Thế giới hôm nay: 04/04/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ Quốc phòng Nga cho biết tên lửa nước này đã phá hủy một kho chứa dầu và nhà máy lọc dầu gần thành phố cảng Odessa của Ukraine, căn cứ chính của hải quân Ukraine. Chưa có báo cáo thương vong nào. Chính phủ Ukraine cho biết đang xuất hiện nhiều bằng chứng về tội ác chiến tranh của quân đội Nga tại các khu vực tạm chiếm. Đặc biệt có báo cáo cho thấy thường dân bị hành quyết trên đường phố cũng như những ngôi mộ tập thể ở thị trấn Bucha.

Trong một bài phát biểu trên video, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenksy nói Nga đang cố gắng chiếm miền nam Ukraine và vùng Donbas ở phía đông. Ông cho biết Ukraine vẫn chưa nhận được đủ hệ thống chống tên lửa và máy bay từ phương Tây. Ngoài ra trưởng đoàn đàm phán Nga nói hôm Chủ nhật rằng các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine đã không đạt đủ tiến triển để tiến tới họp lãnh đạo hai bên.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Đức Die Welt, phó thủ tướng Ba Lan đã cáo buộc Pháp và Đức có quan hệ quá gần gũi với Nga. Jaroslaw Kaczynski đặc biệt chỉ trích chính phủ Đức vì không chấp nhận cấm nhập khẩu dầu từ Nga và không cung cấp đủ vũ khí cho Ukraine.

Theo người đứng đầu cơ quan điều hành kho chứa khí đốt tự nhiên của Latvia, các nước Baltic sẽ không còn nhập khí đốt tự nhiên từ Nga. Nước này, cùng với Estonia và Litva, hiện đang dùng nguồn dự trữ của chính mình. Trong thông báo, tổng thống Litva Gitanas Nausėda đã tweet: “Nếu chúng tôi làm được, phần còn lại của châu Âu cũng có thể làm được.” Nga từng đe dọa cắt khí đốt trừ khi các quốc gia “không thân thiện” đồng ý trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, thay vì euro hoặc đô la.

Chính phủ Sri Lanka đã chặn truy cập mạng xã hội và áp đặt lệnh giới nghiêm nhằm kiềm chế tình trạng bất ổn xuất phát từ tình hình khủng hoảng kinh tế • Ít nhất sáu người thiệt mạng trong một vụ xả súng hàng loạt ở Sacramento, California. Vụ nổ súng xảy ra gần tòa nhà nghị viện bang • HungarySerbia tổ chức bầu cử toàn quốc vào Chủ nhật, trong bối cảnh cuộc chiến của Nga ở Ukraine trở thành tâm điểm của các chiến dịch vận động tranh cử ở Đông Âu • Ngoài ra người Costa Rica cũng đang đi bỏ phiếu bầu tổng thống.

RTE, công ty quản lý lưới điện của Pháp, đã yêu cầu các doanh nghiệp và hộ gia đình cắt giảm lượng điện tiêu thụ vào thứ Hai. Thời tiết lạnh giá đang làm tăng nhu cầu năng lượng, đúng ngay thời điểm nửa số lò phản ứng hạt nhân của đất nước không hoạt động. Nhìn rộng hơn, các nước châu Âu đang bị thiệt hại bởi giá năng lượng cao – trong khi nỗ lực tìm cách giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga • Tesla đã giao 310.000 xe điện trong ba tháng đầu năm, nhiều hơn bất kỳ quý nào trước đó. CEO Elon Musk tweet rằng quý này “đặc biệt khó khăn” vì gián đoạn chuỗi cung ứng và chính sách “zero-covid” của Trung Quốc. Tesla có một nhà máy lớn ở Thượng Hải, nơi đang bị phong tỏa một phần.

Con số trong ngày: hai phần ba, là tỷ lệ cắt giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga được EU cam kết cho tới cuối năm 2022.

TIÊU ĐIỂM

Kinh tế Nga dường như đứng vững bất chấp khó khăn

Nga đang bị cộng đồng quốc tế tẩy chay, nhưng về tài chính nước này vẫn đang hợp tác phần nào với thế giới. Vào thứ Hai, chính phủ Nga sẽ đến hạn thanh toán một khoản trái phiếu lớn, với phần đông các chủ nợ trông đợi Nga sẽ trả đúng hạn. Hầu hết các công ty Nga cũng đang tuân thủ thời hạn trả nợ, ngay cả khi người nhận là các nhà đầu tư đáng ghét ở Mỹ hay Liên minh châu Âu.

Trả nợ trái phiếu là một phần trong bức tranh lớn hơn về một nền kinh tế Nga dường như ít bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Dù sụp đổ trong những ngày đầu chiến tranh, đồng rúp bất ngờ tăng giá trở lại trong những tuần gần đây, với hệ thống ngân hàng trông có vẻ vững chắc. Hiện nền kinh tế thực cũng đang hoạt động tốt một cách kỳ lạ. Một chỉ số hàng tuần cho thấy GDP Nga hiện cao hơn 5% so với một năm trước. Với nguồn thu liên tục từ xuất khẩu dầu và khí đốt, kinh tế Nga vẫn trụ vững.

Bất ổn ở Sri Lanka vì khủng hoảng kinh tế

Trong nỗ lực dập tắt biểu tình, tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa vào cuối tuần qua đã tuyên bố lệnh giới nghiêm 36 giờ, triển khai quân đội và chặn truy cập mạng xã hội. Công chúng đang bày tỏ phẫn nộ với chính sách kinh tế kém cỏi của ông, vốn đưa đất nước vào suy thoái tồi tệ nhất nhiều thập niên qua. Khi nhậm chức vào năm 2019, ông Rajapaksa, một cựu quân nhân, đã hứa “khung cảnh thịnh vượng và huy hoàng,” nhưng rồi mang đến kết quả hoàn toàn ngược lại.

Cắt giảm thuế sau bầu cử đã làm thất thu thuế tới khoảng 2% GDP, trong khi lệnh cấm hóa chất nông nghiệp vội vàng khiến mùa màng thất bát. Dù Covid-19 làm mất thu nhập từ du lịch, việc đồng nội tệ được neo ở một tỉ giá quá cao đã khiến kiều hối chảy vào các kênh không chính thức. Dự trữ ngoại hối giảm 70% chỉ trong vòng hai năm, trong khi các nhà máy điện bị thiếu nhiên liệu, gây ra tình trạng cắt điện luân phiên kể từ tháng 2. Hồi tuần trước, mất điện kéo dài lên đến 13 tiếng liên tục, khiến biểu tình càng thêm dữ dội. Nhưng không có ai nhận trách nhiệm. Với việc bị các đồng minh quan trọng bỏ rơi trong những ngày gần đây, vẫn chưa rõ bước tiếp theo của ông Rajapaksa sẽ là gì.

Sắp công bố báo cáo thứ ba của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu

Tranh luận chính trị xoay quanh phần thứ ba (2022) của báo cáo của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) kéo dài cho đến tối Chủ nhật, khi các chính phủ và nhà khoa học bàn về hiện trạng của khoa học khí hậu.

Hai phần báo cáo trước của IPCC xác nhận khí hậu đang thay đổi nhanh hơn – với hậu quả tồi tệ hơn – so với dự báo trước đây. Được gọi là báo cáo “giải pháp,” phần thứ ba này sẽ tập trung vào cách ổn định nhiệt độ toàn cầu cho tới năm 2100. Gần như chắc chắn rằng việc ngăn chặn toàn cầu nóng lên thêm 1,5°C – theo Thỏa thuận Paris – không phải là bất khả thi, nhưng vô cùng khó khăn. Nó đòi hỏi phải giảm nhanh chóng và đáng kể nhiên liệu hóa thạch, khiến các chính phủ đứng trước những lựa chọn khó khăn.

Các báo cáo của IPCC cần được 195 chính phủ phê duyệt. Thảo luận về phần thứ ba, dự kiến kết thúc vào thứ Sáu này, vẫn đang tiếp tục diễn ra trong tối Chủ nhật, dấu hiệu cho thấy khoa học khí hậu đang thực sự trở thành một chiến trường chính trị.