Thế giới hôm nay: 18/02/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Nga trục xuất viên chức ngoại giao cao thứ hai của Mỹ ở Moscow, một động thái bị Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là “vô cớ” và “một bước leo thang căng thẳng”. Trước đó Tổng thống Joe Biden đã cho biết khả năng Nga sắp xâm lược Ukraine là “rất cao.” Trong khi đó, quân đội Ukraine cũng ghi nhận nhiều vụ vi phạm lệnh ngừng bắn của phe ly khai do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbas miền đông. Giao tranh đã làm hư hại một trường mẫu giáo và khiến ba người bị thương. Nga cáo buộc Ukraine tấn công trước.

Pháp thông báo sẽ rút quân khỏi Mali, nơi họ từng chiến đấu với các phần tử thánh chiến. Tổng thống Emmanuel Macron nói nguyên nhân là do mối quan hệ với chính phủ mới của Mali xấu đi. Quân đội vẫn sẽ được tái triển khai trên khắp sa mạc Sahel, nhưng không rõ họ hiệu quả đến đâu nếu không hiện diện ở Mali, nơi lực lượng thánh chiến mạnh nhất.

Hơn 90 người đã thiệt mạng do lũ lụt và lở đất ở một vùng miền núi của Brazil. Theo cơ quan khí tượng Brazil, chỉ trong một đêm thành phố Petrópolis hứng chịu lượng mưa bằng với con số của cả một tháng, cao nhất ​​kể từ năm 1952. Trước đó vào năm 2011 lở đất đã làm hơn 900 người trong vùng thiệt mạng. Các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng trở nên phổ biến vì biến đổi khí hậu.

Cảnh sát Canada đe dọa sẽ bắt giữ những người biểu tình ở Ottawa nếu họ không rời thủ đô. Trong gần ba tuần qua, cánh tài xế xe tải đã làm tê liệt các khu vực trung tâm thành phố trong bối cảnh biểu tình phản đối hạn chế vì Covid-19. Marco Mendicino, bộ trưởng an toàn công cộng liên bang, đã gợi ý rằng nhóm cực hữu Diagolon đang giúp tổ chức biểu tình với ý định “lật đổ chính phủ hiện tại”.

Các quan chức Hồng Kông công bố kế hoạch xét nghiệm toàn bộ thành phố để truy lùng covid-19. Mỗi ngày sẽ có khoảng 1 triệu cư dân dự kiến được xét nghiệm, với trợ giúp từ nhân viên y tế của đại lục. Tuy ghi nhận hơn 4.000 ca nhiễm vào hôm thứ Tư, thành phố vẫn kiên trì chính sách zero-covid.

Visa cho biết thẻ của họ sẽ được dùng trở lại trên Amazon, sau khi hai bên đạt được một thỏa thuận toàn cầu. Hồi đầu năm nay Amazon đã ngừng chấp nhận thanh toán từ thẻ Visa vì cho rằng phí giao dịch là quá cao. Ngoài ra Visa cho biết thỏa thuận còn bao gồm cam kết hợp tác về “các sáng kiến ​​công nghệ và sản phẩm mới.”

Nhà điều hành tuyên bố sẽ đóng cửa nhà máy nhiệt điện than lớn nhất nước Úc vào tháng 8 năm 2025. Kế hoạch trước đây là nhà máy điện Eraring, ở New South Wales, sẽ hoạt động thêm bảy năm nữa. Tuy nhiên, công ty chủ quản Origin Energy nói điện than giờ không còn khả thi về mặt kinh tế khi đã có điện gió và năng lượng mặt trời. Được biết than đá tạo ra hơn một nửa nguồn cung năng lượng của Australia trong năm 2020.

Con số trong ngày: 1.000, là số lượng giấy phép nhặt xác động vật chết trên đường được Ủy ban Cá và Động vật hoang dã của Montana cấp mỗi năm.

TIÊU ĐIỂM

Công ty Điện Pháp gặp khó khăn ngay lúc châu Âu thiếu năng lượng

Electricité de France (EDF) từng là một niềm tự hào dân tộc. Song triển vọng phía trước đang rất ảm đạm cho doanh nghiệp quốc doanh bán độc quyền này – đặc biệt với kết quả tài chính năm 2021 được công bố vào thứ Sáu. Trong tháng này EDF, công ty phục vụ 88% hộ gia đình ở Pháp, đã giảm dự báo sản lượng điện hạt nhân, qua đó góp phần đẩy giá khí đốt, điện và carbon ở châu Âu lên cao. Chính họ cũng cho biết sản lượng có thể giảm trong năm nay xuống mức thấp nhất 32 năm qua, một phần vì phải cho ngừng hoạt động 44 lò phản ứng để bảo trì và kiểm tra.  Trong lúc đó, Tổng thống Emmanuel Macron lại tiết lộ kế hoạch xây dựng ít nhất sáu lò phản ứng hạt nhân khổng lồ tại các địa điểm hiện có từ năm 2028.

Giá năng lượng đang chịu áp lực tăng vì Nga cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên cho Tây Âu, như một con bài mặc cả trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Và vì phải tạm ngưng lò phản ứng, đôi khi Pháp đã phải nhập điện giá cao, qua đó làm giảm nguồn cung cho Đức và các nước khác vốn phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân của EDF.

Khai mạc Hội nghị An ninh Munich nhưng Nga vắng mặt

Hiếm khi Hội nghị An ninh Munich lại diễn ra trong bối cảnh an ninh châu Âu bấp bênh như vậy. Covid-19 khiến sự kiện năm nay, kéo dài từ thứ Sáu đến Chủ Nhật, diễn ra với quy mô nhỏ hơn thông thường. Song việc Nga dàn quân đông đảo ở biên giới Ukraine và những dấu hiệu đáng lo ngại về pháo kích ở miền đông nước này khiến cuộc họp trở nên vô cùng quan trọng. Hơn 30 nguyên thủ quốc gia — trong số đó có tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky — và 100 bộ trưởng chính phủ sẽ tham gia. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng sẽ dẫn đầu một phái đoàn cấp cao.

Đây cũng là lần đầu tiên sau hai thập niên không có phái đoàn Nga đến dự. Sergei Lavrov, bộ trưởng ngoại giao hiếu chiến, mọi năm rất thường xuất hiện. Trước đó vào năm 2007 Vladimir Putin đã có một bài phát biểu quyết liệt, dường như báo hiệu việc Nga quay lưng với phương Tây. Hội nghị năm nay phần lớn sẽ nói về Nga – nhưng không có Nga tham dự.

BioNTech có sáng kiến làm nhà máy dược trong container

BioNTech, công ty đồng nghiên cứu phát triển vắc-xin mRNA chống covid-19 với Pfizer, đang kỳ vọng sẽ cách mạng hóa một lĩnh vực dược phẩm khác: sản xuất vắc-xin. Họ đang phát triển các nhà máy sản xuất vắc-xin đặt bên trong các container vận chuyển bằng kim loại thường thấy, mà họ có kế hoạch gửi đến các khu vực trên thế giới thiếu khả năng sản xuất vắc-xin – chẳng hạn như châu Phi.

Bằng cách tiêu chuẩn hóa các nhà máy, BioNTech hy vọng sẽ tạo ra một phương thức đáng tin cậy và ổn định để đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất dược phẩm. Hiện nay việc chuyển giao các công thức vắc-xin phức tạp từ cơ sở này sang cơ sở khác thường tốn nhiều thời gian và khó khăn. BioNTech hy vọng với các thùng chứa, quy trình có thể được lấy từ nhà máy truyền thống và sau đó nhân mẫu nhanh chóng trên khắp thế giới. BioNTech cho biết mỗi cơ sở có thể sản xuất tới 60 triệu liều vắc-xin covid và các loại vắc-xin khác mỗi năm và sẽ có chi phí “thấp hơn đáng kể” so với nhà máy thông thường. Đây có thể chính là tương lai của ngành dược.