Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Trong bài phát biểu kỷ niệm kết thúc thế chiến thứ hai, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cáo buộc Nga tiến hành “một cuộc hồi sinh chủ nghĩa Quốc xã đẫm máu.” “Cái ác đã trở lại, trong một bộ đồng phục khác, dưới những khẩu hiệu khác, nhưng vẫn cùng một mục đích,” ông nói. Trong khi đó, tổng thống Nga Vladimir Putin, người tuyên bố sứ mệnh “phi phát xít hóa” Ukraine, nói với người dân nước ông là “cũng như năm 1945, chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta.”
Các binh sĩ trong nhà máy thép Azovstal ở thành phố Mariupol tuyên bố không bao giờ đầu hàng người Nga, dù chỉ trích chính phủ Ukraine cho hoàn cảnh của họ. Trước đó, chính phủ Ukraine tuyên bố tất cả phụ nữ, trẻ em và người già đã được sơ tán khỏi nhà máy. Trong một diễn biến khác, ước tính hơn 60 người thiệt mạng sau khi Nga ném bom một trường học ở Luhansk, miền đông Ukraine, hôm thứ Bảy.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã có chuyến thăm không báo trước tới thị trấn Irpin của Ukraine, trong khi đệ nhất phu nhân Mỹ, Jill Biden, bất ngờ thăm miền tây Ukraine. Bà Biden đang thăm Slovakia trước khi qua biên giới để gặp đệ nhất phu nhân Ukraine, Olena Zelenska, người đã không xuất hiện trước công chúng kể từ đầu cuộc chiến. Hai đệ nhất phu nhân đã đến thăm một ngôi trường được trưng dụng làm nơi trú ẩn cho dân sơ tán.
Cảnh sát Philippines đang cảnh giác cao độ trước cuộc bầu cử vào thứ Hai. Cử tri sẽ bầu tổng thống và phó tổng thống mới cũng như các thượng nghị sĩ, dân biểu, thống đốc, thị trưởng và ủy viên hội đồng địa phương. Dự đoán đang cho thấy Ferdinand “Bongbong” Marcos, con trai của nhà cố độc tài Marcos, sẽ giành chiến thắng trong cuộc đua tổng thống. Phó tổng thống của ông sẽ là Sara Duterte, con gái của tổng thống mãn nhiệm Rodrigo Duterte.
John Lee (Lý Gia Siêu), một cựu cảnh sát, đã được chọn làm trưởng đặc khu mới của Hồng Kông. Ông Lý là ứng viên duy nhất được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn tham gia một cuộc “bầu cử” chỉ với 1.500 cử tri. Trước đây ông là bộ trưởng an ninh và hành chính. Ông sẽ thay thế sếp cũ của mình, bà Carrie Lam, người hồi tháng 4 đã tuyên bố không ứng cử nhiệm kỳ hai.
Quốc hội Chile bác bỏ đề xuất hạn chế quyền sở hữu tư nhân đối với các mỏ đồng và lithium. Đề xuất này bị ngành khai thác phản đối mạnh mẽ và sẽ được thiết kế lại cho lần bỏ phiếu thứ hai. Tuy nhiên, hội đồng đã thông qua một số đề xuất khác mở rộng quyền môi trường, bao gồm quy định khoáng sản thuộc phạm vi quyền của nhà nước.
Con số trong ngày: 100 tỷ bảng Anh, là ước tính tổng khối lượng rửa tiền đi qua nước Anh mỗi năm.
TIÊU ĐIỂM
Hôm nay Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9/5
Xe tăng, binh sĩ và tên lửa hạt nhân sẽ xuất hiện trên đường phố Moscow vào thứ Hai khi Nga kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9 tháng 5. Mọi năm, cuộc duyệt binh này nhằm tôn vinh hơn 20 triệu người Liên Xô đã thiệt mạng trong thế chiến thứ hai. Song tổng thống Vladimir Putin đã biến ngày lễ quốc gia này thành màn phô diễn sức mạnh quân sự của Nga. Đến năm nay, nó lại có một vai trò đặc biệt quan trọng khác.
Ông Putin đang muốn dùng sự kiện này để gia tăng ủng hộ trong nước đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của ông, dù quy mô có thể sẽ nhỏ hơn mọi năm vì Nga vẫn đang chiến đấu ở Ukraine. Ngoài ra, khả năng cao ông Putin sẽ dùng bài phát biểu của tổng thống để tuyên bố chiến thắng, hoặc tuyên bố một bước leo thang, chẳng hạn như tổng động viên. Nhưng điều này khá nhạy cảm – người Nga có thể phản đối cuộc chiến nếu ông buộc họ phải tham gia.
“Bongbong” Marcos khả năng cao sẽ đắc cử tổng thống Philippines
Nếu không có bất ngờ chấn động hoặc sai sót thăm dò ý kiến chưa từng có tiền lệ, Ferdinand “Bongbong” Marcos, con trai của nhà cố độc tài cùng tên của Philippines, sẽ trở thành tổng thống sau cuộc bầu cử vào thứ Hai.
Đây là bước trở lại chính trường đáng chú ý của gia đình Marcos, vốn nổi tiếng tham nhũng và chuyên áp đặt thiết quân luật. Họ từng phải tháo chạy khỏi đất nước vào năm 1986 khi có biểu tình phản đối chế độ độc tài Marcos. Họ hồi hương vào năm 1991 sau khi Ferdinand Marcos Sr (cha) qua đời, và dần dần quay lại chính trường. Họ tiến hành một chiến dịch tuyên truyền khéo léo rằng thời kỳ Marcos chính là “kỷ nguyên vàng” của ổn định và tăng trưởng kinh tế cao.
Chiến dịch của ông Marcos thật ra khá yếu. Ông không hề tuyên bố chương trình nghị sự. Và chiến thắng của ông có thể sẽ gây chia rẽ sâu sắc, khi nhiều người Philippines vẫn gắn bó với lý tưởng của cuộc cách mạng đã lật đổ cha của ông. Do đó họ có thể không chấp nhận kết quả. Những nỗ lực để loại bỏ ông khỏi cuộc đua đang được trình lên Tòa án Tối cao. Và cho dù tòa phán quyết ra sao, chắc chắn sẽ có náo động.
Tổng thống Pháp thăm Đức
Trước cuộc kỷ niệm ở Moscow vào thứ Hai, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gợi ý hồi tuần trước rằng Olaf Scholz nên thể hiện tình đoàn kết bằng cách đến thăm Kyiv. Thủ tướng Đức đã không đến thủ đô Ukraine kể từ đầu chiến tranh, một phần vì ông Zelensky từ chối chào đón Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier, người từng có quan hệ nồng ấm với Nga. Ông Scholz đã không phản hồi, và thay vào đó phát biểu trên truyền hình trước người dân Đức vào tối 8 tháng 5, dịp lễ kỷ niệm kết thúc Thế chiến II của Đức.
Ông Scholz sẽ ở lại Berlin vào thứ Hai để gặp tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Đây là truyền thống lâu đời khi chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của các tổng thống Pháp mới đắc cử là phải đến Đức.) Họ chắc chắn có rất nhiều chủ đề để thảo luận: chủ quyền của châu Âu về quốc phòng và năng lượng, tây Balkan, Trung Quốc, rắc rối ở vùng Sahel, và tất nhiên, Ukraine.
Thế giới hành động để cải thiện chất lượng đất
Vào thứ Hai này, các đại biểu sẽ tề tựu về Bờ Biển Ngà để thảo luận cách cải thiện tình trạng đất đai trên thế giới, một vấn đề vô cùng cấp bách. Báo cáo mới của Liên Hợp Quốc cho thấy con người đã làm suy thoái tới 40% diện tích đất trên toàn cầu, làm mất đi nước, thảm thực vật tự nhiên và đất đai màu mỡ. Nguyên nhân chủ yếu là do trồng trọt. Thực trạng này làm đe dọa các hệ thống lương thực cũng như làm giảm đa dạng sinh học và khả năng hấp thụ carbon của Trái đất, từ đó làm tăng tốc quá trình biến đổi khí hậu.
Khan hiếm nước là trọng tâm của vấn đề đang được nghiên cứu bởi Công ước Liên Hợp Quốc về Chống Sa mạc hóa. Hiện có tới hơn 2,3 tỷ người, tương đương 30% dân số toàn cầu, không có đủ nước. Con số này sẽ là một nửa dân số thế giới vào năm 2050, theo ước tính của Liên Hợp Quốc. Song các nỗ lực khôi phục và quản lý đất đai tốt sẽ giúp tăng khả năng chống chịu hạn hán. Một chương trình của chính phủ Ethiopia, trong đó đẩy mạnh trồng cây và thay đổi nơi chăn thả gia súc, đã tăng sản lượng lương thực hơn 13% ở những khu vực hạn hán nhất.