Tác giả: Tiền Giang | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Ai biết tiếng Việt đều đi Việt Nam làm phiên dịch
Khi Vi Quốc Thanh còn ở Bắc Kinh, Lưu Thiếu Kỳ và Quyền Tổng Tham mưu trưởng Nhiếp Vinh Trăn đã hai lần gặp ông bàn việc cử ông đi Việt Nam công tác. Riêng Nhiếp Vinh Trăn còn hai lần tiếp kiến Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc sẽ đi Việt Nam.
Trong danh sách Đoàn Cố vấn có tên của Hầu Hàn Giang. Tháng 10 năm 1949, Hầu Hàn Giang đi cùng Lý Ban từ Hải Phòng đến Bắc Kinh, sau đó có xin ở lại Trung Quốc học tập. Được Lý Ban đồng ý, Hầu Hàn Giang vào học tại lớp huấn luyện đảng viên Hoa kiều do Ban Thống nhất Trung ương tổ chức. Tháng 5 năm 1950, Ban này gọi Hầu đi gặp Liên Quán, qua đó Hầu được biết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định lập Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc đi Việt Nam, nay rất cần người biết tiếng Việt. Vì thế Hầu Hàn Giang được yêu cầu tham gia Đoàn Cố vấn này, làm công tác phiên dịch. Sau đó phía Việt Nam đã làm xong thủ tục chuyển quan hệ tổ chức của Hầu Hàn Giang từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Cuối tháng 5, Hầu Hàn Giang cùng đi với ba thanh niên Việt Nam đến gặp Mai Gia Sinh. Ba chàng trai này vốn được phía Việt Nam cử đến Bắc Kinh học “Lớp huấn luyện thanh niên”, nay đã học xong, được phái đến giúp việc Đoàn Cố vấn, trở thành nhóm phiên dịch viên quan trọng của phía Việt Nam.
Giờ đây nhu cầu về phiên dịch viên tiếng Việt trở thành vấn đề cực kỳ cấp thiết. Quân khu Vân Nam ra lệnh tìm trong số thanh niên Hoa kiều thuộc biên chế Tung đội Biên giới do Trang Điền (là Phó tư lệnh Quân khu Vân Nam) trước đây chỉ huy, bất cứ ai biết tiếng Việt đều gọi đi làm phiên dịch. Thật may là thời gian từ năm 1948 đến đầu năm 1949, do bị quân Quốc Dân Đảng gây sức ép mà Tung đội này phải vượt biên giới, di chuyển vào hai tỉnh Cao Bằng và Hà Giang của Việt Nam để tiến hành chỉnh đốn binh lực. Trong thời gian đó, có nhiều thanh niên Hoa kiều ở Việt Nam xin vào Tung đội biên giới này, trong đó có mấy chục nữ thanh niên. Họ đều có trình độ văn hoá nhất định, được tập trung biên chế vào các phân đội tuyên truyền, y tế. Sau ngày thành lập nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, họ đều tập trung ở Côn Minh, Văn Sơn. Nhờ thế, Tung đội huy động được 6-7 nữ chiến sĩ Hoa kiều chuyển sang làm phiên dịch, kịp phục vụ công tác cho Đoàn Cố vấn khi Sư đoàn 308 quân đội Việt Nam đến Nghiên Sơn chỉnh huấn.
40 năm sau, Đinh Tô Bình, cô phiên dịch năm ấy 16 tuổi, nhớ lại:
Trong thời gian bộ đội Việt Nam chỉnh huấn tại Nghiên Sơn, Vân Nam, chỉ có vài ba cán bộ phiên dịch có trình độ đại học, thạo tiếng Việt tiếng Trung, chúng tôi gọi họ là “Đại phiên dịch”, họ làm phiên dịch cho các Thủ trưởng và phiên dịch khi có lên lớp giảng bài. Phần công việc phiên dịch còn lại do lũ “Tiểu phiên dịch” chúng tôi làm. Tôi sinh ra trong một gia đình Hoa kiều ở Cao Bằng, Việt Nam, hồi nhỏ từng đi học 4 năm. 13 tuổi tôi xin vào đoàn văn công của Tung đội biên giới Trung Quốc. Tôi nói thạo tiếng Việt, nhưng chỉ biết những từ ngữ sinh hoạt chứ không biết các từ ngữ quân sự, huống chi còn phải dịch thì càng khó. Tôi được phân công làm việc cho một tiểu đoàn thuộc “Trung đoàn Thủ đô” quân đội Việt Nam. Tiểu đoàn trưởng tên là Lê Vĩnh Minh, Cố vấn Trung Quốc là Lý Vân Long. Họ nói với nhau toàn những từ ngữ quân sự, tôi biết là khó dịch lắm, nhưng tôi không sợ. Chỗ nào dịch được thì dịch, không dịch được thì ra hiệu bằng tay, nếu không biết ra hiệu thì đành thú thật là tôi chịu không dịch được. Những lúc ấy họ bèn thay đổi cách nói. Tôi mặc quân phục Trung Quốc, sĩ quan và binh lính Việt Nam rất tôn trọng tôi. Đồng chí Cố vấn cũng dần dần hiểu được phiên dịch không phải chuyện dễ, vì thế đối xử với tôi rất hoà nhã. Dĩ nhiên có nhiều chuyện khôi hài. Ví dụ bọn con gái trẻ chúng tôi lần đầu ra thao trường luyện quân, có đứa dịch cái đầu ruồi ở đầu nòng súng là “củ tỏi”. Mãi sau chúng tôi mới bớt ngớ ngẩn như vậy, nhưng lúc ấy bộ đội Việt Nam đã sắp lên đường về nước.
Quân đoàn trưởng Châu Hy Hán phụ trách chỉnh huấn binh đoàn chủ lực Việt Nam
Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giao cho Quân đoàn 13, Binh đoàn 4, chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ trang bị mới nhất cho bộ đội Việt Nam vào Vân Nam chỉnh huấn. Quân uỷ yêu cầu không được cung cấp cho bộ đội Việt Nam bất cứ một vũ khí nào do các binh công xưởng vùng Quốc Dân Đảng thống trị sản xuất; chỉ được cung cấp cho họ trang bị toàn bộ kiểu Mỹ. Nguyên tắc chung là “[Phía Việt Nam] có nhu cầu thì [phía Trung Quốc] phải đáp ứng”.
Đích thân Quân đoàn trưởng Quân đoàn 13 Châu Hy Hán dự thảo phương án chỉnh huấn bộ đội Việt Nam; Phó Quân đoàn trưởng Trần Canh đến Nghiên Sơn bố trí thực hiện phương án này. Sau đó, Châu Hy Hán dẫn đoàn cán bộ gồm Phó Sư trưởng Sư đoàn 37, Ngô Hiệu Mẫn, và một số cán bộ cùng nhân viên điện đài đến Nghiên Sơn lấy Trần Canh về Quân đoàn bộ.
Trước đó, các tướng lĩnh phía Việt Nam phụ trách chiến khu Tây Bắc như Cao Văn Khánh, Song Hào, đã sớm vào Vân Nam bàn với Châu Hy Hán lịch thu xếp cho bộ đội Việt Nam chia nhiều đợt tiến vào vùng này. Cao Văn Khánh và Song Hào chuyển tới Châu Hy Hán Thư giới thiệu của Tổng Bí thư Trung ương Đảng Cộng Sản Đông Dương Trường Chinh. Người phiên dịch đã trực tiếp dịch miệng thư này sang tiếng Trung Quốc. Trường Chinh viết: Hiện nay chúng tôi phái bộ đội chủ lực Việt Nam sang Trung Quốc chỉnh huấn, mong rằng các đồng chí Trung Quốc chớ nên khách sáo, mà nên coi bộ đội con em của chúng tôi như bộ đội con em của các đồng chí……Tình cảm trong thư rất chân thành khiến các tướng lĩnh Trung Quốc có mặt tại đấy rất cảm động.
Hai bên quyết định: các đơn vị chiến đấu thuộc Sư đoàn 308 tập kết tại tỉnh Hà Giang của Việt Nam; đơn vị nào tập kết xong thì đi qua Malipo [Ma Lật Pha] tiến vào đất Trung Quốc. Về vấn đề yểm hộ bộ đội, quyết định lấy sông Thanh Thuỷ làm ranh giới, an ninh ở phía Nam ranh giới này do Việt Nam chịu trách nhiệm yểm hộ, khi qua sông rồi thì Giải phóng quân Trung Quốc hoàn toàn chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn. [Phải yểm hộ như thế vì các đơn vị bộ đội Việt Nam khi vào đất Trung Quốc đều đi tay không do phải bỏ lại vũ khí trên đất Việt Nam, và vùng này hãy còn tàn quân Quốc Dân Đảng Trung Quốc quấy rối].
Về địa điểm chỉnh huấn, hai bên quyết định không thể chọn Ma Lật Pha, vì cách biên giới quá gần và thị trấn Ma Lật Pha ở địa thế hẻm núi, quá chật hẹp. Cũng không thể chọn huyện lỵ Văn Sơn cách Ma Lật Pha chừng 50 km, vì vùng này đang có tác chiến, một trung đoàn Giải phóng quân đang vây diệt bọn thổ phỉ. Cuối cùng Quân đoàn trưởng Châu Hy Hán quyết định chọn huyện Nghiên Sơn làm địa điểm chỉnh huấn bộ đội Việt Nam.
Theo lệnh của Châu Hy Hán, đầu tháng 5/1950, mấy nghìn người của trường quân sự Tuỳ Doanh thuộc Quân đoàn 13 chuyển chỗ ở đến huyện Mi Lặc Điền Trung, dành lại doanh trại của họ cho Sư đoàn 308 Việt Nam sử dụng.
Bắt đầu từ ngày 7/5/1950, bộ đội Việt Nam từ tỉnh Hà Giang theo các tuyến đường đã xác định tiến vào tỉnh Vân Nam. Giải phóng quân Trung Quốc bố trí cảnh giới hai bên bờ sông Thanh Thuỷ dọc đường biên huyện Ma Lật Pha, dưới chân núi Lão Sơn. Khi tới bờ sông Thanh Thuỷ, bộ đội Việt Nam bỏ lại toàn bộ vũ khí trên bờ sông phía Việt Nam rồi đi tay không vào bên trong đất Trung Quốc. Phía Việt Nam nêu ra vấn đề bộ đội của họ còn thiếu vũ khí. Phía Trung Quốc lập tức trả lời: Toàn bộ vũ khí bỏ lại trên bờ sông sẽ do phía Việt Nam chở về, bộ đội Việt Nam đi tay không vào Trung Quốc sẽ được lĩnh toàn bộ trang bị vũ khí tại Nghiên Sơn. Sư đoàn 308 có hai trung đoàn đi vào đất Trung Quốc, nhưng trung đoàn 36 của Sư đoàn này bị quân Pháp cắt rời tại đồng bằng Bắc Bộ, vì thế không sang Vân Nam chỉnh huấn được.
Bước qua biên giới Việt – Trung, bộ đội Việt Nam tiến vào vùng đất hoà bình không còn chiến tranh, họ không còn phải hành quân đêm nữa, và cũng chẳng còn lo ngại máy bay lên thẳng của quân Pháp bất ngờ xuất hiện trên đầu mình. Nhân dân Vân Nam đứng dọc đường mang theo thức ăn và nước uống vui mừng đón tiếp họ. Nhiều biểu ngữ lớn treo khắp dọc đường “Hoan nghênh Tung đội Lưỡng Quảng!” [Lưỡng Quảng là tên gọi gộp hai tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây].
Đoàn quân “Tung đội Lưỡng Quảng” ấy áo quần lam lũ, hầu hết chân không giày, sắc mặt xanh như tàu lá. Thế nhưng khi họ hành quân tới Nghiên Sơn thì tình hình khác hẳn. Mỗi tiểu đội được bố trí ở trong một gian phòng thu xếp sẵn, kê 12 chiếc giường có mắc màn chống muỗi, 12 khẩu súng xếp bên cạnh lối vào, gồm 10 súng trường và 2 tiểu liên, ngoài ra còn quân trang, quân phục mới tinh.
…Công tác chỉnh biên Sư đoàn 308 hoàn toàn tiến hành theo chế độ sư đoàn chủ lực Giải phóng quân Trung Quốc. Cán bộ chiến sĩ Việt Nam rất phấn khởi. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 130 bộ đội Việt Nam sau khi xem các trang bị trong phòng bèn nắm tay sĩ quan Trung Quốc nói: “Tốt quá, tất cả những thứ này đều là Mao Chủ tịch cho chúng tôi. Hồ Chủ tịch của chúng tôi và Mao Chủ tịch của các đồng chí là bạn cũ của nhau mà!”
Đầu tháng 6/1950, trừ Trung đoàn 36 ra, các đơn vị chiến đấu của Sư đoàn 308 đều đã đến Nghiên Sơn. Sư đoàn chủ lực đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam – Sư đoàn (Đại đoàn) 308 chính thức tập kết và biên chế tại huyện Nghiên Sơn tỉnh Vân Nam.
Công tác chỉnh huấn lập tức bắt đầu. Châu Hy Hán và Ngô Hiệu Mẫn lên giảng đường giảng bài cho các cán bộ chỉ huy phía Việt Nam. Các cán bộ dưới cấp đại đội và chiến sĩ thì chủ yếu tiếp thu huấn luyện chiến thuật và kỹ thuật trên thao trường luyện quân. Châu Hy Hán và Ngô Hiệu Mẫn mất khá nhiều thời gian vào việc chuẩn bị bài giảng cho các sĩ quan phía Việt Nam. Hai người bàn với nhau trước hết phải nắm được tình hình bộ đội Việt Nam đã, có thế thì bài giảng mới đáp ứng nhu cầu của họ. Nhưng nắm tình hình bằng cách nào? Châu Hy Hán nảy ra sáng kiến: trước tiên hai bên trao đổi tình hình, chú trọng giới thiệu vài trận đánh tương đối tốt của phía mình.
Ngô Hiệu Mẫn giới thiệu cho các sĩ quan Việt Nam nghe về trận Thẩm Trang trong chiến dịch Hoài Hải của Quân đoàn 13. Là một cán bộ quân sự có trình độ văn hoá, lại từng trực tiếp đánh trận ấy, cho nên Ngô Hiệu Mẫn trình bày trận đánh rất hấp dẫn. Sau buổi học, Chính uỷ Song Hào nhiệt tình ôm vai Tham mưu tác chiến Quân đoàn 13 Lý Đĩnh, nói: “Thật là giỏi: Một chiến dịch mà tiêu diệt những 550 nghìn lính địch. Kiểu chiến dịch lớn như thế chúng tôi không thể đánh nổi.”
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 88 bộ đội Việt Nam Thái Dũng là một chiến tướng bị thương thành tật ở vai phải. Ông giới thiệu với các sĩ quan Trung Quốc một trận đánh tấn công đồn lính Pháp cách đây không lâu của đơn vị mình, có kết hợp biểu đồ và ảnh chụp. Cứ điểm địch do một đại đội lính Pháp chiếm giữ, phía Việt Nam tập trung binh lực gần một trung đoàn tấn công. Sau 3 ngày chiến đấu, cuối cùng đuổi được quân Pháp ra khỏi cứ điểm.
Nghe Thái Dũng báo cáo xong, Ngô Hiệu Mẫn có vẻ sốt ruột. Trời nóng bức, ông lật ngược chiếc ghế dài đang ngồi, hỏi Thái Dũng: Lúc bắt đầu trận đánh, sở chỉ huy tiểu đoàn và trung đoàn của các đồng chí đặt ở đâu? Trả lời: Sở chỉ huy tiểu đoàn cách quân địch 800 m, Sở chỉ huy trung đoàn cách địch 2.000 m, trận địa súng máy nặng đặt ở phía trước Sở chỉ huy tiểu đoàn một chút.
Bố trí sở chỉ huy như vậy có khác với cách bố trí của Giải phóng quân. Ngô Hiệu Mẫn bất ngờ mất kiềm chế buột miệng nói: “Chiến thuật gì thế? Hoàn toàn là tư tưởng quân sự của giai cấp tư sản!” Phần lớn cán bộ Việt Nam nghe hiểu câu nói đó. Hội trường yên lặng không ai nói gì.
Hôm ấy cán bộ chỉ huy Cao Văn Khánh không có mặt tại buổi trình bày trận đánh của bộ đội Việt Nam. Hôm sau, ông đến chỗ Châu Hy Hán và nói, hôm qua có đồng chí phê bình chúng tôi có “tư tưởng quân sự tư sản”. Nói thế là không thoả đáng. Chúng ta đều là người cộng sản, mong rằng không chia tách lẫn nhau, có ý kiến gì xin cứ nói với chúng tôi, vì chúng tôi thực sự thiếu kinh nghiệm.
Lúc ấy Ngô Hiệu Mẫn cũng đang ở trong phòng nhưng Cao Văn Khánh không biết mặt, vì thế vừa vào liền thẳng tính nói ngay, khiến cho Ngô Hiệu Mẫn đỏ bừng mặt.
Có điều, rốt cục hai bên cũng qua đó hiểu nhau hơn. Châu Hy Hán, Ngô Hiệu Mẫn sau đấy giảng bài càng sát với yêu cầu. Bài giảng của Châu Hy Hán bắt đầu từ 3 loại lực lượng vũ trang trong chiến tranh cách mạng Trung Quốc: đội du kích, lực lượng vũ trang địa phương, binh đoàn quân chính quy. Phương thức chiến đấu cũng chủ yếu có 3 loại: du kích chiến, vận động chiến, công kiên chiến; cuối cùng từng bước chuyển sang đánh công kiên là chính. Tư tưởng chủ đạo của Châu Hy Hán rất rõ ràng: phải làm cho bộ đội Việt Nam hiểu rõ và nắm vững cách đánh tiêu diệt chiến.
Quân đoàn 13 còn rút ra một số cán bộ cấp đại đội và tiểu đoàn để huấn luyện bộ đội Việt Nam nắm vững kỹ năng chiến đấu, nội dung chính là huấn luyện chiến thuật tấn công quy mô tiểu đội, trung đội, đại đội, tiểu đoàn, huấn luyện tiếp cận mục tiêu đánh bộc phá, dọn mìn, đặt vật cản và dùng bức kích pháo bắn thuốc nổ phá huỷ công sự quân địch. Bộ đội Việt Nam đặc biệt hào hứng với cách đánh dùng bức kích pháo bắn thuốc nổ [?], cho rằng cách đánh này thích hợp sử dụng rộng rãi trên chiến trường Việt Nam. Quả nhiên, sau này họ đã phát triển phương pháp đó trở thành cách đánh thường dùng để phá huỷ máy bay địch đỗ trong sân bay, và phá huỷ một số mục tiêu phi vĩnh cửu.
(còn nữa)