Vì sao chính sách liên minh của Trung Quốc và Việt Nam khác nhau?

Tác giả: Ngô Di Lân

Bất chấp những nét tương đồng, sẽ là sai lầm nếu cho rằng Trung Quốc và Việt Nam có chính sách liên minh giống nhau.

Chính sách liên minh trong bối cảnh không có Mỹ rõ ràng là một chủ đề còn ít được nghiên cứu. Vì thế, chúng ta nên hoan nghênh bài viết gần đây của Khang Vũ trên tạp chí The Diplomat về sự giống nhau trong chính sách liên minh của Trung Quốc và Việt Nam.

Nói như thế không có nghĩa rằng tôi đồng ý với kết luận của anh ấy. Trong khi Việt Nam và Trung Quốc có định hướng đối ngoại giống nhau do những tương đồng về hệ tư tưởng và văn hóa, sẽ là sai lầm nếu cho rằng họ có chính sách liên minh giống nhau. Trên thực tế, hiếm khi việc so sánh chính sách liên minh của một nước nhỏ với một cường quốc là hợp lý.

Một trong những lập luận  chính của Khang là “Trung Quốc và Việt Nam, những nước cộng sản độc đảng, chỉ liên minh với các nước có cùng lợi ích an ninh quốc gia và các giá trị về hệ tư tưởng”. Điều này có đúng hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc chúng ta định nghĩa thế nào là “đồng minh”, trong khi liên minh có nhiều hình thái khác nhau và chính các nhà nghiên cứu cũng không sử dụng khái niệm này một cách nhất quán.

Bản thân Khang cũng không định nghĩa rõ ràng anh ấy coi đồng minh là thế nào, nhưng đọc kỹ bài viết của Khang sẽ nhận thấy khái niệm đồng minh được dùng theo nghĩa chính thức, tức hàm ý rằng hai nước là đồng minh với nhau chỉ khi mối quan hệ liên minh đó được ràng buộc bởi một hiệp định chính thức. Mặc dù vậy, đây lại là điều rất bất hợp lý vì một số lý do sau.

Trước hết, không phải tất cả mọi “hiệp ước đồng minh” đều có giá trị như nhau. Các nước thường được coi là đồng minh khi ít nhất một thành viên chính thức cam kết trợ giúp về quân sự cho các đối tác của mình, thường bao hàm một lời cam kết rõ ràng về việc bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Hệ quả là các hiệp ước nếu chỉ hứa hẹn một hình thức hợp tác mơ hồ nào đó khi một trong các bên tham gia bị tấn công không thể được xếp ngang hàng với các thoả thuận có điều khoản bảo đảm sự phòng thủ tương hỗ.

Hiệp ước phòng thủ giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên rõ ràng là một liên minh chính thức bởi Điều II của hiệp ước nêu rõ các bên ký kết sẽ lập tức cung cấp sự trợ giúp về quân sự cho bên bị tấn công. Trong khi đó, ngôn ngữ trong Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác của Việt Nam với Lào lại linh hoạt hơn nhiều và để ngỏ cho nhiều cách diễn giải. Hơn nữa, nó không bao gồm điều khoản nào về sự bảo đảm an ninh song phương hoặc đơn phương. 

“Liên minh thực sự” duy nhất mà Việt Nam từng có là với Liên Xô năm 1978. Điều 6 của Hiệp ước liên minh Việt –Xô quy định rõ ràng cả hai bên sẽ “ngay lập tức trao đổi với nhau” và tiến hành “các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ hòa bình và an ninh của hai nước” khi bất kỳ bên nào có nguy cơ bị tấn công quân sự. Do đó, việc Khang dùng Hiệp ước Việt – Lào để trợ giúp lập luận của mình rằng Trung Quốc và Việt Nam có chính sách liên minh giống nhau là thiếu thuyết phục.

Thứ hai, chúng ta biết rằng không phải tất cả các liên minh đều cần một hiệp ước chính thức để được coi là nghiêm túc. Mỹ chẳng cần một hiệp ước quốc phòng chính thức nào với cả Israel lẫn Đài Loan để chống lại sự xâm lăng đối với hai nước này. Vì cả lý do đối nội lẫn lý do chiến lược, một nước có thể chủ ý chọn cách theo đuổi một hình thức liên minh không chính thức chứ không phải là liên minh chính thức. Vì thế, chính sách liên minh không nên chỉ giới hạn xoay quanh các liên minh chính thức.

Nếu đúng như vậy, người ta có thể lập luận rằng Trung Quốc và Mỹ đã có liên minh không chính thức hồi đầu những năm 1970 sau khi Nixon bắt tay với Trung Quốc. Điều này mâu thuẫn với luận điểm của Khang rằng các nước cộng sản độc đảng như Trung Quốc và Việt Nam chỉ liên minh với các nước có chung cả lợi ích an ninh lẫn các giá trị hệ tư tưởng.

Có thể hiểu được nếu có người đọc xong phân tích của Khang lại lầm tưởng rằng Việt Nam mạnh ngang ngửa Trung Quốc. Sự thật là Trung Quốc từ trước đến giờ luôn là một cường quốc, trong khi Việt Nam tại thời điểm này cùng lắm cũng chỉ là một quốc gia tầm trung ở Đông Nam Á. Sự khác biệt là quá lớn: Các cường quốc bảo đảm an ninh cho các nước bé hơn để đổi lại ảnh hưởng và những đặc quyền khác, trong khi các nước nhỏ lại tìm kiếm sự bảo đảm an ninh bằng cách đánh đổi một phần tự chủ trong chính sách của mình.

Khi Việt Nam bước vào một liên minh thì lý do thường là để bảo vệ mình trước các mối đe doạ an ninh tức thời hoặc để phòng bị những nguy cơ trong tương lai. Trong khi đó, Trung Quốc lại sử dụng liên minh như công cụ để gây ảnh hưởng tới chính sách của đối tác yếu hơn (như trường hợp Bắc Triều Tiên) hoặc để làm suy yếu đối thủ cạnh tranh chiến lược. Như vậy, ngay cả khi nếu Trung Quốc và Việt Nam có cùng số hiệp ước phòng thủ với cùng các điều khoản y hệt nhau, thì vẫn là bởi các lý do khác nhau, và điều đó hàm ý rằng hai nước có những chính sách liên minh rất khác nhau.

Cuối cùng, anh Khang chỉ ra chính sách không liên kết như bằng chứng cho thấy Việt Nam và Trung Quốc theo đuổi các chính sách liên minh giống nhau. Thoạt qua điều này dường như có lý, song nếu xem xét kỹ sẽ thấy kém thuyết phục. Mấu chốt ở đây là tuy cả hai nước về cơ bản theo đuổi đường lối không liên kết nhưng vì các lý do không thể khác biệt hơn. 

Là một trong các siêu cường hàng đầu thế giới, Trung Quốc tránh liên minh quân sự bởi họ có thể tự bảo đảm an ninh cho mình được. Ngay cả nếu muốn thì Bắc Kinh cũng không thể tạo dựng được một mạng lưới an ninh như Mỹ đang có vì hiện không nhiều nước đối mặt với nguy cơ an ninh đủ nghiêm trọng để phải liên minh với Trung Quốc. Và thậm chí nếu những nước nhỏ này có theo đuổi một sự bảo đảm an ninh cho mình thì nhiều khả năng họ sẽ nhìn sang Mỹ chứ không phải là Trung Quốc bởi quân đội Trung Quốc hiện chưa có tầm với ở quy mô toàn cầu như Mỹ đang có.

Mặt khác, Hà Nội có sự nghi ngại đối với liên minh quân sự bởi kinh nghiệm lịch sử đã dạy các nhà lãnh đạo Việt Nam rằng một liên minh có thể làm tồi tệ hơn tình hình an ninh vốn đang xấu đi thay vì giúp đối phó với các nguy cơ tiềm tàng. Rốt cuộc thì một cuộc chiến tranh đã nổ ra năm 1979 ngay sau khi Việt Nam và Liên Xô ký một hiệp ước liên minh. Hơn nữa, như Trung Quốc đã thể hiện trong Chiến tranh Việt Nam, các cường quốc đồng minh sẵn sàng bán rẻ các đối tác nhỏ hơn khi tình hình chiến lược thay đổi. Vì thế, để đảm bảo lợi ích của chính mình, các nước nhỏ cần duy trì một chính sách đối ngoại độc lập chừng nào còn có thể. Nói như thế không có nghĩa là Việt Nam sẽ mãi mãi từ chối các liên minh quân sự. Như tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn sau khi công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2019, “Chính sách Ba không” của Việt Nam là chính sách thời bình, ám chỉ rằng Việt Nam có thể thay đổi chính sách liên minh nếu bối cảnh chiến lược trong tương lai có những thay đổi đáng kể.

Vì tất cả những lý do này, bất luận chúng ta định nghĩa liên minh quốc phòng thế nào, chừng nào sức mạnh quốc gia của Việt Nam còn chưa đuổi kịp Trung Quốc, Trung Quốc và Việt Nam sẽ tiếp tục có các chính sách liên minh khác nhau một cách đáng kể.

Một bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên The Diplomat.

<\/div>","ppAdditionalControls":"