Hồi ức và cảm nghĩ về Thuỷ quân Đoan Hùng

Tác giả: Phan Phác

Cách đây bốn mươi lăm năm, ngày 8 tháng 3 năm 1949, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia và Dân quân Tự vệ Việt Nam thời bấy giờ, quyết định thành lập Ban Nghiên cứu Thuỷ quân Việt Nam trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, đánh dấu một bước phát triển mới về chiến cuộc chống thực dân xâm lược Pháp cũng như về xây dựng lực lượng vũ trang.

Từ sau chiến thắng Việt Bắc, Thu Đông năm 1947, hưởng ứng phong trào Thi đua yêu nước, quân và dân ta phát huy cao độ tinh thần tự lực tự cường ra sức rèn cán luyện quân, đánh giặc lập công, nên đến mùa hè năm 1949 đã đánh bại một bước kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, phát triển chiến tranh du kích rộng khắp, củng cố căn cứ địa Việt Bắc và xây dựng lực lượng vũ trang thành 3 thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích. Trong bộ đội chủ lực, ngoài bộ binh ra, cũng đã xây dựng được một số đơn vị: pháo binh, công binh, thông tin…

Để đẩy mạnh cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới “Tích cực cầm cự, chuẩn bị chuyển sang Tổng phản công”, Bộ Tổng tham mưu kiến nghị với Bộ Tổng tư lệnh thành lập tổ chức ban đầu về Thuỷ quân gọi là “Đội huấn luyện Thuỷ quân”. Đại tướng Tổng tư lệnh cho ý kiến phải báo cáo và xin chỉ thị của Bác trước khi quyết định. Thế là anh Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng lúc bấy giờ, bảo tôi cùng đến gặp Bác vì tôi được phân công giúp đồng chí Tổng Tham mưu trưởng chỉ đạo xây dựng các binh chủng kỹ thuật. Sau khi nghe báo cáo, Bác hỏi cặn kẽ về tình hình chuẩn bị về cán bộ và cơ sở kỹ thuật, rồi Bác chỉ thị đại ý như sau: xây dựng và phát triển bộ đội chủ lực phải hợp với khả năng và tình thế mới. Cách mạng Trung Quốc sắp thành công. Hướng phát triển bộ đội chủ lực như thế là được, hợp với tình thế mới. Để hợp với khả năng thực tế, chỉ nên thành lập Ban Nghiên cứu Thuỷ quân và sau khi chuẩn bị tương đối có đủ cán bộ và phương tiện kỹ thuật, thì mở một lớp vừa học vừa hành, vưa tham gia nghiên cứu. Bác nhấn mạnh chỉ gọi là “Ban Nghiên cứu Thuỷ quân” và “Lớp Thuỷ quân”, vì danh có chính thì hành mới thuận, công việc mới thành công.

Nhiệm vụ của Ban nghiên cứu Thuỷ quân được xác định là xây dựng cơ sở nghiên cứu ban đầu của Thuỷ quân, tìm hiểu hoạt động của Hải quân Pháp, tìm cách phòng chống lại chúng, chuẩn bị cơ sở vật chất, tài liệu, huấn luyện đào tạo cán bộ, hình thành dần từng bước các điều kiện để tiếp thu đón thời cơ triển khai hoạt động. Phương châm là từ nhỏ đến lớn, thiết thực, bí mật, phù hợp với tình hình.

Để giữ bí mật, Ban Nghiên cứu Thuỷ quân lấy tên là Đội sản xuất 71 bên bờ sông Chảy gần huyện lỵ Đoan Hùng, nơi mà quân dân Quân khu 10 đã giáng cho Hải quân Pháp một đòn chỉ tử mà sách báo chúng thời bấy giờ gọi là “thảm hoạ Đoan Hùng” trong chiến dịch Việt – Bắc Thu Đông năm 1947, cũng là nơi mà ta đã thu thập được một số tài liệu, máy móc, dụng cụ phương tiện… chuyên dùng về hải quân để làm cơ sở kỹ thuật ban đầu cho Ban Nghiên cứu Thuỷ quân.

Để có một tổ chức đảm đương được nhiệm vụ của Ban Nghiên cứu Thuỷ quân, việc tìm chọn cán bộ chủ chốt gặp nhiều khó khăn vì thời bấy giờ cán bộ vừa hồng vừa chuyên rất hiếm hoi. Lúc đầu chỉ có ba cán bộ đang công tác ở Bộ Tổng tham mưu có trình độ chuyên môn về hàng hải cả về lý thuyết và thực hành, sau dần dần tuyển chọn thêm, mãi đến đầu năm 1950 mới có đủ cán bộ để kiện toàn tổ chức Ban Nghiên cứu Thuỷ quân. Đến đầu tháng 2 năm 1950 Đội sản xuất 71 đã xây dựng được nơi ăn chốn ở, làm thêm được một số học cụ, tuyển chọn được 180 học viên, Bộ Tổng tham mưu quyết định khai giảng khoá học đầu tiên vào ngày 13/2/1950 và cử tôi đến chủ trì buổi lễ.

May mắn bất ngờ! Trên đường đi dự lễ, đến chân đèo Khế, tôi ghé vào quán nước nghỉ một lát trước khi qua đèo. Mới bước chân vào, tôi thấy bác Tôn Đức Thắng đang ngồi nghỉ ở trong quán. Tôi chưa kịp chào thì Bác đã hỏi: “Chú đi đâu mà quân phục chỉnh tề thế?” Tôi trả lời: “Kính thưa Bác, cháu đi dự lễ khai giảng lớp Thuỷ quân. Bác có khoẻ không ạ?”. Bác bảo: “Khoẻ lắm!”, rồi hỏi về mục đích của lớp này. Tôi liền báo cáo lại với Bác về những lời chỉ giáo của Bác Hồ và nhiệm vụ của Ban nghiên cứu Thuỷ quân đã được Bộ Tổng tư lệnh xác định. Nghe xong, Bác bảo, đại ý như sau: “Ta chưa có tầu chiến, nhưng có một bờ biển dài và nhiều sông rộng, xây dựng dần quân chủng này như thế là phải. Các thuỷ thủ đầu tiên này phải bơi lặn giỏi, chèo chống khoẻ, coi thường nắng mưa, vững vàng trước sóng to gió lớn, biết xem sao và tìm phương hướng, biết trông mây và phòng bão tố…”. Tôi được tiếp xúc với Bác nhiều lần, từ ngày Bác làm trưởng Ban thi đua Trung ương, lần nào Bác cũng bảo ban chân tình.

Trong lễ khai giảng, tôi trân trọng chuyển những lời chỉ bảo quý báu ấy của Bác Hồ và bác Tôn cho tất cả cán bộ học viên của Ban Nghiên cứu Thuỷ quân. Anh em rất phấn khởi và tin tưởng, nỗ lực công tác, học tập và rèn luyện. Nhờ vậy, đến tháng 8 năm 1950, nhiều khu vực ven biên giới phía Bắc nước ta được giải phóng, khoá 1 lớp thuỷ quân hoàn thành chương trình huấn luyện, được Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa sẵn sàng giúp đỡ, Bộ Tổng tham mưu kịp thời chọn 150 cán bộ học viên các khoá 1 và 2 lớp thuỷ quân, tổ chức thành 1 đại đội lấy tên là Đội Thuỷ binh 71, đưa sang Trung Quốc để học thêm kinh nghiệm Giải phóng quân Trung Quốc sử dụng thuyền buồn, ghe máy, chống quân đội Tưởng dọc sông, ven biển và đổ bộ giải phóng đảo Hải Nam. Đối với khoá 1 này, tuy chương trình huấn luyện còn mò mẫm, cơ sở vật chất kỹ thuật của ta lúc đó còn thiếu thốn, trình độ giáo viên và huấn luyện lúc đó còn thấp, lại chưa hình dung hết tính chất phức tạp và khó khăn của quân chủng Hải quân, nhưng tất cả cán bộ và học viên khoá này đều được rèn luyện tốt về chính trị tư tưởng, được bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật, được rèn luyện về thể lực, về nếp sống lao động sinh hoạt của Thuỷ quân và công tác dân vận. Do đó suốt 6 tháng học tập ở Trung Quốc, Đội Thuỷ binh 71 được Giải phóng quân Trung Quốc tận tình giúp đỡ và đánh giá cao, được nhân dân địa phương Lôi Châu quý mến.

Đội Thuỷ binh 71 trở về nước tháng 4 năm 1951, đúng vào lúc toàn bộ biên giới phía Bắc được giải phóng, Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh đang tập trung lực lượng để xây dựng bộ đội chủ lực thành những đại đoàn mạnh, đặc biệt là thành lập đại đoàn Công binh và Pháo binh (F351). Bộ quyết định giải thể Ban Nghiên cứu Thuỷ quân, chọn một số anh em trong Đội Thuỷ binh 71 đưa ra vùng duyên hải Đông Bắc do đồng chí Phan Tiền Đạo và Trắc Vinh Nam dẫn đi để tổ chức du kích chiến ven biển và ở các hải đảo; đại bộ phận thì đưa về F351 để xây dựng và phát triển binh chủng Pháo binh và binh chủng công binh; số còn lại thì phiên chế vào các cơ quan của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Hậu cần… Ngay khi có lệnh chuyển sang đơn vị khác, tuy có nhiều bâng khuâng nuối tiếc, song anh em vẫn nghiêm chỉnh chấp hành, không hề ngã lòng thoái chí.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, chính các cán bộ thuỷ quân Đoan Hùng này đã tham gia vào việc tiếp quản cảng Hải Phòng, Hòn Gai, Cẩm Phả và khi bắt đầu xây dựng Ngành Hàng hải và Quân chủng Hải quân thì một số khá nhiều cán bộ này đã trở thành những cán bộ chủ chốt của Ngành Hàng hải, những sĩ quan đầu tiên của Hải quân Việt Nam.

Ban Nghiên cứu Thuỷ quân tồn tại và hoạt động không lâu, chỉ 3 năm. Tuy vậy, những năm tháng hoạt động của đơn vị này chính là những nét phác thảo trong lịch sử một chặng đường xây dựng Hải quân và ngành hàng hải Việt Nam sau này, giống như mọt hạt giống gieo xuống đất, khi mới nẩy mầm chỉ là một cái chồi non nhỏ yếu, lớn lên cũng phát triển quanh co, nhưng không có thời kỳ non nớt này, sẽ không có những cây cổ thụ hoa lá xum xuê, toả màu xanh tươi mát cho đời sau.

Hà Nội, ngày 6 tháng 3 năm 1994
Phan Phác
41 Hàng Bạc – Hà Nội

Bài viết được trích từ cuốn Hồi ký “Thủy quân Sông Lô” do Đỗ Thái Bình biên tập và chia sẻ cùng Dự án Nghiên cứu Quốc tế.

Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về việc sưu tầm tư liệu về Thủy quân Sông Lô.

Hình trên cùng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam đọc quyết định thành lập hai thủy đội Sông Lô, Bạch Đằng tại buổi mít tinh ngày 24-8-1955. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.