Trung Quốc bình luận việc Nga và Belarus phát tín hiệu đe dọa hạt nhân

Tác giả:  Trương Nhất Phàm, Trần Sơn (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Vào lúc hội nghị thượng đỉnh 7 nước phương Tây (G7) đang họp tại Bavaria (Đức), mấy hôm nay Nga và Belarus không ngừng hoạt động. Hiếm khi máy bay ném bom chiến lược của Nga từ vùng trời Belarus phóng tên lửa tấn công các mục tiêu tại Ukraine. Tổng thống Nga Putin còn hửa sẽ cung cấp cho Belarus tên lửa chiến thuật có năng lực hạt nhân. Phương Tây bất giác kinh hãi nghi ngờ phỏng đoán: “Nga và Belarus sẽ liên kết phát động tấn công Ukraine chăng?”

Hai nước này đã tung ra tín hiệu đe dọa hạt nhân.

Từ ngày 25/6, quân đội Nga bắt đầu tiến hành nhiều đợt công kích quy mô lớn bằng tên lửa vào toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Sáng sớm ngày 26 (theo giờ địa phương), thủ đô Kyiv của Ukraine vang lên nhiều tiếng nổ lớn, toàn quốc Ukraine kéo còi báo động. Theo tin của phía Ukraine, thủ đô Kyiv và tỉnh Kyiv bị khoảng 14 tên lửa bắn vào. Ngoài ra tỉnh Chilkasee ở miền Trung Ukraine cũng bị trúng tên lửa, một số cơ sở hạ tầng bị phá hủy. Trước đó một ngày, quân Nga còn phóng hơn 50 tên lửa từ đất liền, từ máy bay hoặc từ trên biển vào các mục tiêu trên đất Ukraine.

Trong đó điều mọi người quan tâm nhất là Không quân Nga đã cho 6 máy bay ném bom chiến lược TU-22M3 “Backfire” cất cánh từ Belarus phóng 12 tên lửa Kh-22 vào các mục tiêu mặt đất tại Kyiv, Sumei và Chernikov. Dư luận chú ý tới việc đây là lần đầu tiên quân đội Nga phóng loại tên lửa này từ lãnh thổ Belarus. Sự kiện quân Nga sử dụng máy bay ném bom chiến lược TU-22M3 có khả năng mang bom hạt nhân cất cánh từ Belarus tấn công Ukraine khiến dư luận bên ngoài nhao nhao liên tưởng đến các khả năng khác.

Gần đây Tổng thống Nga Putin gặp Tổng thống Belarus Lukashenko cũng phát đi rõ ràng tín hiệu đe dọa hạt nhân. Trong hội đàm, hai bên cho biết hiện nay Mỹ bố trí 200 đầu đạn hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ 6 nước NATO châu Âu, NATO bố trí 257 máy bay chiến đấu dùng để mang các đầu đạn hạt nhân đó. Lukashenko đề nghị Putin giúp đỡ để Belarus có thể “đáp trả ngang hàng” với việc máy bay mang vũ khí hạt nhân của NATO bay sát biên giới Belarus.

Lukashenko nhấn mạnh, máy bay chiến đấu của NATO mang vũ khí hạt nhân đang bay huấn luyện tại vùng biên giới Belarus, điều đó đã đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia của Belarus, nước này cần phải có biện pháp phòng ngự ngang hàng. “Chúng tôi phải làm tốt việc chuẩn bị chu đáo, cho dù sẽ phải huy động vũ khí có uy lực lớn nhất thì cũng phải bảo vệ đất nước của chúng tôi”.

Belarus nêu yêu cầu huy động “vũ khí có uy lực lớn nhất” – điều này đã gây ra sự quan tâm cao độ của dư luận bên ngoài. Trang mạng “Dynamo” (Mỹ) viết: tuy rằng Putin tỏ ý hiện nay chưa cần có hành động “đáp trả kiểu soi gương” đối với việc NATO tiến hành bay huấn luyện trên bầu trời ở gần Belarus, nhưng trong mấy tháng tới, Nga sẽ chuyển giao cho Belarus hệ thống tên lửa “Iskander-M” có năng lực hạt nhân.

Nguồn tin đặc biệt nhấn mạnh, điều đó có nghĩa là Belarus có thể tái giành được năng lực hạt nhân. Được biết sau khi Liên Xô tan rã, Belarus từng thừa kế 81 tên lửa vượt đại châu cơ động trên đường bộ kiểu “Bạch dương” và một số vũ khí hạt nhân chiến thuật số lượng không rõ bao nhiêu. Theo hiệp định, trước tháng 5/1993 Belarus sẽ chuyển giao toàn bộ số vũ khí hạt nhân chiến thuật cho Nga và trước tháng 11/1996 sẽ trả lại cho Nga các đầu đạn hạt nhân lắp trên tên lửa vượt đại châu, qua đó thực hiện “phi hạt nhân hóa” Belarus.

Theo giới thiệu, loại tên lửa “Iskander-M” mà Belarus sẽ nhận được là một trong các loại hình mới nhất của hệ thống tên lửa “Iskander”, có tầm bắn lớn nhất hơn 500 km, có thể mạng theo phụ tải hữu hiệu nặng tới 680 kg, kể cả đầu đạn có sức nổ cao, bom chùm, bom nhiên liệu không khí, bom khoan đất và đầu đạn hạt nhân. Hệ thống tên lửa “Iskander” có thể dùng để phá hủy các mục tiêu mặt đất của đối phương như hệ thống tên lửa, hệ thống pháo tầm xa, sân bay, sở chỉ huy; mỗi xe phóng tên lửa có thể lắp 2 quả tên lửa, trong vòng một phút có thể hoàn thành việc tấn công 2 mục tiêu, có tính chất kết hợp vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân, có tính linh hoạt cao, tính ẩn giấu và tính thích ứng, là trang bị hiện đại hóa quan trọng của quân đội Nga, được dùng để phản đòn hệ thống phòng ngự tên lửa châu Âu do Mỹ và NATO thực thi, cũng là “lợi khí” quan trọng Nga dùng để răn đe hạt nhân đối với Mỹ và NATO. Trang mạng “Dynamo” viết, từ lâu trước khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, quân đội Nga đã bố trí hệ thống tên lửa “Iskander” trong lãnh thổ Belarus và đã nhiều lần từ Belarus tiến hành công kích Ukraine. “Những tên lửa đó sử dụng một thiết bị phụ trợ tương tự như mồi câu cá dùng để đánh lừa ra đa và tên lửa bắn chặn của đối phương”.

Ngoài ra Putin còn tỏ ý sẽ giúp Belarus cải tiến máy bay cường kích SU-25 để nó có thể mang vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh Nga và Belarus hiếm khi công khai tiến hành đe dọa hạt nhân, mạng CNN của Mỹ ngày 26/6 nói, theo các nhân vật thạo tin, Mỹ có kế hoạch trong tuần này sẽ tuyên bố cung cấp cho Ukraine hệ thống phòng ngự chống tên lửa tầm trung và tầm xa. Có phân tích cho biết điều này rất có thể là để đáp trả sự “đe dọa hạt nhân” từ phía Nga và Belarus.

Sẽ mở mặt trận thứ hai chăng?

Hãng BBC chú ý tới việc theo đà tiếp diễn hành động quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, cho dù quân Nga đã tiếp tục giành được tiến triển quan trọng tại chiến trường Donbass ở miền Đông Ukraine nhưng nhịp điệu hành động tác chiến tổng thể của quân Nga vẫn còn chậm chạp, chật vật, trước sau vẫn tồn tại khả năng quân Nga từ đất Belarus hoặc Nga và Belarus tổ chức thành liên quân mở mặt trận thứ hai. Nếu Nga và Belarus tiến đánh miền Bắc Ukraine thì trong tình hình Ukraine bố trí chủ lực tại vùng Donbass, chiến trường Ukraine có thể xuất hiện xu thế biến đổi cấp tốc đi xuống.

Belarus luôn ủng hộ hành động quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine, nhưng chưa từng cho quân đội tham gia cuộc xung đột Nga-Ukraine. Dư luận bên ngoài phổ biến cho rằng Tổng thống Lukashenko của Belarus luôn chịu sức ép nặng nề từ bên trong và bên ngoài. Nhìn từ bên ngoài, Mỹ và các nước phương Tây tiến hành trừng phạt Belarus như trừng phạt Nga, Tổng thống Putin muốn Belarus có thể xuất quân tham gia chiến trường mặt đất tại Ukraine, triệt để thay đổi hoàn cảnh an ninh mà Nga và Belarus đang hứng chịu. Nhìn từ bên trong, sau khi Belarus xảy ra vụ nổi loạn hồi tháng 8/2020, lực lượng phe phản đối nội bộ Belarus luôn rục rịch gây rối, liên tục phát biểu om xòm trên vấn đề Ukraine, tạo ra những thách thức lớn đối với sự cầm quyền của Lukashenko, nghiêm trọng cản trở ý định đưa quân đội ra nước ngoài của Chính phủ Lukashenko. Trong khó khăn cả trong lẫn ngoài, Lukashenko một mặt tích cực hiệp trợ quân đội Nga đánh Ukraine, mặt khác đóng vai kẻ điều đình. Đối với vấn đề xuất khẩu lương thực của Ukraine mà châu Âu quan tâm nhất, Belarus thậm chí còn kiến nghị : vì Biển Đen bị phong tỏa, có thể lựa chọn biện pháp chở lương thực của Ukraine đi bằng đường sắt đến Belarus và các nước biển Baltic, đến hải cảng ven biển Baltic rồi xuất khẩu. Lần này việc Litva thực hiện trừng phạt Kaliningrad đã hầu như làm phương án vận chuyển nói trên của Belarus bất thành, trên thực tế đã thu hẹp đáng kể không gian xoay sở của Belarus với phương Tây về vấn đề Ukraine, dư luận bên ngoài lại bàn nhiều về khả năng Belarus đưa quân đội sang Ukraine.

Gần đây Belarus liên tiếp thực hiện một loạt bố trí quân sự nhạy cảm. Chính phủ Belarus tuyên bố thành lập Bộ Tư lệnh tác chiến miền Nam và tăng lực lượng vũ trang nước này từ 65 nghìn binh sĩ hiện nay lên 80 nghìn. Đầu tháng 5, Belarus bỗng dưng tiến hành “Kiểm tra đột xuất tình hình sẵn sàng chiến đấu” toàn quân đội, tháng 6 bắt đầu tập trận, diễn tập chuyển tiếp từ “thời kỳ hòa bình sang giai đoạn thời chiến”. Từ 22/6 đến 16/7, Belarus còn tổ chức diễn tập động viên quân sự tại tỉnh Gomel miền Đông Nam Belarus gần sát Ukraine. Một loạt hành động kể trên đều được coi là Belarus chuẩn bị can thiệp quân sự vào chiến trường Ukraine.

Về phía Ukraine, họ cũng rất căng thẳng trước động thái xảy ra bên trong Belarus. Ngày 26/6, Cục Tình báo quốc phòng Ukraine báo cáo: đơn vị lính đánh thuê do Cơ quan Tình báo Nga “Gruu” và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoygu kiểm soát có ý định tiến hành các hoạt động tập kích gây tiếng nổ tại thị trấn Moziri thuộc tỉnh Gomel ở miền Nam Belarus, sau đấy vu cho phía Ukraine gây ra, chuẩn bị mượn việc đó để kéo Belarus vào cuộc chiến tranh tại Ukraine. Nhiều quan chức cấp cao Ukraine, kể cả Tổng thống Zelensky, liên tiếp phát biểu nói hiện nay xác suất Belarus đưa quân vào Ukraine là rất nhỏ, điều đó cho thấy Chính phủ Ukraine đang quan sát chặt chẽ các hành động mà Belarus có thể áp dụng.

Hội đồng Đại Tây Dương, một viện nghiên cứu chính sách của Chính phủ Mỹ, cho rằng số phận của Lukashenko gắn chặt với Tổng thống Nga Putin và kết quả Hành động quân sự đặc biệt đối với Ukraine. Cùng với việc Mỹ và phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho chiến trường Ukraine, nếu tình thế chiến trường này xảy ra thay đổi lớn thì khả năng Belarus can thiệp quân sự vào Ukraine sẽ tiếp tục tăng lên.

Hiện nay Belarus đang phát huy tác dụng chống đỡ quan trọng cho hành động quân sự của quân đội Nga. Phía Nga đã bố trí tại bên trong lãnh thổ Belarus các hệ thống tên lửa “Iskander”, hệ thống phòng không “Armos-S” và hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S400. Belarus còn cho phép quân đội Nga từ lãnh thổ Belarus tiến hành công kích Ukraine, đóng vai trò trung tâm hậu cần của quân đội Nga. Đặc biệt, trong tình hình quân đội Nga chưa giành được quyền tuyệt đối kiểm soát bầu trời Ukraine, máy bay ném bom chiến lược của Không quân Nga chủ yếu hoạt động trong vùng trời Belarus và từ đây phóng tên lửa tầm xa công kích chính xác các kho vũ khí bên trong Ukraine. Sự chi viện của Belarus đối với hành động quân sự của Nga không chỉ có thế. Các nhà phân tích phương Tây cho rằng nếu tình thế thay đổi đòi hỏi Belarus tiếp tục  tăng cường mức độ hiệp trợ quân đội Nga, thì trong tình hình không đưa quân đội vào Ukraine, Belarus cũng có thể tiến hành các hoạt động diễn tập quy mô lớn tại vùng gần biên giới Ukraine, hoặc phái bộ đội đặc công tập kích các đơn vị biên phòng của Ukraine nhằm tạo ra trong khí căng thẳng ở vùng biên giới, thu hút sự chú ý của phía Ukraine, buộc họ không thể tăng viện quân sự cho mặt trận Donbass, qua đó đạt mục đích kiềm chế binh lực Ukraine, giảm sức ép đối với hoạt động quân sự của quân đội Nga tại Donbass.

Nếu Belarus xuất binh thì hành động của họ sẽ đa dạng. Khi ấy tuyến đường vận chuyển vũ khí Mỹ qua biên giới Ukraine-Ba Lan vào Ukraine sẽ có thể trở thành mục tiêu tấn công trọng điểm của quân đội Belarus.

Làm cho NATO lâm vào cảnh khốn khó

Không riêng Ukraine mới cảm nhận thấy sức ép từ liên minh quân sự Nga-Belarus. Việc Litva thực hiện phong tỏa Kaliningrad đã chọc tức Belarus. Lukashenko cứng rắn nói “Việc Litva cô lập Kaliningrad tương đương với hành động tuyên chiến”.

Trang mạng “National Interest” (Mỹ) giới thiệu: Kaliningrad chỉ cách Belarus một dải đất dài 65 km, tức “Hành lang Suwauki”. Nó cũng là dải đất duy nhất nối Ba Lan với các nước Baltic như Litva, Estonia, Latvia. Dư luận bên ngoài chú ý việc Lukashenko khi hội đàm với Putin có tỏ ý quan tâm tới chính sách giàu “tính xâm lược”, “tính đối kháng” và “làm mọi người phản cảm” của Litva và Ba Lan. Trong hội đàm, Lukashenko nói, có người đứng phía sau dung túng cho Ba Lan và Litva áp dụng “chính sách đối kháng” với Nga và Belarus, những chính sách đó “khiến mọi người chán ghét và có tính khiêu khích”.

Lực lượng quân đội Belarus về tổng thể không mạnh nhưng các trang bị chủ yếu đều cùng nguồn gốc với trang bị của quân đội Nga, khi Belarus tham chiến sẽ có thể nhanh chóng bù đắp cho sự thiệt hại về người và vũ khí của quân đội Nga. Đồng thời, hiện nay quân đội thường trú của NATO đóng tại vùng biển Baltic còn hạn chế về số người, dư luận phổ biến cho rằng một khi Nga và Belarus liên kết với nhau thì sẽ có thể dễ dàng cắt đứt con đường nối các nước Baltic với các đồng minh NATO.

Trang mạng “Dynamo” (Mỹ) cảnh báo: lần này Nga cung cấp cho Belarus tên lửa “Iskander-M” có thể mang đầu đạn thường và đầu đạn hạt nhân, rất có khả năng là sẽ do lính Nga thao tác và có thể kèm đầu đạn hạt nhân chiến thuật của Nga, điều đó sẽ làm cho các đồng minh NATO như  Ba Lan, ba nước Baltic cùng Hungaria, Slovakia và Czech lọt vào phạm vi tấn công. Cách làm này có thể khiến cho tình thế ba nước Baltic ngày một căng thẳng.

Các tin tức cho biết, “Iskander-M” bố trí tại Belarus sẽ làm cho hiệp định ký ngày 14/5/1997 giữa Nga với NATO đứng trước thách thức quan trọng. Hiệp định này nhấn mạnh NATO “không có ý định, không có kế hoạch, không có lý do” bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại các nước thành viên mới của NATO. Hiện nay, Mỹ có khoảng 200 vũ khí hạt nhân chiến thuật B-61 tàng trữ tại 6 căn cứ quân sự ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan, Thổ  Nhĩ Kỳ. Thế nhưng do chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine, ý kiến về việc NATO bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật tại các nước Đông Âu đã không chỉ một lần được nêu ra và được triển khai tranh luận. Tháng 4 năm nay, một quan chức cấp cao Ba Lan còn kêu gọi NATO nên có thái độ cởi mở đối với vấn đề bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Ba Lan. Tổng thống Litva Nauseda hôm mới đây nói, NATO cần thể hiện sự tồn tại “rõ ràng” hơn tại vùng biển Baltic, nhằm đối phó với sự đe dọa của Nga và Belarus. Nauseda còn nhấn mạnh, quân đội Nga có thể sử dụng tuyến đường bên trong lãnh thổ Belarus để nhanh chóng tập kết tới vùng biển Baltic, lúc ấy NATO căn bản không có thời gian để tăng viện cho vùng này.

Có bình luận nói, cùng với sự tăng hiệu ứng loang ra ngoài của chiến trường Ukraine, cuộc đọ sức giữa Nga với NATO sẽ dần lan ra vùng biển Baltic. Hai bên vung vẩy “cây gậy lớn hạt nhân” dọa dẫm lẫn nhau, điều đó sẽ làm tình hình an ninh của châu Âu, nhất là Đông Âu và Bắc Âu, căng thẳng hơn, cuối cùng tác dụng ngược của việc NATO không ngừng “chọc giận” cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ thể hiện rõ ràng.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ nguồn tiếng Trung 俄、白俄对外释放核威慑信号,两国军事联盟有多大威慑力?2022-06-28