Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Cơ quan quản lý dược phẩm Mỹ đã phê duyệt một loại thuốc làm chậm bệnh Alzheimer. Đó là Aducanumab của Biogen, một công ty công nghệ sinh học, và là phương pháp điều trị mới đầu tiên cho căn bệnh này trong gần hai thập niên qua. Thật ra nó không suôn sẻ lắm: hai cuộc thử nghiệm đã phải khép lại vào năm 2019 vì họ nhận thấy kết quả không tốt. Nhưng sau đó Biogen cho biết liều cao hơn trong thời gian dài hơn có vẻ hiệu quả.
Cuộc bầu cử tổng thống Peru vẫn chưa ngã ngũ. Ứng viên cánh hữu Keiko Fujimori đang dẫn sít sao trước Pedro Castillo, một ứng viên cánh tả mới tham gia chính trị. Nhưng ông Castillo có triển vọng tốt hơn khi kết quả được công bố ở các vùng nông thôn mà ông được ủng hộ nhiều. Cuộc bỏ phiếu dự kiến sẽ hồi hộp đến phút chót.
Kết quả ban đầu từ cuộc bầu cử giữa kỳ của Mexico cho thấy đảng của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador tiếp tục nắm Quốc hội. Tuy nhiên, thế đa số của phe dân túy cánh tả có vẻ sẽ yếu đi, phản ánh thái độ bất bình với các chính sách về kinh tế và về các loại tội phạm nghiêm trọng của ông. Chiến dịch tranh cử trong cuộc bầu cử lớn nhất từ trước đến nay của Mexico đã chìm trong bạo lực, với ít nhất 89 chính trị gia thiệt mạng chỉ trong 200 ngày.
Jeff Bezos, người sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon, và anh trai của ông sẽ là một trong những dân thường đầu tiên bay vào vũ trụ. Họ sẽ lên chuyến bay du lịch không gian đầu tiên của Blue Origin, công ty vũ trụ của ông Bezos, ra mắt vào cuối tháng này. Nếu mọi việc theo đúng kế hoạch, ông coi như dẫn trước hai tỷ phú đối thủ kinh doanh của ông, Elon Musk và Richard Branson.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã rút nước ông khỏi hiệp ước Bầu trời Mở. Thỏa thuận quốc tế này cho phép các nước tiến hành các chuyến bay giám sát phi vũ trang trên lãnh thổ của những nước thành viên. Mỹ rút từ năm ngoái trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump. Tháng trước, chính quyền Biden cũng cho biết sẽ không quay lại.
Google đồng ý trả cho nhà chức trách Pháp khoản tiền phạt 220 triệu euro (268 triệu đô la) để giải quyết một vụ kiện chống độc quyền chống lại họ. Cơ quan cạnh tranh của Pháp đã cáo buộc gã khổng lồ công nghệ Mỹ hướng lưu lượng truy cập một cách không công bằng đến các nhà quảng cáo và bộ phận đấu giá trực tuyến của chính họ, từ đó gây hại cho các đối thủ cạnh tranh. Các vụ kiện chống độc quyền của Pháp đối với Apple và Facebook cũng đang chờ xử lý.
Đại tá Assimi Goita, người đứng đầu chính quyền quân đội lên nắm quyền ở Mali hai tuần trước, đã tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời. Đây cuộc đảo chính thứ hai của Mali trong chín tháng qua. Nhưng lần này quân đội phế truất luôn các lãnh đạo chuyển tiếp của chính họ. Ông Goita đã hứa sẽ tổ chức bầu cử, dự kiến vào tháng 2 tới.
TIÊU ĐIỂM
Niềm hy vọng mới từ thuốc trị Alzheimer của Biogen
Việc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt có điều kiện cho thuốc Aducanumab của Biogen giúp mang lại hy vọng cho hàng triệu người mắc bệnh Alzheimer và hàng triệu người khác đang chăm sóc các bệnh nhân của căn bệnh này. Alzheimer chiếm tới khoảng 60-80% các trường hợp sa sút trí tuệ, ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người trên toàn cầu và đang lan nhanh — vì nguy cơ sa sút trí tuệ tăng lên theo tuổi tác trong bối cảnh thế giới ngày càng già đi.
Nhưng quyết định của FDA đang gây tranh cãi. Bản thân Biogen đã từng cho dừng thử nghiệm loại thuốc này vì không hiệu quả vào năm 2019, trước khi xem xét lại dữ liệu và thay đổi quyết định. Và vào tháng 11 năm ngoái, 10 trên 11 thành viên ban chuyên gia cố vấn của FDA đã bỏ phiếu phản đối phê duyệt. Biogen đã phải tiến hành một đợt thử nghiệm mới để chứng minh Aducanumab thực sự làm chậm quá trình suy giảm nhận thức, cũng như làm sạch protein beta-amyloid vốn được cho là nguyên nhân gây ra chứng bệnh này. Dù sao thì quyết định phê duyệt cũng gửi một tin mừng đến ngành công nghiệp dược phẩm rằng việc đầu tư vào nghiên cứu chứng mất trí nhớ không hoàn toàn là ngõ cụt.
Giám đốc Colonial Pipeline điều trần trước quốc hội
Hôm nay Joseph Blount, CEO của Colonial Pipeline, sẽ ra điều trần trước Thượng viện. Hồi tháng trước giá xăng dầu tăng vọt và gây ra tình trạng xếp hàng dài ở các trạm xăng trên khắp nước Mỹ. Nguyên nhân là DarkSide, một nhóm tội phạm mạng Nga, đã tấn công hệ thống IT của Colonial Pipeline, làm nghẽn gần một nửa nguồn cung nhiên liệu cho bờ đông nước Mỹ. Công ty đã phải trả một khoản tiền chuộc bằng bitcoin trị giá 4,4 triệu đô la để khôi phục hệ thống của mình. Không có gì ngạc nhiên khi các nhà lập pháp lo ngại tội phạm đang dễ dàng đạt được điều chúng muốn.
Các ngành công nghiệp quan trọng khác cũng đã bị nhắm mục tiêu. Hai tuần sau khi Colonial trở lại, REvil, một nhóm khác cũng đến từ Nga, đã tấn công ransomware vào JBS Foods, nhà chế biến thịt lớn nhất thế giới. Các nhà lập pháp không muốn cứ mỗi lần có tấn công mạng là các công ty lại chìa tiền ra. Song chính phủ bị hạn chế quyền lực trong vấn đề an ninh mạng của các công ty tư nhân. Các tin tặc biết quá rõ điều này.
Phiên tòa xử kháng án của Ratko Mladic
Hôm nay các thẩm phán ở The Hague sẽ quyết định số phận của Ratko Mladic, người đang kháng án bản án chung thân năm 2017 của ông về một số tội danh, bao gồm cả tội diệt chủng. Cựu chỉ huy của quân đội Bosnia-Serbia đã bị tòa án Liên Hợp Quốc kết tội vì vụ thảm sát Srebrenica năm 1995, trong đó thuộc cấp của ông đã tàn sát 8.000 người Hồi giáo Bosnia. Nhóm của ông muốn được tha bổng, nhưng bên công tố muốn chứng minh ông Mladic phải chịu trách nhiệm về các tội ác diệt chủng khác ở Bosnia.
Hơn 25 năm sau khi chiến tranh kết thúc, giờ đây đang tồn tại hai Mladic: ông ta và một câu chuyện huyền thoại. Nhiều người Serbia coi ông như một người bảo vệ thánh thiện của dân tộc. Còn những người từng đánh nhau với ông coi ông như hiện thân của cái ác. Sự đối nghịch này rất độc hại. Những tranh cãi về di sản của ông tiếp tục làm vẩn đục chính trị ở Bosnia, Montenegro và Serbia – những quốc gia khao khát gia nhập EU và tiến lên mà không có đồng thuận về lịch sử của mình.
Các thành viên WTO thảo luận về việc tạm hoãn quyền sở hữu trí tuệ vắc-xin
Cách đây hơn một tháng, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã khiến cả thế giới phải sửng sốt khi ủng hộ tạm thời đình chỉ các quy tắc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà sản xuất vắc-xin. Nhưng hóa ra việc đó cũng dễ. Phần khó hơn là thuyết phục tất cả 164 thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Hôm nay, các thành viên của ủy ban về Các Khía cạnh Liên quan đến Thương mại của Quyền Sở hữu Trí tuệ của WTO sẽ nhóm họp để xem có nên khởi động đàm phán về một văn bản cụ thể. 63 nước đề xuất, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc, đã sẵn sàng. Nhưng những người phản đối, bao gồm Anh và EU, thì không.
Vào ngày 4 tháng 6, EU đã đệ trình đề xuất riêng của họ, giúp các nước tận dụng các ngoại lệ hiện có về mặt quy tắc để thúc đẩy sản xuất vắc-xin. Điều này có thể nhanh hơn so với lệnh tạm hoãn, vốn mất khá nhiều thời gian để soạn thảo chi tiết. Ngay cả khi đó, các chính phủ vẫn phải cập nhật luật trong nước nếu muốn quy định mới có hiệu lực thực tế.
Đình chỉ bảo hộ bằng sáng chế vắc-xin Covid-19: Hiểu thế nào cho đúng?