Tại sao Việt Nam phê duyệt vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc?

Tác giả: Thanh Phương p/v Lê Hồng Hiệp

Việt Nam hiện đang phải đối phó với đợt dịch Covid thứ tư dữ dội hơn những đợt dịch trước. Đợt dịch lần này gây lo ngại cho chính quyền lẫn người dân, nhất là vì chiến dịch chích ngừa Covid-19 ở Việt Nam còn quá chậm, với chỉ hơn khoảng hơn 1 triệu người được tiêm chủng, tính đến ngày 07/06, tức là mới khoảng 1,3% tổng dân số gần 100 triệu người, mức thấp nhất Đông Nam Á, thua xa Cam Bốt (16%).

Chính phủ Việt Nam nay đề ra mục tiêu chích ngừa cho 75% dân số, để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng. Trong nỗ lực đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, Việt Nam đang ráo riết tìm mua vac-xin, chứ không thể chỉ trông chờ vào cơ chế COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới WHO viện trợ thuốc tiêm ngừa cho các nước nghèo.

Trong khuôn khổ chính sách gọi là “đa dạng hóa”  nguồn cung ứng, ngày 04/06/2021, chính phủ Hà Nội đã phê duyệt khẩn cấp “có điều kiện” vac-xin Covid-19 đầu tiên của Trung Quốc, “cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch Covid-19”. Đây là một quyết định gây nhiều chú ý, bởi vì cho tới nay Việt Nam là một trong số ít nước trong khối ASEAN vẫn không nhờ đến thuốc tiêm ngừa mà Bắc Kinh sẵn sàng ban phát hoặc bán với giá đặc biệt.

Vac-xin của hãng Sinopharm là vac-xin thứ 3 được phê duyệt khẩn cấp ở Việt Nam, sau AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và Spoutnik V (Nga). Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc cách đây vài ngày cũng đã đề nghị Bộ Y Tế phê duyệt vac-xin Covid-19 của Pfizer/BioNTech. Trả lời báo chí Việt Nam ngày 08/06, ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Quản lý Dược, Bộ Y Tế còn cho biết Cục đang làm việc để hội đồng tư vấn xem xét, đề xuất phê duyệt đối với vac-xin của các hãng như Moderna, Johnson & Johnson….

Ngày 03/06/2021, bộ Y Tế đã cung cấp thông tin chi tiết về hơn 120 triệu liều vac-xin phòng Covid-19 trên nguyên tắc sẽ có tại Việt Nam trong năm 2021. Cụ thể, ngoài vac-xin AstraZeneca, trong năm nay Việt Nam đã đàm phán để có thêm vac-xin của Moderna (5 triệu liều), của Pfizer (31 triệu liều) và Sputnik V của Nga (20 triệu liều)…

Trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 10/06, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng cho biết đến nay Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 2,6 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 từ cơ chế COVAX  và “cũng nhận được các cam kết viện trợ, cung ứng từ một số quốc gia, tổ chức quốc tế và các nhà sản xuất”.

Nay trong số các quốc gia đó có cả Trung Quốc. Như vậy là sau một thời gian do dự, tình thế cấp bách khiến Việt Nam không thể từ chối thuốc tiêm ngừa từ nước láng giềng-đối thủ phương Bắc.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 11/06/2021, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, giải thích:

“Theo tôi, có ba lý do căn bản. Thứ nhất, trước đây Việt Nam không sớm phê duyệt các vac-xin Trung Quốc nói chung và vac-xin Sinopharm nói riêng là do các loại thuốc tiêm ngừa này chưa chứng minh đầy đủ mức độ an toàn và hiệu quả. Nguyên tắc là các vac-xin phải có một mức độ an toàn và hiệu quả nhất định, thì các nhà quản lý ở Việt Nam mới có cơ sở để phê duyệt cho sử dụng. 

Theo tôi hiểu thì trong thời gian qua đã có những dữ liệu đầy đủ hơn và minh bạch hơn để chứng minh mức độ an toàn và hiệu quả của các loại vac-xin này. Trên cơ sở đó, cũng như với việc hãng Sinopharm nộp hồ sơ xin phê duyệt, các nhà quản lý của Việt Nam đã có thể phê duyệt. Vac-xin này chỉ mới được phê duyệt để sử dụng trong những tình huống khẩn cấp và cũng có những điều kiện đi kèm. Tuy nhiên, theo tôi đây cũng là một bước tiến trong việc chấp nhận vac-xin Trung Quốc nói chung và vac-xin Sinopharm nói riêng.

Lý do thứ hai đó là do làn sóng dịch thứ tư, bắt đầu thứ cuối tháng 4, đã lan ra đến 39 tỉnh, thành phố, dẫn đến các tác động kinh tế, xã hội rất lớn, đặc biệt với việc đóng cửa nhiều nhà máy. Các nhà quản lý ở Việt Nam đã buộc phải chuyển hướng, tập trung đẩy mạnh chương trình tiêm chủng để giúp Việt Nam chống được dịch bệnh lâu dài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam buộc phải tăng cường các nguồn cung ứng, không chỉ từ các nước G7, các nước phát triển, mà còn phải tính tới các loại vac-xin của Trung Quốc, đặc biệt là những vac-xin đã chứng mức độ an toàn và hiệu quả. Việt Nam không còn lựa chọn nào khác là phải mở cửa cho vac-xin Trung Quốc. 

Thứ ba, theo tôi hiểu, đó là do mục đích ngoại giao: Trong thời gian qua, sau khi Việt Nam có ban lãnh đạo mới thì quan hệ Việt Nam -Trung Quốc có vẻ có một mức độ cải thiện nhất định, đã có các cuộc trao đổi song phương giữa các cấp lãnh đạo như chủ tịch nước, tổng bí thư, thủ tướng… Tất cả những dấu hiệu này cho thấy có vẻ như Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam và Việt Nam cũng muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Trong bối cảnh ấy, nếu Việt Nam đón nhận vac-xin của Trung Quốc, điều này sẽ giúp củng cố thêm quan hệ song phương trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, chúng ta cũng không loại trừ đây chỉ là một động thái ngoại giao, còn việc sử dụng vac-xin như thế nào thì chúng ta phải chờ xem. Lâu nay, Việt Nam vẫn có sự dè dặt nhất định trong việc đón nhận các biện pháp ngoại giao cũng như kinh tế của Trung Quốc. Đặc biệt là trong sáng kiến ” Một vành đai một con đường” thì Việt Nam cũng tương đối ủng hộ, nhưng việc triển khai trên thực tế lại không được rộng khắp và hiệu quả như Trung Quốc mong muốn. Đối với chương trình ngoại giao vac-xin này của Trung Quốc cũng vậy, Việt Nam cũng đón nhận, nhưng triển khai trên thực tế như thế nào thì chúng ta phải chờ xem.”

Vac-xin và tâm lý bài Trung Quốc

Nói chung là hiện chưa biết Hà Nội sẽ mua vac-xin Sinopharm với số lượng hạn chế hay mua nhiều hơn. Có lẽ điều đó tùy thuộc vào tiến độ tiếp nhận các vac-xin từ nước ngoài.

Mặt khác, còn phải tính đến phản ứng của người dân Việt Nam đối với vac-xin Trung Quốc. Trong bài báo đăng trên mạng ngày 05/06, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, chính phủ Hà Nội sẽ phải nỗ lực thuyết phục người dân chấp nhận để cho tiêm vac-xin của Sinopharm, do tâm lý bài Trung Quốc rất mạnh trong công luận Việt Nam. Về điểm này, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp dự báo:

“ Ở Việt Nam từ lâu vẫn có thái độ nghi ngờ các sản phẩm của Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe như vac-xin, thì tâm lý này càng trở nên phổ biến hơn trong một bộ phận dân chúng. Đây sẽ là một trở ngại trong việc sử dụng vac-xin Trung Quốc ở Việt Nam. Đón nhận vac-xin Trung Quốc là một chuyện, còn triển khai như thế nào có thể là một chuyện khác.

Nếu như có sự lựa chọn, thì tôi nghĩ là sẽ có nhiều người không tích cực đón nhận vac-xin này. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào hai yếu tố: Thứ nhất cách thức thực hiện và đặc biệt là việc tuyên truyền của chính phủ Việt Nam cho người dân thấy được lợi ích của việc tiêm vac-xin, có thể không đề cao chủ nghĩa dân tộc, tinh thần bài Trung Quốc ở đây, để làm sao người dân có thể đón nhận các loại vac-xin của Trung Quốc nói chung và vac-xin của Sinopharm nói riêng. 

Yếu tố thứ hai là tùy thuộc vào tình hình cung ứng vac-xin từ các nguồn khác, cũng như tình hình dịch bệnh ở Việt Nam trong thời gian tới như thế nào. Trong bối cảnh mà cung ứng còn bị tắc nghẽn và các nguồn cung khác bị hạn chế, trong khi đó dịch bệnh tiếp tục diễn tiếp phức tạp và kéo dài, thì bản thân người dân Việt Nam cũng cảm thấy lợi ích từ việc tiêm chủng và sẽ không quá quan tâm đến nguồn gốc của vac-xin nữa. Miễn có vac-xin là tốt rồi. Trong trường hợp đó, việc triển khai tiêm vac-xin của Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn.

Còn ngược lại, nếu nguồn cung từ các nơi khác dồi dào và tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì người dân có thể sẽ không cảm thấy cấp bách trong việc sử dụng vac-xin Trung Quốc, họ sẽ có sự chần chừ. Như vậy, việc triển khai tiêm vac-xin Trung Quốc ở Việt Nam sẽ gặp nhiều trở ngại hơn.”

“Ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Việt Nam phê duyệt vac-xin của Sinopharm chỉ vài ngày trước khi Trung Quốc lại mở một đợt “tấn công” mới trong khuôn khổ “chính sách ngoại giao vac-xin” của họ. Tại hội nghị đặc biệt ở Trùng Khánh ngày 07/06, nhân kỷ niệm 30 năm “quan hệ đối thoại” Trung Quốc – ASEAN, Bắc Kinh đã cam kết sẽ cung cấp thêm 100 triệu liều vac-xin ngừa Covid-19 cho các nước Đông Nam Á, với tư cách là “một quốc gia lớn có trách nhiệm” trong khu vực

Ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á, trong đó có Philippines, đã phê duyệt vac-xin của Trung Quốc. Riêng Indonesia còn đồng ý cùng với Trung Quốc sản xuất vac-xin ngừa Covid-19.

Nhưng quốc gia “hăng hái” nhất trong việc sử dụng vac-xin made in China, đó là Cam Bốt. Tính đến nay đã có gần một phần năm dân số ( cụ thể là 16% trên tổng dân số 16 triệu người, theo các số liệu chính thức ) của xứ Chùa Tháp được chích ngừa Covid-19, cao hơn cả những nước láng giềng giàu hơn, lớn hơn. Thành công này có được chính là nhờ sự hỗ trợ của Bắc Kinh: Cam Bốt là nước được Trung Quốc tặng nhiều vac-xin nhất so với các nước khác trong khu vực, ngoài số lượng vac-xin Trung Quốc mà nước này đã đặt mua. Khoảng hơn 90% vac-xin được sử dụng tại Cam Bốt là thuốc tiêm ngừa của Trung Quốc, còn các vac-xin khác là nhận từ chương trình COVAX.

Trong một phát biểu gần đây, đáp lại câu hỏi vì sao Cam Bốt phụ thuộc Trung Quốc quá nhiều, thủ tướng Hun Sen đã nói thẳng:” Nếu tôi không dựa vào Trung Quốc, thì tôi phải dựa vào ai? Nếu không có vac-xin được tặng và mua từ Trung Quốc, thì chúng tôi không thể chích ngừa cho người dân Cam Bốt.” 

Theo sát Cam Bốt về tiến độ tiêm phòng Covid-19 là Lào, cũng là một quốc gia có quan hệ rất chặt chẽ với Bắc Kinh.

Như vậy thách thức đang đặt ra với chính phủ Hà Nội đó là tránh cho việc sử dụng vac-xin Trung Quốc khiến Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh. Liệu Trung Quốc có sẽ dùng vac-xin để gây áp lực lên những vấn đề khác, nhất là trong vấn đề Biển Đông? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nhận định:

“Đấy là một lý do mà chúng ta không thể loại trừ và đấy cũng là lý do khiến nhiều nhà quản lý, nhiều nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam cân nhắc để không vội vàng sử dụng vac-xin của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo tôi, khả năng này là khá thấp, vì, thứ nhất, lâu nay, Việt Nam và Trung Quốc có xu hướng cố gắng tách biệt vấn đề tranh chấp Biển Đông ra khỏi các vấn đề quan hệ song phương nói chung, cũng như các hợp tác song phương nói riêng. Dù tình hình Biển Đông rất là căng thẳng, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước vẫn có xu hướng ngày càng được tăng cường. Đối với vấn đề vac-xin chắc là cũng như vậy.

Thứ hai là Trung Quốc chỉ mới hứa cấp cho Việt Nam 500.000 liều vac-xin Sinopharm. Theo tôi, khoản viện trợ như vậy chưa phải là quá lớn, kể cả Trung Quốc nếu muốn thì cũng khó mà dùng lý do vac-xin để gây áp lực với Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, tại vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc, cũng như uy tín của chương trình ngoại giao vac-xin của Trung Quốc.”

Việt Nam : Sân chơi mới?

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có vẻ như đang trở thành một sân chơi mới cho chính sách “ngoại giao vac-xin” của các nước lớn. Việt Nam là một trong những quốc gia sẽ được nhận vac-xin trong số nửa tỷ liều vac-xin Pfizer/BioNTech mà tổng thống Mỹ Joe Biden nhân chuyến công du châu Âu đã thông báo sẽ mua để cấp cho 92 nước nghèo trên thế giới. Trước đó, ngày 03/06, Nhà Trắng đã công bố chiến lược chia sẻ vac xin Covid-19 toàn cầu, bao gồm kế hoạch phân phối 25 triệu liều đầu tiên ra khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Ngày 05/06 vừa qua chính phủ Nhật cũng thông báo sẽ gởi tặng cho Việt Nam (cùng với Malaysia) một lượng vac-xin để giúp Việt Nam đẩy nhanh chiến dịch chích ngừa. Cùng ngày hôm đó, đài truyền hình Nhật NHK cho biết là Tokyo có thể gởi vac-xin cho Việt Nam ngay trong tháng 6 này. Nhật báo Yomiuri thì nói rõ hơn đó sẽ là vac-xin AstraZeneca, một trong những loại vac-xin đã được phê duyệt ở Việt Nam. Theo tờ báo này, đây sẽ là quà tặng riêng của Nhật, chứ không phải là trong khuôn khổ chương trình COVAX.

Nguồn: RFI

Việt Nam khó cưỡng lại chính sách “ngoại giao vac-xin” của Trung Quốc