Thế giới hôm nay: 27/04/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ trưởng Quốc phòng Đức vừa phê duyệt việc chuyển giao xe tăng phòng không “Gepard” cho Ukraine – đánh dấu lần đầu tiên nước này chuyến giao vũ khí hạng nặng cho Kyiv. Trong khi đó, phó thủ tướng Đức nói việc cấm vận dầu mỏ Nga giờ đây “đã trở nên có thể thực hiện được” và Đức đang “rất, rất gần” với việc cấm hoàn toàn dầu Nga. Hiện Đức nhập 12% nguồn cung dầu từ Nga, giảm so với mức 35% của năm ngoái. Cho đến nay, chính phủ vẫn do dự không áp đặt lệnh cấm vận dầu hoặc gửi vũ khí hạng nặng.

Công ty khí đốt quốc doanh của Ba Lan cho biết họ đã được cảnh báo là tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan từ thứ Tư. Giới chức Ba Lan ngay lập tức xoa dịu người dân, nói rằng kho dự trữ của nước này đang chứa tới 76% tổng công suất. Nga đã yêu cầu các nước “không thân thiện” phải trả tiền cho khí đốt bằng đồng rúp, ngay cả khi hợp đồng quy định thanh toán bằng đô la hoặc euro –một yêu cầu bị Ba Lan từ chối. Gần một nửa nguồn cung khí đốt của Ba Lan đến từ Nga.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trên truyền hình nhà nước là NATO đang tham gia “chiến tranh ủy nhiệm” khi cung cấp vũ khí cho Ukraine — và rằng nguy cơ leo thang hạt nhân là “có thật và nghiêm trọng.” Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã gặp tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moscow vào thứ Ba. Ông Antonio Guterres đã được chính phủ Ukraine đề nghị giúp xây dựng hành lang nhân đạo cho thành phố Mariupol, sau nhiều nỗ lực thất bại.

Một loạt các vụ nổ đã làm rung chuyển Transnistria, một khu vực thuộc Moldova do Nga kiểm soát, ngay sát biên giới với Ukraine. Thông tin cho thấy lựu đạn đã được ném vào văn phòng của một cơ quan an ninh và một đài phát thanh ở thủ phủ vùng, nhưng không có thương vong. Các quan chức Ukraine nói vụ tấn công là hành động khiêu khích của Nga nhằm tạo cớ cho hành động quân sự. Điện Kremlin luôn nói các nhóm người Nga ở Transnistria bị áp bức – cùng một lý do họ dùng để xâm lược miền đông Ukraine.

HSBC, ngân hàng lớn nhất Châu Âu, công bố báo cáo thu nhập quý đầu năm. Lợi nhuận trước thuế giảm 1,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, xuống 4,2 tỷ USD. Doanh thu điều chỉnh cũng giảm 3%. Ngân hàng kỳ vọng mảng quản lý tài sản của mình sẽ tăng trưởng trở lại khi Hồng Kông, một trong những thị trường chính của họ, dỡ bỏ phong tỏa Covid. Trong khi đó, UBS, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, đã công bố lợi nhuận ròng 2,14 tỷ đô la trong quý đầu — tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lợi nhuận quý đầu năm lớn nhất của họ trong 15 năm qua.

Hội đồng quản trị của Twitter đã chấp nhận lời đề nghị mua lại toàn bộ công ty trị giá 44 tỷ đô la của Elon Musk. Ông Musk tuyên bố muốn “cải thiện Twitter” và đảm bảo quyền tự do ngôn luận trên nền tảng này. Jack Dorsey, nhà sáng lập và cựu CEO của Twitter, đã xác nhận thương vụ. Trong một loạt các tweet, ông mô tả Twitter là “thứ gần nhất mà chúng ta có về một ý thức toàn cầu” và nói, “Elon là giải pháp duy nhất tôi tin tưởng. Tôi tin tưởng sứ mệnh mở rộng ánh sáng ý thức của ông ấy.”

Sau hơn hai năm phong tỏa khắt khe, từ thứ Ba Singapore đã chấm dứt hầu hết các hạn chế covid-19. Với 85% dân số được tiêm chủng đầy đủ, nước này đã bỏ các lệnh cấm tụ tập và chỉ còn yêu cầu khẩu trang tại các tòa nhà hay phương tiện giao thông công cộng. Du khách nhập cảnh cũng không còn phải xét nghiệm, một động thái nhằm khôi phục ngành du lịch của thành phố.

Con số trong ngày: 174 tỷ đô la, là tổng giá trị ngành công nghiệp sữa của Ấn Độ — với quy mô 75 triệu nông dân chăn nuôi bò sữa, 200 triệu con bò và 100 triệu con trâu, chiếm tới 1/5 sản lượng sữa của thế giới.

TIÊU ĐIỂM

Oleksiy Arestovych: cố vấn quân sự của tổng thống Ukraine

Đối với nhiều người bên ngoài Ukraine, Tổng thống Volodymr Zelensky là bộ mặt của cuộc chiến. Nhưng đối với nhiều người trong nước, Oleksiy Arestovych cũng vậy. Các bản tin quân sự hàng ngày mang tính hài hước của ông đã xoa dịu cả quốc gia trong những thời khắc đen tối nhất của nó, và thậm chí còn khiến người ta phải bật cười.

Hồi năm 2019, ông Arestovych từng dự đoán Nga sẽ xâm lược Ukraine vào năm 2022. Ông chính xác đến từng chi tiết nhỏ nhất. Trả lời phỏng vấn The Economist ở Kyiv, ông cho rằng giai đoạn quyết định của cuộc chiến sẽ kéo dài không quá ba tuần nữa. Những trận chiến lớn nhất đã và đang diễn ra ở Donbas. Cũng theo ông, mặc dù Nga dồn tới 25.000 quân cho trục tấn công chính này, Ukraine vẫn đủ sức cầm cự. Ông cho rằng việc Nga kiên quyết bám sát các học thuyết lỗi thời, với những hạn chót không thực tế do một nhà lãnh đạo xa rời thực tế đặt ra, sẽ dẫn đến thất bại của chính họ. Ông nhấn mạnh sự khác biệt về tinh thần giữa quân đội Ukraine và quân xâm lược. “Chúng tôi có tinh thần Cossack. Chúng tôi cười phá lên khi bắn cháy xe tăng Nga.”

Các công ty công nghệ Mỹ công bố kết quả kinh doanh

Các công ty công nghệ Mỹ là những cái tên dẫn đầu trong cuộc bùng nổ chứng khoán giữa đại dịch. Nhưng giờ đây các mã này đang giảm. Giá cổ phiếu của Alphabet, Amazon, Apple, Meta và Microsoft đều mất điểm trong năm nay, sau năm 2020 và 2021 đầy ấn tượng. Vào thứ Ba Alphabet và Microsoft dự kiến sẽ báo cáo tăng trưởng doanh thu chậm đi trong quý đầu năm. Tiếp đó là Meta vào thứ Tư, rồi Amazon và Apple vào thứ Năm.

Mỗi công ty đều đang không vui theo cách riêng của mình. Đối với Amazon, thời kỳ phong tỏa đã qua đi nên mọi người không còn buộc phải mua sắm online. Meta bị cản trở bởi các quy tắc theo dõi quảng cáo mới. Nhưng cũng có một số vấn đề chung. Cuộc chiến ở Ukraine làm ngân sách quảng cáo của các doanh nghiệp eo hẹp đi, bên cạnh việc mất hết thị trường Nga. Phong tỏa Trung Quốc làm gián đoạn chuỗi cung ứng, trong khi kinh tế toàn cầu yếu với lạm phát cao làm ảnh hưởng ngân sách của người tiêu dùng và tăng chi phí lao động. Dự kiến thu nhập của các công ty sẽ không suôn sẻ.

Lợi và hại cho xuất khẩu lúa mì Ấn Độ giữa chiến tranh Ukraine

Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine vô tình làm lợi cho những người nông dân Ấn Độ. Trước chiến tranh, Nga và Ukraine lần lượt là hai nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và lớn thứ năm trên thế giới, cùng chiếm tới 29% doanh thu toàn cầu. Khi xuất khẩu của họ giảm cũng là lúc Ấn Độ thế vào.

Xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ đang tăng nhanh chóng. Từ tháng 3 năm 2021 đến tháng 3 năm 2022, Ấn Độ đã xuất khẩu 7,9 triệu tấn. Một ước tính cho thấy khối lượng còn có thể tăng gấp ba trong năm nay, với nhiều khách hàng mới. Một ví dụ là chuyến hàng lúa mì Ấn Độ đầu tiên cập cảng Ai Cập vào thứ Sáu tới. Dù vậy không phải mọi chuyện đều thuận buồm xuôi gió. Các thương nhân lo ngại chất lượng lúa mì Ấn Độ có thể không đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe hơn ở nước ngoài. Và quy định của WTO không cho phép bán lúa mì với giá cố định, mà Ấn Độ đang có 19 triệu tấn. Bên cạnh đó là thời tiết. Tháng 3 năm nay là tháng 3 nóng nhất trong 122 năm qua, khiến sản lượng thu hoạch giảm ít nhất 10% ở một số bang. Với sản lượng giảm và xuất khẩu tăng, việc đảm bảo đủ nguồn cung cho chính người dân Ấn Độ là rất quan trọng.

Boeing nối lại hi vọng sau giai đoạn khó khăn

Những tháng gần đây không vui vẻ gì với các nhà đầu tư của Boeing. Gã khổng lồ hàng không vũ trụ của Mỹ sẽ báo cáo thu nhập quý vào thứ Tư, sau khi bị lỗ tới 4,2 tỷ đô la trong ba tháng cuối năm 2021. Sự sụt giảm này càng trầm trọng hơn do các khoản phí một lần, bao gồm 3,5 tỷ đô la bồi thường chậm giao hàng máy bay thân rộng 787 Dreamliner vì bị cơ quan quản lý phát hiện máy bay có lỗi hồi tháng 5 năm 2021. Các vấn đề ở một số bộ phận làm bằng titan vẫn đang bị giám sát kỹ lưỡng. Hậu quả là hơn 100 chiếc Dreamliner phải nằm đợi trong nhà chứa máy bay.

Tuy nhiên tình hình suôn sẻ hơn với các dòng 737 thân hẹp, bao gồm phiên bản MAX vốn gặp nhiều khó khăn. Các sếp của công ty cũng kỳ vọng giao Dreamliner trở lại từ cuối năm nay. Dù vậy đã có những thiệt hại. Trong tuần trước American Airlines, một khách hàng lớn của Boeing, thông báo phải cắt giảm các chuyến bay quốc tế vì Boeing chậm giao hàng. Các nhà đầu tư, khách du lịch và cuộc phục hồi hậu đại dịch của Mỹ hơn lúc nào hết rất cần Boeing trở lại cuộc chơi.