Thế giới hôm nay: 22/11/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Các chính trị gia trong liên minh cầm quyền của thủ tướng Angela Merkel nói Đức nên bắt chước Áo bắt buộc tiêm chủng trong bối cảnh số ca nhiễm covid-19 tăng vọt. Tỷ lệ tiêm chủng ở nước này là 68%, tương đối thấp so với các nước khác ở Tây Âu. Đề nghị này được đưa ra sau khi có biểu tình ở một số thành phố châu Âu phản đối phong tỏa và các hạn chế covid-19. Đặc biệt có bạo lực ở The Hague và các thành phố khác của Hà Lan.

Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok, người bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự vào tháng trước và bị bắt, đã được trả tự do và được phục hồi chức vụ. Ông đã ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với thủ lĩnh đảo chính, Trung tướng Abdel-Fattah al-Burhan. Song một số nhân vật lãnh đạo biểu tình chống đảo chính đã lên tiếng phản đối thỏa thuận. Họ yêu cầu rút hoàn toàn quân đội khỏi chính trị.

Ba Lan cáo buộc Belarus tiếp tục đưa người di cư đến biên giới, dù đã dọn sạch các trại sát biên giới hồi đầu tuần. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đi thăm các nước vùng Baltic vào Chủ nhật, hai trong số đó có chung biên giới với Belarus. Ông nói các hành động của Belarus là “nỗ lực lớn nhất nhằm gây bất ổn châu Âu” kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Hội đồng quản trị của TIM (trước đây là Telecom Italia) được cho là đang xem xét đề nghị mua lại từ KKR, một quỹ đầu tư tư nhân của Mỹ, công ty đã sở hữu 37,5% mạng lưới dây cáp “chặng cuối” đến người dùng của hãng. Vivendi, tập đoàn Pháp và là cổ đông lớn nhất của TIM, có mối quan hệ không tốt với giám đốc điều hành của công ty. Cổ phiếu TIM đã giảm một phần tư kể từ tháng 6, trong khi doanh thu và lợi nhuận quý ba giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Hôm thứ Sáu, S&P cũng hạ cấp xếp hạng các khoản nợ của TIM.

Người dân Venezuela đã đi bỏ phiếu vào Chủ nhật để bầu hơn 3.000 thống đốc bang, thị trưởng và ủy viên hội đồng thành phố. Đặc biệt có các chính trị gia đối lập lần đầu tham dự sau  4 năm, dù trước đây họ luôn tẩy chay bầu cử vì chính phủ Nicolás Maduro gian lận. Hồi tháng 5, hai nhân vật đối lập đã được ghi tên vào danh sách năm chủ tịch ủy ban bầu cử.

Một tay súng, được Hamas xác nhận là thành viên dân quân Palestine, đã bắn chết một người và làm bị thương bốn người, trong đó có hai sĩ quan cảnh sát, ở Thành cổ Jerusalem. Người này bị an ninh Israel tiêu diệt. Đây là vụ tấn công thứ hai ở khu vực này trong những ngày gần đây: hôm thứ Tư một thanh niên 16 tuổi đã đâm dao hai cảnh sát trước khi bị bắn chết.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc chiếu một số video về Peng Shuai, một vận động viên quần vợt đã không xuất hiện từ đầu tháng, sau khi cô cáo buộc một cựu phó thủ tướng tấn công tình dục. Các hình ảnh cho thấy cô Peng tại một nhà hàng và một trận đấu quần vợt trẻ ở Bắc Kinh, có thể là vào cuối tuần này. Nhưng người đứng đầu cơ quan tổ chức toàn cầu của quần vợt nói ông không tin cô đang hành động tự do.

Con số trong ngày: 75%, là tỉ lệ nền kinh tế Venezuela bị thu hẹp đi dưới thời Tổng thống Nicolás Maduro. Thăm dò dư luận cho thấy ủng hộ cho tổng thống chỉ dao động ở mức gần 15%.

TIÊU ĐIỂM

Ấn-Mỹ đẩy mạnh hợp tác kinh tế

Katherine Tai, đại diện thương mại của chính quyền Biden, sẽ kết thúc chuyến thăm châu Á vào thứ Hai tại Delhi. Ấn Độ và Mỹ lần đầu tổ chức Diễn đàn Chính sách Thương mại vào năm 2009, nhưng đã ngừng tổ chức diễn đàn này vào năm 2018. Giờ đây họ đang nhiệt tình khôi phục lại nó. Thương mại giữa hai nước đã tăng trong quá trình đó (dù có một vài khó khăn), lên gấp bảy lần trong 20 năm qua. Song cả hai bên đều thấy vẫn còn nhiều khả năng cải thiện. Một số người Mỹ thậm chí còn bàn tán về một hiệp định thương mại tự do.

Trung Quốc rõ ràng là một nguyên nhân. Ấn Độ và Mỹ đang thôi thúc hướng tới một liên minh chiến lược khi phải đối mặt một đối thủ chung. Đại dịch đã khiến cả hai mong muốn xây dựng chuỗi cung ứng ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc. Và việc Trung Quốc mạnh tay với các công ty công nghệ đã khiến vốn đầu tư của Mỹ chuyển hướng đi các địa điểm xa hơn nhưng thân thiện hơn.

Vụ kiện Twitter của Trump bế tắc

Đôi khi những điều không xảy ra còn đáng kể hơn những điều thực sự xảy ra. Hôm nay là hạn Bộ Tư pháp Mỹ phải nộp lập luận của mình trong vụ kiện của cựu tổng thống Donald Trump đối với Twitter. Ông muốn mạng xã hội này phải khôi phục tài khoản của ông, với gần 89 triệu người theo dõi trước khi bị đóng vì kích động vụ bạo loạn Đồi Capitol ngày 6 tháng 1.

Song vụ kiện có vẻ bế tắc. Và các chuyên gia nói rất khó có khả năng tòa án chấp thuận yêu cầu của ông Trump. Tu chính án thứ nhất về đảm bảo quyền tự do ngôn luận chỉ áp dụng cho các tổ chức chính phủ, không áp dụng cho các công ty tư nhân. Do đó ông Trump sẽ khó có thể lấy lại vũ khí truyền thông của mình, ít nhất là trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm tới. Meta (công ty mẹ Facebook), mà ông cũng đâm đơn kiện, nói ông tiếp tục bị cấm trên các nền tảng của họ ít nhất hai năm, tức đến tháng 1 năm 2023.

Căng thẳng EU-Belarus lắng xuống

Tình hình bất ổn ở biên giới Belarus-Ba Lan đã giảm bớt. Đồng thời Belarus và phương Tây cũng đang tạm ngừng đe dọa nhau. Công đầu có lẽ thuộc về Angela Merkel, thủ tướng sắp mãn nhiệm của Đức, người đã nói chuyện với Alexander Lukashenko vào tuần trước. Đây là cuộc gọi đầu tiên của nhà lãnh đạo Belarus với một nhà lãnh đạo phương Tây trong hơn một năm qua.

Sau khi vượt qua vụ lùm xùm ở biên giới, hôm nay khối sẽ thảo luận về chính Belarus. Một hội nghị ở Vienna, “Hướng tới một tương lai thịnh vượng và an toàn cho Belarus,” đáng lẽ được tổ chức bởi chính phủ Áo nhưng phải chuyển sang online vì covid-19. Tại đây, các nhân vật đối lập Belarus sẽ chia sẻ tầm nhìn của họ với các chính trị gia và quan chức châu Âu. Phe của ông Lukashenko đã gọi hội nghị là “vô ích và vô nghĩa.” Nhiều người ở EU tin một tương lai tốt đẹp hơn cho Belarus là một tương lai không có ông Lukashenko. Vì vậy, hội nghị sẽ chỉ càng củng cố quyết tâm của họ nhằm biến điều đó thành hiện thực.

Phiên toà xử Netanyahu đến hồi kịch tính

Mười tám tháng sau thủ tục tố tụng bắt đầu, phiên tòa xét xử Binyamin Netanyahu về tội hối lộ và gian lận sẽ lên đỉnh kịch tính vào thứ Hai khi cựu thủ tướng Israel đối mặt với người đầu tiên trong số ba phụ tá thân cận đang làm chứng chống lại ông. Nir Hefetz vừa là người phát ngôn cá nhân vừa phụ trách truyền thông cho đảng Likud của ông Netanyahu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015.

Ông dự kiến sẽ làm chứng về việc ông được lệnh chuyển chỉ thị cho các biên tập viên của một trong những trang web tin tức lớn nhất Israel nhằm đảm bảo đưa tin thuận lợi cho thủ tướng. Đáp lại, chủ sở hữu của trang web, cũng là một bị đơn, được cho là đã được nhận các quyết định ưu đãi về quy định kinh doanh để giúp các công ty của ông thu lợi nhuận đáng kể. Ông Netanyahu kịch liệt phủ nhận việc được đưa tin có lợi cho ông, và khẳng định các quy định đều được đưa ra phù hợp với các tư vấn chuyên môn. Vụ việc sẽ còn kéo dài nhiều năm.