tháng gần đây. Chiu Kuo-cheng, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan, cho biết họ cũng đang phát triển các mẫu tên lửa khác.

Mỹ và Anh áp lệnh trừng phạt lên các tập đoàn do quân đội kiểm soát ở Myanmar, trong bối cảnh quân đội nước này tiếp tục đàn áp biểu tình phản đối đảo chính tháng 2. Cho đến thứ Tư ít nhất 286 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ; với 5 người khác chết trong ngày hôm qua. Động thái phối hợp của Mỹ và Anh là nhằm tiêu hao tài chính của quân đội Myanmar.

Tổng thống Joe Biden cam kết có 200 triệu liều vắc-xin covid-19 vào ngày thứ 100 tại nhiệm của ông vào cuối tháng 4, cao gấp đôi so với mục tiêu do ông đặt ra hồi tháng 12. Mục tiêu lần này vẫn có vẻ khả thi: Mỹ đã tiến hành được 133 triệu mũi tiêm và đang đạt trung bình hơn 2 triệu mũi mỗi ngày. Trong cuộc họp báo chính thức đầu tiên kể từ khi nhậm chức, ông Biden cũng cho biết ông dự kiến ​​tái tranh cử vào năm 2024.

New York sẽ trở thành bang mới nhất của Mỹ hợp pháp hóa cần sa giải trí. Các nhà lập pháp bang đã thống nhất được một thỏa thuận vào thứ Năm; và dự luật có thể thông qua cơ quan lập pháp bang ngay trong tuần tới. Ngành cần sa của New York sẽ thuộc hàng lớn nhất đất nước — trị giá 4,2 tỷ đô la vào năm 2027, theo một ước tính.

Tỷ lệ thất nghiệp hàng tuần ở Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu đại dịch. Tuần qua có 684.000 đơn xin trợ cấp được nộp, giảm so với 781.000 của tuần trước đó. Số người nhận trợ cấp từ chương trình covid-19 liên bang cũng giảm xuống còn 241.745. Các số liệu có thể phản ánh tốc độ sa thải chậm lại vì một số bang đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế kinh doanh.

Lạm phát giá tiêu dùng theo năm của Brazil đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 4 năm: 5,52% trong năm tính đến giữa tháng 3. Con số theo tháng, 0,93%, cũng là mức cao nhất trong sáu năm. Các nhà kinh tế dự đoán lãi suất năm sẽ còn tăng hơn nữa trong những tháng tới, trước khi giảm xuống vào cuối năm.

TIÊU ĐIỂM

Bangladesh kỉ niệm 50 năm lập quốc

Khi Đông Pakistan tuyên bố độc lập vào ngày 26 tháng 3 năm 1971, họ có một dân số  đông, nghèo và không gì khác. Sau cuộc chiến đẫm máu với Tây Pakistan khiến khoảng 500.000 đến 3 triệu người thiệt mạng, quốc gia trẻ tuổi này lại nghèo hơn nữa. Nửa thế kỷ trôi qua và Bangladesh đã vượt lên trước. Hiện nay một người dân trung bình ở Bangladesh giàu hơn nhiều so với một người dân trung bình ở Pakistan nhờ tốc độ tăng trưởng GDP ấn tượng.

Trước đại dịch, con số này là 8% — nhanh hơn cả Ấn Độ và Trung Quốc. Ngành công nghiệp may mặc định hướng xuất khẩu với nhân công chủ yếu phụ nữ là động lực của nền kinh tế, trong khi các tổ chức phi chính phủ nội địa đã giúp cải thiện y tế và giáo dục. Tuy nhiên, các chính trị gia hầu như đều gây cản trở. Kể từ khi lên nắm quyền lần thứ hai cách đây 12 năm, Thủ tướng Sheikh Hasina Wazed đã tìm cách biến Bangladesh thành một quốc gia độc đảng. Tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu được dịp tràn lan. Và thực trạng này rồi cũng sẽ dẫn đến hậu quả xấu. Sẽ thật tiếc nếu bàn tay sắt của Sheikh Hasina làm tiêu tan triển vọng tốt đẹp của Bangladesh.

Vương Nghị thăm Thổ Nhĩ Kỳ

Khi ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kết thúc chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm nay, nhiều người lo ngại việc cải thiện quan hệ Trung-Thổ sẽ gây bất lợi cho người Duy Ngô Nhĩ, một dân tộc Hồi giáo bị chính phủ Trung Quốc đàn áp. Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Thổ Nhĩ Kỳ, với hàng chục nghìn người, từ lâu đã cáo buộc chính phủ Trung Quốc gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải im lặng hoặc dẫn độ họ. Trong những năm gần đây, hàng trăm người đã bị bắt và bị đe dọa trục xuất, theo các nhà hoạt động.

Và Trung Quốc có thể đang dùng đại dịch để gia tăng áp lực. Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt hàng 100 triệu liều vắc-xin covid-19 của Trung Quốc. Song các chuyến hàng đang bị hoãn, làm dấy lên e ngại vắc-xin đang bị sử dụng để gây sức ép, chẳng hạn như việc phê chuẩn hiệp ước dẫn độ đã ký với Trung Quốc 4 năm trước. Ông Vương mới gặp tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào hôm qua. Khi cánh báo chí rời căn phòng, có lẽ thỏa thuận dẫn độ đã được đặt ngay lên bàn đàm phán.

Người Brazil vẫn hoài nghi virus

Các số liệu thống kê rất tệ, còn lời phân bua thì gây phẫn nộ. Hôm thứ Tư, Brazil ghi nhận cái chết thứ 300.000 ở nước này vì covid-19. Số ca nhiễm mới theo ngày của họ cũng cao nhất thế giới. Một phần là vì lý do dịch tễ. P1, một chủng đặc biệt dễ lây lan có thể tái lây nhiễm những người từng mắc covid-19, đã lan khắp đất nước và khiến hệ thống y tế quá tải.

Nhưng vấn đề lớn hơn chính là chính trị. Tổng thống Jair Bolsonaro đã dành thời gian trong đại dịch để ca ngợi các phương pháp chữa trị lạ lùng, chỉ trích lệnh phong tỏa, và tìm cách ngăn công bố dữ liệu. Các thị trưởng và thống đốc chịu trách nhiệm cho các hạn chế ở địa phương theo hệ thống liên bang của Brazil đã làm theo tổng thống, nhanh chóng mạnh tay khi đại dịch bùng phát nhưng cũng nhanh chóng nới lỏng hạn chế. Phải đến tận bây giờ, giữa một làn sóng dịch thứ hai đầy chết chóc, họ mới tái áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt. Song ông Bolsonaro tiếp tục xem thường đại dịch, và thái độ hoài nghi được nhiều người học theo của ông đã khiến người dân phản đối phong tỏa. Giá như có một loại vắc-xin cho tính hoài nghi của ông.

Khối Mercosur 30 năm tuổi

Ba mươi năm trước, tổng thống Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay đã ký Hiệp ước Asunción thành lập Mercosur, một nỗ lực đầy tham vọng nhằm thiết lập một khu vực thương mại tự do và liên minh thuế quan ở Nam Mỹ. Và khi những người kế nhiệm họ gặp nhau vào hôm nay, họ sẽ chẳng có gì đáng ăn mừng ngoài sự tồn tại của chính Mercosur. Thương mại trong khối tăng nhanh vào đầu những năm 1990, đạt đỉnh 25% tổng thương mại của các thành viên vào năm 1997. Giờ đây, con số đó chỉ còn 14%.

Vì đại dịch, bữa tiệc sinh nhật sẽ được tổ chức online. Tổng thống cánh hữu của Brazil, Jair Bolsonaro, và người đồng cấp cánh tả người Argentina, Alberto Fernández, dường như bất đồng trên hầu hết mọi vấn đề. Trong khi đó Uruguay muốn có sự linh hoạt để tiến hành các thỏa thuận thương mại của riêng họ. Một mục tiêu lớn của Mercosur là thỏa thuận thương mại với EU đã thành công vào năm 2019. Nhưng có rất ít khả năng nó được phê chuẩn ở châu Âu trừ khi ông Bolsonaro ngừng khuyến khích phá rừng Amazon.

Voi châu Phi chính thức bị phân loại nguy cấp

Chẳng thích thú gì khi nằm trong “Sách Đỏ” của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Tổ chức này biên soạn danh sách ấy để ghi lại tình trạng của các loài nguy cấp. Những cái tên nổi tiếng nhất trong đó bao gồm gấu trúc lớn và gấu Bắc Cực, cả hai đều được xếp vào loại “dễ bị tổn thương” – cùng với voi châu Phi, tuy nhiên chỉ đến ngày hôm qua. Bản cập nhật mới của Sách Đỏ phản ánh tình hình đang trở nên tồi tệ với những chú voi.

Các bằng chứng di truyền gần đây đã chia loài này thành hai loài riêng biệt: voi xavan và voi rừng. Nhận ra sự khác biệt đó, IUCN đã nâng mức độ đe dọa của chúng lần lượt lên mức “nguy cấp” và “cực kỳ nguy cấp”. Một số quốc gia, chẳng hạn như Congo-Brazzaville và Gabon, đã chứng minh việc quản lý môi trường sống và trừng phạt săn trộm có thể giúp ổn định quần thể voi. Nhưng chiều ngược lại cũng đúng. Đàn voi rừng ở Bờ Biển Ngà đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nếu ngay cả các biểu tượng đa dạng sinh học này cũng không thể thoát hiểm, phần còn lại của Sách Đỏ sẽ phải lo lắng.