Tác giả: Hoàn Cầu Thời báo | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Mỹ đang lôi kéo các nước bè bạn ở châu Âu phát động một vòng mới trong chiến dịch trục xuất quan chức ngoại giao Nga và gây sức ép dư luận đối với Nga. Ngoài tình hình [căng thẳng] ở miền đông Ukraine, tin đồn về việc lãnh tụ đối lập Nga Navalny tuyệt thực trong tù gây “nguy hiểm tính mạng” cũng trở thành trọng điểm mới nhất để Mỹ và đồng minh dựa vào đó gây sức ép với Nga.
Điều đáng chú ý là trong gần một tháng qua, Cộng hoà Séc, Ba Lan, Ukraine, Bulgaria cũng đứng vào hàng ngũ các nước trục xuất quan chức ngoại giao Nga, phần lớn là với lý do các quan chức này đã tiến hành các “hoạt động không phù hợp với vai trò của họ”—đây là một lý do trục xuất có tính co giãn rất cao. Hiện nay các nước này thường xuyên hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, đứng vào tuyến đầu chống Nga.
Có những nguyên nhân lịch sử phức tạp khiến cho các quốc gia Trung Âu và Đông Âu ngả theo Mỹ “chống Nga”. Là kẻ ngoài cuộc [nguyên văn: bàng quan], chúng ta [tức Trung Quốc] rất khó bình luận vấn đề này. Điều làm người ta cảm thấy xúc động là: nguyên nhân trực tiếp khiến năm xưa Liên Xô giải thể không phải là do sự chèn ép từ Mỹ, mà là vì sự gay gắt trong cuộc đấu tranh nội bộ Liên Xô. Hồi đó Liên bang Nga là nhân tố chủ yếu thúc đẩy sự tan rã của Liên Xô – Thoả thuận đầu tiên dùng Cộng đồng các Quốc gia Độc lập [SNG, viết tắt từ Sodruzhestvo Nezavisimykh Gosudarstv] thay thế Liên Xô là do 3 nước Cộng hoà Liên bang Xô viết Nga, Ukraine và Belarus ký kết. Nhóm các nhà lãnh đạo Nga phá tan Liên Xô ấy hoàn toàn chẳng ngờ được rằng về sau nước Nga lại chịu cảnh ngộ như thế.
Liên Xô tan rã đem lại sự biến đổi địa-chính trị có tính toàn cầu. Có nhiều cách phán đoán giá trị của sự kiện đó, điều này tuỳ theo từng nước và tuỳ theo sự biến thiên của thời đại. Nhưng Nga là nước thất bại lớn nhất trong sự kiện Liên Xô tan rã. Kết luận này đã trở nên ngày một rõ ràng.
Rất nhiều người Nga từng tin rằng khi đảng Cộng sản bị hạ bệ và Liên Xô tan rã thì Mỹ và phương Tây sẽ ôm chầm lấy Nga, tiếp nhận và tôn trọng người Nga đã chủ động chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Thế nhưng hiện thực lại rất khó khăn. Moskva chẳng nhận được bất cứ lời cảm ơn hoặc đối xử thân thiện nào [từ Mỹ và phương Tây]. Trên thực tế, ngay từ thời điểm Liên Xô tan rã, Mỹ đã dùng thái độ tự cao tự đại đối xử với Nga như là với “quốc gia chiến bại” trong Chiến tranh Lạnh, ra sức chèn ép, tuỳ ý đòi hỏi.
Liên Xô tan rã là tai hoạ địa-chính trị của nước Nga. Nước này là lực lượng nòng cốt của Liên Xô, nếu ủng hộ Nhà nước Nga dùng phương thức cải cách để giải quyết các khó khăn đương thời thì cái giá lớn nhất có thể phải trả đã hoàn toàn khác với cái giá địa chính trị [mà Nga] đã phải trả trong 30 năm sau. Moskva năm ấy đang có phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và có khả năng kiểm soát mạnh mẽ, tới mức có thể chống lại Washington. Nhưng Nga đã nhường [cho Mỹ] tài nguyên địa chính trị đó.
Thái độ khắc nghiệt của Mỹ đối với Nga khiến người ta nhìn thấy sự tàn khốc của cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn, cũng làm thiên hạ nhận rõ các thủ đoạn địa chính trị của Mỹ. Họ trình bày cuộc chiến tranh lạnh Mỹ – Xô thành sự đối kháng về ý thức hệ, ẩn giấu mục đích họ muốn một mình bá chủ thế giới. Hồi ấy có rất nhiều người, kể cả nhiều người Nga, tin vào điều đó, cho rằng sự thay đổi về chính trị có thể cơ bản xoay chuyển mối quan hệ giữa Nga với Mỹ, làm cho Nga có thể hoà nhập với phương Tây, trở thành một thành viên được tôn trọng trong Nhóm G8.
Nhưng nước Nga quá lớn, họ vẫn giữ được kho vũ khí hạt nhân tương đương với Mỹ, lãnh thổ Nga trải rộng bắc qua hai châu Âu-Á, và họ chủ trương đa cực hoá, không thể trở thành một thành viên mới của phương Tây thân thiện [nguyên văn: kề vai áp má] với Washington. Mỹ “thừa thắng truy kích”, thúc đẩy NATO tiến về phía đông, gặm nhấm và chèn ép không gian chiến lược của Nga với tốc độ nhanh nhất, hoàn toàn vứt bỏ lời cam kết miệng năm nào nói rằng sau khi giữ lại nước Đức thống nhất ở trong khối NATO sẽ không kết nạp vào NATO các nước thuộc Hiệp ước Warsaw và các nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ.
Mỹ là quốc gia cực kỳ không đáng tin. Kiểu cạnh tranh nước lớn của họ đã huy động được mọi tài nguyên ý thức hệ của nước Mỹ cũng như của phương Tây, rất giỏi gieo rắc thâm nhập giá trị quan, rất giỏi lừa gạt. Kể từ ngày Liên Xô giải thể tới nay, trên thế giới đã xảy ra những cuộc “Cách mạng màu” được Mỹ ủng hộ, sau đó đa số các quốc gia từng lật đổ chính quyền của mình đều có số phận bi kịch. Nước Mỹ không quan tâm và cũng bất lực trong việc cung cấp viện trợ hiệu quả cho các quốc gia đó.
Trung Quốc mới đây được xác định là “Đối thủ cạnh tranh chiến lược” của Mỹ, chúng ta gặp may ở chỗ đã quan sát thấy hết mọi cuộc “Cách mạng màu” xảy ra trên thế giới trong 30 năm qua, điều đó tương đương như chúng ta được tiêm vắc-xin chính trị, hơn nữa còn được tiêm thêm một liều tăng cường. Người Trung Quốc nhất định phải giữ gìn tốt mọi thành quả thực lực mà nước Trung Quốc mới đã xây dựng được. Chúng ta nhất định phải cảnh giác lâu dài đối với trò lừa bịp thế giới của nước Mỹ – một lần nữa họ lại rêu rao rằng cuộc vật lộn chiến lược Trung – Mỹ là cuộc “cạnh tranh giữa dân chủ với chuyên chế”.
Trung Quốc phải tiếp tục tăng cường sức mạnh của mình, phải làm suy yếu năng lực của nước Mỹ để gây sức ép với Trung Quốc dựa trên “sức mạnh và vị thế ưu việt”. Chúng ta chỉ có thể trở thành bạn bè với Mỹ dưới điều kiện vì không thể ép đổ ta mà họ đành phải chung sống với ta, chứ quyết không được ảo tưởng dùng cách tự thay đổi mình để được nước Mỹ kết bạn. Trung Quốc quá lớn, chúng ta không thể tìm cách thoát ra khỏi gánh nặng tự nhiên sinh ra bởi sự to lớn ấy, và vì lớn nên chúng ta phải càng tự tại, càng phải sống với dũng khí lớn và ưu thế lớn.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ xã luận ngày 19/04/2021 của Hoàn Cầu Thời báo 社评:美率盟国围攻俄罗斯,发人深省.