Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asia, 03/2021.
Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Tại phiên khai mạc của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc hôm thứ Sáu (05/03/2021) ở Bắc Kinh, Thủ tướng Lý Khắc Cường bỗng nhiên nói nhanh bất thường khi đọc báo cáo công tác của chính phủ.
“Thay mặt Quốc vụ Viện, tôi muốn trưng cầu ý kiến của các đồng chí”, ông Lý điềm tĩnh bắt đầu. Nhưng tốc độ của ông tăng dần về cuối. Dường như ông bị đau họng, khiến giọng ông trở nên khó nghe và ông phải uống nước liên tục.
Ông Lý có lẽ chỉ có một giờ để nói. “Chúng ta tiếp tục phấn đấu hướng tới giấc mơ Trung Hoa về sự phục hưng vĩ đại của Trung Quốc”, ông nói, dường như bỏ qua một số đoạn đã chuẩn bị và vội vàng kết thúc báo cáo trong 60 phút.
Chủ tịch Tập Cận Bình ngồi xem ông Lý phát biểu bên trong Đại lễ đường Nhân dân. Thủ tướng có vẻ hơi căng thẳng trước ông Tập, người có quyền lực tuyệt đối.
Ngày 5 tháng 3 đại hội khai mạc đúng vào dịp sinh nhật Chu Ân Lai, thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Mao Trạch Đông, người cha sáng lập Trung Quốc hiện đại, luôn gạt bỏ bất kỳ kẻ nào đe dọa vị thế của ông, nhưng Chu chưa bao giờ biến mất khỏi sân khấu chính trị của Trung Quốc.
Hôm sáng Chủ nhật (07/03/2021), tôi ghé qua một nơi có liên hệ với Chu: Xưởng Ảnh Trung Quốc nằm trên phố Vương Phủ Tỉnh, Bắc Kinh, ở phía đông Đại Lễ đường.
Studio này, thành lập ở Thượng Hải vào năm 1937, đã mở cửa hàng Vương Phủ Tỉnh theo lệnh của Chu khi chuyển đến thủ đô vào giữa những năm 1950. “Tôi nghe nói thủ tướng từng ngẫu nhiên bước vào cửa hàng vào năm 1956 và đứng xếp hàng để chụp ảnh,” một nhân viên lớn tuổi cho biết.
Bức ảnh này được trưng bày ở phía trước studio. Chân dung của Mao được đặt cao và ngay giữa hơn, bao quanh là các bức ảnh của Chu và cựu Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ, người đã chết thê thảm trong Cách mạng Văn hóa, và phải đến năm 1980 mới được chính phủ Đặng Tiểu Bình phục hồi danh dự.
“Riêng ảnh của Mao Chủ tịch được chụp ở một nơi khác,” nhân viên này nói thêm.
Có lẽ Chu giữ được vị trí của mình vì ông chưa từng âm mưu lật đổ Mao, còn Mao cũng biết ông cần Chu để điều hành một đất nước khổng lồ, vì Chu có kỹ năng thực tế và được công chúng yêu mến. Do đó ông đã giữ Chu bên mình cho đến khi qua đời.
Có vẻ như Tượng đài các Anh hùng Nhân dân, ở trung tâm Quảng trường Thiên An Môn, tượng trưng cho mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo. Dòng chữ ở mặt trước tượng đài là do Mao viết tay, trong khi mặt sau có chữ của Chu. Nếu không có Chu, một người ủng hộ Mao, Trung Quốc hiện đại có lẽ đã sụp đổ vào một lúc nào đó.
Sau đó tôi bắt đầu tự hỏi, liệu Tập có một nhân vật số 2 nào như Mao từng có Chu không? Đối với một người muốn cầm quyền tới những năm 2030, đây có lẽ là điểm yếu nhất của ông./.
Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.