22/07/1916: Đánh bom Ngày chuẩn bị tham chiến ở San Francisco

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Preparedness Day bombing in San Francisco, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1916, cuộc diễu hành lớn được tổ chức ở San Francisco, California, nhằm kỷ niệm Ngày Chuẩn bị (Preparedness Day), trước khi Mỹ chính thức tham gia Thế chiến I, đã bị gián đoạn bởi vụ nổ gây ra bởi một quả bom giấu trong một chiếc vali, làm chết 10 người và bị thương 40 người khác.

Mùa hè năm 1916, giữa bối cảnh Thế chiến I bùng nổ ở châu Âu, khi tàu Mỹ và các tàu trung lập khác liên tục bị tàu ngầm Đức đe dọa, nhiều người Mỹ đã thấy rõ rằng đất nước của họ không thể đứng bên lề lâu hơn được nữa. Với suy nghĩ này, các nhân vật hàng đầu trong giới kinh doanh ở thành phố San Francisco đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc diễu hành nhằm tôn vinh sự chuẩn bị của quân đội Mỹ.

Khi sự kiện ngày một đến gần, rõ ràng là tình cảm chống chiến tranh và chủ nghĩa biệt lập đã dâng cao trong một phần đáng kể dân cư của thành phố (và đất nước), không chỉ giữa các tổ chức cấp tiến như Công nhân Quốc tế (International Workers of the World, hay ‘wobblies’) mà còn giữa các nhà lãnh đạo tổ chức lao động chính thống. Những người phản đối sự kiện Ngày Chuẩn bị này chắc chắn đã chia sẻ quan điểm của một nhà phê bình, cựu Ngoại trưởng Mỹ William Jennings Bryan, người đã tuyên bố rằng ban tổ chức – các nhà tài chính và chủ sở hữu nhà máy của San Francisco – đã hành động vì lợi ích cá nhân thuần túy, bởi rõ ràng là họ được hưởng lợi từ việc gia tăng sản xuất bom đạn.

Cuộc diễu hành Ngày chuẩn bị đã diễn ra vào thứ Bảy, ngày 22/07, dự kiến kéo dài 3,5 giờ với khoảng 51.329 người diễu hành, bao gồm 52 ban nhạc và 2.134 tổ chức, bao gồm nhiều đơn vị quân sự, dân sự, tư pháp, chính quyền tiểu bang và chính quyền thành phố cũng như báo chí, điện tín, công đoàn xe điện. Lúc 2:06 chiều, khoảng nửa tiếng sau khi cuộc diễu hành bắt đầu, một quả bom giấu trong vali đã phát nổ ở phía tây của Phố Steuart, ngay phía nam Phố Market, gần Tòa nhà Ferry. 10 người đi đường đã thiệt mạng vì vụ nổ; 40 người khác bị thương.

Hai nhà lãnh đạo lao động cấp tiến, Thomas Mooney và Warren K. Billings, sau đó đã bị bắt và xét xử vì vụ tấn công. Trong phiên tòa, gồm các nhân chứng giả và bồi thẩm đoàn thiên vị, hai người đàn ông đã bị kết án, bất chấp việc nhiều người tin rằng họ đã bị công tố gài bẫy. Mooney bị kết án tử hình; sau khi có bằng chứng về việc không tuân thủ quy trình xét xử, Tổng thống Woodrow Wilson đã kêu gọi Thống đốc California William Stephens xem xét lại vụ án. Hai tuần trước ngày Mooney bị hành quyết theo dự định, Stephens đã giảm án cho ông xuống tù chung thân, hình phạt tương tự như bản án mà Billings phải nhận. Điều tra vẫn tiếp tục trong hai thập niên tiếp theo; đến năm 1939, số lượng bằng chứng khai man và làm chứng giả tại phiên tòa đã tăng lên đến mức Thống đốc Culbert Olson phải ra lệnh ân xá cho cả hai người. Hiện vẫn chưa rõ danh tính thực sự của người (hoặc những người) tiến hành vụ đánh bom.