Thế giới hôm nay: 25/03/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Joe Biden cho biết ông ủng hộ việc trục xuất Nga khỏi G20. Ông nói quyết định còn tùy thuộc vào nhóm – nhưng nếu Nga ở lại, ông đề nghị mời Ukraine làm quan sát viên. Ông cũng hứa Mỹ và các đồng minh sẽ đáp trả “tương xứng” nếu Nga sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine. Trước đó các nhà lãnh đạo NATO thông báo sẽ triển khai thêm quân tới 4 nước Đông Âu. Ngoài ra Mỹ cũng áp đặt thêm trừng phạt đối với các công ty quốc phòng, các nghị sĩ và một chủ ngân hàng của Nga.

Chính quyền Biden cam kết tiếp nhận 100.000 người tị nạn Ukraine và chi 1 tỷ USD cho viện trợ nhân đạo. Trong nửa đầu tháng Ba chỉ có bảy người Ukraine được tái định cư ở Mỹ, theo Reuters. Tính từ đầu cuộc chiến đã có hơn 3,6 triệu người phải rời bỏ Ukraine. Trong một diễn biến khác, Mỹ tuyên bố Nga phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, dựa trên những gì đã và đang xảy ra ở Mariupol.

Nga và Ukraine trao đổi tù binh lần đầu tiên kể từ khi chiến sự bùng nổ một tháng trước. Mười binh sĩ của hai bên đã được trao đổi, theo phó thủ tướng Ukraine. Các thủy thủ dân sự cũng sẽ được trao đổi. Hồi đầu tháng Ukraine đã trả một nhóm binh sĩ Nga để đổi lấy thị trưởng Mariupol.

Thị trường chứng khoán Nga đã mở cửa lại một phần vào sáng thứ Năm sau một tháng đóng cửa. Theo Ngân hàng Trung ương Nga, 33 cổ phiếu, bao gồm cả những gã khổng lồ dầu khí Gazprom và Rosneft, sẽ được phép giao dịch trong khoảng thời gian từ 9h50 sáng đến 2h chiều theo giờ địa phương. Song các nhà đầu tư nước ngoài bị cấm đặt lệnh bán và bán khống. Nhà Trắng gọi động thái này là “mở cửa thị trường một cách giả hiệu” nhằm che đi tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Hải quân Ukraine tuyên bố phá hủy một tàu lớn của Nga ở cảng Berdyansk, một thành phố do Nga chiếm đóng ở miền nam nước này. Trong khi đó, tình báo Anh cho rằng quân đội Nga ở gần Kyiv có thể đang bị bao vây. Anh đã đồng ý gửi thêm 6.000 “tên lửa phòng thủ” cho quân đội Ukraine cùng 25 triệu bảng Anh (33 triệu USD) tài trợ cho quân đội và lực lượng cảnh sát.

Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ra ngoài khơi bờ biển phía đông, theo Hàn Quốc. Nếu đúng vậy, động thái này vi phạm lệnh tạm dừng thử nghiệm được Triều Tiên tự đặt ra vào năm 2018. • Lực lượng cứu hộ ở miền nam Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm chiếc hộp đen thứ hai của chiếc Boeing 737 bị rơi hôm thứ Hai. Thiết bị ghi âm buồng lái, được tìm thấy hôm thứ Tư, đã được gửi đến Bắc Kinh để phân tích.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Canada cho biết nước này sẽ tăng xuất khẩu dầu và khí đốt thêm 300.000 thùng/ngày để giúp các nước cắt giảm nhập khẩu từ Nga • Uber sẽ bắt đầu thêm các taxi truyền thống ở Thành phố New York vào ứng dụng của mình, qua đó giảm bớt căng thẳng giữa công ty với các hãng taxi truyền thống. Động thái này cũng sẽ giúp Uber khắc phục tình trạng thiếu tài xế nổi lên trong đại dịch.

Con số trong ngày: 31%, là mức giảm tổng chi đi lại của doanh nhân được dự báo năm 2022 so với năm 2019.

TIÊU ĐIỂM

Nga bị chảy máu chất xám

Cũng như người Ba Lan chào đón người Ukraine, một số nước khác cũng đang đón những người Nga muốn rời bỏ nước này. Trong tháng qua, khoảng 200.000 người đã rời khỏi nước này. Nhiều người đến các nước gần nhất sẽ cho họ nhập cảnh không cần thị thực. Gruzia đã nhận khoảng 30.000 người trong khi Thổ Nhĩ Kỳ nhận ít nhất 14.000 người.

Người di cư Nga có xu hướng phản đối chiến tranh; một số người đã tham gia biểu tình. Họ chủ yếu là người trẻ có trình độ học vấn cao, và phần lớn làm việc trong ngành công nghệ. Thật ra nhân viên công nghệ đã kéo nhau rời Nga trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của Vladimir Putin, đặc biệt là kể từ nhiệm kỳ lần thứ hai của ông vào năm 2012. Hiệp hội Truyền thông Điện tử Nga thừa nhận có tới 70.000 “chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin” đã rời khỏi đất nước kể từ cuối tháng 2, và dự kiến có​​ thêm 100.000 người nữa rời đi trong tháng 4. Ông Putin, vốn không ưa gì những kẻ phản bội và “đội quân thứ năm,” có lẽ rất muốn họ rời đi. Nhưng tình trạng chảy máu chất xám này sẽ không có lợi cho nền kinh tế Nga.

Belarus ngày càng lệ thuộc Nga

Ukraine không phải là nước duy nhất bị đe dọa chủ quyền bởi Vladimir Putin. Dưới chế độ chuyên quyền của Alexander Lukashenko, Belarus gần như trở thành nước chư hầu của Nga. Ông Putin đã mượn đất Belarus để tiến quân vào Ukraine, trong khi sự hiện diện quân sự của Nga ở đây được nhiều người xem như chiếm đóng. Có rất nhiều đồn đoán là Belarus sẽ tham chiến.

Chính với những suy nghĩ cay đắng này mà các nhà hoạt động đối lập Belarus vào thứ Sáu sẽ cố gắng kỷ niệm “Ngày Tự do.” Ngày này đánh dấu thành lập nước Cộng hòa Dân chủ Belarus vào năm 1918, vốn duy trì một chính phủ lưu vong ở Canada suốt hơn một thế kỷ qua.

Chiến tranh là một rủi ro lớn cho chế độ của ông Lukashenko, vốn đã là đối tượng trừng phạt của phương Tây. Rất ít người Belarus ủng hộ cuộc chiến của ông Putin. Và việc gửi binh sĩ ra nước ngoài làm thu hẹp nguồn lực nhà nước cảnh sát của ông Lukashenko. Tuy vậy, quyền quyết định vẫn ở Moscow, chứ không phải Minsk.

Mỹ viện trợ đạn tuần kích cho Ukraine

Lô viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ cho Ukraine bao gồm 100 quả đạn tuần kích (loitering munitions). Với chiều dài bằng một ổ bánh mì Pháp và chỉ nặng 2,5kg, những quả đạn này, mang tên Switchblade, có thể bắn mà không phải nhắm mục tiêu. Thay vào đó, người ta sẽ bắn chúng vào khu vực có nhiều mục tiêu để chúng tự tìm mục tiêu tốt nhất và tấn công.

Sau khi được phóng, Switchblade sẽ mở cánh ra, giúp mang lại tầm bay đến 10km. Mặc dù không thể xuyên thủng giáp xe tăng, loại tên lửa này rất hiệu quả trước các phương tiện phi thiết giáp, binh lính và các khẩu đội pháo binh. Nhờ trang bị máy ảnh quang học và máy ảnh hồng nhiệt, chúng có thể xác định mục tiêu một cách chính xác. Sau khi khóa mục tiêu, chúng tăng tốc lên đến 160 km/h và tự động đuổi theo mục tiêu.

Ukraine đã sẵn sàng sử dụng loại vũ khí này. Họ đã đặt hàng một thiết kế tương tự từ Ba Lan hồi năm 2017, song các vấn đề pháp lý làm trì hoãn thỏa thuận và không rõ họ có sử dụng chúng chưa. Một số công ty Ukraine đang phát triển đạn tuần kích của riêng họ — đặc biệt khi người Ukraine rất giỏi chế tạo khí tài một cách nhanh chóng trong điều kiện khó khăn.

Giai đoạn khó khăn của Thủ tướng Pakistan Imran Khan

Chưa từng có thủ tướng nào của Pakistan hoàn thành đủ 5 năm của một nhiệm kỳ. Song thủ tướng hiện tại Imran Khan có thể làm nên lịch sử theo một cách khác. Ông có thể trở thành người đầu tiên bị bãi chức bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Quy trình này sẽ được tiến hành từ thứ Sáu, và được hậu thuẫn bởi một số nhân vật cũ từ đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI) của ông Khan. Phe đối lập, bao gồm một số đồng minh cũ của PTI, cáo buộc ông thất bại trong chính sách kinh tế và đối ngoại. Ông có thể đã mắc một sai lầm nghiêm trọng: làm phật lòng quân đội Pakistan, vị vua thực tế trong nền chính trị của đất nước và chính là chìa khóa quan trọng giúp PTI thắng cử vào năm 2018.

Ông Khan vẫn lạc quan. Ông đã gọi những kẻ đào tẩu khỏi đảng ông là “bọn gian dối” và kêu gọi người ủng hộ tham gia một cuộc biểu tình “hàng triệu người” ở thủ đô Islamabad vào Chủ nhật này. Hàng ngàn người có thể tham dự. Nhưng được công chúng ủng hộ không đồng nghĩa thành công trong nền chính trị Pakistan.