Chiến tranh có nguy cơ nổ ra ở đâu trong năm 2022?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: “Konfliktherde: Wo in diesem Jahr Krieg droht”, WELT, 1/1/2022.

Lược dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Bị đại dịch làm giảm sự chú ý, nhưng một số cuộc xung đột trên thế giới đã trở nên gay gắt. Một số nơi nguy cơ chiến tranh là rõ ràng. Một vài trong số đó có thể nổ ra ngay ở cửa ngõ Châu Âu. Nhưng ngay cả những cuộc khủng hoảng ở xa hơn cũng có thể đe dọa chúng ta.

Ở châu Âu, nguy cơ leo thang chiến tranh diễn ra ở hai khu vực. Trong cả hai trường hợp đều có sự tham gia của Moskva. Nga muốn ngăn NATO mở rộng về phía đông. Ukraine lo ngại về một cuộc tấn công của quân đội Nga. Ngoài ra, các xung đột cũng có nguy cơ bùng phát trở lại ở Balkan. Ở châu Á cũng có thể xảy ra xung đột quân sự có sự tham gia của phương Tây. Trước cửa ngõ châu Âu, Israel đang phải đối mặt với những mối đe dọa ngày càng rõ hơn từ Iran. Nước này đang tiến gần hơn tới mục tiêu có vũ khí hạt nhân sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.

Ukraine

Sau nhiều tuần căng thẳng ở biên giới với Ukraine, Nga và Mỹ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán đầu tiên vào ngày 10/1 về việc giảm leo thang. Cũng sẽ có đàm phán giữa Nga và OSCE vào ngày 13/1. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergej Rjabkow nhấn mạnh ngay từ đầu Nga quyết không chấp nhận để NATO mở rộng về phía Đông. Washington nói rõ rằng các quyết định sẽ không được đưa ra mà không tham khảo ý kiến những người đứng đầu các nước đồng minh, bao gồm Kiev. “Sẽ có những lĩnh vực mà chúng ta có thể đạt được tiến bộ và những lĩnh vực mà chúng ta sẽ không đồng ý”, tuyên bố của Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng cho biết.

Tình hình ở Ukraine tiếp tục căng thẳng mặc dù phía Nga đã tuyên bố các cuộc tập trận giáp biên giới Ukraine đã kết thúc và 10.000 binh sỹ đã rút về các căn cứ của họ. Hiện tại, ở khu vực gần biên giới vẫn còn đồn trú khoảng 90.000 binh sỹ. Cuộc chiến tranh ở Donbass đã giết chết 14.000 người, một triệu rưỡi người bị mất nhà cửa. Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xuống đến đáy.

Các chuyên gia ủng hộ việc răn đe Nga bằng các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn trong trường hợp bị tấn công, gồm mở rộng các hạn chế đã có đối với các ngân hàng nhà nước lớn như Sberbank, VEB.RF, VTB và Gazprombank, cho đến loại Nga ra khỏi mạng lưới liên lạc ngân hàng SWIFT. Ngoài ra, người ta có thể nhắm mục tiêu vào các lĩnh vực khác như khai thác mỏ, vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển hoặc ngành bảo hiểm mà cho đến nay đã được miễn lệnh trừng phạt. Thậm chí là dừng đường ống Nord Stream 2, miễn là Đức thực sự tán thành.

Bosnia và Balkan

Nền hòa bình tại đây rất mong manh. Khoảng 100.000 người đã chết trong cuộc chiến tàn khốc vào những năm 1990; và cuộc chiến chỉ kết thúc sau rất nhiều nỗ lực. Hiệp định hòa bình Dayton cuối cùng đã chia đất nước này thành hai thực thể tự trị: Liên bang Bosnia-Herzegovina dành cho người Bosnia theo đạo Hồi và người Croatia theo Công giáo, và nước cộng hòa Srpska cho người Serb theo Chính thống giáo. Một số rạn nứt giữa các sắc tộc vẫn còn tồn tại. Milorad Dodik là chính trị gia quyền lực nhất của người Serb. Ông ta muốn tách Cộng hòa Srpska khỏi các tổ chức nhà nước của liên bang Bosnia- Herzegovina và thành lập quân đội riêng của người Serb. Điều này như một ngòi nổ có thể gây ra xung đột bất cứ lúc nào. Nga là đồng minh quan trọng nhất của Dodik.

Moskva có lợi ích trong việc làm suy yếu phương Tây và ngăn NATO mở rộng ở Đông Âu. Brussels chưa tìm ra câu trả lời cho tình huống tế nhị hiện nay. “EU không tin vào ‘quyền lực cứng’”. Nhưng chuyên gia Balkan Kurt Bassuener cho rằng lúc này không cần ngoại giao mà phải răn đe. Bởi vì ngay cả khi chiến tranh chưa xảy ra khu vực này vẫn là một thùng thuốc súng, có thể nhìn vào Bosnia hoặc Kosovo để thấy điều đó. Chỉ cần một tia lửa cũng có thể làm cháy cả một cánh rừng.

Đài Loan

Tình hình Đài Loan thực sự có thể giải thích được một cách đơn giản: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa coi hòn đảo này là một phần lãnh thổ của mình và có quyền chiếm đoạt nó, nếu cần bằng vũ lực. Nếu các lực lượng ly khai đòi độc lập ở Đài Loan sử dụng bạo lực hoặc chỉ cần vượt qua lằn ranh đỏ, Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp quyết liệt. Trung Quốc sẵn sàng làm mọi thứ trong khả năng của mình để đi tới thống nhất hòa bình với Đài Loan, nhưng sẽ hành động nếu các đòi hỏi độc lập đi quá xa. Hội đồng Các vấn đề Đại lục của Đài Loan đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh “nghiêm túc xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với Đài Loan và đánh giá đúng tình hình.” Đài Loan là một quốc gia độc lập trên thực tế, có tiền tệ riêng và lực lượng vũ trang riêng. Trung Quốc từ xưa tới nay thực chất chưa bao giờ kiểm soát được Đài Loan.

Trong nhiều thập niên, các chiến lược mập mờ đã che phủ nguy cơ xung đột. Ví dụ, Hoa Kỳ tôn trọng yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh, nhưng lại đảm bảo sự tồn tại của Đài Loan bằng cách cung cấp vũ khí cho Đài Bắc. Sự mập mờ này nay có nguy cơ bị tan vỡ do Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với Đài Bắc. Năm 2021, các máy bay chiến đấu của Trung Quốc nhiều lần xâm phạm vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Và ngày càng có nhiều lo ngại ở Mỹ về việc tăng cường vũ trang, xây dựng quân đội ở Trung Quốc. Hải quân Trung Quốc đã đưa 90 tàu lớn và tàu ngầm vào biên chế trong 5 năm qua, nhiều gấp 5 lần so với Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Gần đây nhất, Joe Biden thậm chí buộc phải làm rõ một trong những điều mập mờ lâu nay: tháng 10 vừa qua, Tổng thống Mỹ đã nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN rằng, Washington sẽ hỗ trợ quân sự cho Đài Bắc trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Tờ The Economist của Anh đã gọi Đài Loan là “nơi nguy hiểm nhất trên thế giới” do Trung Quốc và Mỹ là hai cường quốc hạt nhân đối đầu nhau, đặc biệt là khi xảy ra tính toán sai lầm về quân sự ở Eo biển Đài Loan.

Iran

Tờ Tehran Times mới đây đã công bố bản đồ của Israel với hàng trăm chiếc kim đỏ được cắm trên đó. Tiêu đề “Chỉ một hành động sai!” cho thấy mức độ đe dọa. Thông điệp là rất rõ ràng: nếu Israel dám tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran, Tehran sẽ đáp trả.

Iran đã xây dựng một mạng lưới dân quân ở Trung Đông để sử dụng như một đội quân ủy nhiệm của mình. Chế độ Iran tài trợ cho lực lượng Hamas ở Dải Gaza, người Houthi ở Yemen, và lực lượng dân quân ở Iraq và Syria. Nhưng tài sản quan trọng nhất của Iran là Hezbollah. Tổ chức khủng bố toàn cầu này có ít nhất 130.000 tên lửa tầm xa tại quê nhà Lebanon, nhắm trực tiếp vào Israel.

Một cuộc chiến tranh công khai sẽ rất tàn khốc cho cả hai bên. Tuy nhiên, nguy cơ leo thang đang gia tăng khi Iran thúc đẩy chương trình hạt nhân của mình kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran vào năm 2018.

Chính phủ Biden muốn phục hồi thỏa thuận. Tuy nhiên, vẫn có những nghi ngờ đáng kể về sự sẵn sàng thỏa hiệp của Tehran. Mặt khác, bản thân bản thỏa thuận cũng sẽ sớm lỗi thời. Thỏa thuận ban đầu được cho là nhằm giữ Iran tránh xa bom nguyên tử. Phải mất ít nhất một năm để Iran làm giàu đủ uranium để có thể bắt đầu sản xuất bom. Tuy nhiên, hiện nay Iran đã phát triển đến mức khoảng cách này chỉ còn vài tuần lễ.

Israel cũng hùng hổ lên gân, sẽ làm tất cả để Iran không thể sở hữu được bom nguyên tử. Nếu cần thiết, Israel sẽ mở các cuộc không kích. Tuy nhiên, điều này lại quá phức tạp nên Israel hiện nay không thể thực hiện được. Israel còn chưa huấn luyện được lực lượng của mình sử dụng các loại thiết bị như máy bay chở dầu và tiếp dầu cho máy bay chiến đấu để có thể thực hiện các chuyến bay dài đến Iran. Israel cũng đã đặt hàng mua các thiết bị này của Mỹ. Tuy nhiên phía Mỹ chưa đồng ý.