Thế giới hôm nay: 29/04/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Joe Biden sẽ cố gắng thuyết phục các nhà lập pháp về Kế hoạch Gia đình Mỹ của ông, một phiên bản cải tiến của mạng lưới an sinh xã hội trị giá 1,8 nghìn tỷ đô la, trong bài phát biểu đánh dấu ngày thứ 100 ông tại vị vào tối nay. Chương trình này sẽ chạy bằng số thu từ tăng thuế thặng dư vốn, và bao gồm việc miễn học phí cao đẳng cộng đồng và nghỉ thai sản có lương cho cha mẹ, cùng các dịch vụ khác.

Các đặc vụ liên bang đã khám xét căn hộ của Rudy Giuliani, cựu luật sư riêng của cựu tổng thống Donald Trump, theo New York Times. Đây là một phần của cuộc điều tra về các cáo buộc ông Giuliani vận động hành lang thay mặt cho các công dân Ukraine, những người đã giúp thu thập thông tin gây tổn hại cho các đối thủ chính trị của ông Trump, bao gồm cả ứng cử viên tổng thống khi đó là Joe Biden.

EU phạt Bank of America, Credit Suisse và Credit Agricole 28,5 triệu euro (34,4 triệu USD) vì thao túng giá bất hợp pháp khi giao dịch trái phiếu chính phủ. Deutsche Bank cũng liên quan trong vụ này, nhưng thoát án phạt vì đã chỉ điểm các ngân hàng khác. Credit Suisse cho biết sẽ kiện ra tòa.

Chính phủ Thống nhất Quốc gia (NUG) Myanmar, chính phủ của các chính trị gia bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2, đã loại trừ “đối thoại mang tính xây dựng” cho đến khi tất cả tù nhân chính trị được trả tự do. Họ cũng chỉ trích ASEAN vì đã can dự với chính quyền quân sự thay vì với NUG. Trong khi đó, nhà cầm quyền quân sự Myanmar đã đệ một số cáo buộc, bao gồm giết người và phản quốc, đối với nhà hoạt động nổi tiếng Wai Moe Naing.

Cơ quan tình báo nội địa của Đức bắt đầu giám sát phong trào Querdenken và các nhà hoạt động chống phong tỏa khác vì nghi ngờ “âm mưu lật đổ nhà nước”. Cơ quan này lo ngại những kẻ kích động đang lợi dụng biểu tình hợp pháp để “kích động leo thang”. Tháng trước, họ cũng đã ban hành một lệnh giám sát tương tự lên đảng cực hữu AfD, dù sau đó đã bị tòa án ở Cologne hủy bỏ.

Chính phủ Pháp lên án một bức thư ngỏ do các quân nhân tại ngũ và đã giải ngũ cảnh báo về một “cuộc nội chiến” do chủ nghĩa cực đoan tôn giáo gây ra. Được đăng trên một tạp chí cánh hữu nhân kỷ niệm một cuộc đảo chính quân sự thất bại năm 1961, bức thư này đã nhận được khoảng 1.000 chữ ký. Bộ trưởng các Lực lượng Vũ trang, Florence Parly, cho biết những người đã ký nếu còn tại ngũ sẽ bị trừng phạt vì vi phạm nguyên tắc trung lập chính trị.

Lợi nhuận trước thuế của Deutsche Bank tăng lên 1,6 tỷ euro (1,9 tỷ đô la) nhờ vào kết quả xuất sắc của mảng ngân hàng đầu tư, sau khoảng thời gian tái cơ cấu. Đây là lợi nhuận quý lớn nhất kể từ năm 2014. Lloyds của Anh cũng có ​​lợi nhuận trước thuế tăng lên 1,9 tỷ bảng Anh (2,6 tỷ USD), sau khi gạch bỏ một số khoản trích lập dự phòng nợ xấu trong đại dịch.

TIÊU ĐIỂM

Ấn Độ bầu nghị viện một bang lớn giữa dịch covid-9

Cho đến hai tuần trước, khi tình hình covid-19 của Ấn Độ thực sự trở nên tồi tệ, câu chuyện lớn nhất năm vẫn là cuộc đua vào nghị viện bang Tây Bengal. Song với 200.000 người đã chết (dĩ nhiên con số thực còn cao hơn) và hơn 300 nghìn ca mới mỗi ngày, người Ấn Độ giờ đã chuyển sự chú ý của họ. Nhưng Bengal vẫn đi bỏ phiếu. Còn 8,5 triệu người đủ điều kiện để bỏ phiếu trong hôm nay, và kết quả sẽ được tính vào Chủ nhật.

90 triệu người Tây Bengal cũng không thể hiểu nổi tại sao Narendra Modi lại mong đảng ông thắng bang này đến vậy. Thống đốc đương nhiệm, Mamata Banerjee, là một cái gai trong mắt thủ tướng, gai nhọn hơn tất cả mọi đối thủ khác. Được biết cuộc bầu cử kéo dài 8 giai đoạn này được cho là có lợi cho ông Modi. Nhóm của ông đã tổ chức vận động toàn thời gian, ngay cả khi cuộc khủng hoảng covid đang quét qua. Trong đó các cuộc mít tinh là rất lớn và phần lớn là chẳng có khẩu trang. Dù ông Modi có thắng được Tây Bengal hay không, thì động thái điên rồ của ông cũng không là gì so với cuộc khủng hoảng đang leo thang.

Trung Quốc đặt thêm luật siết chặt xuất nhập cảnh Hồng Kông

Cứ mỗi ngày trôi qua, mục tiêu biến Hồng Kông thành một thành phố duyên hải như bao thành phố khác của Trung Quốc lại tiến thêm một bước. Năm ngoái, nước này đã ban hành luật an ninh quốc gia hà khắc lên vùng lãnh thổ. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn chưa dừng lại. Hôm qua cơ quan lập pháp Hồng Kông – hiện không còn bất kỳ nhà lập pháp ủng hộ dân chủ nào – đã thông qua một sửa đổi đối với thủ tục nhập cư của thành phố, theo đó ban cho các cơ quan chức năng quyền lực vô hạn để kiểm soát những người ra vào Hồng Kông.

Chính phủ hứa rằng luật này, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 8, sẽ chỉ được áp dụng cho các chuyến bay đến nhằm ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp. Nhưng đó cũng chỉ là lời nói suông. Những người phản đối nói lệnh cấm xuất cảnh, tương tự lệnh ĐCSTQ đã áp dụng với khoảng 24 người Mỹ ở Trung Quốc trong ba năm qua, có thể được áp dụng đối với những người ở Hồng Kông. Mô hình “hai chế độ” của Trung Quốc ngày càng hóa thành một.

Kinh tế Mỹ phục hồi thần tốc

Sau cú sốc kinh tế chưa từng có của một năm trước, nền kinh tế lớn nhất thế giới đang đi đúng hướng. Các số liệu chính thức được công bố hôm nay dự kiến sẽ cho thấy GDP tăng khoảng 6% hàng năm trong quý đầu, so với 4% của quý 4 năm ngoái.

Tăng trưởng nhanh như vậy đồng nghĩa sản lượng kinh tế của Mỹ gần như đã phục hồi về mức tiền đại dịch. Nếu vậy đó sẽ là một sự phục hồi nhanh chóng đáng kinh ngạc. Trong đó không thể kể đến tác động của các chương trình kích thích khổng lồ liên tiếp của chính phủ liên bang, rót tiền vào túi người dân và cho phép họ chi tiêu.

Chỉ một lúc nữa thôi GDP của Mỹ sẽ còn cao hơn cuối năm 2019. Một loạt các chỉ số kinh tế “tần suất cao” đo lường đi lại và chi tiêu, với độ trễ ngắn hơn so với số liệu chính thức, đều cho thấy rằng khi các hạn chế được dỡ bỏ, nền kinh tế Mỹ bung mạnh.

Địa chính trị trong ngành chip: TSMC

Công ty Sản xuất Chất Bán dẫn Đài Loan thống trị ngành này, kiểm soát tới 84% thị trường chip tiên tiến và vẫn còn muốn tăng thị phần. Mới tháng này, công ty thông báo sẽ tăng chi tiêu đầu tư năm nay lên 30 tỷ đô la, từ 17 tỷ đô la của năm 2020.

Công nghệ của TSMC cho đến nay đã giúp họ không bị vướng vào địa chính trị Trung-Mỹ. Nhưng căng thẳng gia tăng có thể làm hại họ. Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ, theo đó gây khó dễ cho các nhà sản xuất chip bán hàng cho Trung Quốc. Và chính quyền Biden cũng đã dành 50 tỷ đô la để hồi sinh ngành sản xuất chip trong nước, khiến TSMC phải nhanh chóng xây chắc chỗ đứng chân. Tất cả những điều ấy có thể làm Bắc Kinh phiền lòng. Hiện cả hai bên vẫn chưa đả động gì đến TSMC. Nhưng nếu vai trò quan trọng của họ không ngừng tăng lên, thì cuối cùng một bên cũng sẽ cố giành lấy công ty về phía mình.