Nguồn: Henry Wallace criticizes Truman’s Cold War policies, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1948, Henry Wallace, cựu Phó Tổng thống kiêm ứng viên Tổng thống của Đảng Tiến bộ (Progressive Party), đã lên tiếng chỉ trích các chính sách Chiến tranh Lạnh của Tổng thống Harry S. Truman. Wallace và những người ủng hộ ông nằm trong số ít những người Mỹ tích cực lên tiếng chỉ trích tư tưởng Chiến tranh Lạnh của Mỹ hồi cuối những năm 1940 và thập niên 1950.
Được nhiều người ngưỡng mộ vì trí thông minh và tính chính trực của mình, Henry Wallace đã từng là Phó Tổng thống dưới thời Franklin D. Roosevelt, từ năm 1941 đến năm 1945. Khi Harry S. Truman lên làm Tổng thống sau cái chết của Roosevelt vào tháng 04/1945, Wallace được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại, nhưng ông không hòa hợp được với Truman. Là một người theo chủ nghĩa tự do thực sự, Wallace đã chỉ trích gay gắt điều mà ông cho là hành động rút lui của Truman khỏi chế độ phúc lợi xã hội thời kỳ Chính sách Kinh tế Mới (New Deal).
Wallace cũng băn khoăn về chính sách của Mỹ đối với Liên Xô. Suốt Thế chiến II, ông đã dần ngưỡng mộ người dân Liên Xô vì sự ngoan cường và sẵn sàng hy sinh của họ. Giống như Roosevelt, ông tin rằng Mỹ có thể bắt tay hợp tác với nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin trong thế giới hậu chiến.
Sau cái chết của Roosevelt, chính quyền Truman đã áp dụng một lập trường cứng rắn hơn nhiều đối với người Liên Xô. Tháng 03/1948, Wallace xuất hiện với tư cách nhân chứng trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện (Senate Armed Service Committee) để chỉ trích việc Truman kêu gọi huấn luyện quân sự phổ cập, một chương trình được thiết kế nhằm huấn luyện quân sự cho tất cả nam giới Mỹ trong độ tuổi nhập ngũ.
Bác bỏ những tuyên bố của Truman rằng mối đe dọa cộng sản là một phần trong “cuộc khủng hoảng được cố ý tạo ra,” Wallace tố cáo chương trình huấn luyện quân sự phổ cập là một chương trình sẽ dẫn đến “cái chết cùng gánh nặng tiền thuế cho nhiều người và lợi nhuận rất cao cho một số ít.” Ông yêu cầu Thượng viện và chính phủ hãy nỗ lực tìm ra “chính sách đối ngoại hòa bình.” “Nếu chúng ta buộc phải cạnh tranh với chủ nghĩa cộng sản,” ông tuyên bố, “tốt hơn chúng ta hãy đứng về phía người dân.”
Các lập luận của Wallace chỉ được ủng hộ bởi một nhóm hạn chế ở nước Mỹ thời Chiến tranh Lạnh cuối thập niên 1940. Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1948, ra tranh cử với tư cách là ứng viên của Đảng Tiến bộ, ông chỉ thu được chưa tới 3% số phiếu bầu. Hai năm sau, Wallace rời Đảng Tiến bộ khi đảng này lên án tuyên bố của ông nhằm ủng hộ sự can thiệp của Mỹ và Liên Hiệp Quốc vào Triều Tiên.
Năm 1952, ông viết bài báo, “Tại sao tôi sai” (Why I Was Wrong), trong đó ông tuyên bố rằng lập trường bảo vệ các chính sách của Liên Xô trước đây của mình là sai lầm. Tuy nhiên, những lời chỉ trích của ông đối với các chính sách thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ đã giữ cho tinh thần tranh luận và bất đồng chính kiến trở nên sống động trong bầu không khí ngột ngạt của một đất nước bị bao trùm bởi “Nỗi sợ Cộng sản” (Red Scare). Trên thực tế, nhiều lập luận của ông – đặc biệt là quan điểm rằng chi tiêu quân sự khổng lồ của Mỹ đang làm tê liệt các chương trình phúc lợi xã hội – đã một lần nữa tìm thấy sức sống mới trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam những năm 1960.