Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Emmanuel Macron đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, với kết quả kiểm phiếu ban đầu cho thấy ông giành 58% số phiếu bầu và đánh bại ứng viên cực hữu Marine Le Pen, người giành được 42%. Lần này bà Le Pen thu hẹp khoảng cách so với cuộc bầu cử 2017, khi ông Macron thắng tới 66% số phiếu. Được biết ông Macron là tổng thống Pháp đương nhiệm đầu tiên tái đắc cử trong 20 năm qua. Giờ đây trước mắt ông là cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 6 và một nhiệm kỳ hai đầy thử thách.
Quân đội Ukraine cho biết quân Nga đã tìm cách tiến vào nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Ukraine cho biết còn hơn 1.000 dân thường đang trú ẩn trong nhà máy này. Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Nga ngừng tấn công Mariupol và cho phép thường dân sơ tán. Hôm thứ Bảy, một cuộc tấn công tên lửa của Nga vào Odessa đã giết chết ít nhất tám người, trong đó có một em bé ba tháng tuổi.
Hội đồng quản trị Twitter đang xem xét lại lời đề nghị mua lại của Elon Musk, theo báo Wall Street Journal. Ông Musk ra giá 43 tỷ đô la để mua lại Twitter từ chính các cổ đông. Trước đó, hội đồng quản trị của công ty đã đặt ra một quy tắc “viên thuốc độc” để ngăn ông Musk nắm quyền kiểm soát.
Thủ tướng theo chủ nghĩa dân túy của Slovenia, Janez Jansa, khả năng cao sẽ thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội trước một đảng bảo vệ môi trường. Thăm dò hậu bầu cử cho thấy đảng cánh hữu của ông, SDS, chỉ giành được 22,5% số phiếu, thấp hơn nhiều so với 35,8% của đảng Phong trào Tự do. Ông Jansa, người đến nay đã phục vụ ba nhiệm kỳ, thường bị các chính trị gia châu Âu chỉ trích vì hạn chế tự do báo chí và làm suy yếu các tiêu chuẩn dân chủ.
Hơn 500 lính gìn giữ hòa bình Ethiopia từ Tigray, một khu vực bị chiến tranh tàn phá ở phía bắc, đã xin tị nạn chính trị ở Sudan. Nhóm binh sĩ này thuộc sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Abyei, một vùng lãnh thổ bị Sudan và Nam Sudan tranh chấp chủ quyền. Họ lo cho sự an toàn của chính mình ở Ethiopia, nơi gần đây xuất hiện bằng chứng về các vụ thảm sát người Tigray của quân chính phủ.
Một quan chức địa phương cho biết hơn 100 người đã chết trong vụ nổ nhà máy lọc dầu bất hợp pháp ở đông nam Nigeria. Các nhà khai thác bất hợp pháp ở đồng bằng sông Niger thường hút dầu từ các đường ống và tự lọc trong các bể chứa tạm thời. Chính phủ ước tính có tới 200.000 thùng mỗi ngày – hơn một phần mười sản lượng dầu của Nigeria – bị thất thoát vì vấn nạn này.
Mohamedou Ould Slahi, một cựu tù nhân ở trại Guantánamo Bay, đã kiện chính phủ Canada lên tòa án liên bang Canada, với cáo buộc chính quyền chia sẻ thông tin tình báo sai lệch cho Mỹ và khiến ông bị bắt giữ suốt 14 năm qua. Ông Slahi, người Mauritania, từng sống một thời gian ngắn ở Montreal. Mỹ nghi ngờ ông có liên quan đến vụ đánh bom sân bay Los Angeles với biệt danh “âm mưu Thiên niên kỷ” – dù không tìm thấy bằng chứng. Ông đang yêu cầu 35 triệu đô la Canada (28 triệu đô la) tiền bồi thường.
Con số trong ngày: 16 triệu, là số người đã rời Mexico đến Mỹ kể từ năm 1965.
TIÊU ĐIỂM
Chiến tranh Ukraine bước sang tháng thứ ba
Chiến tranh Ukraine đã bước sang tháng thứ ba vào Chủ nhật, đúng ngay dịp Lễ Phục sinh của Chính thống giáo. Thế nhưng hòa bình vẫn còn rất xa vời. Sau khi không thể chiếm thủ đô Kyiv, Nga chuyển hướng sang phía nam và phía đông để kịp chào mừng Ngày Chiến thắng Đức Quốc xã vào ngày 9 tháng 5. Mỹ và các đồng minh đang dồn khí tài cho Ukraine – giờ đây có cả xe tăng, pháo và máy bay không người lái.
Chiến tranh sẽ kết thúc ra sao? Một số người châu Âu đang nghĩ về một thế trận bế tắc và sau đó là đàm phán giữa hai bên. Điều tốt nhất mà Nga có thể đạt được là một thỏa thuận có lợi cho họ và khiến Ukraine trung lập, giống như Phần Lan sau thế chiến thứ hai. Khả năng cao hơn là một thỏa thuận ngừng bắn đầy nguy hiểm như ở bán đảo Triều Tiên, trong đó Ukraine trở thành pháo đài mới của phương Tây. Câu hỏi là phương Tây sẽ quyết tâm đến đâu để đánh bại lực lượng của Nga.
Nhà Murdoch mở mang thế lực sang Anh bằng kênh truyền hình mới
Piers Morgan thường hay làm mất lòng người khác. Những bình luận chê bai của nam MC này về Meghan Markle, một nữ diễn viên và vợ của Hoàng tử Harry, trong chương trình tin tức buổi sáng hồi năm ngoái đã thu hút nhiều chỉ trích nhất trong lịch sử truyền hình Anh. Giờ đây ông trùm sở hữu Fox News Rupert Murdoch đã thuê Morgan làm gương mặt đại diện cho TalkTV, một kênh truyền hình sẽ ra mắt tại Anh vào thứ Hai tới.
Ông Murdoch đã cân nhắc thành lập TalkTV kể từ khi ông mất quyền kiểm soát đài truyền hình Sky hồi năm 2018. Ông cũng từng cân nhắc đầu tư vào GB News, một đài truyền hình cánh hữu ra mắt hồi năm 2021 nhưng không thể thu hút được khán giả. Các ông chủ của TalkTV cho biết sản phẩm của họ đỡ mang tính ý thức hệ hơn. Họ sẽ giảm chi phí bằng cách chia sẻ chương trình với kênh TalkRadio và lấy tin từ các tờ báo của ông Murdoch. Nước Anh chưa bao giờ chào đón loại hình tin tức theo đảng phái như ở Mỹ. Nhưng TalkTV muốn thay đổi điều đó. Ông Morgan hứa sẽ “làm phiền tất cả mọi người.”
Aung San Suu Kyi lại nghe phán quyết
Một tòa án Myanmar sẽ ra phán quyết cho cựu lãnh đạo của đất nước vào thứ Hai. Lần này bà Aung San Suu Kyi bị cáo buộc nhận hối lộ từ một chính trị gia, bên cạnh một loạt các tội danh tham nhũng khác. Kể từ khi bị quân đội lật đổ trong cuộc đảo chính vào tháng 2 năm 2021, bà Suu Kyi đã bị giam giữ tại một địa điểm bí mật. Bà từng nhận một bản án sáu năm vì vi phạm quy tắc chống dịch covid-19 và sai phạm trong nhập khẩu máy bộ đàm. Tới đây bà sẽ đối mặt hàng loạt các cáo buộc nghiêm trọng hơn nữa, với mức án tối đa hơn 150 năm tù.
Các cáo buộc được thiết kể để ngăn bà quay lại chính trường. Chính quyền quân sự sẵn sàng làm mọi thứ, thậm chí là thảm sát, để không phải chia sẻ quyền lực với giới dân sự. Thế nhưng các tướng lĩnh không được người dân ủng hộ. Các lực lượng dân quân đã nổi lên ở khắp nơi kể từ sau cuộc đảo chính và đẩy lùi được quân đội khỏi nhiều vùng lãnh thổ. Tình hình này khiến khoảng 550.000 người phải di dời, trong khi hàng triệu người khác rơi vào cảnh nghèo đói.
El Salvador đẩy mạnh đàn áp băng đảng tội phạm
Chính phủ El Salvador đang trở nên cứng rắn với tội phạm có tổ chức. Hồi tháng Ba, chỉ trong một cuối tuần các băng đảng đã giết chết 87 người. Kể từ đó, bằng cách ban bố tình trạng khẩn cấp, nhà chức trách đã bắt giữ hơn 15.000 người. Hiện các luật mới đã tăng thời hạn tù giam đối với thành viên băng đảng từ chín lên 45 năm, hoặc lên đến 60 năm đối với quan chức nhà nước. Trẻ em dưới 12 tuổi cũng có thể bị đi tù.
Các tổ chức xã hội dân sự cho rằng phản ứng này quá nặng tay. Được biết tỉ lệ ủng hộ của tổng thống Nayib Bukele đã tăng lên khi tỷ lệ giết người giảm. Tuy nhiên việc này có lẽ là nhờ các băng đảng và giới chức có thương lượng với nhau. (Nguyên nhân gia tăng bạo lực gần đây có thể là do đổ vỡ đàm phán.) Nhưng ông không quá quan tâm về nhân quyền. Một số người lo ngại tình trạng khẩn cấp sẽ gây ra hậu quả lớn, và tạo điều kiện cho chính phủ nhắm vào những mục tiêu khác, chẳng hạn như các phóng viên.
Các biển báo thông tin giao thông có thể làm tăng tai nạn
Những người lái xe ở Mỹ đã quá quen với các biển báo bên đường hiển thị thông tin về số người đã thiệt mạng trên con đường họ đang đi, chẳng hạn như: “1.669 người chết trong năm nay trên các con đường ở Texas.” Loại biển báo này hiện diện ở 28 tiểu bang. Mặc dù nó có ý định tốt, nhưng một nghiên cứu mới đây trên tạp chí Science đã cho thấy những cảnh báo này có thể phản tác dụng. Ở Texas, loại thông báo về tình hình thương vong này được hiển thị trong một tuần mỗi tháng, và do đó được tận dụng cho một thí nghiệm tự nhiên. Các nhà nghiên cứu nhận thấy trong vài năm khi các thông báo được hiển thị, số vụ va chạm trong 10 km tiếp theo (6,2 dặm) đã tăng 4,5%.
Tỉ lệ này tương đương một con số đáng sợ: nếu tính theo năm, nó đồng nghĩa có thêm 2.600 vụ tai nạn và 16 người chết ở Texas. Giả thuyết hàng đầu cho hiện tượng này là việc các thông điệp làm tăng “tải trọng nhận thức” của người lái xe và khiến họ bị mất tập trung. Vậy bài học của nó là gì? Các loại thúc giục hành vi (behavioral nudges), cho dù có ý định tốt đến đâu, hoàn toàn có thể dẫn đến kết quả không như mong muốn.