Dữ liệu thời gian thực sẽ biến đổi chính sách kinh tế vĩ mô?

Nguồn: A real-time revolution will up-end the practice of macroeconomics”, The Economist, 23/10/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên

Đại dịch đã thúc đẩy sự chuyển hướng sang dữ liệu mới và phân tích nhanh.

Có ai thực sự hiểu những gì đang diễn ra trong nền kinh tế thế giới? Đại dịch đã khiến nhiều nhà quan sát bối rối. Ít ai dự đoán được giá dầu lên mức 80 đô la, chưa nói đến các đội tàu container  đang chờ bên ngoài các cảng của California và Trung Quốc. Khi Covid-19 xuất hiện vào năm 2020, các nhà kinh tế đã dự báo quá cao tỷ lệ thất nghiệp vào cuối năm. Hiện tại, giá cả đang tăng nhanh hơn dự kiến ​​ và không ai dám chắc liệu lạm phát và tiền lương  có tăng cao hay không. Bất chấp tất cả các phương trình và lý thuyết của họ, các nhà kinh tế học thường vẫn dò dẫm trong bóng tối, với quá ít thông tin để họ có thể dựa vào  và chọn ra các chính sách tối đa hóa việc làm và tăng trưởng.

Tuy nhiên, như chúng tôi báo cáo trong tuần này, thời kỳ hoang dã đang bắt đầu nhường chỗ  cho một giai đoạn khai minh lớn hơn. Thế giới đang sắp sửa bước vào một cuộc cách mạng thời gian thực về kinh tế, khi chất lượng và tính kịp thời của thông tin được thay đổi. Các công ty lớn  từ Amazon đến Netflix  đã sử dụng dữ liệu tức thì  để theo dõi việc giao hàng tạp hóa  và số lượng khán giả dán mắt vào phim “Trò chơi con mực”. Đại dịch đã khiến các chính phủ và ngân hàng trung ương phải thử nghiệm, từ việc giám sát việc đặt chỗ nhà hàng  đến theo dõi các khoản thanh toán bằng thẻ. Các kết quả vẫn còn thô sơ, nhưng khi các thiết bị kỹ thuật số, cảm biến và thanh toán nhanh trở nên phổ biến, khả năng quan sát nền kinh tế một cách chính xác và nhanh chóng  sẽ được cải thiện. Điều đó mở ra triển vọng ra quyết định tốt hơn  trong khu vực công, cũng như cám dỗ khiến các chính phủ muốn can thiệp.

Mong muốn có dữ liệu kinh tế tốt hơn là điều không có gì mới. Các ước tính GNP của Mỹ bắt đầu từ năm 1934  và ban đầu có độ trễ thời gian 13 tháng. Hồi những năm 1950, chàng thanh niên Alan Greenspan (sau này là chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang) đã theo dõi lưu lượng xe ô tô chở hàng  để đưa ra những ước tính ban đầu về sản lượng thép. Kể từ khi Walmart đi tiên phong  trong quản lý chuỗi cung ứng vào những năm 1980, các ông chủ của khu vực tư nhân đã coi dữ liệu kịp thời  là một lợi thế cạnh tranh. Nhưng khu vực công đã chậm đổi mới cách thức hoạt động. Các số liệu chính thức mà các nhà kinh tế theo dõi, ví dụ như GDP hoặc việc làm, có độ trễ hàng tuần hoặc hàng tháng, và thường được sửa đổi đáng kể. Năng suất cần nhiều năm mới được tính toán chính xác. Cũng không có gì là quá khi nói rằng  các ngân hàng trung ương đang bay mà không thấy đường.

Dữ liệu kém và trễ có thể dẫn đến lỗi chính sách, gây thiệt hại hàng triệu việc làm và hàng nghìn tỷ đô la sản lượng bị mất. Cuộc khủng hoảng tài chính sẽ ít có hại hơn rất nhiều  nếu Cục Dự trữ Liên bang cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0  vào tháng 12 năm 2007, khi nước Mỹ đã bước vào suy thoái, thay vì vào tháng 12 năm 2008, khi các nhà kinh tế cuối cùng nhìn thấy điều đó trong các số liệu. Dữ liệu chắp vá về một nền kinh tế phi chính thức rộng lớn  và các ngân hàng kém cỏi  đã khiến các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ gặp khó khăn hơn  trong việc chấm dứt một thập kỷ mất mát do tăng trưởng thấp của nước này. Ngân hàng Trung ương châu Âu đã tăng lãi suất một cách sai lầm vào năm 2011  trong bối cảnh lạm phát tạm thời bùng nổ, đẩy khu vực đồng euro trở lại suy thoái. Hiện nay, Ngân hàng Trung ương Anh có thể sắp mắc một sai lầm tương tự.

Tuy nhiên, đại dịch đã trở thành chất xúc tác cho thay đổi. Không có thời gian chờ đợi các cuộc khảo sát chính thức  để biết ảnh hưởng của virus hoặc các đợt phong tỏa, các chính phủ và ngân hàng trung ương đã thử nghiệm  bằng cách theo dõi điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc  và việc sử dụng động cơ máy bay theo thời gian thực. Thay vì nhốt mình trong phòng làm việc nhiều năm  để viết cuốn “Lý thuyết chung” tiếp theo, các nhà kinh tế học ngôi sao ngày nay, chẳng hạn như Raj Chetty tại Đại học Harvard, điều hành các phòng thí nghiệm có đội ngũ nhân viên giỏi  để thu thập dữ liệu. Các công ty như JPMorgan Chase  đã mở kho dữ liệu về số dư ngân hàng và hóa đơn thẻ tín dụng, giúp tiết lộ liệu mọi người đang tiêu tiền hay tiết kiệm.

Những xu hướng này sẽ gia tăng khi công nghệ thâm nhập vào nền kinh tế. Một tỷ lệ chi tiêu lớn hơn đang chuyển sang trực tuyến, và các giao dịch đang được xử lý nhanh hơn. Theo McKinsey, một công ty tư vấn, thanh toán theo thời gian thực đã tăng 41% trong năm 2020  (Ấn Độ có tới 25,6 tỷ giao dịch như vậy). Ngày càng có nhiều máy móc và đồ vật được trang bị cảm biến, bao gồm cả các container vận chuyển riêng lẻ  có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Govcoins, hay tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, đang được Trung Quốc thử nghiệm  và hơn 50 quốc gia khác xem xét, có thể sớm cung cấp một mỏ vàng chi tiết theo thời gian thực  về cách thức hoạt động của nền kinh tế.

Dữ liệu kịp thời sẽ làm giảm nguy cơ mắc lỗi chính sách. Ví dụ, sẽ dễ dàng hơn khi đánh giá việc sụt giảm hoạt động nào đó  có đang trở thành một cơn suy thoái hay không. Và các đòn bẩy mà chính phủ có thể sử dụng  cũng sẽ được cải thiện. Các ngân hàng trung ương cho rằng  phải mất 18 tháng hoặc hơn  để các điều chỉnh lãi suất có hiệu lực đầy đủ. Tuy nhiên, Hồng Kông đang thử nghiệm việc phát tiền mặt cho dân  thông qua ví kỹ thuật số, và số tiền này sẽ không thể sử dụng  nếu để quá hạn do không được chi tiêu nhanh chóng. Tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương  có thể cho phép lãi suất giảm xuống sâu dưới mức âm. Dữ liệu tốt trong các cuộc khủng hoảng  có thể cho phép các hỗ trợ được nhắm mục tiêu chính xác hơn. Hãy tưởng tượng  các khoản vay chỉ dành cho các công ty có bảng cân đối kế toán mạnh  nhưng có vấn đề thanh khoản tạm thời. Thay vì các khoản thanh toán phúc lợi toàn dân lãng phí  được thực hiện thông qua các cơ quan quản lý an sinh xã hội, người nghèo có thể được hưởng các khoản thu nhập bổ sung  nếu họ bị mất việc làm, được trả vào ví điện tử  mà không cần bất kỳ thủ tục giấy tờ nào.

Cuộc cách mạng thời gian thực  hứa hẹn sẽ giúp các quyết định kinh tế được đưa ra chính xác, minh bạch  và dựa trên quy tắc hơn. Nhưng nó cũng mang đến những rủi ro. Các chỉ số mới có thể bị hiểu sai: Liệu suy thoái kinh tế toàn cầu đang bắt đầu diễn ra  hay chỉ là việc Uber bị mất thị phần? Chúng không mang tính đại diện hơn  hoặc hoàn toàn không gây nhận định thiên lệch  như các cuộc điều tra công phu của các cơ quan thống kê. Các công ty lớn có thể tích trữ dữ liệu, mang lại cho họ một lợi thế không công bằng. Các công ty tư nhân như Facebook, vốn đã ra mắt một ví kỹ thuật số trong tuần này, một ngày nào đó có thể có cái nhìn sâu sắc hơn  về chi tiêu của người tiêu dùng  so với Cục Dự trữ liên bang.

Mối nguy hiểm lớn nhất là sự kiêu ngạo. Với khả năng nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế, các chính trị gia và quan chức  sẽ bị cám dỗ trong việc tưởng tượng rằng  họ có thể nhìn xa về tương lai, hoặc muốn nhào nặn xã hội theo ý muốn của họ  nhằm tạo lợi thế cho các nhóm cụ thể. Đây là giấc mơ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đảng đang tìm cách tiến hành một hình thức kế hoạch hóa tập trung kỹ thuật số.

Trên thực tế, không có lượng dữ liệu nào đủ lớn  để có thể dự đoán tương lai một cách đáng tin cậy. Các nền kinh tế năng động và phức tạp  không chỉ phụ thuộc vào các doanh nghiệp lớn  mà còn dựa vào hành vi tự phát  của hàng triệu công ty và người tiêu dùng độc lập. Kinh tế học tức thời  không phải chỉ là về khả năng thấu thị hay toàn trí. Thay vào đó, lợi ích tiềm tàng của nó là một điều thân thuộc  nhưng có tính cách mạng: khả năng ra quyết định tốt hơn, kịp thời hơn  và hợp lý hơn.