Tác giả: Tiền Giang | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Sức chiến đấu của quân đội Việt Nam nhanh chóng tăng cường
Châu Hy Hán, Tư lệnh Quân đoàn 13 Giải phóng quân Trung Quốc, được các cán bộ chỉ huy bộ đội Việt Nam, Cao Văn Khánh và Song Hào, cho biết: Dự kiến Sư đoàn 308 chỉnh huấn xong về nước sẽ đánh trận giải phóng Lào Cai.
Châu Hy Hán gọi Tham mưu tác chiến Lý Đình đến và nói: “Giao cho đồng chí một đại đội, dùng thời gian một tháng, căn cứ vào tình hình do các đồng chí Việt Nam cung cấp, mô phỏng xây dựng một công sự giống như trận địa của quân Pháp ở Lào Cai, để huấn luyện bộ đội Việt Nam chiến đấu có mục tiêu rõ ràng.”
Lý Đình đi khắp nơi tìm địa điểm, cuối cùng tìm được một nơi có địa hình gần giống đồn Lào Cai của giặc Pháp và bố trí xây dựng một công sự. Hồi đó, công trình thổ mộc này xem ra đã là kiên cố lắm, thế nhưng nửa năm sau, khi Lý Đình đến Lào Cai vào xem đồn đóng quân Pháp ở đây đã bị bộ đội Việt Nam tiêu diệt mới biết chúng dùng công sự bê tông cốt thép, kiên cố hơn hẳn công sự mình đã làm để phục vụ huấn luyện.
Sau khi công sự do Lý Đình chỉ huy xây dựng đã làm xong, phân đội Giải phóng quân Trung Quốc trình diễn cho bộ đội Việt Nam xem phương pháp đánh bộc phá. Giả thiết đồn địch lợi dụng địa thế sườn đồi xây lô cốt, phía trước có nhiều lớp hàng rào dây thép gai. Phân đội công kích cần chuẩn bị tốt vũ khí, trước khi tấn công phải dùng hoả khí tạo ra một màn khói mù dầy đặc bao phủ lô cốt địch. Sau đó dưới sự yểm trợ của hoả lực quân ta, các chiến sĩ bộc phá lần lượt xông lên, người sau tiếp bước người trước, dùng bộc phá từng bước phá toang lớp lớp hàng rào dây thép gai… Chiến sĩ bộc phá sau cùng mang bọc thuốc nổ đặt dưới lỗ châu mai lô cốt địch và cho nổ tung lô cốt… Sau đó toàn phân đội xung phong đánh thẳng vào đồn địch.
Quan sát xong đợt thao diễn đánh bộc phá kể trên, một cán bộ chỉ huy bộ đội Việt Nam nói với Tham mưu trưởng Quân đoàn 13 Trương Thấu Minh: “Đây thật là hình mẫu đánh trận. Hồi nọ chúng tôi đánh đồn Yên Bái, chỉ có mỗi một khẩu sơn pháo và 3 viên đạn. Bắn hết đạn, chúng tôi bắt đầu tấn công từ cự ly cách địch 1.000 mét. Tiến được nửa đường thì địch nổ súng khiến chúng tôi không thể tiến tiếp, đành phải rút lui. Giá như có được những hoả khí như thế này, và đánh theo cách đánh của các đồng chí, thì dứt khoát bọn Pháp chẳng thể ngăn được chúng tôi.”
Sau khi xem Giải phóng quân Trung Quốc trình diễn, bộ đội Việt Nam bắt đầu diễn tập thực binh. Các cố vấn Trung Quốc làm nhiệm vụ đại đội trưởng, trung đội trưởng, các cán bộ chỉ huy cấp trung đội phía Việt Nam đóng vai chiến sĩ, tiến hành công kích trận địa địch. Những lần diễn tập như thế đã tăng cường được ý thức diệt địch ở cự ly gần cho các cán bộ chỉ huy Việt Nam. Tuy vậy trong quá trình diễn tập cũng xảy ra một sự cố bất ngờ.
Khi chuẩn bị vũ khí đạn thật đã đặc cách điều đến một khẩu pháo bộ binh kiểu 92 bắn thẳng ở cự ly gần. Vì hiệp đồng chưa tốt nên một pháo thủ có sai sót khi ngắm bắn, khiến cho một viên đạn bắn trúng tuyến tản binh xung phong, làm bị thương 7 cán bộ Việt Nam.
Chứng kiến vụ tai nạn này, Song Hào đau lòng ôm vai Lý Đình, nói: “Chúng tôi bị thương 7 đồng chí. Cán bộ vô cùng quý báu, không thể để họ bị thương như thế.”
Quân đoàn trưởng Châu Hy Hán biết tin lập tức đến bệnh viện thăm các cán bộ Việt Nam bị thương.
Quân đoàn 13 chẳng những trang bị toàn bộ vũ khí nhẹ kiểu Mỹ cho Sư đoàn 308 bộ đội Việt Nam mà còn cung cấp cho họ 12 khẩu sơn pháo kèm đầy đủ cơ số đạn, giúp quân đội Việt Nam xây dựng một tiểu đoàn sơn pháo hoàn chỉnh. Để làm việc đó, cấp trên đã điều động đại đội sơn pháo Quân đoàn 13 Giải phóng quân đến Nghiễn Sơn, từ Tiểu đoàn trưởng đến Đại đội trưởng, Trung đội trưởng, cả đến chiến sĩ ngắm bắn, tiếp đạn… từng vị trí đều cặp đôi với bộ đội Việt Nam, tay cầm tay hướng dẫn đối phương thao tác thành thạo. Sau cùng phía Trung Quốc còn bàn giao cho phía Việt Nam cả lừa ngựa kéo pháo — đây là những con lừa ngựa từng vượt ngàn dặm đi từ miền Bắc Trung Quốc tới biên cương Vân Nam ở cực Nam Trung Quốc. Buổi sáng hôm bàn giao lừa ngựa, Vương Nghiễn Tuyền có đến đấy. Anh nhìn thấy mấy chiến sĩ chăn dắt lừa ngựa nước mắt ròng ròng, ôm lấy những con vật không biết nói ấy sắp sửa chia tay với họ.
Thực ra số trang bị cung cấp cho Sư đoàn 308 bộ đội Việt Nam còn tốt hơn cả trang bị của Giải phóng quân Trung Quốc. Họ còn nhận được 10 khẩu pháo không giật kiểu 57 – sản phẩm mới nhất của Binh công xưởng Trùng Khánh sản xuất vào cuối thời kỳ chiến tranh giải phóng. Loại pháo này phía Trung Quốc còn chưa sử dụng nhưng đã trang bị cho phía Việt Nam.
Một buổi sáng mùa hè nóng nực, hai cố vấn Điền Đại Bang và Triệu Thuỵ Lai đến nơi đóng quân của Trung đoàn 102 bộ đội Việt Nam. Trung đoàn trưởng Vũ Yên báo cáo: “Chúng tôi vừa được cấp phát 5 khẩu pháo kiểu mới. Loại pháo này trước đây chúng tôi chưa từng thấy, lại càng chưa biết dùng như thế nào. Đề nghị các đồng chí cố vấn thao tác làm mẫu cho chúng tôi xem.”
Đứng trước mấy khẩu pháo nòng thép xanh sáng loáng mới xuất xưởng, Điền Đại Bang và Triệu Thuỵ Lai vô cùng ngạc nhiên. Tuy đều từng trải trăm trận chiến đấu nhưng đây là lần đầu tiên họ nhìn thấy loại súng không giật này. Điền Đại Bang khẽ hỏi Triệu Thuỵ Lai: “Pháo kiểu gì thế hả, cậu có biết bắn không đấy?” Triệu Thuỵ Lai bình thản đón lấy từ tay Vũ Yên tập thuyết minh vũ khí bằng chữ Hán và khẩn trương đọc, sau đó tuyên bố chiều nay huấn luyện bắn đạn thật. Buổi chiều hôm ấy, tại thao trường, Cố vấn Triệu Thuỵ Lai làm động tác mẫu cho mọi người xem. Sau đó ông đề nghị một chiến sĩ Việt Nam bắn thử một phát ở tư thế đứng. Có lẽ là do người phiên dịch có chút lẫn lộn khi dịch lời cố vấn, nên chiến sĩ kia đứng thẳng vác súng lên vai bắn. Sau tiếng nổ, một luồng lửa phụt ra phía sau anh, nòng súng rung lên khiến anh loạng choạng. Mọi người kinh hãi thất sắc, qua đó lĩnh hội được thần lực của súng không giật do Trung Quốc chế tạo.
Sau này, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp có viết trong hồi ký của mình chuyện bộ đội tinh nhuệ Việt Nam vào đất Trung Quốc tiếp nhận trang bị và chỉnh huấn như sau:
Bộ đội ta đến Trung Quốc tiếp nhận trang bị vũ khí mới, ngoài ra phía bạn còn giúp ta huấn luyện kỹ thuật đánh công kiên, đặc biệt là kỹ thuật bộc phá. Trước đây, vì không có thuốc nổ nên ta chưa từng sử dụng kỹ thuật này. Qua 3 tháng huấn luyện, ta đã có thể bắn đạn thật. Chiến sĩ ta tiến bộ rất nhanh. Khi thấy bộ đội ta từ cán bộ đến chiến sĩ lúc nghe giảng ai cũng có thể ghi chép nhanh chóng, nhiều đồng chí Trung Quốc rất lấy làm lạ, cứ tưởng rằng bộ đội ta có quá nhiều phần tử trí thức! [Hồi đó bộ đội Trung Quốc phần lớn mù chữ, do chữ Hán khó học]. Chúng ta đành ra sức giải thích cho phía bạn biết rằng đa số cán bộ ta xuất thân là học sinh, nhưng hầu hết chiến sĩ là thanh niên nông thôn, nhiều người sau khi đi bộ đội mới được học biết chữ.
…… Hồi ấy Giải phóng quân Trung Quốc còn thiếu các trang bị vũ khí hiện đại, chưa có một số vũ khí chúng ta đang rất cần như súng chống tăng, và súng cao xạ. Súng máy nhẹ kiểu Bruno và súng máy nặng kiểu Macxim quá cồng kềnh to nặng, không thích hợp với lính ta khổ người nhỏ bé. Mấy năm nay, Trung đoàn 174 tác chiến trên quốc lộ 4 thu được nhiều vũ khí hiện đại gọn nhẹ của Pháp và Mỹ. Trung đoàn này đề nghị để họ giữ lại số vũ khí đó. Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị các bộ đội chủ lực phối thuộc đều phải thay vũ khí mới để tiện cho việc cung cấp đạn. Thời trước chiến sĩ ta chỉ mong mình có một khẩu súng, bây giờ chẳng những có súng mà đạn dược cũng khá đầy đủ. Hoả lực của các binh đoàn bộ binh quân đội ta so với trước đã khác nhiều.
Mai Gia Sinh, Đặng Dật Phàm tụ tập tại Bắc Kinh chờ được lãnh đạo tối cao tiếp kiến
Trong khi Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc gấp rút tuyển chọn cán bộ và tiến hành chỉnh huấn bộ đội Việt Nam tại vùng biên giới Trung – Việt, thì đồng thời phía Trung Quốc cũng thành lập Phân đoàn cố vấn cho trường Lục quân Việt Nam sắp chuyển sang Vân Nam. Nguyên Sư trưởng sư đoàn 143 thuộc Quân đoàn 48, Dã Chiến Quân 4, Trương Hưng Hoa, cầm thư giới thiệu của Trưởng ban Cán bộ Quân khu Trung Nam, Đỗ Bình, đến gặp Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh ở Bắc Kinh. Vi Quốc Thanh nói, Chủ tịch Mao và các thủ trưởng Trung ương tỏ ý muốn tiếp kiến các cán bộ trong Đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc đi Việt Nam.
Hạ tuần tháng 6/1950, ít lâu sau khi Mai Gia Sinh được cử làm Phó Trưởng đoàn cố vấn thì bạn ông thời ở Tổng đội 3 trường Đại học Quân chính là chính uỷ Đặng Dật Phàm cũng đến Bắc Kinh. Lúc ấy Đặng chưa biết sứ mệnh của Mai Gia Sinh, mà vẫn nghĩ rằng mình được gọi lên Bắc Kinh là để đi nhận công tác ở Tổng cục Chính trị, nơi La Vinh Hoàn, Chủ nhiệm mới của Tổng cục này, là thủ trưởng cũ của Đặng.
(còn nữa)