Năm 1985, tân tổng bí thư Mikhail Gorbachev mời Boris Yeltsin, bí thư Sverdlovsk (nay là Yekaterinburg) về Moscow. Chỉ trong vòng một năm, ông Yelsin vào Bộ Chính trị Đảng CS Liên Xô.
Là gương mặt trẻ, năng động, thậm chí nói thẳng tới mức bị cho là ‘hung hăng’, ông giúp Gorbachev thực hiện các chiến dịch chống tham nhũng.
Ngày nay người ta hay nói về Yeltsin và Gorbachev như hai nhân vật đối nghịch nhau, thậm chí là kẻ thù chính trị.
Nhưng thực ra họ có nhiều điểm giống nhau.
Cả hai cùng sinh năm 1931 và đều có gốc gác gia đình nông dân.
Họ cùng là cán bộ đảng chỉ ở cấp tỉnh của Nga, chưa phải là lãnh đạo một nước cộng hòa trước khi lên đỉnh cao quyền lực ở Moscow.
Cả hai lên chức trong làn sóng cải tổ nhằ̉m thay đổi Liên Xô đã được các nhân vật tiền nhiệm như Yuri Andropov tạo đà.
Nhưng Gorbachev đi vào lịch sử như vị tổng thống, “gây ra” sự tan rã của Liên Xô, còn Yeltsin lại là người đưa Nga trở về ‘bản lai diện mục’ của nó, cộng thêm thể chế dân chủ ‘không hoàn hảo’.
Theo Anders Aslund, nhà nghiên cứu về Liên Xô viết khi Boris Yelstin qua đời năm 2007 thì nhà lãnh đạo đầu tiên của nước Nga hậu Liên Xô là con người mạnh mẽ.
“Ông như một con bò mộng, tự tin quá mức, đầy năng lượng, đầy vẻ hạnh phúc, thậm chí tới mức phát rồ.”
Vì nước Nga và chỉ có nước Nga!
Boris Yeltsin không tin vào Liên Xô nhưng yêu nước Nga, tổ quốc của ông.
Sinh ra ở làng Butka nhỏ bé bên rặng Ural, ông có truyền thống gia đình bị đầy ải thời Stalin.
Ông nội Ignaty Yeltsin bị quy là địa chủ (kulak) và đất đai, tài sản gia đình bị tịch thu.
Năm 1934, khi cậu bé Boris được ba tuổi thì cha đẻ là Nikolai bị bắt vì tội ‘tuyên truyền chống nhà nước XHCN” và phải vào trại lao cải (Gulag).
Năm Boris được 7 tuổi thì cha ra tù và cả nhà dọn về thị trấn Berezniki.
Những ký ức này không làm cho Yeltsin mặn nồng với hệ thống chính trị Xô Viết mà luôn hướng ông về cội nguồn nước Nga của những người nông dân thuần phác nhưng sẵn sàng nổi loạn.
Hồi nhỏ, vốn tính hay nghịch ngợm, Boris Yeltsin chơi lựu đạn và bị tai nạn, cụt hai ngón tay.
Tốt nghiệp bách khoa ở Sverdlovsk, ông lấy vợ là Naina Iosifovna Girina, lập nghiệp tại thành phố đó và có hai con gái.
Nổi tiếng là nhân vật quyết liệt ở vị trí bí thư Sverdlovsk, Boris Yetlsin được Gorbachev mời về Moscow và lao vào công tác chống tham nhũng.
Ông làm cả Bộ Chính trị choáng váng khi sa thải hơn 500 quan chức Đảng, Nhà nước.
Sức ì trong bộ máy và số kẻ thù ngày càng tăng khiến Yeltsin bị mất chức hai lần, trong hai năm liền 1987 và 1988.
Mikhail Gorbachev đã không chỉ ra tay cứu Yeltsin, mà vốn là người không quyết đoán, đã bỏ rơi Yeltsin sau các lần bất đồng quan điểm.
Họ khác nhau về tính cách và về cách đánh giá nhịp độ của cải cách và điều này đã khiến hai ông đi theo hai con đường khác hẳn nhau.
Năm 1989, Yeltsin ra tranh cử vào Quốc hội Liên Xô và được 90% số phiếu.
Vị ngọt của chiến thắng từ lá phiếu cử tri đã thay đổi Yeltsin và ông dần đi đến kết luận rằng bộ máy đã quá mục nát, cần nhận sự ủy nhiệm từ người dân, kể cả từ đường phố nếu cần.
Cách làm chính trị của Yelstin từ đó khác hẳn cuộc chơi muốn êm đẹp mọi bề của Gorbachev.
Nhưng một sức mạnh khác của Yeltsin là nhìn thấy trước tinh thần dân tộc của người Nga.
Dù nhiều thập kỷ họ là nước to nhất liên bang, và gánh vác trong vinh dự trách nhiệm kinh tế, quân sự của toàn Liên Xô, đến cuối thập niên 1980, nhiều người Nga thấy mệt mỏi.
Cuộc phiêu lưu ý thức hệ cũng không còn hấp dẫn với người Nga.
Ngay sau cuộc bầu cử quốc hội năm 1989, Yeltsin công khai phê phán cơ chế quyền lực bên trên là Liên Xô, gồm Đảng Cộng sản trên toàn liên bang, và người đứng đầu là Gorbachev.
Sức ép của phong trào tự quyết tại Nga là có thật và chính quyền Liên Xô đã phải nhượng bộ, cho phép tổ chức bầu cử chức tổng thống nước Nga, thuộc liên bang.
Tháng 6/1991, Boris Yeltsin ra ứng cử và giành gần 60% phiếu.
Gorbachev không dám ra tranh cử mà để cựu thủ tướng Liên Xô Nikolai Ryzhkov ra thay, để nhận được 17% phiếu.
Tình hình diễn biến rất nhanh và các cuộc bỏ phiếu khá tự do, tuy vẫn trong khuôn khổ Hiến pháp Liên Xô, khiến phe bảo thủ phải ra tay.
Yeltsin chống lại cuộc đảo chính
Ngày 18/08/1991, nhóm đảo chính của Chủ tịch KGB Vladimir Kryuchkov, Phó Tổng thống Gennady Yanayev, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitri Yazov bắt giam vợ chồng Gorbachev tại nhà nghỉ ở Crimea.
Tại Moscow, họ tuyên bố Yanayev lên thay Gorbachev.
Điều họ không ngờ là Boris Yeltsin, tân tổng thống Nga, đã đi thẳng từ dinh thự Arkhangelskoye tới ‘Nhà Trắng’, và kêu gọi mọi công dân Nga chống lại phe đảo chính.
Tòa nhà bị bao vây và hàng nghìn dân Moscow đã kéo đến bảo vệ chính quyền, đối mặt với xe tăng.
Khi một đơn vị tăng của sư đoàn Taman tuyên bố đứng về phía chính quyền hợp pháp, Yeltsin trèo lên tháp xe, ra lời hiệu triệu toàn dân, khiến đặc công của sư đoàn Tula cũng nghe theo.
Sư đoàn trưởng, tướng Alexander Rutskoi và tướng Konstantin Kobets, chủ tịch Ủy ban Cải cách của Xô Viết tối cao thuộc nước Nga lên tiếng bảo vệ Yeltsin.
Đêm ngày 20 sang sáng 21/08, cuộc đảo chính tan vỡ. Ngay sau đó, Boris Yeltsin ra sắc lệnh của tổng thống Nga cấm Đảng CS Liên Xô và tịch biên mọi tài sản của đảng này.
Ngày nay nhìn lại, các sử gia cho rằng nhóm gây ra đảo chính tháng 8/1991 là những người không có viễn kiến, không hiểu lòng dân nghĩ gì, thậm chí yếu kém về tinh thần, chao đảo.
Một nhân vật chính của cuộc lật đổ say khướt trong ba ngày ‘chiếm chính quyền’ vì sợ. Một người khác, Chánh văn phòng Trung ương Đảng Nikolai Kruchina, đã tự sát khi thất bại.
Điều kỳ quái nhất là khi cuộc đảo chính tan rã, tướng Vladimir Kryuchkov, lãnh đạo KGB, đã bay tới Crimea để xin gặp Gorbachev, người bị họ cầm giữ.
Gorbachev từ chối và lên máy bay do Yeltsin cử tới để về Moscow. Cả nhóm đảo chính bị bắt và kết tội phản quốc.
Chia rẽ Yeltsin-Gorbachev
Thế nhưng con đường của Yeltsin và Gorbachev ngày càng tách ra.
Lực ly tâm và chủ nghĩa dân tộc dâng lên khiến cuối 1991 các nước cộng hòa tuyên bố tách Liên Xô: Belarus trong tháng 8, Ukraine tháng 12, theo sau là Kazakhstan và các nước khác.
Ngày 8/12, Yeltsin cùng lãnh đạo Ukraine, Belarus ký thỏa thuận Belavezha, lập Cộng đồng các nước Độc lập.
Mấy hôm sau Quốc hội Nga thông qua thỏa thuận, coi Nga không còn thuộc Liên Xô.
Ngày 11/12/1991, Yeltsin mời các tướng lĩnh Bộ Quốc phòng Liên Xô đến gặp và thuyết phục họ rời bỏ bộ máy Liên Xô ‘về với dân tộc Nga’.
Một ngày trước đó, chính Gorbachev đã cố gắng khuyên các tướng lĩnh hãy ở lại với Liên Xô. Kết cục là họ nghe theo Yeltsin.
Ngày 24/12, Nga tuyên bố tiếp quản vị trí của Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc.
Ngày hôm sau, Gorbachev từ chức khỏi vị trí chỉ còn là hình thức, chức Tổng thống Liên Xô.
Quốc gia này chính thức chấm dứt tồn tại.
Theo Archie Brown viết trong cuốn ‘The Rise and Fall of Communism’ (2009) thì các vấn đề dân tộc, gồm cả chủ nghĩa dân tộc Nga đã tồn tại từ lâu ở Liên Xô.
Các nhà lãnh đạo Liên Xô biết điều đó và “đổ rất nhiều công sức để quảng bá cho tính siêu dân tộc (supra-national) của Liên Xô”, nhưng đến Yeltsin thì vòng quay của lịch sử đã khác.
“Càng giành nhiều quyền cho nước Nga, Yeltsin càng dùng lá bài Nga để chống lại chính quyền Liên Xô và đặc biệt là chống Gorbachev.”
Trên thực tế, Yeltsin ngay từ tháng 5/1990 đã tuyên bố “luật Nga có quyền cao hơn luật Liên Xô”, và ông đã “đóng vai trò chủ chốt để phá vỡ Liên Xô”, theo sử gia Archie Brown.
Dù có công đưa nước Nga vào con đường dân chủ đại nghị, lần đầu trong lịch sử 1000 năm của nước này, Boris Yeltsin đã để lại di sản nhiều tranh cãi.
Theo Anders Aslund thì ông là ‘người anh hùng có khiếm khuyết’ (a flawed hero).
Các cải cách không được chuẩn bị kỹ của Yeltsin gây ra khủng hoảng kinh tế khủng khiếp cho Nga, và sinh ra tầng lớp siêu tài phiệt oligarch.
Có lúc đồng ruble đã mất giá từ 400 ăn một USD xuống gần 4,000/USD khiến Yeltsin phải ký sắc lệnh ‘phục hồi’ tiền tiết kiệm trong tài khoản của dân Nga để họ không bị đói.
Ngoài các vấn đề như lạm phát phi mã, mức sống xuống thấp, cuộc đấu tranh chính trị tại Nga đem tới thách thức trực diện cho Yeltsin bằng cuộc chính biến thứ nhì.
Tháng 10/1993 quân đội của Phó Tổng thống, tướng Alexander Rutskoi chiếm cơ quan chính quyền Moscow và đài truyền hình Ostankino, tuyên bố Yeltsin đã mất quyền.
Một lần nữa Yeltsin vượt qua nhờ sự ủng hộ của người dân và các đảng phái dân chủ, và phe nổi loạn bị bắt nhưng ông ngày càng đi vào đường lối độc đoán.
Không chỉ liên tục sa thải các thủ tướng, bộ trưởng để cứu vãn kinh tế, Yeltsin còn mắc bệnh nghiện rượu, gây xấu hổ cho nước Nga khi Yeltsin công du quốc tế.
Cuộc chiến tàn bạo ở Chechnya ṭừ 1994 chống lại chủ nghĩa dân tộc, thế lực tương tự đưa Yeltsin lên đỉnh cao quyền lực, đã gây ra cái chết của hàng vạn thường dân Chechnya.
Sự hy sinh không nhỏ của lính Nga khiến vợ chồng tổng thống Yeltsin bị dân chửi rủa công khai trong một chuyến thăm địa phương.
Năm 1995 ông bị nhồi máu cơ tim hai lần và đến năm 1996 đã phải mổ tim, không lâu sau khi tái đắc cử tổng thống.
Năm 1998, tài chính công của Nga hoàn toàn sụp đổ cùng khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sức khoẻ Yeltsin tiếp tục đi xuống.
Tuy thế, Yeltsin lên truyền hình nói thẳng rằng ông sẽ không từ chức, và “không ai đẩy được ông đi”, vì “với tính cách của tôi thì đó là điều không ai làm nổi,” ông nói.
Nhưng vào ngày cuối cùng của năm 1999, ông lên truyền hình bất ngờ tuyên bố từ chức và chỉ định Vladimir Putin làm quyền tổng thống.
Nước Nga bước sang một thời kỳ khác.
Một ngày tháng 4/2007, Boris Yeltsin qua đời vì bệnh tim và được Tổng thống Vladimir Putin cho tổ chức quốc tang.
Người Nga ngày nay vẫn còn chia rẽ trong đánh giá về di sản của Yelstin.
Còn sách báo Phương Tây gọi ông là chính trị gia ‘không hoàn hảo’ nhưng đã đem nền dân chủ cũng chưa hoàn hảo đến cho dân Nga lần đầu trong lịch sử 1000 năm của họ.
Hình: Boris Yeltsin với gia đình ở Moscow, Nga. Từ trái: Con gái Boris Tatiana Dyachenko cùng các con, Boris Yeltsin với vợ Naina Yeltsina, con gái Boris Elena Okulova, chồng Valery Okulov.
Nguồn: BBC Việt ngữ