Nguồn: Rifki Dermawan, “Is the Quad’s Revival a Threat to ASEAN?”, The Diplomat, 18/03/2021.
Biên dịch: Nguyễn Thành Long
Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên vào tuần trước (12/03/2021) của nhóm Đối thoại Tứ giác về An ninh – thường được gọi là Bộ tứ (Quad) – cho thấy sự hợp tác ngày càng tăng giữa bốn thành viên: Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. Sau một thời gian mà ý tưởng về Bộ tứ bị trì hoãn, hình ảnh “Bộ tứ 2.0” kiểu mới đang nhanh chóng nổi lên như một phần quan trọng của kiến trúc an ninh toàn cầu mới, đặt ra những câu hỏi cấp thiết về vai trò và vị trí trung tâm trong tương lai của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Bất chấp những nghi ngờ về khả năng hợp tác sâu rộng và được thể chế hóa giữa các nước thuộc Bộ tứ, cuộc họp chỉ ra rằng bốn cường quốc sẵn sàng hợp tác trong các vấn đề cấp bách liên quan đến các mối quan tâm chung, chẳng hạn như việc phân phối vắc-xin COVID-19 và tác động toàn cầu của biến đổi khí hậu, bên cạnh những thách thức về an ninh truyền thống. Theo Tuyên bố chung được đưa ra vào cuối cuộc họp, bốn quốc gia cam kết “sẽ nhân đôi cam kết của mình đối với hợp tác trong khuôn khổ Bộ tứ.”
Trung Quốc có lẽ cũng đã đoán được điều này từ trước. Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã coi Bộ Tứ là một nỗ lực do Mỹ đứng đầu nhằm kiềm chế và chống lại sự trỗi dậy toàn cầu của họ, và sự củng cố của nhóm có thể làm tăng thêm căng thẳng giữa hai siêu cường. Bất chấp sự thay đổi quyền lực ở Mỹ, Tổng thống Joe Biden cho đến nay vẫn cho thấy rằng ông sẽ có cách tiếp cận Trung Quốc tương tự như của người tiền nhiệm Donald Trump. Hơn nữa, sự tham gia của Úc, Nhật Bản và Ấn Độ thông qua Bộ tứ có thể tạo ra một thách thức mới đối với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Cách tiếp cận này, nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và các đối tác chiến lược, đã được vạch ra bởi Biden kể từ năm ngoái làm nền tảng cho chiến lược Trung Quốc của ông.
Tinh thần đa phương được Joe Biden ủng hộ trong chiến dịch tranh cử của ông cũng được thể hiện qua sự quan tâm của ông dành cho Bộ Tứ. Làm việc cùng với các đối tác và đồng minh để giải quyết các vấn đề chung là một đặc điểm khác biệt trong quan điểm chính sách đối ngoại của ông. Ở đây, Biden rõ ràng khác với Trump, người thích can dự trực tiếp với Trung Quốc bằng cách tiến hành một “cuộc chiến thương mại” đơn phương và một cuộc cạnh tranh gay gắt về công nghệ 5G. Ngay cả khi Bộ tứ tái trỗi dậy vào giữa nhiệm kỳ tổng thống của Trump, nó diễn ra trong bối cảnh chính quyền Trump xem thường chủ nghĩa đa phương, tiêu biểu như việc Trump rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế Thế giới và không quan tâm đến các đồng minh lâu năm. Do đó, quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và hiện nay là Bộ tứ chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới dưới thời chính quyền Biden.
Ở Đông Nam Á, một trong những khu vực nơi cạnh tranh Trung – Mỹ là rõ ràng nhất, sự hồi sinh của Bộ tứ chắc chắn đang được theo dõi chặt chẽ. Đông Nam Á đã trở thành đối tượng cạnh tranh chiến lược của cả hai cường quốc. Ví dụ rõ ràng nhất là việc Biển Đông tiếp tục là một điểm nóng, nơi Hải quân Mỹ thường xuyên thách thức yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc đối với tuyến đường biển quan trọng thông qua các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải (FONOP).
Trong lịch sử, Đông Nam Á đã chứng kiến sự can thiệp từ các tác nhân bên ngoài nhiều lần khác nhau. Các cường quốc châu Âu đã thực dân hóa khu vực này trong hàng trăm năm. Cả Mỹ và Liên Xô đều tranh giành khu vực này như một phần của cuộc đối đầu tay đôi trong Chiến tranh Lạnh. Ngay cả hiện nay, Đông Nam Á vẫn thu hút sự quan tâm đáng kể khắp toàn cầu. Nó chiếm vị trí trung tâm trong “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, một khái niệm chiến lược đã trở thành trọng tâm trong các chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia phương Tây, bao gồm Mỹ, Đức, và Pháp.
Trong suốt lịch sử của mình với tư cách là một tổ chức khu vực, ASEAN đã thực hiện các cách tiếp cận khác nhau để ngăn chặn sự can thiệp từ các cường quốc bên ngoài. Giữa lúc Chiến tranh Lạnh giữa Hoa Kỳ và khối cộng sản đang căng thẳng, ASEAN đã tuyên bố một khuôn khổ được gọi là Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN). Văn kiện lịch sử này được ký vào năm 1971 và trở thành kim chỉ nam để các quốc gia thành viên quản lý quan hệ của họ với các cường quốc bên ngoài.
Có khả năng tình hình chiến lược khu vực sẽ trở nên phức tạp hơn và ảnh hưởng đến lập trường của Đông Nam Á như một khu vực trung lập mà ZOPFAN đã hình dung. Ở Biển Đông, vốn là điểm nóng quan trọng nhất khu vực, Mỹ đã tích cực tham gia vào các tranh chấp lãnh thổ này bằng cách trực tiếp thách thức tính hợp pháp của các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Mặt khác, Trung Quốc đã có những hành động mạnh tay trong lĩnh vực an ninh hàng hải của mình, gần đây nhất là việc công bố Luật Hải cảnh.
Mặc dù bốn cường quốc thuộc Bộ tứ không có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong khu vực, họ vẫn quan tâm đến các tranh chấp trên khía cạnh “thúc đẩy một trật tự tự do, cởi mở dựa trên luật lệ, bắt nguồn từ luật pháp quốc tế để thúc đẩy an ninh và thịnh vượng và chống lại các mối đe dọa đối với cả Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cũng như các khu vực khác” – theo lời tuyên bố chung được đưa ra tại cuộc họp tuần trước. Kịch bản này nếu xảy ra chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và khiến các nước thành viên ASEAN phải thận trọng.
Vai trò trung tâm của ASEAN là một khái niệm khác có thể bị thách thức bởi Bộ tứ 2.0. Khái niệm này cho rằng ASEAN có thể đóng vai trò ngoại giao trung tâm ở Đông Nam Á và rộng hơn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), được thành lập năm 1994, là một trong những sáng kiến của ASEAN nhằm nhấn mạnh vai trò trung tâm của mình trong lĩnh vực an ninh bằng cách cung cấp một hình thức đối thoại về các vấn đề chính trị – an ninh cho 26 bên tham gia, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.
Một cuộc đối thoại an ninh khác do Bộ tứ xây dựng và giới hạn trong bốn thành viên có thể đẩy ARF ra khỏi vị trí trung tâm trong trật tự an ninh khu vực. Nỗ lực của ASEAN nhằm đưa các thành viên ARF ngồi chung một bàn để thảo luận về các mối quan tâm an ninh khu vực sẽ không còn dễ dàng nữa khi kiến trúc an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bị chi phối bởi Bộ tứ, với các thành viên là các quốc gia hùng mạnh bên ngoài Đông Nam Á. Điều này có thể làm giảm vai trò diễn đàn đã được ASEAN duy trì trong 27 năm qua trên cơ sở “đối thoại và hợp tác, ra quyết định dựa trên sự đồng thuận, không can thiệp lẫn nhau, tiến triển từ từ với tốc độ phù hợp với mọi thành viên.”
Mặc dù Bộ tứ đã trấn an ASEAN rằng họ sẽ tôn trọng sự thống nhất và vai trò trung tâm của khối trên cơ sở Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà khối ban hành hồi năm 2019, tuyên bố này cần được đánh giá lại thường xuyên vì sự gia tăng căng thẳng Mỹ – Trung có thể làm thay đổi kế hoạch ban đầu của Bộ tứ và biến Đông Nam Á, một lần nữa, trở thành một đấu trường nguy hiểm của cạnh tranh nước lớn.