Nhật ký Bắc Kinh (15/02/21): Vì sao TQ cấm sóng BBC World News?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 02/2021.

Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Thứ Sáu tuần trước (12/02/2021), đúng ngay giữa dịp Tết Nguyên đán và kì nghỉ xuân, Trung Quốc đã cắt sóng BBC World News của Anh.

Các kênh nước ngoài khác như CNN của Mỹ và NHK của Nhật Bản vẫn xem được. Nhưng khi tôi chuyển sang BBC World News, một thông báo xuất hiện trên màn hình cho biết dịch vụ đã bị chặn.

Cùng ngày, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) đã ra thông báo cấm BBC. Cục ra thông cáo cho biết BBC World News “đi ngược lại quy tắc đưa tin trung thực và trung lập, đồng thời gây tổn hại đến lợi ích quốc gia và đoàn kết dân tộc.”

Bản thông cáo ghi tiếp: “Vì kênh này không đáp ứng được các yêu cầu phát sóng ở Trung Quốc như một kênh nước ngoài, BBC World News không được phép tiếp tục dịch vụ trong lãnh thổ Trung Quốc.”

Vì sao BBC lại gây tổn hại đến “đoàn kết dân tộc?” Có lẽ NRTA muốn đề cập đến việc BBC theo đuổi các câu chuyện về nhân quyền ở Khu Tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương.

Chúng bao gồm các cáo buộc chi tiết về các vụ tấn công tình dục có hệ thống đối với phụ nữ ở những nơi được gọi là “trung tâm cải tạo” dành cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Dĩ nhiên là người xem truyền hình Trung Quốc chưa hề được xem các phóng sự này.

Nhưng Trung Quốc đã quyết định đi trước BBC một bước, và ra lệnh cấm hoàn toàn. Đây có thể là nhằm trả đũa cho động thái gần đây của Anh đối với một đài truyền hình nhà nước Trung Quốc.

Trước đó, vào ngày 4 tháng 2, Văn phòng Truyền thông Anh, có tên viết tắt là Ofcom, đã thu hồi giấy phép phát sóng của Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN).

Lý do được Ofcom đưa ra là CGTN chịu sự quản lý về mặt nội dung của Đảng Cộng sản Trung Quốc, do đó đã vi phạm luật của Anh quy định một công ty do một nhóm chính trị kiểm soát không thể có giấy phép phát sóng ở Anh.

Lẽ dĩ nhiên không có cơ quan truyền thông Trung Quốc nào là thực sự độc lập khỏi Đảng Cộng sản. Tất cả các tờ báo, kênh truyền hình và đài phát thanh đều phải trở thành cơ quan tuyên truyền của đảng. Kể từ khi Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo tối cao của đất nước vào mùa thu 2012, các phương tiện truyền thông thậm chí còn bị kiểm soát gắt gao hơn.

CGTN thành lập vào cuối năm 2016 sau khi mảng tiếng Anh, Pháp và các ngôn ngữ nước ngoài khác tách khỏi đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV. Kể từ đó CGTN đã nổi lên như một công cụ truyền bá quan điểm Đảng Cộng sản trên toàn cầu.

Giờ đây đảng, vốn không công nhận tự do báo chí, đã tấn công một phương tiện truyền thông ủng hộ tự do dân chủ của phương Tây.

Vào thứ bảy, ngày mồng hai Tết, tôi đến tòa nhà NRTA cách Quảng trường Thiên An Môn khoảng 3 km về phía tây. Trước mắt tôi là một công trình kiến ​​trúc kiểu Liên Xô hùng vĩ được xây dựng vào năm 1958, dường như để cho thấy tầm quan trọng của truyển hình đối với Đảng Cộng sản ngay từ những ngày đầu sơ khai.

Hôm đó cũng là lần đầu tiên sau một khoảng thời gian Bắc Kinh xuất hiện sương mù dày đặc. Và hình ảnh tòa nhà NRTA nằm lờ mờ trong mây mù dường như tượng trưng cho các hoạt động tuyên truyền bí mật của đảng.

Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.