Thế giới hôm nay: 12/11/2019

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nigel Farage, lãnh đạo Đảng Brexit của Anh, cho biết đảng này sẽ không cạnh tranh giành 317 ghế Đảng Bảo thủ đang nắm giữ trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Ông Farage nói ông sẽ trao cho thủ tướng Boris Johnson “một nửa cơ hội” trong cuộc bầu cử để giúp ngăn chặn một cuộc trưng cầu dân ý khác về Brexit.

Cảnh sát Hồng Kông bắn đạn thật vào người biểu tình. Một người đàn ông được báo cáo đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện sau khi bị bắn vào phần thân trên ở cự ly gần. Vụ việc đã được phát trực tiếp trên Facebook. Căng thẳng ở lãnh thổ này leo thang nghiêm trọng kể từ thứ Sáu, sau khi một sinh viên thiệt mạng do các chấn thương vì ngã từ bãi đậu xe trong một cuộc biểu tình.

Đảng Nhân dân Ấn Độ cầm quyền quyết định không thành lập chính phủ ở bang miền tây Maharashtra. Đảng này đã về nhất trong các cuộc bầu cử vùng vào tháng trước và dự kiến sẽ tiếp tục nắm quyền với sự giúp đỡ của đảng Shiv Sena (tạm dịch: Đoàn quân của Shivaji), một đồng minh theo chủ nghĩa dân tộc Hindu. Nhưng đấu đá nội bộ giữa hai đảng đang khuyến khích các phe đối lập cố gắng xây dựng một liên minh.

Sự kiện mua sắm lớn nhất thế giới đã xô đổ các kỷ lục khi bước vào năm thứ 11. Năm nay, Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc, đã thu về hơn 31 tỷ đô la doanh thu trong “Ngày Độc thân”, tức ngày 11/11 – bốn chữ số một biểu trưng cho bốn người độc thân.

Anh đã tránh được suy thoái. GDP tăng 0,3% trong quý 3, so với giảm 0,2% trong quý 2 (kinh tế được xem là suy thoái khi có nhiều quý suy thoái liên tiếp). So với cùng kỳ năm trước, GDP chỉ tăng 1%. Sự bất định của Brexit và giảm tốc kinh tế toàn cầu tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế.

Cơ quan quản lý chứng khoán Hồng Kông đã phạt UBS 400 triệu đô la Hồng Kông (51 triệu đô la) vì đã tính vượt phí đối với 5.000 khách hàng trong giai đoạn 2008-2017, chủ yếu bằng cách tăng chênh lệch sau khi giao dịch được thực hiện. Đây là khoản phạt lớn nhất từng được ban hành bởi Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng  tương lai. Ngân hàng Thụy Sĩ cũng đã đồng ý bồi thường 200 triệu đô la Hồng Kông cho các khách hàng bị ảnh hưởng.

Một chấm mờ xuất hiện trên Mặt trời trong vài giờ, có thể được quan sát nếu có thiết bị phù hợp, khi Sao Thủy đi qua giữa Trái đất và Mặt trời. Quá trình “Quá cảnh” của Sao Thủy là rất hiếm, vì quỹ đạo xoay quanh mặt trời của hành tinh này nghiêng một góc so với Trái đất. Lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1631, hiện tượng trên sẽ lại diễn ra vào năm 2032.

TIÊU ĐIỂM

Tình hình khó khăn của Nissan

Các nhà sản xuất ô tô gặp khó khăn sẽ công bố kết quả nửa năm của mình hôm nay. Nissan trước đó đã công bố một số liệu quý ảm đạm vào tháng Bảy, với lợi nhuận hoạt động giảm 99%. Cổ phiếu của họ đã giảm hơn 30% kể từ khi chủ tịch cũ Carlos Ghosn bị bắt giữ vào tháng 11 năm ngoái. Các cổ đông đang đẩy mạnh việc loại bỏ các giám đốc – và đã đạt một số thành công. Hiroto Saikawa đã bị buộc thôi chức giám đốc điều hành vào tháng Chín. Hiroshi Karube, giám đốc tài chính, và các giám đốc điều hành cấp cao khác cũng đang chuẩn bị nối bước.

Các nhà đầu tư hy vọng công ty đã đến ngưỡng không thể giảm được nữa, nhưng họ sẽ phải đối mặt với chặng đường trở lại vinh quang đầy khó khăn. Doanh số toàn cầu vẫn đang giảm, đặc biệt là ở Mỹ. Cuộc hôn nhân sóng gió của họ với Renault, công ty sở hữu 43% cổ phần của Nissan, vẫn chưa được giải quyết. Các giám đốc điều hành của Nissan đã từ chối sáp nhập hoàn toàn với hãng ô tô Pháp và gần đây cũng từ chối luôn kế hoạch ràng buộc với Fiat Chrysler. Điều tốt nhất mà các nhà quản lý mới có thể làm bây giờ là ngăn chặn suy thoái hơn nữa.

Disney+ ra mắt người dùng

Disney +, một dịch vụ phát video trực tuyến ra mắt hôm nay tại Mỹ, Canada và Hà Lan, không hề tầm thường. Với 6,99 đô la một tháng, người đăng ký sẽ có quyền truy cập vào nội dung không chỉ từ Disney, mà còn từ Pixar, Marvel và Star Wars, bên cạnh các tập phim “The Simpsons”. Một số người lo ngại cung cấp nhiều với giá thấp như vậy là ngớ ngẩn. Netflix, công ty dẫn đầu thị trường, tính phí gần gấp đôi. Disney ước tính sẽ cần thu hút được 60-90 triệu thuê bao vào năm 2024 để hòa vốn.

Song hãng này đã đến trễ trong cuộc chơi video trực tuyến và cần tìm cách làm nổi bật mình trong một thị trường đông đúc. Netflix có 158 triệu người đăng ký trên toàn thế giới; và Amazon Prime có 105 triệu. Đầu tháng này, Apple cũng bước vào cuộc chơi với dịch vụ riêng của mình. Các nhà đầu tư dường như cho rằng Disney có cơ hội thành công mạnh mẽ. Tuy nhiên lại có một vấn đề khác: Disney trước đây thu lợi nhuận lớn từ việc cấp phép các chương trình Disney cho các công ty giờ đây trở thành đối thủ cạnh tranh, và do đó một số nội dung sẽ chỉ có sẵn trên Disney+ sau khi các hợp đồng đó hết hạn. Chắc chắn không phải tin tốt cho Disney.

Số liệu tội phạm do thù hận ở Mỹ

Một báo cáo của FBI được công bố hôm nay sẽ cho biết liệu số lượng tội phạm do thù hận được tiết lộ hàng năm bởi các cơ quan thực thi pháp luật có lại tăng hay không. Từ năm 2014 đến 2017, các báo cáo về tội phạm do thù hận đã tăng gần 31%, từ 5.479 lên 7.175. Có một số giải thích khả dĩ. Những người chỉ trích Tổng thống Donald Trump cho rằng giọng điệu bài ngoại của ông kích động bạo lực. Chẳng hạn, tay súng giết chết 22 người ở El Paso vào tháng 8 đã viết rằng cuộc tấn công của anh ta là một phản ứng trước “cuộc xâm lược của người gốc Tây Ban Nha” ở Texas.

Một giải thích khác là hiện tại cả nạn nhân và điều tra viên sẵn sàng báo cáo tội phạm thù hận hơn trước. Đó sẽ là tin tốt; loại tội phạm này trước đây có xu hướng ít được báo cáo. Một nghiên cứu khác của Cục Thống kê Tư pháp đặt con số trung bình hàng năm của các vụ việc như vậy từ năm 2013 đến 2017 là gần 205.000. Trước đây thì sau các cuộc tấn công, nhiều tổng thống sẽ thể hiện giọng điệu hòa giải. Tuy nhiên giờ đây điều này xem chừng khó xảy ra.

Hỗn loạn ở Bolivia sau khi Morales từ chức

Bolivia đang khuyết lãnh đạo sau khi Evo Morales từ chức tổng thống vào ngày 10 tháng 11. Việc ông từ chức theo sau một báo cáo xác nhận có gian lận phiếu bầu trong cuộc bầu cử tháng trước. Cảnh sát đã tham gia biểu tình chống chính phủ; các chính trị gia từ đảng của ông Morales cũng bắt đầu từ chức; đến cả tổng chỉ huy quân đội cũng kêu gọi ông Morales làm như vậy. Những người mà theo hiến pháp có thể tiếp quản vị trí tổng thống – gồm phó tổng thống và các chủ tịch lưỡng viện – đều đã từ chức.

Quốc hội dự kiến ​​họp hôm nay để chọn các nhà lãnh đạo chính phủ lâm thời cho đến khi một cuộc bầu cử mới được tổ chức, song họ có thể không đạt được số phiếu cần thiết, vì hai phần ba các nhà lập pháp đến từ đảng của ông Morales. Trước tình trạng cướp bóc và bạo lực, Carlos Mesa, ứng viên đối lập hàng đầu, hối thúc cảnh sát và quân đội vãn hồi trật tự đồng thời kêu gọi một giải pháp hợp hiến. Luis Fernando Camacho, nhà lãnh đạo của các cuộc biểu  tình chống lại gian lận bầu cử, đã kêu gọi tất cả các nhà chức trách từ chức và nhượng lại quyền lực cho một “ủy ban hành chính quá độ” tập hợp từ xã hội. Nhiều bất ổn đang chờ ở phía trước.

Mối quan hệ kì lạ: Brazil và Châu Phi

Hôm nay, diễn đàn Brazil-Châu Phi khởi động ở São Paulo. Châu Phi từng là một phần quan trọng trong tham vọng địa chính trị của Brazil. Từ năm 2003 đến 2010 Luiz Inácio Lula da Silva, khi đó là tổng thống, đã đến thăm gần 30 quốc gia châu Phi và tăng gấp đôi hiện diện ngoại giao của Brazil trên lục địa. Chính phủ của ông đã nói về đoàn kết văn hóa (nhiều người Brazil, có lẽ là đa số, có tổ tiên từ châu Phi) và ủng hộ mô hình phát triển giữa các nước đang phát triển phương Nam.

Các doanh nhân đã vào cuộc. Từ năm 2000 đến 2013, thương mại giữa Brazil với Châu Phi đã tăng hơn sáu lần lên gần 30 tỷ đô la. Nhưng mối quan hệ đã nguội lạnh. Người kế vị của ông Lula, bà Dilma Rousseff, giảm đáng kể sự can dự ở châu Phi. Dưới thời chính phủ cánh hữu của Tổng thống Jair Bolsonaro, mối quan hệ lại còn mờ nhạt hơn nữa. Các doanh nghiệp Brazil có thể muốn thắp lại ngọn lửa quan hệ, song nhiều người châu Phi sẽ cảm thấy khó khăn trong việc bỏ qua các bình luận trước đây của phó tổng thống Brazil, gọi một số quốc gia châu Phi là “cặn bã ti tiện”.