Đại Việt dưới thời vua Trần Thánh Tông (P2)

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Vào tháng 2 năm Thiệu Long thứ 12 [1269]; Chiêm Thành dâng voi trắng.

Tháng 6, trời hạn hán rồi có mưa; mãi đến tháng 7, dân mới cày cấy được.

Tháng 9, phong Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang làm Vọng Giang phiêu kỵ đô thượng tướng quân.

Tháng 10, được mùa nhỏ.

Tháng 12, sứ nhà Nguyên Lung Hải Nha sang dụ về việc biên giới. Vua sai Lê Đà, Đinh Củng Viên sang Nguyên thương lượng.

Riêng Nguyên Sử chép vào tháng 11 Vua nước ta sai Sứ sang cống Nguyên:

Ngày Canh Ngọ tháng 11 năm Chí Nguyên thứ 6 [23/12/1269], Quốc vương An Nam Trần Quang Bính sai sứ đến cống.”[1] Nguyên Sử, Quyển 6, Bản Kỷ thứ 6: Thế Tổ.

Tư Trị Thông Giám chép về việc giao thiệp giữa Sứ giả Nguyên và Vua nước ta như sau:

Tư Trị Thông Giám, quyển 179, ngày Canh Ngọ tháng 11 Tống Độ Tông Hàm Thuần năm thứ 5 [23/12/1269]. Trước đó chúa Mông Cổ cho rằng An Nam đến cống bất thường, bèn sai Đồng thiêm thổ phiên kinh lược sứ Trương Đình Trân giữ chức Triều liệt đại phu làm Đạt lỗ cát tề[2] An Nam; do đường từ Thổ Phồn [Tây Tạng], Đại Lý [Vân Nam], đến An Nam. Thế tử Quang Bính đứng nhận mệnh, Đình Trân trách rằng:

“Hoàng đế không muốn lấy đất của ngươi làm quận, huyện; nhưng muốn ngươi xưng phiên thần, sai Sứ nhận chỉ dụ, đức thật lớn thay! Vương vẫn còn giữ thế môi răng với Tống, tự cho mình là lớn. Nay trăm vạn quân ta vây Tương Dương [Hồ Bắc], lấy thành này trong sớm chiều, đánh cuốn chiếu, chắc Tống sẽ thua ngay, Vương dựa vào đâu? Vả lại quân Vân Nam không đầy 2 tháng sẽ đến biên cảnh ngươi, làm sụp đổ họ hàng giống nòi ngươi không khó, hãy suy xét đi.”

Quang Bính sợ hãi, cúi đầu bái nhận chiếu; rồi nói với Đình Trân rằng:

“Thiên tử thương ta, nhưng Sứ giả phần nhiều vô lễ. Ngươi chỉ là quan trong triều, ta là Vương; làm lễ ngang nhau, xưa có vậy không?”

Đình Trân nói:

“Xưa có; người của Vua tuy nhỏ nhưng đứng trên chư hầu.”

“Ngươi qua Ích châu Tứ Xuyên, gặp Vân Nam vương, có bái không?”

Đình Trân nói:

“Vân Nam vương là con của Thiên tử; còn ngươi là man di tiểu bang, cho làm giả Vương vậy thôi, làm sao so sánh với Vân Nam vương được. Huống Thiên tử mệnh ta đứng đầu ở An Nam, địa vị trên ngươi đấy.”

Quang Bính nói:

“Nước lớn sao lại đòi hỏi tê ngưu, voi của ta?”

Đình Trân nói:

“Cống hiến sản vật địa phương là bổn phận của phiên thần.”

Quang Bính không đáp lại được, càng thêm thẹn giận; sai vệ binh mang đao đứng xung quanh để đe dọa Đình Trân. Đình Trân cởi đao, nằm thản nhiên trong nhà, rồi bảo:

“Nghe những lời ta mà làm.”

Quang Bính và các quan của y đều phục, rồi sai Sứ theo Đình Trân vào triều cống.”[3]

Tháng 3 năm Thiệu Long thứ 13 [1270], Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang dựng phủ đệ ở Diễn Châu; hành lang, điện vũ bao quanh, tráng lệ khác thường. Vua nghe tin sai người đến xem; Tĩnh Quốc sợ, mới tạc tượng phật để đó, nay là chùa Thông.

Tháng 4, Chiêm Thành sang cống.

Tháng 7, nước to. Các đường phố ở kinh đô phần nhiều phải đi lại bằng thuyền bè.

Tháng 9, Vua ngự đến hành cung Thiên Trường.

Nguyên Sử chép vào tháng 11, nước ta sai Sứ đến cống:

Ngày Đinh Tỵ tháng 11 năm Chí Nguyên thứ 7 [5/12/1270], Quốc vương An Nam Trần Quang Bính sai sứ cống, chiếu đáp lại với lời ưu đãi.”[4] Nguyên Sử, quyển 7, Bản Kỷ thứ 7: Thế Tổ.

Tháng giêng nămThiệu Long thứ 14 [1271], cho soát xét tù tội.

Ngày mồng 1 tháng 2, động đất.

Tháng 3, phong Chiêu Minh Đại Vương Quang Khải làm Tướng quốc thái úy, nắm giữ việc nước.

Năm này Mông Cổ đặt quốc hiệu là Đại Nguyên, sai sứ sang dụ vào chầu. Vua lấy cớ có bệnh, từ chối không đi.

Tháng giêng năm Thiệu Long thứ 15 [1272],  Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc Sử viện giám tu Lê Văn Hưu vâng sắc chỉ soạn xong bộ Đại Việt Sử Ký từ Triệu Vũ đến đến Lý Chiêu Hoàng, gồm 30 quyển, dâng lên. Vua xuống chiếu khen ngợi.

Tháng 4, sứ Nguyên Ngột Lương sang dụ, hỏi giới hạn cột đồng cũ. Vua sai Viên ngoại lang Lê Kính Phu đi hội khám. Phu trở về nói rằng, cột đồng Mã Viện dựng lâu năm đã bị mai một, không còn tung tích gì nữa.

Sai Đồng Tử Dã, Đỗ Mộc, đi Sứ sang triều Nguyên.

Tháng 10, xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm Tư nghiệp Quốc tử giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư,[5] Ngũ kinh[6] sung vào hầu nơi vua đọc sách.

Năm Bảo Phù thứ 1 [1273]. Ngày mồng 1 tháng giêng, đổi niên hiệu là Bảo Phù.

Tháng 11, cho Nhân Túc Vương Toản làm Nhập nội phán đại tông chính phủ đại tông chính.[7]

Nguyên Sử chép Sứ giả từ nước ta trở về, tâu rằng Vua An Nam nhận chiếu chỉ không chịu bái; triều Nguyên gửi thư trách, Vua trả lời tuân theo phong tục nước nhà, không bái:

Ngày Mậu Ngọ mùa xuân tháng giêng năm thứ 10 [24/1/1273], Sứ giả đến An Nam trở về bảo rằng Quang Bính nhận chiếu chỉ không bái. Trung thư gửi văn thư trách hỏi, Quang Bính bảo tuân theo phong tục của nước này.”[8] Nguyên Sử, quyển 8, Bản Kỷ thứ 8: Thế Tổ.

Năm Bảo Phù năm thứ 2 [1274]. Tháng 10, người Tống sang quy phụ nước ta. Bấy giờ nước Tống tại vùng Giang Nam bị quân Nguyên đánh phá; nên một số dân dùng thuyền vượt biển, chở đầy của cải và vợ con, đến nước ta sinh sống.

Tháng 12, sách phong hoàng trưởng tử Khâm làm Hoàng thái tử, lấy con gái đầu lòng của Hưng Đạo Vương làm Phi cho Thái tử.

Chọn người nho học có đức hạnh trong thiên hạ vào dạy Thái tử. Dùng Lê Phụ Trần người Thanh Hóa làm Thiếu sư, kiêm Trừ cung giáo thụ;[9] lấy bọn Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố làm Nội thị nội thị học sĩ; nhà Vua tự làm thơ để dạy hoàng tử và viết Di Hậu Lục, 2 quyển.

Năm Bảo Phù thứ 3 [1275]. Tháng 2, mở khoa thi; Đào Tiêu đỗ Trạng nguyên; Quách Nhẫn đỗ Thám hoa; 27 người đỗ Thái học sinh, xuất thân có thứ bậc khác nhau. Trước kia 2 khoa Bính Dần [1256], Bính Thìn [1266], chia làm Kinh trạng nguyên và Trại trạng nguyên, đến nay lại hợp nhất.

Tháng 11, tướng thần tại biên giới phía bắc chạy trạm tâu báo quân Nguyên đi tuần biên giới, xem xét địa thế.

Dùng Lê Khắc Phục và Lê Túy Kim đi sứ sang nhà Nguyên. Tình hình bang giao với nhà Nguyên tỏ ra căng thẳng; sau khi thành Tương Dương đầu hàng quân Nguyên vào năm 1273, nhà Tống trên đường sụp đổ, tham vọng xâm lăng của nhà Nguyên hướng đến nước Đại Việt. Chiếu dụ 6 điểm lúc mới đưa ra vào năm 1267 chỉ có tính cách gợi ý khuyến khích, đến nay đòi hỏi phải nghiêm chỉnh thi hành:

Ngày Nhâm Thìn tháng giêng năm thứ 12 [17/2/1275], Sứ giả nước An Nam trở về, sắc dụ tuân theo chiếu chỉ cũ lập sổ hộ tịch, sổ quân, đặt quan Đạt lỗ hoa xích, lập trạm, thu tô, cùng tiến cống hàng năm.”[10] Nguyên Sử, quyển 8, Bản Kỷ thứ 8: Thế Tổ.

An Nam Chí Lược chép nguyên văn chiếu thư như sau:

Chiếu thư năm Chí Nguyên thứ 12 [1275]. Tổ tông định chế phạm các nước nội ngoại phụ Quân trưởng phải đích thân đến triều cận, con em vào làm con tin, biên dân số, xuất quân dịch, nạp phú thuế, đặt Đạt lỗ hoa xích để cai trị; đó là 6 điều trước đây đã dụ khanh. Khanh qui phụ hơn 15 năm, chưa từng đích thân đến triều cận, mấy việc khác cũng chưa thi hành; tuy bảo rằng 3 năm một lần cống, nhưng vật cống đều là những thứ vô bổ trong việc dùng. Cho rằng khanh sẽ tự hiểu, nên sai lầm cũng không hỏi; cớ sao đến ngày hôm nay vẫn chưa tỉnh?

Bởi vậy lại sai Cách Sắc Nhĩ Cáp Nhã đến nước dụ khanh vào triều cận. Nếu vì lý do khác khanh không đến được thì sai con em vào triều; ngoài ra hộ khẩu nước khanh nếu chưa định được số, thì làm sao châm chước được việc thu thuế điều binh. Nếu nước thực ít, mà thu nhiều thì lực không đủ; vậy nhờ vào hộ khẩu mới lượng được số quân và phú thuế. Nơi điều binh chỗ xa chỉ đến Vân Nam, để hợp lực với nhau thôi. Vậy nay ban chiếu chỉ cho rõ.”[11] An Nam Chí Lược, quyển 2, Đại Nguyên Chiếu Chế.

Tháng 2 năm Bảo Phù thứ 4 [1276], sai Đào Thế Quang sang Long châu mượn cớ đi mua thuốc để thăm dò tình hình nhà Nguyên.

Tháng 4, Nguyên Thế Tổ đánh Giang Nam, sai Hợp Tán Nhi Hải Nha  sang dụ 6 việc như “người đứng đầu nước phải vào chầu, đưa con em đến làm con tin, biên dân số cho quân dịch, nạp thuế; đặt quan Đạt lỗ hoa xích để cai trị”. Nhà Vua đều không tuân.

Ngày 17 tháng 9, ngày 17, cháu nội là Thuyên sinh [Trần Anh Tông] lập làm Hoàng thái tôn, ít lâu sau lập làm Đông cung hoàng thái tử.

Năm Bảo Phù thứ 5 [1277]. Tháng 2, vua thân chinh đánh người Man, Lạo ở động Nẫm Bà La,[12] bắt sống đồ đảng hơn 1.000 người giải về.

Ngày mồng 1 tháng 4, Thượng hoàng Trần Thái Tông mất tại cung Vạn Thọ; mồng 4 tháng 10 táng Thượng hoàng ở Chiêu Lăng, miếu hiệu là Thái Tông, tên thụy là Thống Thiên Ngự Cực Long Công Mậu Đức Hiền Hòa Hựu Thuận Thần Văn Thánh Võ Nguyên Hiếu Hoàng đế.

Vua Dụ Tông làm thơ so sánh Vua Đường Thái Tông Trung Quốc và Vua Trần Thái Tông nước ta; với lời ca ngợi như sau:

Đường Việt khai cơ lưỡng Thái Tông

Bỉ xưng Trinh Quán ngã Nguyên Phong.

Kiến Thành tru tử Yên Sinh tại,

Miếu hiệu tuy đồng đước bất đồng.”

(Sáng nghiệp Việt, Đường hai Thái Tông

Nó xưng Trinh Quán, ta Nguyên Phong

Kiến Thành[13] bị giết, Yên Sinh[14] sống,

Miếu hiệu tuy đồng, đức chẳng đồng).

Hôm Thượng hoàng mất, Công chúa Thiều Dương, con gái thứ của Thượng hoàng tên là Thúy, đương ở cữ; bỗng nghe tiếng chuông liên hồi, mới hỏi:

Có thể nào không phải là tin dữ chăng?

Những người hầu bên cạnh nói dối, nhưng Công chúa không nghe, cứ thương

khóc, kêu gào, mắt nhắm nghiền rồi mất. Trước đó, Thượng hoàng không khỏe. Lúc ấy Công chúa đã lấy Thượng vị Văn Hưng hầu (khuyết danh), Công chúa nhiều lần sai người hầu đến thăm hỏi, nhưng đều trả lời là Thượng hoàng đã bình phục, không việc gì. Đến khi nghe tiếng chuông, thương khóc kêu gào mãi rồi mất; người trong nước ai cũng thương.

Tháng 2 năm Bảo Phù thứ 6 [1278], dân chết nhiều vì bệnh đậu mùa.

Hồi đó, nhà dân ở kinh thành thường bị cháy về ban đêm. Vua ra ngoại thành xem chữa cháy, Nội thư gia Đoàn Khung đi theo. Vua sai điểm xem người nào đến chữa cháy và xem ai đến trước. Khung ấn đầu từng người một bảo ngồi xuống để đếm, đếm xong tâu rõ người nào đến trước, người nào đến sau. Vua hỏi:

Tại sao mà biết?”.

Khung trả lời:

Thần ấn đầu người nào mà thấy mồ hôi thấm tóc và có tro bụi bám vào thì đó là những người đến trước và cố sức chữa, người nào đầu tóc không có mồ hôi mà tro bụi bay rơi là người đến sau không kịp chữa, vì thế mà biết“.

Vua cho là giỏi, có ý cất nhắc để dùng.

Mùa hạ, lúa mất mùa.

Tháng 8, động đất 3 lần, nhiều súc vật chết.

Ngày 22 tháng 10, Vua Thánh Tông nhường ngôi cho Hoàng thái tử Khâm.

Bấy giờ Vua Nguyên nghe tin Vua Trần Thái Tông mất, có ý mưu tính nước ta, bèn sai Thượng thư bộ Lễ Sài Xuân tức Sài Trang Khanh sang hạch sách. Lúc này nhà Tống sắp mất, lãnh thổ thu hẹp trong vùng Phúc Kiến, Quảng Đông; nên Sứ thần nước ta là Lê Khắc Phục tháp tùng Sài Xuân theo đường Hồ Quảng, Quảng Tây trở về nước. Xuân lấy cớ Vua không xin mệnh mà tự lập, dụ bảo phải sang chầu và thi hành 6 điều đã ban. Vua Thánh Tông không nghe, sai Trịnh Đình Toản, Đỗ Quốc Kế lại sang Nguyên trình bày; Đình Toản bị giữ lại không cho về. Nguyên Sửchép về sự kiện này như sau:

Ngày mồng một Nhâm Tý tháng 8 năm thứ 15 [20/8/1278], sai bọn Thượng sư bộ Lễ Sài Xuân đi sứ An Nam, khiển trách nặng nề nước này, nhưng vẫn sai đến triều đình[15] Nguyên Sử, quyển 10, Bản Kỷ thứ 10: Thế Tổ.

Riêng An Nam Chí Lược sao lại chiếu thư của Nguyên Thế Tổ như sau:

Tháng 8 năm Chí Nguyên thứ 15 [1278], chiếu dụ Thế tử An Nam Trần Nhật Huyễn. Nước ngươi lúc mới nội phụ, phàm xin điều gì đều bằng lòng; ý cho rằng việc thờ nước lớn rồi sẽ tự hiểu để mà làm. Nhưng trải qua tháng năm dài, lễ tiết thêm bạc; nên đến năm Chí Nguyên thứ 12 [1275] lại giảng chiếu trách các việc như không đến triều cận, giúp binh. Mới đây Lê Khắc Phục đến hàng tỉnh, dâng biểu đều nói ngoa; như bảo nước ngươi qui phụ đầu tiên, nhưng thực ra các nước bốn phương đến hàng phục trước ngươi rất nhiều. Sau nước ngươi chỉ có nước Tống mới mất, nhưng quân đội một lần ra tay, cả nước đều bình định, ngươi đã nghe biết, như vậy không sai ngoa ư! Lại bảo rằng có mối lo từ 2 kẻ thù như bọn Chiêm Thành, nên không thể giúp binh; nhưng nó và nước ngươi là lân bang không phải chỉ mới có ngày hôm nay. Còn bảo rằng xa xôi không thể vào triều cận, vậy Lê Khắc Phục làm sao mà đến được; hai điều gian dối rõ ràng vậy.

Trước đây nước ngươi và Tống thông hiếu thì đã rõ, sau lúc bình Tống lễ cung phụng còn ghi trong thư tịch, có thể tham khảo. Việc trong thiên hạ lấy chí thành làm căn bản, nay lừa dối như vậy lấy gì tin được. Trước đây cha ngươi già yếu không đi xa còn có thể được, nay ngươi trai trẻ, vào triều nhận mệnh là đúng lúc; huống lãnh thổ ngươi tiếp giáp với Ung, Khâm, một lần đi không gì đáng sợ. Hoặc ngươi không nghĩ đến sự an toàn, cố tình chống mệnh của Trẫm, thì hãy lo tu sửa thành trì, chỉnh đốn binh giáp, để đợi quân ta. Cái cơ họa phục xoay chuyển tại đây, hãy xét cho đến cùng. Nay sai Thượng thư bộ Lễ Sài Xuân đi sứ.”[16] An Nam Chí Lược, quyển 2, Đại Nguyên Chiếu Chế.

—————

[1] …安南國王陳光丙遣使來貢。

[2] Đạt lỗ cát tề: Nguyên Sử phiên âm Đạt lỗ hoa xích.

[3] 先是蒙古主以安南入貢不時,以同簽土番經略使張庭珍為朝列大夫、安南國達嚕噶齊,由吐蕃、大理至安南。世子光昺立受詔,庭珍責之曰:「皇帝不欲以汝土地為郡縣,而聽汝稱籓,遣使喻旨,德至厚也。王猶與宋為脣齒,妄自尊大!今百萬之師圍襄陽,拔在旦夕,席捲渡江,則宋亡矣,王將何恃?且雲南之兵,不兩月可至汝境,覆汝宗祀有不難者,其審謀之!」光昺惶恐,下拜受詔。既而語庭珍曰:「天子憐我,而使者多無禮。汝官朝列,我王也,相與抗禮,古有之乎?」庭珍曰:「有之。王人雖微,序于諸侯之上。」光昺曰:「汝過益州,見雲南王,拜否?」庭珍曰:「雲南王,天子之子;汝蠻夷小邦,特假以王號,豈得比雲南王?況天子命我為安南之長,位居汝上耶?」光昺曰:「大國何索我犀象?」庭珍曰:「貢獻方物,籓臣職也。」光昺無以對,益慚憤,使衛兵露刃環立以恐庭珍,庭珍解所佩刀,坦臥室中,曰:「聽汝所為。」光昺及其臣皆服。至是遣使隨庭珍入貢.

[4] 安南國王陳光丙遣使來貢,優詔答之。

[5] Tứ Thư: 4 tác phẩm căn bản của Nho học, do Chu Hy đời Tống chọn; gồm: Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử.

[6] Ngũ Kinh: 5 quyển sách quan trọng của Nho học, do Khổng Tử soạn hoặc hiệu đính, gồm: Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Dịch, Kinh Lễ, Kinh Xuân Thu.

[7] Nhập nội phán đại tông chính phủ đại tông chính: chức quan đứng đầu Tông chính phủ, có nhiệm vụ soạn gia phả, giữ sổ sách ghi chép về họ hàng của nhà vua và hoàng tộc.

[8] 安南使者還,言陳光丙受詔不拜。中書移文責問,光丙稱從本俗.

[9] Trừ cung giáo thụ: thầy dạy cho Thái tử.

[10] …安南國使者還,敕以舊制籍戶、設達魯花赤、簽軍、立站、輸租及歲貢等事諭之。

[11] 至元十二年诏. 祖宗定制凡内外附之国君长亲朝子弟入质编民数出军役输纳税赋仍置达噜噶齐统治之此六事往年已谕卿矣归附逾十五年未尝躬自来觐数事竟未举行虽云三年一贡所贡之物皆无补于用谓卿久当自悟遂过而不问何为迄今犹未知省故复遣格色尔哈雅往尔之国谕卿来朝倘有他故必不果来可令子弟入朝此外本国户口若有未定籍输税赋调兵何由斟酌茍尔民实少或多取之力将不及今籍尔户口葢欲量其多寡以定兵赋之数其所调兵亦以今逺适他所止从云南戍兵相与协力故兹诏示.

[12] Nhẫm Bà la: Cương Mục chua là động của người Mán. Sách Thanh Nhất thống chí chép là Ổn Bà la, thuộc một lộ trong phủ Bố Chính [Quảng Bình], nay chưa biết rõ chỗ nào.

[13] Thái Tông nhà Đường tên là Lý Thế Dân, sau khi cha là Lý Cao Tổ chết, Thế Dân đem quân phục ở cửa Huyền Vũ, giết hai người anh là Kiến Thành và Nguyên Cát để đoạt ngôi vua.

[14] Yên Sinh: là thực ấp của Trần Liễu. Khi Trần Liễu chết, được truy phong tước Vương, nhân đất phong mà gọi là Yên Sinh Vương.

[15] 遣禮部尚書柴椿等使安南國,詔切責之,仍俾其來朝.

[16] 至元十五年八月诏谕安南世子陈曩者尔国内附之初凡有所请皆赐允从意谓事大之礼久当自知能举而行也歴年滋逺礼意浸薄故于至元十二年复降诏㫖责以亲朝助兵等事顷黎克复等至省所上表语涉诞妄有谓尔国归附在先且四方诸国先尔来降者衆矣在尔后惟亡宋偏师一出举国悉平计尔亦已闻知所言非妄而何又谓占城等二雠为患不能助兵且彼之与尔为隣匪始自今日至谓地逺不克入觐黎克复等安能至哉二者之妄亦已明矣昔尔与宋通好固所素知及宋平之后所以慕奉之礼著之载籍可覆视也天下之事以至诚为本今欺绐若是将谁信之向以尔父衰老不任跋涉犹云可也今尔年方强仕入朝受命此正其时况彼境土接我邕钦莫惮一来也尔或不思安全固拒朕命则修尔城隍缮尔兵甲以待我师祸福转移之机在此一举宜审图之今遣礼部尚书柴椿等奉使.