“Nước Đức là con ngựa thành Troy của Putin trong NATO”

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Ukraine-Politik: “Deutschland ist das trojanische Pferd Putins in der Nato”, WELT, 25/01/2022.

Lược dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Các quan điểm của chính phủ liên bang Đức trong cuộc khủng hoảng Ukraine và việc duy trì dự án Nord Stream 2 đang khiến thế giới khó hiểu. Nhiều nước đối tác thậm chí bắt đầu nghi ngờ về lòng trung thành của Đức đối với liên minh NATO.

Trong bối cảnh tình hình biên giới với Ukraine đang căng thẳng và bất chấp sự chỉ trích của quốc tế, Đức vẫn kiên trì duy trì dự án đường ống khí đốt Nord Stream 2. Trong nhiều năm, Berlin đã từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine để tự vệ. Và mới đây, việc chỉ huy hải quân Đức Kay-Achim Schönbach tỏ ra thông cảm với hành động gây hấn của Nga đã khiến dư luận phẫn nộ. Mối quan hệ dao động với Moscow đang ngày càng khiến các đối tác của Đức lo lắng – điều không chỉ liên quan đến Ukraine đang bị đe dọa. Sau đây là một cái nhìn tổng quan:

Vương Quốc Anh

London đã hứa với Kiev về việc cung cấp vũ khí chống tăng. Người phát ngôn của Boris Johnson cho biết chính phủ Anh đóng “vai trò lãnh đạo tích cực” trong cuộc xung đột. Khi được WELT hỏi liệu Thủ tướng có mong tất cả các đồng minh NATO chuyển giao vũ khí phòng thủ cho Ukraine hay không, ông này nói: “Chúng tôi không quy định từng thành viên NATO phải làm gì.” Điều quan trọng là cần có hành động thống nhất trước bối cảnh leo thang hiếu chiến của Nga.

Việc Đức từ chối giao vũ khí cho Kiev đã gặp rất ít thiện cảm ở London, James Heappey, Bộ trưởng Quân lực, chỉ rõ: “Ukraine cần sự giúp đỡ của chúng ta. Đó là lý do tại sao Boris Johnson không chỉ phát biểu những lời ủng hộ.” Ông này tiếp tục: “Quá nhiều chính trị gia chỉ biết trông đợi vào hành động của Hoa Kỳ. Những năm tháng coi điều này là đương nhiên của thời Chiến tranh Lạnh đã qua rồi.” Làm gì có tự do một cách miễn phí. Theo bài xã luận mới nhất của tờ Daily Telegraph thì: “Đức đang làm xói mòn quyết tâm của phương Tây. Berlin không dám hành động vì chính sách năng lượng của mình, vì Đức phụ thuộc vào khí đốt của Putin do Đức loại bỏ điện hạt nhân.”

Hoa Kỳ

Cả hai đảng trong Quốc hội đều phản đối Nord Stream 2, nhưng đảng Dân chủ bảo vệ lập trường của Biden. Ông ấy có thể – và nên – áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine. Trong khi chính phủ Biden còn ngần ngại chỉ trích Đức, thì những tờ như Wall Street Journal bảo thủ và Washington Post cánh tả đã mạnh mẽ lên tiếng chỉ trích Berlin.

Không giống như Berlin, Washington đang cung cấp cho Ukraine thiết bị quốc phòng trị giá 200 triệu USD. Tổng thống Biden dường như muốn cử binh sĩ Mỹ tới sườn phía đông của NATO. Tuy nhiên, cho đến nay, ông chưa thực hiện sứ mạng của Hoa Kỳ ở Ukraine vì phần lớn người Mỹ muốn ít hơn, chứ không phải nhiều hơn, các cuộc giao tranh quân sự ở nước ngoài.

Pháp

Sự ra đi của Đô đốc Schönbach không gây xôn xao đối với nước Pháp. Tuy nhiên, tạp chí cánh tả Marianne mô tả vụ việc trên là “triệu chứng” đối với chính phủ mới ở Berlin, vốn đang dao động trong thái độ đối với Nga. Nhà sử học Paul Maurice thuộc viện nghiên cứu Pháp-Đức Cerfa viết rằng lập trường của Đức đối với vấn đề Nga là “nghịch lý” vì Đảng Dân chủ Xã hội đã xích lại gần Nga về mặt kinh tế, trong khi Đảng Xanh lại có một “lập trường cứng rắn”.

Khi nói đến Nord Stream 2, Pháp luôn tỏ ra khắt khe. Tổng thống Emmanuel Macron lo ngại việc châu Âu phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt của Nga, nhưng dưới áp lực từ Berlin, ông đã cố gắng đồng ý coi dự án là “vấn đề nội bộ của Đức”. Macron hiện đang kêu gọi dừng Nord Stream 2.

Khi nói đến việc cung cấp vũ khí, Paris tỏ ra thấu hiểu và đề cập tới những kinh nghiệm lịch sử khác nhau. Một cố vấn ngoại giao thân cận của Macron cho hay Kiev không yêu cầu Pháp cung cấp vũ khí. Nhưng Paris rất cảnh giác và sẽ xem xét các yêu cầu một cách nghiêm túc. Ngoài ra, cần có một lập trường chung Châu Âu.

Ba Lan

Đức là “con ngựa thành Troy của Putin” trong NATO, chính trị gia Đảng Pháp luật và Công lý (PiS) và nhà phê bình Đức Janusz Kowalski đã phát biểu. Việc ông này nói toạc ra điều đó thật ra không gây ngạc nhiên. Điều mới lạ ở đây là không có chính trị gia đối lập nào lên tiếng phản đối quan điểm này của ông ta.

Các phe phái chính trị, vốn thực sự đối lập nhau và không thể hòa giải, đột nhiên đồng ý với nhau về lập trường đối với nước Đức. Một cuộc tấn công sắp xảy ra của Nga vào Ukraine hiện đang là chủ đề nóng ở Ba Lan, bản thân quốc gia này cảm thấy bị Moscow đe dọa.

Vai trò của Đức trong liên minh phương Tây đóng vai trò trung tâm trong vấn đề này. Ngay cả Phó Đô đốc Schönbach cũng dành thời gian cho các chương trình trò chuyện. Nhà bình luận ôn hòa Jerzy Haszczynski của nhật báo độc lập Rzeczpospolita bày tỏ sự lo ngại về việc cựu thanh tra hải quân đã tiết lộ “cách nghĩ của người Đức đối với thế giới”.

Schönbach và nhiều tuyên bố gây khó chịu của các nhà dân chủ xã hội hàng đầu, việc từ chối hỗ trợ quân sự cho Ukraine – tất cả những điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Đức ở Ba Lan. Chính sách an ninh của Đức bị người Ba Lan coi là ngây thơ; đường ống Nord Stream 2 luôn bị chính phủ Ba Lan bác bỏ. Giờ đây, Ba Lan thấy sự ngờ vực của mình đối với dự án đã được xác nhận.

Israel

Israel quan sát kỹ lưỡng mọi động thái phát triển ở Đông Âu. Sau khi Liên Xô tan rã, khoảng một triệu người Do Thái nói tiếng Nga đã nhập cư vào Israel, trong đó có nhiều người đến từ Ukraine. Nếu Nga thực sự xâm lược nước này, một làn sóng nhập cư mới có thể đến với Israel. Vai trò của Đức trong cuộc xung đột được xem xét một cách nghiêm túc. Tờ báo cánh tả Ha’aretz thậm chí còn nói về sự “xoa dịu” của người Đức đối với Putin.

Việc Berlin tuyên bố rằng Nord Stream 2 không liên quan gì đến chính trị là điều đáng ngạc nhiên, cũng như việc Đức không chấp nhận chuyển giao vũ khí phòng thủ cho Ukraine, cho dù đề cập đến sự liên quan trong lịch sử nước Đức.

Italia

Theo truyền thống, trong khối Tây Âu, Italia có truyền thống gần gũi với Nga nhất. Tuy nhiên dưới thời Mario Draghi, Italia ít nhiều đã có phần xa rời người bạn cũ. Thủ tướng rõ ràng đang nghiêng về liên minh xuyên Đại Tây Dương và cam kết thống nhất trong EU, bao gồm cả các vấn đề về chính sách đối ngoại. Do đó, không có bình luận chính thức nào từ phía chính phủ Ý, cả về Phó Đô đốc Schönbach cũng như việc Đức từ chối giao vũ khí cho Ukraine.

Tuy nhiên báo chí đang đề cập đến việc từ chối cung cấp vũ khí và duy trì Nord Stream 2 thực sự đang là một vấn đề. Báo Il Sole 24 Ore viết rằng tình hình hiện tại đang đặt vị thế quốc tế của Đức với tư cách là lực lượng quản lý trước một thách thức nặng nề.