Tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc đang hướng đến một châu Á hậu Mỹ

Nguồn: Sam Roggeveen, “China’s Third Aircraft Carrier Is Aimed at a Post-U.S. Asia,” Foreign Policy, 21/06/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Bắc Kinh chưa thể trực tiếp thách thức sức mạnh hải quân của Mỹ.

Việc Trung Quốc hạ thủy tàu sân bay mới nhất, chiếc thứ ba của nước này, đồng thời là con tàu thứ hai được đóng hoàn toàn trong nước, nói lên tham vọng của Bắc Kinh trong việc trở thành một cường quốc quân sự có vị thế và tầm vóc toàn cầu. Nó cũng cho thấy rằng Trung Quốc đã sẵn sàng để cạnh tranh với Mỹ trong lĩnh vực mà lâu nay vẫn là thế mạnh của Washington. Sự thống trị quân sự của Mỹ, đặc biệt là ở châu Á, được xây dựng dựa trên sức mạnh hàng hải, và sức mạnh hàng hải đó lại được xây dựng dựa trên hạm đội tàu sân bay của họ. Giờ đây, Trung Quốc đang trực tiếp thách thức: Bất cứ điều gì các anh có thể làm, chúng tôi cũng có thể làm, thậm chí lớn hơn và tốt hơn.

Thật ra thì không hẳn vậy.

Đúng là tàu sân bay Type 003 mới, với tên gọi chính thức là Phúc Kiến, là một cải tiến lớn so với hai tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Cả hai con tàu trước đó đều nhỏ hơn, có nghĩa là chúng mang được ít máy bay hơn. Hơn nữa, chúng đều sử dụng “dốc cầu” (ski jump), một đoạn đường dốc ở mũi tàu giúp máy bay phản lực cất cánh từ đường băng ngắn của con tàu.

Kiểu cất cánh sử dụng dốc cầu này đặt ra những hạn chế lớn về kích thước, trọng lượng, và trọng tải của máy bay được phóng đi, đó là lý do tại sao Mỹ luôn ưa thích “máy phóng” (catapult) chạy bằng hơi nước, giúp máy bay cất cánh khỏi tàu với tốc độ cao. Type 003 cũng sẽ sử dụng máy phóng, nhưng là máy phóng điện từ, tiên tiến hơn loại chạy bằng hơi nước. Điều này giúp Trung Quốc bắt kịp công nghệ mới nhất của Mỹ, cho đến nay chỉ mới xuất hiện trên tàu USS Gerald Ford thế hệ mới.

Nhưng không giống như Ford và mọi tàu sân bay khác mà Mỹ đang sử dụng, Phúc Kiến không chạy bằng năng lượng hạt nhân, điều này sẽ khiến nó bị phụ thuộc vào các tàu hỗ trợ để đi được xa hơn và lâu hơn. Kế đến là vấn đề về quy mô. Đây là siêu tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, hiện đã được hạ thủy, nhưng chắc chắn là chưa hoàn thành, và còn vài năm nữa mới có thể đi vào hoạt động. Trong khi đó, Mỹ có 11 siêu tàu sân bay, tất cả đều mạnh hơn tàu Phúc Kiến của Trung Quốc.

Ngoài sự khác biệt lớn về quy mô và khả năng của hạm đội, chúng ta cũng nên suy nghĩ kỹ hơn khi xem đội tàu sân bay của Trung Quốc là một thách thức trực tiếp đối với Mỹ. Một cuộc đối đầu giữa các hạm đội mặt nước tập trung vào các tàu sân bay theo kiểu Trận Midway là một viễn cảnh xa vời. Các tàu ngầm và tên lửa chống hạm hiện nay rất mạnh và có mặt ở khắp mọi nơi, đến mức các tàu sân bay có thể sẽ chẳng tồn tại được lâu trong một trận chiến lớn.

Nhưng đó có thể không phải là vấn đề. Đối với Mỹ, tàu sân bay là công cụ hữu ích trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh để chống lại các quốc gia gần như không có khả năng phòng thủ khi tham gia chiến tranh hải quân, chẳng hạn như Iraq, Libya và Nam Tư. Trên thực tế, Hải quân Mỹ đã ngầm thừa nhận điểm này bằng cách giảm dần tầm hoạt động của các máy bay chiến đấu trên các tàu sân bay của mình. Tại sao phải bận tâm đến tác chiến tầm xa nếu anh có thể lái tàu sân bay đến sát bờ biển của kẻ thù một cách an toàn?

Trung Quốc có thể đang thiết kế hạm đội tàu sân bay của mình cho mục đích tương tự. Họ muốn một lực lượng có thể giúp Đảng Cộng sản cưỡng chế hoặc trừng phạt các nước nhỏ hơn, chứ không phải chiến đấu với một đối thủ ngang hàng. Tất nhiên, lúc này đây, Trung Quốc sẽ khó có thể triển khai loại sức mạnh này mà không vướng vào mạng lưới an ninh của Mỹ ở châu Á. Tuy nhiên, mạng lưới đó đang rạn nứt. Điều đó đã được Trung Quốc chứng minh bằng cách giành quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông, xây dựng các đảo nhân tạo ở đó và trang bị cho chúng các cơ sở quân sự. Mọi chuyện đã xảy ra mà không có nhiều sự phản kháng từ Mỹ, cũng khá dễ hiểu, bởi vì các lợi ích của người Mỹ chưa bị các động thái của Trung Quốc đe dọa đến mức họ sẵn sàng mạo hiểm tham gia vào một cuộc chiến tranh lớn. Cũng chính câu hỏi dai dẳng đó – liệu rằng vai trò lãnh đạo quân sự và mạng lưới liên minh của Mỹ ở châu Á có thực sự đủ quan trọng để Mỹ phải mạo hiểm đối đầu với đối thủ lớn nhất mà Mỹ từng gặp từ trước đến nay? – đang dần làm xói mòn sự tín nhiệm dành cho cấu trúc an ninh lấy Mỹ làm trung tâm trong khu vực.

Vì vậy, Type 003 có thể không phải là thách thức trực tiếp đối với sức mạnh hải quân Mỹ. Thay vào đó, nó là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang nghĩ về một kỷ nguyên mới, nơi mà sự tin tưởng vào quyền lực của Mỹ ở châu Á bị xói mòn hơn nữa, còn chính Trung Quốc lại rảnh tay để đối phó với các nước nhỏ hơn. Nói cách khác, Trung Quốc đang xây dựng một hạm đội cho thời hậu Mỹ.

Tuy nhiên, Trung Quốc không thể hy vọng thống trị vùng biển châu Á chỉ với tàu sân bay. Thái Bình Dương rất rộng lớn, và ngay cả nguồn lực của những nước như Trung Quốc cũng sẽ bị dàn trải thưa thớt. Bắc Kinh sẽ cần các căn cứ nước ngoài để cải thiện khả năng giám sát khu vực, và giảm thời gian di chuyển của máy bay và tàu chiến. Tờ Washington Post mới đây đưa tin rằng Trung Quốc đang xây dựng một cơ sở hải quân ở Campuchia. Bắc Kinh cũng đã ký một thỏa thuận an ninh với Quần đảo Solomon nhỏ bé ở Thái Bình Dương – điều mà Australia lo ngại sẽ là tiền đề cho sự hiện diện quân sự ngày càng sâu rộng của Trung Quốc, trong một khu vực mà Canberra coi là phạm vi ảnh hưởng của họ.

Hầu hết các nước châu Á đều muốn có một tương lai mà Trung Quốc không phải là cường quốc thống trị. Nhưng họ cũng nhận ra rằng Mỹ không thể duy trì lợi thế quân sự của mình trước một kẻ thách thức ở tầm cỡ này. Vì vậy, bước đầu tiên của bất kỳ phản ứng nào đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai cường quốc quân sự là phải thừa nhận rằng không thể đẩy mọi trách nhiệm cho người Mỹ.

Các cường quốc trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á cũng nên nhận ra rằng phản ứng đối với thách thức mang tên Trung Quốc không thể chỉ là phản ứng quân sự. Tham vọng xây dựng căn cứ ở các quần đảo Thái Bình Dương và Đông Nam Á của Trung Quốc sẽ không bị ngăn chặn chỉ bằng vũ khí. Nó phải được ngăn chặn bằng con đường ngoại giao, một nỗ lực kết hợp ngoại giao và kinh tế để đảm bảo rằng bất kỳ tham vọng nào của Trung Quốc nhằm tạo ra các quốc gia phụ thuộc (client-state) ở châu Á sẽ thất bại vĩnh viễn.

Dù không phải là giải pháp duy nhất, nhưng một giải pháp quân sự đối với tham vọng của Trung Quốc vẫn là khả thi. Bản thân Trung Quốc đã là một ví dụ về cách các nước nhỏ hơn có thể tự bảo vệ mình trước sức mạnh hải quân áp đảo. Trong vài thập niên đầu tiên của quá trình hiện đại hóa quân đội, Trung Quốc không tập trung vào cách họ có thể thống trị các đại dương, mà là cách họ có thể ngăn chặn Mỹ thống trị các đại dương. Họ đã xây dựng một loạt các khả năng chống hạm cho mục đích đó: tàu ngầm, máy bay trang bị tên lửa bay sát mặt nước, tàu hải quân tốc độ cao cỡ nhỏ – chuyên “bắn và chạy” trước khi kẻ thù có thể đáp trả, thậm chí cả tên lửa đạn đạo có thể bắn trúng tàu đang di chuyển trên biển – và gần như không thể chống lại.

Kết quả là các vùng biển gần bờ của Trung Quốc trở thành nơi cực kỳ nguy hiểm cho các tàu mặt nước của Hải quân Mỹ hoạt động. Trong trường hợp chiến tranh, hệ thống phòng thủ của các tàu Mỹ đơn giản sẽ bị áp đảo bởi tên lửa của Trung Quốc.

Ở quy mô nhỏ hơn, mô hình tự vệ đó hoàn toàn khả thi đối với các quốc gia khác, nhằm chống lại hạm đội tàu mặt nước ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Tương tự như việc quân đội Trung Quốc khiến Mỹ gặp nguy hiểm khi vận hành các tàu sân bay của họ gần bờ biển Trung Quốc, thì các cường quốc nhỏ hơn ở châu Á cũng có thể xây dựng một chiến lược hàng hải tập trung vào ngăn chặn (negation), với trọng tâm là tên lửa chống hạm, tàu ngầm, thủy lôi, và các loại vũ khí khác có khả năng ngăn cản sự di chuyển tự do của hạm đội Trung Quốc.

Sẽ là quá tốn kém và rủi ro nếu ngăn Trung Quốc trở thành cường quốc hàng hải hàng đầu ở châu Á, nhưng với khoản đầu tư thông minh, các nước nhỏ hơn chắc chắn có thể làm suy giảm tiềm năng cưỡng chế của hạm đội tàu Trung Quốc và ngăn Bắc Kinh trở thành cường quốc thống trị. Các tàu sân bay là một dấu hiệu minh chứng sức mạnh của Trung Quốc – nhưng điều đó không có nghĩa là Bắc Kinh có quyền cai trị biển khơi.

Sam Roggeveen là Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế của Viện Lowy ở Sydney. Ông là biên tập viên sáng lập của Interpreter và từng là nhà phân tích cấp cao của cơ quan tình báo hàng đầu Australia, Văn phòng Đánh giá Quốc gia.