Thế giới hôm nay: 11/01/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Sau cuộc gặp nhiều tiếng đồng hồ với người đồng cấp Mỹ ở Geneva, thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết “không có tiến bộ” nào xoay quanh việc Nga yêu cầu NATO cam kết không kết nạp thêm các nước như Ukraine hay Georgia. Dù vậy ông cũng nói “chưa hết hy vọng” đàm phán – đồng thời tái khẳng định Nga sẽ không xâm lược Ukraine. Wendy Sherman, đại diện của Mỹ, nói cuộc họp đã diễn ra “thẳng thắn” song “không hẳn là một cuộc đàm phán.”

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi vai trò của lực lượng Nga trong cuộc đàn áp biểu tình chống chính phủ ở Kazakhstan, nói rằng “chúng tôi sẽ không để bất kỳ ai gây bất ổn ngay trong nhà chúng tôi.” Chính phủ Kazakhstan cho biết đến nay có gần 8.000 người đã bị bắt và hơn 160 người thiệt mạng do tình hình bất ổn.

Năm 2021 bầu khí quyển Trái đất ghi nhận lượng carbon dioxide và methan cao kỷ lục, theo Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus, một đơn vị thông tin do EU tài trợ. Nhiệt độ trung bình cao hơn mức thời kỳ tiền công nghiệp 1,1-1,2°C, khiến 2021 trở thành năm nóng thứ năm trong lịch sử. Mục tiêu kiểm soát tình trạng nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C đang tỏ ra ngày càng xa vời.

Take-Two, hãng game khổng lồ đứng sau tựa game “Grand Theft Auto,” tuyên bố mua Zynga. Đây là hãng phát hành tựa game miễn phí nổi tiếng FarmVille và được định giá tới 12,7 tỷ đô la.

Một tòa án Myanmar đã kết án Aung San Suu Kyi 4 năm tù cho các tội danh bao gồm sở hữu bất hợp pháp máy bộ đàm và vi phạm các quy tắc covid-19. Bà Suu Kyi, lãnh đạo dân cử của nước này trước khi bị lật đổ bởi đảo chính quân sự, đối mặt một loạt các cáo buộc. Nếu bị kết án cho tất cả các cáo buộc, bà có thể sẽ phải dành trọn đời sau song sắt.

Chính quyền quân sự Mali đã đóng cửa biên giới với các nước láng giềng là thành viên của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi sau khi bị những nước này làm điều tương tự. Khối cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Mali xoay quanh các vấn đề bầu cử. Sau cuộc đảo chính 2020, các nhà lãnh đạo khi đó của Mali hứa tổ chức bầu cử vào tháng 2 năm nay. Nhưng rồi tháng 5 năm ngoái lại có đảo chính, và chính quyền mới tuyên bố trì hoãn đến 2025.

Sri Lanka kêu gọi Trung Quốc cơ cấu lại các khoản nợ khổng lồ của họ, giữa lúc nước này tìm đường vượt qua khủng hoảng tài chính. Sri Lanka vay hơn 5 tỷ USD từ Trung Quốc trong thập niên qua, chủ yếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng. Được biết hồi tháng 11 nước này chỉ có khoảng 1,5 tỷ đô la dự trữ ngoại hối. Đại dịch khiến nền kinh tế vốn phụ thuộc du lịch của hòn đảo bị tổn thất nặng nề.

Con số trong ngày: 57 tỷ đô la, là tổng đầu tư vào các công ty khởi nghiệp về y tế kỹ thuật số trong năm 2021, gần gấp đôi số tiền của năm 2020.

TIÊU ĐIỂM

Tình hình Kazakhstan lắng xuống

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Zhomart Tokayev sẽ bổ nhiệm thủ tướng mới vào thứ Ba sau khi giải tán chính phủ trước do bạo lực hỗn loạn. Đã có ít nhất 164 người thiệt mạng trong bất ổn, vốn xuất phát từ các cuộc biểu tình xoay quanh vấn đề tăng giá nhiên liệu ở miền tây nhiều dầu mỏ, và sau đó lan rộng khắp đất nước.

Sau khi đụng độ vũ trang nổ ra ở Almaty, thành phố lớn nhất Kazakhstan, ông Tokayev đã mời quân đội Nga và các nước Liên Xô cũ đến giúp khôi phục trật tự. Ông cho biết các thế lực thù địch đã lợi dụng biểu tình nhằm âm mưu đảo chính. Gần 8.000 người bị bắt, bao gồm cả cựu giám đốc tình báo Karim Masimov, người phải đối mặt với cáo buộc phản quốc. Ông Tokayev cũng cách chức chủ tịch hội đồng an ninh của Nursultan Nazarbayev, cựu tổng thống 81 tuổi đầy quyền lực. Nhưng sẽ còn nhiều điều nữa phải làm trước khi vị tổng thống áp đặt lại được thẩm quyền của mình.

Số người tị nạn Afghanistan không ngừng gia tăng

Ngày càng có nhiều người tị nạn Afghanistan tìm đường chạy trốn khỏi Taliban, hạn hán, kinh tế suy sụp và loạn lạc. Iran ước tính có khoảng nửa triệu người Afghanistan đã nhập cư vào nước này chỉ trong năm 2021. Con số của Pakistan là 300.000 người, tính từ thời điểm Taliban lên nắm quyền vào tháng 8. Sau bốn thập niên hỗn loạn ở quốc gia láng giềng, hai nước này giờ có khoảng 2,2 triệu người tị nạn Afghanistan có đăng ký và 4 triệu người Afghanistan khác với tình trạng giấy tờ không rõ ràng.

Các bên đang chán nản với tình hình. Cả hai người hàng xóm đều không muốn một làn sóng nhập cư mới. Để giúp giảm bớt gánh nặng, hôm thứ Ba Liên Hợp Quốc đã khởi động một kế hoạch 623 triệu đô la để hỗ trợ người tị nạn ở Iran và Pakistan. Số tiền sẽ được chuyển đến 40 tổ chức chuyên viện trợ giáo dục, thực phẩm, y tế, vệ sinh và nơi ở. Filippo Grandi, người đứng đầu Cao uỷ Tị nạn Liên Hợp Quốc, cho biết người tị nạn “cần được hỗ trợ và phải được hỗ trợ ngay hôm nay.” Với tình hình ngày càng tồi tệ dưới thời Taliban, số người tị nạn chắc chắn sẽ còn tăng.

Điều trần xác nhận vị trí chủ tịch Fed ở Thượng viện Mỹ

Nhà Trắng đã bỏ ngỏ khả năng thay thế Jerome Powell ở vị trí chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang trước khi tái đề cử ông ra quốc hội. Giờ đây ông Powell phải được Thượng viện phê chuẩn. Ông sẽ điều trần trước ủy ban ngân hàng thượng viện vào thứ Ba. Trong những tuần gần đây, ngày càng có nhiều nhà đầu tư đặt cược Fed sẽ tăng lãi suất vào tháng 3 để đối phó lạm phát tăng trên mức mục tiêu 2%.

Nhưng cuộc điều trần sẽ không chỉ về triển vọng kinh tế. Phe cấp tiến trong đảng Dân chủ phản đối đề cử của ông, và muốn ông cứng rắn hơn với các ngân hàng lớn, đồng thời nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Tuần trước xuất hiện thông tin Richard Clarida, vị phó chủ tịch sắp mãn nhiệm, tự tay sửa đổi một mẩu công bố thông tin liên quan đến hoạt động giao dịch chứng khoán của ông trong thời kỳ đầu đại dịch, nhất là trong bối cảnh Fed sắp can thiệp vào thị trường. Điều này chỉ gây thêm khó khăn cho ông Powell.

Ngân hàng Trung ương Đức có chủ tịch mới

Cựu Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Jacques Delors từng nói: “Không phải người Đức nào cũng tin vào Chúa, nhưng họ đều tin vào Bundesbank.” Tuần trước ngân hàng trung ương của Đức có lãnh đạo mới khi Joachim Nagel tuyên thệ nhậm chức chủ tịch thứ 11. Tại buổi lễ ở Frankfurt vào thứ Ba này, ông sẽ được chào đón bởi chủ tịch hiện tại Jens Weidmann, người đã bất ngờ từ chức vào tháng 10.

Ông Nagel, người đến từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, đối mặt hai thách thức. Đầu tiên là khôi phục đoàn kết bên trong Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Ông Weidmann với quan điểm diều hâu đã ngày càng mâu thuẫn với các thành viên khác trong hội đồng thồng đốc ECB xuay quanh các vấn đề như cần bao lâu để kết thúc kích thích tiền tệ trong khu vực đồng euro. Thứ hai là nỗi lo về giá cả ở trong nước. Một phần do chi phí năng lượng tăng, lạm phát ở Đức đang lên cao nhất trong ba mươi năm qua. Ông Nagel có nhiệm vụ xoa dịu tình hình.