Tương lai Afghanistan phụ thuộc vào hợp tác Mỹ – Pakistan

Nguồn:  Anne Patterson, Ali Jehangir Siddiqui, Syed Mohammad Ali, “Afghanistan’s Future Depends on the United State and Pakistan Working Together”, Foreign Policy, 16/03/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải

Theo một thỏa thuận được ký với Taliban hồi tháng 2 năm 2020, Hoa Kỳ đồng ý rút các lực lượng của mình khỏi Afghanistan trước tháng 5 năm nay. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng tuân thủ thỏa thuận hòa bình này, nhưng phải đối mặt với một số thách thức khó khăn do tình trạng bạo lực vẫn ở mức cao và các cuộc đàm phán trong nội bộ Afghanistan đạt được rất ít tiến bộ.

Để việc rút quân của Mỹ khả thi hơn nhưng vẫn không hoàn toàn từ bỏ thỏa thuận Mỹ-Taliban, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đưa ra một kế hoạch hòa bình sửa đổi với công thức chia sẻ quyền lực tạm thời và đề xuất có sự tham gia của các nước chủ chốt trong khu vực. Diễn biến trong những tuần tới sẽ quyết định liệu chính quyền Biden có thể tuân thủ thời hạn rút quân hay không. Tuy nhiên, chúng ta thấy được rõ ràng là sau 20 năm không có chính phủ nào ở Afghanistan có thể thành công nếu không có sự tham gia của Taliban và không có tiến trình hòa bình nào ở Afghanistan có thể đi đến thắng lợi nếu không có sự ủng hộ đầy đủ từ Pakistan.

Pakistan, Ả Rập Xê-út và Hoa Kỳ đều là những quốc gia đã giúp người Afghanistan đẩy lùi Liên Xô ra khỏi đất nước mình và đặt dấu chấm hết cho Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô rút quân vào năm 1989, Afghanistan lại bị chia cắt bởi cuộc nội chiến đẫm máu. Tình hình hỗn loạn đã tạo điều kiện cho al Qaeda phát triển mạnh mẽ và Osama bin Laden, thủ lĩnh của lực lượng phiến quân này, thực hiện chương trình khủng bố toàn cầu của mình. Heroin tràn sang các nước láng giềng, đặc biệt là Iran. Khi Taliban kiểm soát được Kabul vào năm 1996, lực lượng này đã kiềm chế được việc sản xuất ma túy, tuy vậy sự cai trị của họ lại dựa trên việc đàn áp không khoan nhượng, đặc biệt là đối với phụ nữ. Trong lúc xung đột hạ nhiệt, Ấn Độ và Iran tiếp tục tham gia vào những cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Taliban. Khi Hoa Kỳ bị tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001 và thủ lĩnh Taliban là Mullah Omar từ chối bàn giao Bin Laden, và người Mỹ chỉ mất hai tháng để lật đổ Taliban. Mặc dù thế, lực lượng này không dễ bị đánh bại hoàn toàn.

Trong hai thập niên tiếp theo, mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Pakistan đã bị chi phối bởi tình hình Afghanistan, sự thù địch cùng các cáo buộc về việc lừa dối là những rào cản giữa hai nước. Người Mỹ tức giận vì Pakistan không truy quét những nơi ẩn náu của Taliban bên trong lãnh thổ nước mình, đặc biệt là mạng lưới Haqqani khét tiếng, và Hoa Kỳ cho rằng chính những nơi trú ẩn an toàn ở Pakistan đã ngăn cản chiến thắng quân sự của Mỹ ở Afghanistan. Người Mỹ đã mù quáng tin rằng hàng tỷ đô-la trong quỹ hỗ trợ liên minh dành cho quân đội Pakistan sẽ giúp họ có đủ ảnh hưởng để đảm bảo các mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ.

Nhưng sau đó, Hoa Kỳ đã cáo buộc Pakistan không làm đủ để giải quyết vấn đề khủng bố của người Mỹ. Đáp lại, Pakistan coi các cuộc tranh luận diễn ra ở Hoa Kỳ về số lượng binh sĩ, mức độ xung đột và chủ nghĩa bè phái ở Kabul là bằng chứng cho thấy chính sách của Hoa Kỳ rất khó lường trước và có nguy cơ mở rộng chiến trường sang Pakistan. Nếu rốt cuộc Taliban vẫn không bị tiêu diệt thì Pakistan có lý do để can dự với lực lượng này.

Lãnh đạo Pakistan trước sau đều cho rằng việc nước này không thể truy quét hết những nơi trú ẩn của Taliban trên lãnh thổ nước mình không phải là vấn đề của ý chí mà là năng lực. Cùng lúc, quân đội Pakistan phải đối đầu với một Ấn Độ ngày càng thù địch và mối đe dọa nội loạn dai dẳng ở tỉnh Balochistan mà nước này cho là do Ấn Độ giật dây. Hơn nữa, mặc dù Pakistan vẫn giữ được ảnh hưởng đối với Taliban, việc tăng cường dồn ép có thể khiến lực lượng này xích lại gần hơn với các quốc gia khác vốn cũng đã kết giao với họ sau sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ.

Từ quan điểm của Pakistan, Hoa Kỳ đã mắc phải hai sai lầm cơ bản: thứ nhất là không phân biệt giữa al Qaeda và Taliban; và thứ hai là quyết định của Hoa Kỳ ngăn chặn Taliban tham gia vào quá trình thành lập chính phủ sau Hiệp định Bonn năm 2001 nhằm tái thiết các thể chế chính trị sau sự can thiệp quân sự của người Mỹ.

Trong năm vừa qua, Pakistan đóng vai trò chủ chốt đưa Taliban ngồi vào bàn đàm phán. Trước nguy cơ thỏa thuận rút quân đạt được với Hoa Kỳ sụp đổ, Pakistan được cho là sẽ gây áp lực buộc Taliban phải tuân thủ các cam kết của mình. Nhưng thực tế là cứ mỗi một ngày thỏa thuận chính trị còn bị trì hoãn thì ảnh hưởng của Pakistan đối với Taliban cũng sẽ giảm dần.

Tiến trình hòa bình rất mong manh, và quân đội Afghanistan cùng các lực lượng NATO vẫn đang chiến đấu chống lại Taliban. Mặc dù gần đây không có lực lượng nào của Hoa Kỳ bị nhắm đến, nhưng việc các cuộc đàm phán hòa bình bị đổ vỡ có nguy cơ làm gia tăng các cuộc tấn công chống lại người Mỹ, điều này sẽ làm phức tạp thêm quá trình rút quân của Hoa Kỳ. Tình hình bất ổn kéo dài ở Afghanistan sẽ ảnh hưởng xấu đến an ninh nội địa của Pakistan và thúc đẩy một làn sóng người tị nạn Afghanistan khác. Pakistan ước tính có khoảng 2,5 triệu người tị nạn Afghanistan trong lãnh thổ nước mình; một Afghanistan ổn định sẽ giúp những người này có thể lựa chọn trở về quê nhà trong tương lai. Bất ổn tiếp diễn ở Afghanistan sẽ uy hiếp các thị trấn ở vùng biên giới của Pakistan và ngăn chặn bất kỳ triển vọng nào về thương mại song phương.

Trong những năm gần đây, Pakistan đã đạt được nhiều bước tiến trong việc chống lại mối đe dọa khủng bố trong nước cũng như ngăn chặn sự hợp nhất của Taliban ở Afghanistan và ở Pakistan. Quan trọng hơn, cơ quan an ninh của Pakistan cũng tiếp tục nâng cấp quy trình chỉ huy và kiểm soát vũ khí hạt nhân, cải thiện vị trí của nước này trong bảng xếp hạng Chỉ số An ninh Hạt nhân (NTI).

Pakistan có một vai trò chiến lược và kinh tế quan trọng ở châu Á, và Hoa Kỳ tập trung sự chú ý của mình vào Pakistan chỉ vì lý do nêu trên. Nhưng nếu xung đột tiếp diễn ở Afghanistan thì việc đạt được mục tiêu đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bất ổn ở Afghanistan đều không có lợi cho cả Pakistan và Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra giờ đây là bước đi thiết thực nào có thể mang lại hòa bình cho Afghanistan.

Kế hoạch hòa bình của ông Biden đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức các cuộc hòa đàm về tình hình Afghanistan sau khi đối thoại ở Qatar chỉ đạt được những kết quả mờ nhạt. Nga cũng đã công bố kế hoạch tổ chức một hội nghị hòa bình khác vào ngày 18/3. Trong khi các bên tham gia đến từ nhiều khu vực khác nhau đều cố gắng khẳng định vai trò của họ đối với tình hình đang diễn ra ở Afghanistan, ưu tiên hàng đầu vẫn là đạt được một dàn xếp thông qua thương lượng giữa những người Afghanistan. Kế hoạch của ông Biden đề xuất thay thế chính phủ Afghanistan bằng một chính quyền chia sẻ quyền lực lâm thời cho đến khi tổ chức bầu cử theo hiến pháp mới đã không nhận được sự ủng hộ từ tổng thống Afghanistan. Tuy vậy, thực tế là thỏa thuận chia sẻ quyền lực mới phải có sự tham gia của Taliban và một chính phủ chuyển tiếp là phương án tốt để thực hiện điều đó cho đến khi một vòng bầu cử khác được tổ chức. Những cuộc đàm phán của nhà ngoại giao Mỹ Zalmay Khalizad với chính phủ Afghanistan, Taliban và chính phủ Pakistan sẽ cho thấy tầm quan trọng của việc đạt được một dàn xếp chính trị cho giai đoạn chuyển tiếp vô cùng cần thiết này.

Kế hoạch của Biden cũng vạch ra tầm nhìn về một nỗ lực hòa giải quốc tế mở rộng có sự tham gia của các nước khác trong khu vực gồm Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Iran đặt dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc. Điều quan trọng là, chỉ Liên hợp quốc mới có thể thực hiện được “chiến lược ngoại giao khu vực mạnh mẽ”, điều mà ai cũng phải thừa nhận là cần thiết cho một nền hòa bình lâu dài ở Afghanistan mà không quốc gia đơn lẻ nào có thể thực hiện. Đây cũng là thời điểm thích hợp để thiết lập nền tảng, củng cố vai trò của Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc ở Afghanistan bên cạnh các cơ quan khác của Liên hợp quốc, điều rất cần thiết sau khi một thỏa thuận nào đó được kí kết nhằm tạo điều kiện cho sự gắn kết chính trị và duy trì một nền hòa bình bền vững.

Nỗ lực quốc tế nhằm ổn định tình hình Afghanistan cũng đòi hỏi các nhân tố quan trọng khác, bao gồm một kế hoạch phát triển kinh tế cho Afghanistan và Pakistan. Giống như mọi thời kỳ hậu chiến khác, tạo việc làm sẽ là yếu tố cần thiết để thành công. Một số đề xuất đã được đưa ra trong 20 năm qua nhằm gắn kết tốt hơn nền kinh tế của Pakistan và Afghanistan cũng như tạo công ăn việc làm ở cả hai quốc gia. Cần phải xem xét lại cuộc thảo luận về những nhượng bộ thương mại mà Hoa Kỳ dành cho Afghanistan và Pakistan, về các Vùng Cơ hội Tái thiết, nơi sẽ tạo ra việc làm và thu hút đầu tư. Mỹ cũng có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp hồi sinh Hiệp định Quá cảnh Thương mại Afghanistan – Pakistan (APTTA), cùng với các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng đầy hứa hẹn khác ở khu vực biên giới.

Afghanistan cần một kế hoạch an ninh dài hạn, bao gồm việc hỗ trợ vật chất và kỹ thuật cho quân đội và cảnh sát của nước này trong những năm tới, cũng như tăng cường an ninh ở biên giới Pakistan-Afghanistan. Mối lo ngại chiến lược lớn nhất đối với người Mỹ là Afghanistan sẽ một lần nữa chứa chấp al Qaeda hoặc Nhà nước Hồi giáo, những lực lượng có thể thực hiện các cuộc tấn công chống lại Hoa Kỳ và các đồng minh.

Cần có cuộc thảo luận thẳng thắn về một chiến lược chống khủng bố tiếp theo giữa Hoa Kỳ, Pakistan và NATO trong trường hợp có lực lượng khủng bố trỗi dậy ở Afghanistan. Về lâu dài, việc hợp tác chống khủng bố giữa Afghanistan và Pakistan cũng sẽ mang lại lợi ích, nhưng muốn làm như vậy đòi hỏi phải đảm bảo rằng không bên nào cho phép lãnh thổ của mình được sử dụng làm bệ phóng cho các cuộc tấn công xuyên biên giới.

Lợi ích chung giữa Pakistan và Hoa Kỳ là ổn định tình hình Afghanistan, đảm bảo rằng các mạng lưới thánh chiến toàn cầu không thể giành được bước tiến trên toàn bộ khu vực. Bất chấp những giai đoạn hỗn loạn, quan hệ song phương giữa Hoa Kỳ và Pakistan đã có lịch sử lâu đời, trước cả khi cùng hợp tác chống khủng bố. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại Viện nghiên cứu Trung Đông ngày 8 tháng 2, Kenneth McKenzie, chỉ huy của CENTCOM (Bộ Tư lệnh trung tâm Hoa Kỳ), đã thừa nhận Pakistan không chỉ có vai trò quan trọng đối với tương lai của Afghanistan mà còn là “một trong những điểm mấu chốt của thế giới ngày nay”.

Việc Mỹ sắp rút quân khỏi Afghanistan đã không làm giảm giá trị của sự hợp tác song phương giữa Pakistan và Hoa Kỳ. Thay vào đó, mối quan hệ hai nước lại càng được củng cố.

Anne Patterson từng là đại sứ Hoa Kỳ tại El Salvador, Colombia, Pakistan và Ai Cập.

Ali Jehangir Siddiqui là đại sứ lưu động của Pakistan về đầu tư nước ngoài. Trước đây, ông từng là đại sứ của Pakistan tại Hoa Kỳ.

Syed Mohammad Ali là một học giả không thường trú tại Viện nghiên cứu Trung Đông (MEI), ông giảng dạy tại Đại học Georgetown và Đại học Johns Hopkins.