Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Trong bài phát biểu bên ngoài dinh thự số 10 Phố Downing, ông Johnson nói tuần tới đảng sẽ công bố lịch trình cho cuộc bầu cử thay thế ông. Ông cũng cho biết sẽ tại vị cho đến khi tìm được lãnh đạo mới, một quá trình có thể kéo dài hàng tháng. Ông Johnson cho biết ông “buồn” khi phải rời bỏ “công việc tốt nhất trên thế giới,” nhưng “vô cùng tự hào” về thành tựu của chính phủ.
Bộ Lao động Mỹ cho biết có 235.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 2 tháng 7, qua đó lập đỉnh cao nhất 6 tháng qua. Dữ liệu này phản ánh tình trạng sa thải nhân viên tăng lên trong bối cảnh kinh tế suy thoái. Nhiều nhà tuyển dụng lớn, bao gồm Coinbase, Netflix và Tesla, đã thông báo cắt giảm lực lượng lao động trong những tuần gần đây.
Ukraine đã thượng cờ trên Đảo Rắn, một điểm chiến lược quan trọng ở Biển Đen, chỉ một tuần sau khi Nga rút quân. Trong khi đó, Ukraine cũng triệu tập đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ để “làm rõ” tại sao Thổ Nhĩ Kỳ lại cho phép một tàu Nga chở ngũ cốc của Ukraine rời cảng. Các quan chức hải quan Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã dừng con tàu theo yêu cầu của Ukraine.
Tòa án Nhân quyền Châu Âu kết luận Hy Lạp có tội vì không điều tra các vụ vi phạm nhân quyền trong quá trình “cản trở” người di cư. Cụ thể, trong vụ Safi và những người khác kiện Hy Lạp, bên nguyên đơn cho rằng một tàu tuần duyên, khi tìm cách đẩy họ quay lại vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ, đã khiến chiếc thuyền di cư bị lật và làm 11 người thiệt mạng. Tòa án phán quyết Hy Lạp vi phạm quyền được sống và luật cấm tra tấn.
Trung Quốc ghi nhận các cụm dịch covid-19 mới ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Tây An, khiến chính quyền phải tiến hành xét nghiệm hàng loạt và ban hành các hạn chế mới. Thượng Hải ghi nhận 54 ca, chỉ một thời gian ngắn sau khi dỡ phong tỏa, trong khi Tây An báo cáo 300 trường hợp. Người dân lo sợ sẽ có thêm phong tỏa khi Bắc Kinh kiên định chiến lược zero covid.
Brittney Griner, một vận động viên bóng rổ người Mỹ, đã nhận tội tại tòa án Nga với tội danh tàng trữ ma túy và đối mặt mức án có thể lên tới 10 năm. Cô Griner đã bị bắt giữ ở Moscow vào tháng 2 với cáo buộc sở hữu hộp vape có chứa dầu cần sa, một loại dầu bất hợp pháp ở Nga. Nga nói vụ bắt giữ Griner không mang động cơ chính trị.
Người đứng đầu hai cơ quan an ninh của Mỹ và Anh phát đi thông điệp cảnh giác về Trung Quốc trong tuyên bố chung đầu tiên của họ. Giám đốc FBI tuyên bố Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động kinh doanh cũng như bầu cử ở nước ngoài, và gọi đây là “mối đe dọa lớn nhất về dài hạn” của Mỹ. Tổng giám đốc MI5 cho biết các hoạt động chống Trung Quốc thâm nhập đã tăng gấp đôi trong ba năm qua, và sẽ còn tiếp tục tăng gấp đôi.
Con số trong ngày: 54.000, là số từ trong dự thảo hiến pháp của Chile.
TIÊU ĐIỂM
Lạm phát giảm ở Nga
Như hầu hết các nước khác, Nga đang trải qua lạm phát khó chịu, với giá tiêu dùng cao hơn khoảng 12% so với đầu năm nay. Nhưng lạm phát tại Nga khác biệt ở hai khía cạnh quan trọng.
Đầu tiên là nguyên nhân. Ở hầu hết các nước, lạm phát phần lớn là hậu quả của giá năng lượng tăng. Riêng Mỹ còn phải đối phó với tác động của kích thích tài khóa quá mức. Nhưng ở Nga, giá cả tăng do đồng rúp sụp đổ hồi tháng 2 và tháng 3 cũng như các lệnh trừng phạt của phương Tây. Cả hai làm chi phí nhập khẩu tăng cao.
Điểm khác biệt thứ hai là, không như ở hầu hết các nước, lạm phát đang chậm lại ở Nga. Nhờ các biện pháp kiểm soát vốn, đồng rúp đã bắt đầu tăng giá, trong khi các biện pháp tăng lãi suất của ngân hàng trung ương giúp giảm nhu cầu. Hơn nữa Nga có rất nhiều dầu rẻ. Tuy kinh tế vẫn khó khăn, đà tăng lạm phát của Nga có lẽ đã kết thúc.
Thị trường lao động Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt
Thị trường lao động Mỹ hiện đang đặc biệt thắt chặt, với gần hai vị trí tuyển dụng trên mỗi lao động thất nghiệp. Hệ quả là tiền lương tăng. Do đó, tuyển dụng yếu đi sẽ giúp kiểm soát lạm phát.
Giới quan sát dự báo Mỹ đã tạo ra 270.000 việc làm mới trong tháng trước. Đây là con số thấp nhất một năm qua, với mức tăng lương cũng giảm nhẹ. Bấy nhiêu là chưa đủ để tuyên bố chiến thắng lạm phát. Nhưng nó cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng: một thị trường việc làm thông thoáng hơn nhưng chưa đến mức suy thoái. Dĩ nhiên mục tiêu này sẽ khó hơn trong những tháng tới khi lãi suất cao đè nặng lên doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Lebanon muốn trục xuất người tị nạn
Có khoảng 1,5 triệu người tị nạn Syria đang ở Lebanon, sau khi phải rời bỏ quê hương vì nội chiến. Nhưng giờ đây chủ nhà muốn tiễn khách về. Tuần này, Bộ trưởng Lebannon phụ trách các vấn đề người di cư, Issam Sharaf el-Din, đã công bố kế hoạch trục xuất 15.000 người Syria mỗi tháng. Ông đặt mục tiêu bắt đầu quá trình trục xuất trong vòng vài tháng tới.
Khoảng 90% người tị nạn Syria ở Lebanon đang ở trong tình trạng nghèo đói cùng cực; với nhiều người sống trong các khu định cư không chính thức. Nhưng bản thân Lebanon cũng gặp nhiều khó khăn: GDP của họ giảm hơn 50% kể từ năm 2018, khiến nhiều người Lebanon đổ lỗi cho người tị nạn, Syria cũng như Palestine, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế. Tháng trước, người đứng đầu Nhà thờ Maronite đã kêu gọi một “giải pháp cuối cùng” cho vấn đề người tị nạn trên đất Lebanon.
Chính phủ Lebanon không quan tâm lập luận của người tị nạn và các nhóm nhân quyền rằng người di cư sẽ bị đặt vào tình thế nguy hiểm. Thật vậy, ông el-Din khẳng định Syria “an toàn.”
Cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter chuẩn bị bị kết án
“Tôi đang có tâm trạng tốt”, Sepp Blatter nói với một tòa án Thụy Sĩ vào tháng trước. So với một người 86 tuổi chuẩn bị đối mặt với 5 năm tù, ông Blatter, cựu Chủ tịch FIFA, cơ quan điều hành bộ môn bóng đá toàn cầu, xuất hiện một cách lanh lợi đáng ngạc nhiên. Ông Blatter bị cáo buộc gian lận, sai phạm quản lý và giả mạo. Michel Platini, cựu lãnh đạo UEFA, liên đoàn phụ trách châu Âu của FIFA, cũng đang bị xét xử, vì bị buộc tội chấp nhận một khoản thanh toán gian lận trị giá 2 triệu đô la do ông Blatter ủy quyền vào năm 2011. Cả hai người đều phủ nhận hành vi sai trái, khẳng định rằng các khoản phí này là một phần của một “Thoả thuận của các quý ông”. Các phán quyết của họ sẽ có hiệu lực vào thứ Sáu.
Tuy nhiên, không có nhiều điều tốt đẹp về FIFA dưới thời ông Blatter. Vào năm 2015, một số giám đốc điều hành cấp cao của tổ chức này đã bị bắt ở Thụy Sĩ với cáo buộc tham nhũng từ hai thập niên trước. Và World Cup năm nay, sẽ được tổ chức tại Qatar vào tháng 11, đã bị vấy bẩn bởi những cáo buộc hối lộ trong quá trình bỏ phiếu. Sau các phán quyết, các nhà điều hành FIFA ít nhất sẽ vui mừng khi có thể tập trung trở lại sân cỏ hơn là phòng xử án.