Việt Nam Mật Chiến (Phần 7)

Tác giả: Tiền Giang (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Thành lập đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc

Căn cứ theo yêu cầu của Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương và các báo cáo liên quan của La Quý Ba, hạ tuần tháng 3 năm 1950, Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp bàn và quyết định thành lập Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc sang Việt Nam giúp quân đội Việt Nam tác chiến chống Pháp. Trưởng đoàn cố vấn do Chính uỷ Binh đoàn số 10 thuộc Dã Chiến Quân số 3 Vi Quốc Thanh đảm nhiệm.

Việc lựa chọn Vi Quốc Thanh được xem xét từ nhiều mặt. Trước hết, ông từng chiến đấu lâu năm, là một cán bộ chỉ huy quân sự dầy dạn. Đi lên từ một chiến sĩ công binh Hồng quân, trong Kháng chiến chống Nhật, Vi Quốc Thanh là “Chuyên gia chiến tranh Chim sẻ [tức chiến tranh du kích]” ở vùng Giang Hoài. Trong Chiến tranh Giải phóng, ông trở thành Tư lệnh Tung đội (tức Quân đoàn) và Binh đoàn, chỉ huy nhiều chiến dịch lớn.

Trước chiến dịch Vượt Sông Dương Tử, ông là Chính uỷ Binh đoàn 10, cùng Tư lệnh Diệp Phi chỉ huy giải phóng tỉnh Phúc Kiến, sau đó ông chuyển sang làm công tác địa phương. Trải nghiệm đó làm cho Vi Quốc Thanh vừa quen thuộc công tác quân sự, lại vừa quen thuộc công tác chính trị.

Còn một nguyên nhân quan trọng nữa: Vi Quốc Thanh là người dân tộc Tráng[1] ở Quảng Tây. Quê ông cách Việt Nam không xa. Tại Việt Nam cũng có người dân tộc Tráng [tiếng Việt gọi là người dân tộc Tày hoặc Nùng],[2] cùng nói một thứ tiếng như người Tráng Quảng Tây. Bởi thế, đi Việt Nam công tác là một điều kiện đặc biệt thuận lợi của Vi Quốc Thanh. Ngoài ra, xét về tính cách cá nhân, trong số các tướng lĩnh cấp cao của Dã Chiến Quân 3, Vi Quốc Thanh nổi tiếng khôn ngoan, cẩn trọng, rất thích hợp đảm nhiệm trọng trách Trưởng Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc đi Việt Nam.

Vừa may, thời gian ấy Vi Quốc Thanh đang ở Bắc Kinh chờ Trung ương Quân uỷ phân công công tác.

Vi Quốc Thanh[3] tên thật là Vi Bang Khoan, sinh năm 1913 trong một gia đình nông dân nghèo khổ ở làng Lao Thạch, huyện Đông Lan, tỉnh Quảng Tây. 15 tuổi Vi Quốc Thanh vào bộ đội Tự vệ nông dân, tham gia trận đánh huyện thành Đông Lan, năm 1929 vào Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Quốc, tham gia cuộc Khởi nghĩa Bạch Sắc do Đặng Tiểu Bình, Lý Minh Thuỵ, Trương Vân Dật lãnh đạo, làm cảnh vệ cho Trương Vân Dật. Sau đó từng chiến đấu tại nhiều nơi, năm 1931 trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc rồi nhanh chóng trở thành trung đoàn trưởng trẻ tuổi của Hồng quân Trung Hoa.

Tháng 10/1934, Vi Quốc Thanh tham gia cuộc Trường chinh vạn dặm, dự nhiều trận đánh ác liệt dọc đường hành quân. Khi đến Thiểm Bắc, ông bị thương nặng trong trận đánh cuối cùng. Sau khi ra viện, ông vào học trường Hồng quân.

Kháng chiến chống Nhật bùng nổ, Vi Quốc Thanh làm Hiệu trưởng trường Tuỳ Doanh thuộc Tổng bộ Bát Lộ Quân, rồi làm Chính uỷ Lữ đoàn 9, Sư đoàn 3 Tân Tứ Quân, Lữ trưởng Lữ đoàn 9 chiến đấu tại vùng Hoài Bắc. Tháng 12/1942, ông chỉ huy trận đánh Chu Gia Cương có ý nghĩa quyết định đập tan cuộc càn quét của giặc Nhật vào vùng Hoài Bắc. Đầu năm 1943, Hàn Đức Cần, Phó Tổng Tư lệnh Chiến khu Lỗ Tô kiêm Tỉnh trưởng tỉnh Giang Tô của Quốc Dân Đảng, dẫn quân bất ngờ tập kích căn cứ Hoài Bắc của Tân Tứ Quân. Vi Quốc Thanh chỉ huy chủ lực Lữ đoàn 9 nhanh chóng bao vây quân Quốc Dân Đảng, bắt sống Hàn Đức Cần. Tháng 9/1944, Vi Quốc Thanh làm Phó Sư đoàn trưởng Tân Tứ Quân.

Kháng chiến chống Nhật thắng lợi, Vi Quốc Thanh là Đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc trong Tiểu tổ Từ Châu của Tân Tứ Quân. Năm 1946 bắt đầu chiến tranh giải phóng, Vi Quốc Thanh làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ Tung đội 2, Dã Chiến Quân Sơn Đông, đánh các chiến dịch Triều Dương Tập, Túc Bắc, Lỗ Nam. Trong chiến dịch Bạch Tháp Phụ, Tung đội của ông đã tiêu diệt Bộ Chỉ huy Tập Đoàn Quân 42 Quốc Dân Đảng cùng 2 sư đoàn địch, bắt sống viên Tư lệnh Tập Đoàn Quân 42.

Từ năm 1948, Vi Quốc Thanh làm Tư lệnh Binh đoàn Tô Bắc, tham gia chiến dịch Hoài Hải. Sau khi là chính uỷ Binh đoàn 10, ông cùng Tư lệnh Diệp Phi dẫn bộ đội vượt Trường Giang tham gia chiến dịch Thượng Hải. Sau khi tiến vào Phúc Kiến, Vi Quốc Thanh làm Bí thư Thị uỷ Phúc Châu, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ Phúc Kiến, nhờ thế ông có kinh nghiệm quản lý chính quyền.

Sau ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Vi Quốc Thanh được điều về Bắc Kinh, chuẩn bị cử đi Liên Hợp Quốc công tác. Vừa may lúc đó Trung ương đang gấp rút thành lập Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc đi Việt Nam. Thế là dường như chỉ trong một đêm, cuộc đời của Vi Quốc Thanh đã hoàn toàn thay đổi.

Dã Chiến Quân 1 và 2 tổ chức các đoàn Cố vấn cấp Sư đoàn đi Việt Nam

Trung tuần tháng 3 năm 1950, Lưu Thiếu Kỳ viết thư yêu cầu Vi Quốc Thanh mang thư này đến gặp các vị chỉ huy bốn Dã Chiến Quân, đề nghị họ tuyển chọn cán bộ tham gia Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc đi Việt Nam công tác.

Vi Quốc Thanh đến gặp Đặng Tiểu Bình, Chính uỷ Dã Chiến Quân số 2. Đọc xong thư của Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình nói: “Chúng ta đều vừa mới họp ở Bắc Kinh về, bây giờ anh phải đến từng Dã Chiến Quân để làm việc thì vất vả quá. Chúng mình cùng nhau đi gặp họ bàn xem sao.”

Đặng Tiểu Bình và Vi Quốc Thanh cùng đến chỗ Lâm Bưu. Đặng Tiểu Bình nói: “Trung ương quyết định cử Đoàn Cố vấn quân sự đi Việt Nam, Vi Quốc Thanh đến đề nghị các Dã Chiến Quân chúng ta tuyển chọn cán bộ cho Đoàn Cố vấn này, đồng chí Lưu Thiếu Kỳ còn viết thư cho ta nữa đây. Chúng ta đến chỗ Tổng Tư lệnh Bành Đức Hoài bàn bạc có được không?”

Lâm Bưu đồng ý, mọi người cùng đến chỗ Bộ Tổng Tư lệnh. Bành Đức Hoài đáp ứng ngay: “Hiện nay chiến tranh quốc nội về cơ bản đã kết thúc, các đồng chí cần cán bộ thế nào thì cho cán bộ thế ấy, cần bao nhiêu cấp bấy nhiêu, chúng tôi toàn lực ủng hộ. Đồng chí cần bao nhiêu người, nói đi.”

Vi Quốc Thanh nói: “Việt Nam hiện nay cần biên chế 3 sư đoàn, có sư đoàn chỉ vừa mới biên chế sau khi La Quý Ba sang Việt Nam. Ý kiến của phía Việt Nam là ngoài cơ quan Tổng bộ ra, bước thứ nhất cần cử sang Việt Nam cố vấn các cấp cho 3 sư đoàn.”

Đặng Tiểu Bình nói: “Theo tôi thì cố vấn của 3 sư đoàn sẽ do Trung ương quyết định phân phối. Nói về nhân viên đoàn bộ đoàn cố vấn quân sự, thì để tiện làm việc, sẽ do Dã Chiến Quân số 3 của đồng chí tự tuyển chọn, được không?”

Vi Quốc Thanh nói: “Như thế được đấy, tôi sẽ báo cáo đồng chí Lưu Thiếu Kỳ.”

Sau khi nghe Vi Quốc Thanh báo cáo, Lưu Thiếu Kỳ nói: “Ý kiến của đồng chí Đặng Tiểu Bình hay lắm. Nhân viên Đoàn bộ Đoàn Cố vấn sẽ do 3 Dã Chiến Quân tuyển chọn. Ba sư đoàn ấy còn có một cố vấn nhà trường. Cần gửi thông tri phân phối rõ ràng cho các Dã Chiến Quân.”

Vi Quốc Thanh hỏi: “Phải chăng có thể để 3 Dã Chiến Quân số 2, 3, 4 tự tuyển chọn cố vấn các cấp cho 1 sư đoàn. Riêng cố vấn trường quân chính cũng như giáo viên sẽ do Dã Chiến Quân số 4 ở gần đây tuyển chọn?”

Lưu Thiếu Kỳ nói: “Như thế được đấy. Dã Chiến Quân số 1 đóng ở vùng Tây Bắc, nhiệm vụ rất gian khổ phức tạp, người lại ít, lần này họ được miễn tuyển chọn cố vấn. Đồng chí về báo cáo Tổng Tư lệnh Nhiếp Vinh Trăn xem ông ấy có ý kiến gì, sau đó đề nghị Quân uỷ Trung ương phát thông báo.”

Các ý kiến nói trên cuối cùng đều được Mao Trạch Đông phê duyệt.

Ngày 17/4/1950, Quân uỷ Trung ương ra lệnh: Các Dã Chiến Quân 2, 3, 4, mỗi đơn vị tuyển chọn một nhóm cán bộ tham gia Đoàn Cố vấn quân sự đi Việt Nam. Đồng thời xác định: Dã Chiến Quân 3 tuyển chọn kíp đoàn bộ Đoàn Cố vấn, Dã Chiến Quân 4 tuyển chọn một nhóm cố vấn trường quân sự, sẽ đảm nhiệm cố vấn trường quân sự Việt Nam.

Ngày 26 tháng 4, Quân uỷ Trung ương lại chỉ thị yêu cầu các quân khu Tây Bắc, Tây Nam, Hoa Đông, Trung Nam và Bộ Tư lệnh Pháo binh quân uỷ điều động thêm 13 cán bộ cấp Tiểu đoàn trở lên tham gia Đoàn Cố vấn quân sự, chuẩn bị làm Cố vấn hoặc trợ lý Cố vấn cho cơ quan chỉ huy cấp cao quân đội Việt Nam và cho bộ đội Việt Nam.

Vi Quốc Thanh bàn với Thủ trưởng Dã Chiến Quân 3 là Túc Dụ, quyết định để Túc Dụ đề cử và xác định thủ trưởng Tổng đội 3, Đại học Quân chính Hoa Đông (hồi ấy đặt tại Nam Kinh), sẽ tổ chức Đoàn bộ Đoàn Cố vấn, và Mai Gia Sinh, Đội trưởng Tổng đội, sẽ làm trợ thủ chính cho Vi Quốc Thanh.

Mai Gia Sinh[4] là một tướng lĩnh huyền thoại của Dã Chiến Quân 3. Mai Gia Sinh người Giang Tô, sinh năm 1913 trong một gia đình nông dân, thủa nhỏ theo mẹ đến Thượng Hải đi học, tốt nghiệp cấp 2 làm nhân viên cửa hàng, về sau đến Nam Kinh vào học trường quân sự, ngành thiết giáp. Năm 1937, về quê tổ chức vũ trang chống Nhật. Khi Trần Nghị dẫn Chi đội 1 Tân Tứ Quân hành quân lên phía Bắc, Mai Gia Sinh đưa bộ đội tham gia Tân Tứ Quân, tham gia trận Hoàng Kiều nổi tiếng. Năm 1939, Mai Gia Sinh được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Trong kháng chiến chống Nhật được cử làm đội trưởng Đại đội 3, Tung đội du kích Đan Dương, rồi Tham mưu trưởng Lữ đoàn 3, Sư đoàn 1 Tân Tứ Quân, tham gia nhiều chiến dịch lớn, lập nhiều chiến công. Về sau ông làm Tham mưu trưởng Tung đội 4 Dã Chiến Quân Hoa Đông, Phó Quân đoàn trưởng Quân đoàn 23 kiêm Tham mưu trưởng. Trong chiến dịch vượt Trường Giang, Quân đoàn 23 của Mai Gia Sinh trải qua “Sự kiện tàu chiến Tử Thạch Anh”, xung đột với chiến hạm của Anh Quốc – vụ xung đột quân sự có yếu tố nước ngoài lớn nhất nổ ra trước ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Mai Gia Sinh thành thạo nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh, suy nghĩ thận trọng, chu đáo, là một vị Tham mưu trưởng xuất sắc.

(còn nữa).

————-

[1] Việt Nam quen gọi là Choang. Một nghiên cứu khoa học lịch sử mới đây của Trung Quốc cho rằng dân tộc Tráng là hậu duệ của người Lạc Việt thủa xưa.

[2] Mời đọc: https://nghiencuuquocte.org/2019/08/16/trung-quoc-nghien-cuu-lich-su-phuc-vu-muu-do-chinh-tri/

[3] 韦国清 Wei Guo-qing, 1913-1989, năm 1955 được phong quân hàm Thượng tướng Giải phóng quân Trung Quốc, sau khi qua đời được dựng tượng đồng tại quê nhà.

[4] 梅嘉生Mei Jia-sheng, 1913-1993, Phó Trưởng đoàn kiêm Tham mưu trưởng Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc đi Việt Nam; năm 1955 được phong quân hàm Thiếu tướng Không quân.