Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu công bố một báo cáo dự đoán ít nhất tới năm 2050 nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm hơn 1,5°C so với mức tiền công nghiệp. Tuy nhiên đây là con số giả định tất cả các nước cùng cắt giảm đáng kể khí thải nhà kính. Đây cũng là lần đầu tiên ủy ban tuyên bố biến đổi khí hậu “rõ ràng” do con người gây ra. Báo cáo nhận định việc loại bỏ carbon dioxide trên quy mô lớn khỏi khí quyển có thể giúp giảm nhiệt độ.
Taliban chiếm thành phố Aibak, thủ phủ tỉnh Samangan, sau khi lực lượng chính phủ Afghanistan rút lui để tránh thương vong. Đây là thủ phủ tỉnh thứ sáu rơi vào tay Taliban trong những ngày gần đây. Trong khi đó quân đội chính phủ mở cuộc phản công ở một tỉnh lỵ khác là Kunduz.
Các Thượng nghị sĩ Dân chủ ở Mỹ đã công bố dự thảo ngân sách trị giá 3,5 nghìn tỷ đô la, với hy vọng thông qua nó bằng luật hòa giải ngân sách. Kế hoạch này sẽ tăng cường ngân sách chính phủ cho y tế và giáo dục đại học, đồng thời cho phép một số người nhập cư không giấy tờ được hưởng quy chế thường trú hợp pháp, cùng những điều khoản khác. Trong những tuần tới các phe trong đảng sẽ tranh luận kỹ càng về gói ngân sách này. Thượng viện cũng dự kiến thông qua gói cơ sở hạ tầng lưỡng đảng trị giá 1 nghìn tỷ đô la.
Mỹ và Anh công bố thêm các biện pháp trừng phạt Belarus, đúng một năm sau khi tổng thống Alexander Lukashenko gian lận bầu cử. Cũng như các lệnh trừng phạt trước đó của phương Tây, chúng được thiết kế để ngăn ông Lukashenko đàn áp người dân, song sẽ không có nhiều tác dụng. Ông Lukashenko từng nói nước Anh hãy “mắc nghẹn” với các lệnh này.
Lee Jae-yong, lãnh đạo trên thực tế của Samsung, vừa được ân xá sau khi thi hành gần 2/3 bản án 30 tháng tù tội hối lộ. Ban đầu ông bị kết án 5 năm tù vào năm 2017 xoay quanh vụ bê bối tham nhũng đã hạ bệ tổng thống Hàn Quốc khi đó Park Guen-hye. Thời điểm ấy ông Lee được trả tự do sau một năm. Song Tòa án Tối cao yêu cầu xét xử lại và khiến ông phải quay lại nhà tù cách đây 8 tháng. Ngoài ra ông còn các cáo buộc hình sự khác.
Thu nhập của BioNTech vượt kỳ vọng trong quý 2, với lợi nhuận ròng 2,8 tỷ euro (3,3 tỷ USD), tăng từ mức lỗ nhỏ của cùng kỳ năm ngoái. BioNTech cũng nâng dự báo bán hàng nhờ có vắc-xin covid-19, mà họ đã sản xuất được 1 tỷ liều và còn đơn đặt hàng 2,2 tỷ liều trong năm nay.
Các phần tử thánh chiến tình nghi đã tấn công ba ngôi làng ở Mali vào hôm qua và giết chết hàng chục người, theo chính quyền Mali. Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về các vụ tấn công vào ba ngôi làng Deouteguef, Karou, và Ouatagouna, nằm gần biên giới với Burkina Faso và Niger. Khu vực này vẫn thường xảy ra giao tranh giữa các phần tử thánh chiến và lực lượng Mali cũng như quốc tế. Trong năm nay dân thường bỗng thường xuyên trở thành mục tiêu tấn công.
TIÊU ĐIỂM
SoftBank chuẩn bị công bố kết quả trong bối cảnh Trung Quốc đàn áp các công ty công nghệ
SoftBank phục hồi trở lại sau giai đoạn khó khăn vào đầu đại dịch, với báo cáo lợi nhuận gần 5 nghìn tỷ Yên (47 tỷ USD) trong năm tài chính vừa qua – mức lợi nhuận lớn nhất trong lịch sử đối với một công ty Nhật Bản. Tuy nhiên người ta sẽ chú ý hơn đến báo cáo thu nhập quý hai được công bố hôm nay, nhằm xem SoftBank bị ảnh hưởng tới đâu bởi cuộc đàn áp của chính phủ Trung Quốc lên lĩnh vực công nghệ trong nước.
Giá cổ phiếu SoftBank đã giảm khoảng 1/3 kể từ khi công bố kết quả kỷ lục vào tháng 5. Nguyên nhân đến từ các khoản đầu tư của họ ở Trung Quốc. Cổ phần của SoftBank trong gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, trị giá hàng trăm tỷ đô la, đã teo đi đáng kể khi công ty này bị giới chức Trung Quốc siết chặt.
Quỹ Tầm nhìn của công ty sẽ tạo ra lợi nhuận mạnh từ các đợt IPO Trung Quốc, vì dù sao công bố quý chỉ bao phủ đến tháng 6. Nhưng ứng dụng gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing, mà Quỹ Tầm nhìn là cổ đông lớn nhất, đã xuống dốc cùng với một số đợt IPO nhỏ hơn gần đây. Người ta đang rất hoài nghi khả năng đặt cược vào công nghệ Trung Quốc của SoftBank.
Cháy rừng nghiêm trọng ở Địa Trung Hải
Gần hai tuần kể từ khi bùng phát, một số đám cháy rừng ở bờ biển phía tây và nam Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang hoành hành. Tình hình cũng không khả quan hơn ở bên kia biển Aegean, nơi các đám cháy ở Hy Lạp đã khiến hàng nghìn người phải di tản khỏi các khu vực ven biển và hải đảo. Hơn 2.000 người đã được sơ tán bằng thuyền chỉ riêng từ Evia, hòn đảo lớn thứ hai của Hy Lạp nằm ở phía bắc Athens. 22 quốc gia đã đưa nhân viên cứu hỏa và thiết bị đến giúp đỡ.
Dự báo khí hậu dài hạn của khu vực Địa Trung Hải không hề sáng sủa. Theo một báo cáo Liên Hợp Quốc được công bố hôm qua, cho dù có cắt giảm khí thải quyết liệt nhất cũng không thể ngăn được nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C vào năm 2050 so với mức tiền công nghiệp. Nhiệt độ mùa hè ở Địa Trung Hải thậm chí sẽ còn cao hơn mức trung bình của thế giới. Hiện nay cháy rừng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp là tin nóng. Nhưng chúng có thể sớm trở thành chuyện bình thường.
Anh nới lỏng các quy định đối với SPAC
Hôm nay, cơ quan quản lý tài chính của Anh sẽ nới lỏng các quy tắc niêm yết nhằm thu hút các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC), một loại công ty vỏ bọc gây tranh cãi.
SPAC là một cách để đưa một công ty tư nhân ra công chúng mà không cần phải IPO thông thường. Nhà môi giới trung gian sẽ huy động tiền từ các nhà đầu tư để thành lập một công ty vỏ bọc. Công ty này niêm yết lên sàn giao dịch chứng khoán, rồi mua lại một công ty tư nhân thực tế. Trong năm nay đã có hơn 110 tỷ đô la được huy động ở New York từ các công ty này, trong khi ở London chỉ có 6 triệu đô. Nguyên nhân đến từ các quy tắc về sáp nhập trước đây của Anh, theo đó ngăn các nhà đầu tư bán cổ phiếu ngay khi xác định được mục tiêu. Từ nay các luật này được nới lỏng.
Dù vậy các trung tâm tài chính châu Âu khác (đặc biệt là Amsterdam) giúp các nhà môi giới dễ thông qua các cuộc bỏ phiếu của cổ đông về sáp nhập SPAC hơn so với London. Có lẽ những thay đổi của Anh là quá ít và quá trễ.
Cuộc họp về “robot giết người” ở Liên Hợp Quốc
Trong tuần qua, một nhóm các chuyên gia do chính phủ chỉ định đã tề tựu về Liên Hợp Quốc để thảo luận về vũ khí tự động gây chết người – còn có tên khác là “robot giết người”. Đây là vòng đàm phán mới nhất trong vòng 8 năm qua nhằm thống nhất quy định đối với vũ khí tự động. Cho đến nay điều duy nhất họ đồng ý là con người phải duy trì kiểm soát.
Những cuộc chiến gần đây đã chứng kiến ngày càng nhiều các loại máy bay không người lái có thể lang thang trên chiến trường trong thời gian dài và — về lý thuyết, dù chưa có trong thực tế — tự chọn mục tiêu. Có khoảng 30 quốc gia muốn có lệnh cấm vũ khí “hoàn toàn tự động”.
Nhưng hầu hết các cường quốc, bao gồm cả Mỹ và Nga, đều cho rằng một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý là không hề khả thi. Một số thậm chí cho rằng robot giết người đã bị “ác quỷ hóa” một cách bất công. Sự tự chủ của vũ khí “có thể làm cho vũ khí chính xác hơn”, theo phái đoàn của Mỹ trước thềm cuộc họp, và từ đó “giảm sát thương cho dân thường và các đối tượng dân sự”.