Tại sao Biden đến giờ là một nỗi thất vọng đối với Đông Nam Á?

Nguồn: Richard Heydarian, “Why Biden has been a disappointment to Southeast Asia so far, South China Morning Post, 08/07/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thành Long

“Họ đã chẳng học được gì và cũng chẳng quên gì”, nhà ngoại giao Pháp Charles Maurice de Talleyrand-Périgord từng than thở như vậy trước việc Nhà Bourbon không có khả năng rút ra các bài học từ lịch sử. Chẳng bao lâu sau, nước Pháp đã bị cuốn vào một cuộc cách mạng khác, do cháu trai của Napoléon Bonaparte lãnh đạo, cuộc cách mạng này đã quét sạch hoàn toàn nền tảng chế độ cũ.

Hai thế kỷ sau, siêu cường số một thế giới đã thể hiện sự bất lực tương tự trong việc rút ra bài học, thậm chí từ những gì họ ghi nhớ một cách hoàn hảo. Và chính Đông Nam Á là nơi mà tình trạng hờ hững và quên lãng này được phô bày trọn vẹn.

Sau bốn năm rối loạn dưới nhiệm kì của Trump, giới hoạch định chính sách của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã hoan nghênh chiến thắng của Joe Biden. Theo một cuộc khảo sát của Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore, 61,5% số người được hỏi ở Đông Nam Á thích liên kết với Hoa Kỳ hơn Trung Quốc, phản ánh mức độ “ủng hộ của khu vực dành cho Washington có thể đã tăng lên nhờ vào triển vọng về chính quyền mới của Biden.”

Mức độ lạc quan cao bất thường này không phải hoàn toàn không có cơ sở. Sự trở lại của các nhà ngoại giao kỳ cựu và các cựu quan chức chính quyền Obama làm dấy lên hy vọng về một “thời kỳ vàng son” mới trong quan hệ Mỹ-ASEAN. Tuy nhiên, sau 4 tháng nhiệm kỳ tổng thống của Biden, các quốc gia Đông Nam Á cảm thấy họ đã phần lớn bị Washington lãng quên.

Ngay từ đầu, chính quyền Biden đã đặt châu Á vào trung tâm của chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của mình. Điều này phần nào phản ánh tầm quan trọng kinh tế ngày càng tăng của khu vực, cũng như quyết tâm của Mỹ trong việc “xoay trục” khỏi các địa bàn truyền thống như Trung Đông.

Nhưng điều này cũng là do sự lo lắng của Washington trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt là khi Covid-19 tàn phá nền kinh tế Mỹ. Trong bài phát biểu trước một phiên họp chung của Quốc hội, Biden phản ánh những lo lắng chiến lược ngày càng tăng của Mỹ, lưu ý rằng, “Chúng ta đang cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác để giành chiến thắng trong thế kỷ 21”.

Vì vậy, người ta có thể đã mong đợi chính quyền Biden sẽ chủ động lôi kéo các quốc gia Đông Nam Á. Nhưng cho đến nay, điều ngược lại đã xảy ra.

Cú sốc đầu tiên là quyết định chưa từng có của Mỹ khi loại bỏ phần lớn các đồng minh lâu đời là Philippines và Thái Lan khỏi Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia Tạm thời. Thay vào đó, bản hướng dẫn chỉ nhắc chung chung đến ASEAN trong số rất nhiều đối tác khu vực khác.

Trên thực tế, từ thời chính quyền Nixon thì tất cả các tổng thống Mỹ đều đặt các đồng minh Đông Nam Á làm trọng tâm trong chiến lược toàn cầu của họ. Ngược lại với điều đó, chính quyền Biden đang bận rộn củng cố các liên minh hiện có ở châu Âu, giải quyết các xung đột ở Trung Đông, và thể chế hóa Đối thoại An ninh Tứ giác với Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã tổ chức nhiều cuộc họp với những người đồng cấp của mình trên khắp thế giới. Nhưng phải đến tháng trước, ông mới tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các nhà ngoại giao ASEAN. Nhưng trong cuộc họp được tổ chức gấp rút đó, khi Blinken đang gấp gáp chuẩn bị cho chuyến bay đêm từ châu Âu đến Trung Đông, các nhà ngoại giao Đông Nam Á đã phải nhìn chằm chằm vào màn hình trống suốt 45 phút.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin dự định sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La ở Singapore, nhưng sự kiện này đã bị hủy sau khi các trường hợp Covid-19 bùng phát trở lại ở thành phố này.

Sau khi kết thúc các hội nghị thượng đỉnh trực tiếp với các đối tác ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Biden dường như đã bỏ qua hầu hết các đối tác Đông Nam Á. Tổng thống Mỹ chỉ liên lạc với người đồng cấp Philippines trong thời gian gần đây, sau khi diễn ra bế tắc trong các cuộc đàm phán về việc khôi phục Thỏa thuận Các lực lượng viếng thăm (VFA), hiệp định tạo điều kiện cho sự hiện diện quân sự quy mô lớn của Mỹ ở nước này.

Ngược lại, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã duy trì liên lạc chặt chẽ với các đối tác Đông Nam Á của họ. Để củng cố “con đường tơ lụa y tế” của nước này, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị sẽ gặp những người đồng cấp ASEAN trong tuần này.

Công bằng mà nói, chính quyền Biden đã cố gắng làm lành với các đối tác Đông Nam Á trong những ngày gần đây. Tổng thống Mỹ dự kiến ​​sẽ đích thân tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào cuối năm nay, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman vừa kết thúc chuyến thăm đầu tiên tới Đông Nam Á.

Tuy nhiên, ba vấn đề cơ bản đã làm phức tạp chính sách ngoại giao đối với ASEAN của Biden. Đầu tiên là sự lan tràn của chủ nghĩa chuyên chế khắp Đông Nam Á.

Trong khi Biden đã đề cao hình ảnh chính quyền của mình như một người bảo vệ dân chủ toàn cầu, thì các nhà lãnh đạo chuyên chế trên khắp Đông Nam Á đang trở nên khó chịu hơn trước bất kỳ chỉ trích nào về hồ sơ nhân quyền của họ. Kết quả là sự ghẻ lạnh chiến lược lẫn nhau.

Hơn nữa, Washington dường như ngày càng cảm thấy khó chịu trước việc ASEAN không sẵn sàng đưa ra các hành động quyết định đối với các cuộc khủng hoảng khu vực lớn. Sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai ở Myanmar, Hiệp hội đã không đình chỉ tư cách thành viên của nước này, đồng thời ngăn chặn các biện pháp trừng phạt, dù chỉ là khiêm tốn, đối với chính quyền quân sự. Không những vậy, ASEAN đã hợp pháp hóa chính quyền quân sự bằng cách chào đón các nhà lãnh đạo hàng đầu của họ đến các cuộc họp cấp cao trong khu vực.

Nhưng có lẽ Trung Quốc là nguồn cơn bất đồng lớn nhất giữa chính quyền Biden và ASEAN. Trên thực tế, tất cả các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, ngoại trừ Việt Nam, đã kiềm chế không công khai liên kết với Washington để chống lại Bắc Kinh.

Điều quan trọng là Philippines và Thái Lan đã xoay trục về phía Trung Quốc. ASEAN đã ngần ngại trước bất kỳ chiến lược ngăn chặn, hoặc chiến lược “NATO châu Á” nào do Mỹ dẫn dắt, để chống lại Trung Quốc.

Chính quyền Biden có thể am hiểu lịch sử hơn nhiều so với người tiền nhiệm Donald Trump, nhưng họ vẫn phải đối mặt với một hành trình học hỏi khó khăn để giành được ủng hộ của các quốc gia Đông Nam Á.