Thế giới hôm nay: 02/07/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tuyên bố các hạn chế bỏ phiếu của bang Arizona không vi phạm Đạo luật Quyền Bầu cử, một đạo luật quan trọng trong luật dân quyền – qua đó cho thấy tòa có thể không sẵn sàng loại bỏ các luật hạn chế bỏ phiếu tương tự đang được các bang do đảng Cộng hòa kiểm soát thúc đẩy. Arizona buộc các quan chức bầu cử loại bỏ các lá phiếu bỏ nhầm khu vực bầu cử và cấm hầu hết mọi người thu thập các lá phiếu đã điền đầy đủ thông tin và chuyển đến các điểm bỏ phiếu. Quyết định với tỉ lệ 6-3 này lật ngược phán quyết của Tòa Phúc thẩm Khu vực số 9, vốn tuyên bố các quy tắc này gây bất lợi quá lớn cho các cử tri thiểu số.

Trong một bước tiến tới cải cách thuế doanh nghiệp toàn cầu, 130 quốc gia và khu vực pháp lý đã ủng hộ mức thuế tối thiểu 15% cho các công ty đa quốc gia, cũng như các quy định mới để chia sẻ “chiến lợi phẩm.” Một số nước từng nghi ngờ ý tưởng này nay đã ủng hộ, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Hungary, Ireland và Nigeria vẫn phản đối.

Sau một cuộc điều tra kéo dài hai năm, văn phòng luật sư quận Manhattan đã buộc tội Trump Organization gian lận thuế, lấy cắp tài sản và làm giả hồ sơ kinh doanh. Tổ chức này có tới hàng trăm công ty kinh doanh khách sạn và sân golf. Giám đốc tài chính của họ, Allen Weisselberg, cũng bị buộc tội tài chính, và dĩ nhiên không nhận tội. Trump Organization nói các công tố viên đang dùng ông Weisselberg như “một con tốt trong một chiến dịch làm hại cựu tổng thống.”

Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 700 tỷ đô la, nhằm bơm tiền vào sửa chữa đường phố, hệ thống giao thông công cộng, đường ống dẫn nước và hệ thống thoát nước vốn đã cũ kỹ của đất nước. Vẫn không rõ dự luật này sẽ liên quan tới đâu với thỏa thuận giữa Tổng thống Joe Biden và một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng vào tuần trước, mặc dù lãnh đạo Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi cho biết họ tán thành cả hai.

Hàng trăm phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đã đi biểu tình phản đối việc nước này rút khỏi Công ước Istanbul, một hiệp ước chống lại bạo lực đối với phụ nữ được ký tại thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2011. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan vào tháng 3 đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước, nhằm ủng hộ luật bảo vệ quyền lợi phụ nữ ở địa phương. Song các nhà hoạt động nói nạn giết phụ nữ đã tăng vọt trong những năm gần đây.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cho biết chính phủ sẽ đặt ra các quy định riêng cho các dịch vụ tài chính, sau khi thất bại trong nỗ lực đạt thỏa thuận “tương đương” với EU. Lĩnh vực tài chính rất ít được đề cập trong thỏa thuận thương mại của Anh với khối này. Ông Sunak hy vọng một thỏa thuận khác sẽ cho phép các công ty Anh tiếp cận rộng rãi thị trường châu Âu sau Brexit. Nhưng triển vọng là không quá sáng sủa.

Các cơ quan y tế Cộng hòa Dominica cho biết sẽ bắt đầu sử dụng liều vắc-xin covid-19 thứ ba trên cơ sở tự nguyện, trong nỗ lực ngăn chặn các biến thể lây nhiễm mạnh hơn của virus. Văn phòng khu vực của Tổ chức Y tế Thế giới nói không có bằng chứng khoa học nào cho thấy cần dùng nhiều hơn hai liều, nhưng các quan chức y tế đang lo lắng trước số ca nhiễm mới gia tăng.

TIÊU ĐIỂM

1. EU ra hộ chiếu vắc-xin điện tử

Sau một năm hạn chế, người châu Âu đang rất mong ngóng cho một kỳ nghỉ không phải chịu các biện pháp kiểm dịch trong mùa hè này. Hôm qua, EU đã ra mắt “chứng chỉ covid kỹ thuật số,” mà họ hy vọng sẽ tạo điều kiện cho đi lại tự do hơn trong khối (nhưng các nước được toàn quyền quyết định các hạn chế của riêng họ). Công dân và cư dân EU (và cả những nước Schengen ngoài EU) có thể nộp đơn xin cấp thẻ nếu họ đã được chủng ngừa, đã khỏi bệnh hoặc gần đây có kết quả xét nghiệm âm tính.

Vẫn có những lo ngại về chương trình này. Một là nó có tính phân biệt đối xử. Nó chỉ chấp nhận bốn loại vắc-xin được Cơ quan Dược phẩm Châu Âu phê duyệt, trong khi một số nước Châu Âu đã lựa chọn các loại vắc-xin khác, như Hungary dùng Sputnik V của Nga. Những người phản đối cũng cho rằng nó mang rủi ro. Không ai biết vắc-xin có thể bảo vệ được bao lâu còn các biến thể mới vẫn chưa được nghiên cứu nhiều. Dù vậy, EU rất muốn thúc đẩy du lịch để giúp các nền kinh tế nội khối phục hồi sau đại dịch. Như mọi câu chuyện khác, nó là một cuộc đánh đổi.

2. Chile soạn thảo hiến pháp mới

Vào Chủ nhật này một hội đồng hiến pháp sẽ bắt đầu soạn thảo hiến pháp mới để thay cho phiên bản hiến pháp hiện tại của Chile vốn có từ năm 1980 dưới chế độ độc tài của Tướng Augusto Pinochet. Hội đồng này là sản phẩm của một thỏa thuận chính trị giúp chấm dứt biểu tình hàng loạt xoay quanh bất bình đẳng vào năm 2019. Tám mươi tám trong số 155 thành viên của nó, được chọn trong một cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5, là những người phi đảng phái. Gần một nửa là phụ nữ và 17 người đại diện cho các dân tộc bản địa

Các bên đều thống nhất phải giảm bớt quyền lực của tổng thống, phân quyền và vai trò lớn hơn của nhà nước trong giáo dục, y tế và lương hưu. Nhưng sẽ có tranh cãi gay gắt xem phải thay đổi đến đâu. Thật ra mô hình hiện tại mang đến thành công kinh tế, nhưng cũng làm gia tăng căng thẳng xã hội.

Hội đồng này sẽ làm việc trong chín tháng, và có thể gia hạn thêm ba tháng nữa. Công việc đầu tiên của nó là bầu ra một hội đồng quản trị và thống nhất các quy tắc. Thật không may là các đại biểu có thể bị phân tâm bởi cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 tới.

3. Đảng cầm quyền Ba Lan bầu chủ tịch đảng

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2015, đảng Luật pháp và Công lý đã tìm cách lấy lại hình ảnh của Ba Lan. Họ đã cải cách các thể chế của đất nước, bao gồm cả cơ quan tư pháp, bất chấp phản đối của Ủy ban châu Âu rằng đảng này đang phá hoại nhà nước pháp quyền. Jaroslaw Kaczynski, đồng sáng lập và chủ tịch của đảng, là kiến ​​trúc sư của nỗ lực đó. Dù chỉ làm phó thủ tướng, nhưng ông được nhiều người coi là nhà lãnh đạo trên thực tế của Ba Lan.

Ngày mai tại hội nghị đảng, ông sẽ tái ứng cử chức chủ tịch đảng. Ông khó có thể thất bại, nhưng đã tuyên bố đây là lần tranh cử cuối của ông. Hiện Kaczynski không có người kế nhiệm rõ ràng: một cuộc thăm dò cho thấy hơn 60% người được hỏi không rõ ai có thể thay thế ông. Chỉ 18% điền tên thủ tướng Mateusz Morawiecki, một lãnh đạo đảng khác. Nhưng hiện tại thì đảng vẫn sẽ lạc quan. Sự kiểm soát của Kaczynski giúp họ có định hướng và sự gắn kết. Vì thế vị trí của ông khó mà thay thế được.

4. Câu chuyện hợp pháp hóa cần sa ở Mỹ

Hôm qua, Connecticut và Virginia trở thành những bang mới nhất cho phép người trên 21 tuổi được sử dụng một lượng nhỏ cần sa cho mục đích giải trí. Hiện tiến trình này đang diễn ra rất nhanh chóng: chỉ trong năm nay đã có năm bang hợp pháp hóa cần sa giải trí.

Điều này chủ yếu diễn ra ở các bang theo hướng tự do. Trong số 18 bang (cộng với Washington, D.C.) đã hợp pháp hóa cần sa giải trí, có tới 16 bang bỏ phiếu cho Joe Biden vào năm 2020. Dù vậy vài đảng viên Cộng hòa cũng ủng hộ ý tưởng này. Montana, bang mà Donald Trump thắng dễ dàng, đã phê duyệt vào tháng 11. Còn các bang đỏ khác như Missouri hay Oklahoma cũng có thị trường cần sa y tế phát triển mạnh.

Nhưng hợp pháp hóa ở cấp liên bang sẽ khó khăn hơn. Nhiều chính trị gia Cộng hòa vẫn phản đối nới lỏng các hạn chế. Và dù hơn 80% đảng viên Dân chủ ủng hộ cần sa hợp pháp, nhưng các đảng viên quyền lực nhất thì không. Chính ông Biden thậm chí còn cấm tuyển những người hút cần sa vào chính quyền ông.