Công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) là gì?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: What is a SPAC, Grab’s path to a $40bn listing?”, The Economist, 12/04/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Đầu tư vào các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (special-purpose acquisition companies, hay SPAC), một loại hình công ty chỉ tồn tại trên giấy tờ gây tranh cãi, ngày càng bùng nổ lên một tầm cao mới. Vào ngày 13 tháng 4, một kỷ lục mới đã được thiết lập khi Grab, công ty Đông Nam Á có hoạt động giống Uber cung cấp các dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và thanh toán kỹ thuật số, đồng ý sáp nhập với một SPAC do công ty quản lý đầu tư của Mỹ Altimeter thành lập trong một thỏa thuận định giá Grab vào khoảng 40 tỷ đô la. Điều này giúp Grab có một lối tắt để được niêm yết trên sàn Nasdaq và là giao dịch mới nhất trong chuỗi các giao dịch tương tự (Lucid, một nhà sản xuất ô tô điện, là một ví dụ đáng chú ý khác).

Năm ngoái, tại Mỹ, khoảng 250 công ty SPAC đã được đưa ra thị trường, thu về 83 tỷ USD. Từ đó, tốc độ đã nhanh hơn kể. Các công ty SPAC nắm giữ 100 tỷ USD trở lên có thể mua lại được các công ty trị giá 500 tỷ USD trong vòng hai năm. Trong một dấu hiệu cho thấy cơn sốt, các nhà tài trợ cho các SPAC bao gồm rất nhiều loại doanh nhân khác nhau, các ngôi sao thể thao và thậm chí cả con trai của Martin Luther King. Các nhà đầu tư bán lẻ cũng đang tích cực tham gia: họ chiếm 46% giao dịch cổ phiếu SPAC trên nền tảng của Bank of America hồi tháng 1, so với mức 30% một tháng trước đó. Giờ đây, cơn sốt đang lan sang châu Âu, nơi Amsterdam là trung tâm hoạt động, nhưng tranh luận đã bắt đầu ở London về cách làm cho các quy tắc niêm yết của SPAC được thuận lợi hơn. Những người chỉ trích SPAC nêu bật mối nguy hiểm đối với các nhà đầu tư thiếu hiểu biết và kinh nghiệm. Vậy các SPAC hoạt động như thế nào; điều gì tạo nên sự nổi tiếng đột ngột của chúng; và rủi ro là gì?

Đầu tiên, hãy nói về những điều cơ bản. Lý do tồn tại của các SPAC là giúp một công ty khác có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán một cách dễ dàng và nhanh chóng. Vòng đời của chúng bắt đầu khi một nhóm các nhà đầu tư niêm yết một công ty vỏ bọc (shell company) trên thị trường đại chúng, tạo ra một lượng tiền mặt có thể được dùng để đầu tư vào một doanh nghiệp thực sự đang tìm cách huy động vốn và lên sàn chứng khoán. Trong giai đoạn tiếp theo, công ty này sẽ tìm kiếm một công ty mục tiêu chưa niêm yết và đề xuất hợp nhất với nó. Mục tiêu thường là các công ty tư nhân đã trưởng thành có chủ sở hữu và những nhà đầu tư mạo hiểm ban đầu muốn bán bớt cổ phần để rút tiền ra. Các nhà tài trợ cho SPAC có thể đã biết những ngành mà họ muốn nhắm đến ngay từ đầu.

Nói chung, các ông chủ của SPAC phải đạt được một thỏa thuận trong vòng lâu nhất là hai năm kể từ khi SPAC ra đời, nếu không họ sẽ trả lại tiền cho các nhà đầu tư và chìm vào quên lãng. Trong trường hợp sáp nhập thành công, thậm chí họ có thể huy động được nhiều tiền hơn từ một số các nhà đầu tư tổ chức, có nghĩa là số tiền có thể tăng lên khoảng 5 lần so với quy mô SPAC khi mới được niêm yết ban đầu. Sau đó, khoản tiền này có thể được sử dụng bởi công ty đại chúng mới. Các nhà tài trợ SPAC sẽ nhận được một lượng cổ phần của công ty hợp nhất và thường là một ghế trong hội đồng quản trị của nó.

Điều này nghe có vẻ giống như một quá trình phức tạp. Nhưng SPAC cung cấp cho các công ty đại chúng một con đường niêm yết nhanh hơn và dễ dàng hơn so với việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) truyền thống. Mức độ phổ biến của chúng một phần là do sự thất vọng của các công ty niêm yết đối với lộ trình IPO truyền thống, với các quy trình lê thê (nhưng chặt chẽ, như lời của những người chỉ trích các SPAC) và phí cao, điều thường bị các công ty công nghệ phàn nàn. Hơn nữa, trong một vụ IPO điển hình, định giá cuối cùng của một công ty thường không chắc chắn, trong khi các công ty hợp nhất với SPAC biết trước họ sẽ huy động được bao nhiêu tiền. Một điều nữa khiến các SPAC trở nên được yêu thích là vì chúng hứa hẹn nhiều lựa chọn phong phú cho những người sáng lập. Những người sáng lập thường mua được cổ phiếu với giá rẻ, vì vậy có thể kiếm được lợi nhuận kha khá ngay cả khi giá cổ phiếu của công ty mới hợp nhất bị xịt. Những người sáng lập SPAC thường được mua chứng quyền (quyền mua cổ phiếu ở một mức giá nhất định trong tương lai), điều có thể làm giảm lợi nhuận của các cổ đông bên ngoài.

Những điều khoản hào phóng như vậy khiến những người hoài nghi không bị thuyết phục. Một số nghiên cứu cho thấy lợi nhuận của SPAC cho các nhà đầu tư thực ra kém hơn so với lợi nhuận trung bình của thị trường — và thậm chí kém hơn so với lợi nhuận thu được theo cách IPO truyền thống. SPAC cũng không nhất thiết phải là lựa chọn niêm yết có chi phí rẻ như một số người ủng hộ tuyên bố. Chúng vẫn phải chịu phí bảo lãnh phát hành. Sự bùng nổ SPAC dường như đi kèm một chút bong bóng.

Tuy nhiên, nếu được thiết kế phù hợp, SPAC vẫn có thể là một sáng tạo tài chính hữu ích. Sự chắc chắn về mức định giá và tốc độ triển khai nhanh chóng mà chúng mang lại cho các công ty muốn niêm yết sẽ mang lại nhiều lựa chọn hơn, tạo ra cạnh tranh cho các tổ chức Phố Wall. Bằng cách mở cửa cho đầu tư vào các công ty công nghệ, SPAC có thể mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ và nền kinh tế nói chung. Những công ty sáp nhập với các công ty khởi nghiệp có thể cho phép các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ tiếp cận được với các cơ hội đầu tư ở giai đoạn đầu vốn chỉ thường dành cho các nhà đầu tư mạo hiểm. Tiến bộ có thể được đẩy nhanh trong các lĩnh vực bao gồm xe tự hành, công nghệ sinh học và điện toán lượng tử. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ thiếu may mắn có thể gặp khó khăn khi giá trị thị trường của công ty sáp nhập gây thất vọng. Nhưng xét một cách thể, SPAC vẫn có thể chứng minh giá trị của chúng.

Niêm yết trực tiếp khác IPO như thế nào?