Thế giới hôm nay: 07/01/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hàng chục người biểu tình và 13 cảnh sát được ghi nhận thiệt mạng trong các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Kazakhstan. Lính dù Nga đã được gọi đến sau khi tổng thống Kazakhstan Kassym-Zhomart Tokayev tuyên bố tình trạng khẩn cấp, một phần của sứ mệnh “gìn giữ hòa bình” giữa sáu nước Liên Xô cũ. Giá nhiên liệu tăng gây ra biểu tình lớn dẫn đến chiến dịch lật đổ cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev, người cầm quyền cùng với ông Tokayev.

Tổng thống Joe Biden đã sử dụng bài phát biểu kỷ niệm một năm bạo loạn Đồi Capitol để công kích những thủ phạm. Dù không trực tiếp nhắc tên người tiền nhiệm, ông Biden cáo buộc Donald Trump đã phát tán một “hệ thống lời dối trá” sau khi thất cử, gây nguy hiểm cho nền dân chủ. Ông Trump phản pháo lại, nói “Lời nói dối lớn là chính cuộc bầu cử”.

Một tòa án Ukraine ra lệnh tịch thu tài sản của Petro Poroshenko, trong bối cảnh cuộc điều tra về tội phản quốccủa cựu tổng thống. Ông Poroshenko bị cáo buộc “tạo điều kiện cho các hoạt động” của phe ly khai do Nga hậu thuẫn, bao gồm việc giúp họ bán lượng than trị giá 54 triệu USD trong nhiệm kỳ tổng thống của ông. Ông phủ nhận mọi hành vi sai trái. Kể từ tháng 4 năm 2014 đã có hơn 13.200 người chết trong cuộc xung đột.

Thâm hụt thương mại của Mỹ đạt 80 tỷ đô la trong tháng 11, sát mức kỷ lục 81 tỷ đô la của tháng 9. Động lực đến từ nhu cầu tăng trong kì nghỉ lễ cho các mặt hàng ô tô, vật tư công nghiệp và hàng tiêu dùng như đồ chơi hay trò chơi. Ngoài ra cũng có dấu hiệu tắc nghẽn chuỗi cung ứng thuyên giảm. Thâm hụt thương mại tăng gần 30% so với tháng 11 năm 2020.

Cơ quan quản lý về quyền riêng tư của Pháp đã phạt Google và Facebook vì quá khó từ chối cookie (các đoạn mã được thiết kế để theo dõi người dùng trên internet). Cơ quan này, CNIL, phạt công cụ tìm kiếm 150 triệu euro (169 triệu đô la), trong khi Facebook bị phạt 60 triệu euro. Các gã khổng lồ công nghệ có ba tháng đóng phạt và phải đơn giản hóa các tùy chọn quyền riêng tư của mình.

Mặc dù triệu chứng nhẹ hơn, nhưng số lượng ca bệnh omicron tăng cao đã gây áp lực lên hệ thống y tế Mỹ. Số người nhập viện tăng 45% trong tuần vừa rồi và đang ở mức cao nhất gần một năm qua. Ở Đức, chính phủ có kế hoạch rút ngắn thời gian tự cách ly nhằm giải toả cho các dịch vụ quan trọng. Trong khi đó Singapore tuyên bố bất kì ai không tiêm nhắc lại sẽ bị coi là chưa tiêm chủng.

Triều Tiên nói vụ thử hôm thứ Tư là tên lửa siêu thanh. Đây là cuộc thử nghiệm đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ tháng 10 và là lần thử nghiệm tổng thể vũ khí siêu thanh thứ hai. Loại vũ khí này có thể trốn tránh hệ thống cảnh giác của kẻ thù lâu hơn bằng cách bay gần mặt đất hơn so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thông thường.

Con số trong ngày: 61, tỷ lệ phần trăm người Anh thích chế độ quân chủ hơn chế độ cộng hòa.

TIÊU ĐIỂM

Toà Tối cao sẽ xem xét lệnh tiêm chủng của Biden

Vào thứ Sáu — trong bối cảnh ca covid 19 tăng nhanh kỷ lục — Tòa án Tối cao Mỹ sẽ xem xét hai chính sách tiêm chủng của chính quyền Biden. Cụ thể các thẩm phán sẽ quyết định xem chính quyền liên bang có lạm quyền khi yêu cầu nhân viên của các doanh nghiệp lớn phải tiêm chủng (hoặc xét nghiệm thường xuyên) hay không; tương tự là quy định yêu cầu nhân viên y tế tại các cơ sở nhận tài trợ Medicare hoặc Medicaid phải tiêm chủng.

Hai lệnh này bị phản đối bởi các nhóm kinh doanh, tổ chức tôn giáo và 27 bang Cộng hòa. Họ cho rằng Quốc hội chưa bao giờ cho phép Cơ quan An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) hoặc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) ra lệnh tiêm chủng. Theo họ nguy cơ của đại dịch không “nghiêm trọng,” và do đó các lệnh là không “cần thiết.” Trong khi đó, chính quyền Biden nói luật rõ ràng trao quyền cho OSHA và HHS thực hiện các quy tắc có thể cứu “hàng ngàn sinh mạng” và ngăn ngừa “hàng trăm ngàn ca nhập viện.” Tòa án có thể sẽ nhanh chóng ra phán quyết — vì hai lệnh bắt buộc phải có hiệu lực từ đầu tuần tới.

Cộng đồng quốc tế bất lực trước tình hình ở Mali

Vào Chủ nhật, các nguyên thủ của Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS) sẽ họp “hội nghị thượng đỉnh bất thường” về Mali. Nhóm đã nỗ lực vận động các nhà lãnh đạo đảo chính tháng 8 năm 2020 đồng ý tổ chức bầu cử sau 18 tháng. Nhưng đến tháng 5 năm 2021, nhà lãnh đạo đảo chính Assimi Goita lại đảo chính một lần nữa, bắt giữ các nhân vật dân sự do ông cài đặt và tự xưng làm tổng thống. Tháng 2 này là thời hạn 18 tháng, và dĩ nhiên không có bầu cử. Thay vào đó, sau khi “tham vấn quốc gia,” chính quyền quân sự đề xuất nắm quyền thêm 5 năm nữa.

Pháp và các nước phương Tây khác, vốn có hàng nghìn quân ở Mali để chống thánh chiến, đều không vui vẻ gì với tình hình này. Đặc biệt khi chính quyền quân sự đưa lính đánh thuê Nga đến hỗ trợ. ECOWAS đã áp đặt biện pháp trừng phạt lên khoảng 150 người có liên quan đến đảo chính cùng gia đình của họ. Nhiều khả năng sẽ có thêm trừng phạt. Chỉ chưa rõ chúng có giúp ích hay không.

Thị trường lao động Mỹ nóng lên

Các dự báo đang cho thấy có khoảng 400.000 người mới tìm được việc ở Mỹ trong tháng 12, trước khi dữ liệu được công bố vào thứ Sáu. Lại một bằng chứng nữa cho thấy thị trường lao động phục hồi ngoạn mục từ đáy của đại dịch.

Biến thể omicron nhiều khả năng sẽ tạo thêm áp lực lên thị trường. Mọi người sẽ không mất việc, nhưng một số người ngại tham gia thị trường lao động. Đó là một vấn đề đau đầu cho các doanh nghiệp mong muốn tuyển dụng đầy đủ. Nó cũng đặt ra một câu hỏi hóc búa cho Cục Dự trữ Liên bang, vốn đã tuyên bố sẽ không tăng lãi suất trước khi nền kinh tế trở lại “việc làm tối đa.” Song cho dù có hàng triệu người chọn ở nhà, tỷ lệ thất nghiệp vẫn sẽ giảm xuống dưới 4% trong năm 2022, qua đó thúc đẩy Fed hành động ngay tháng 3 này.

Các hãng xe hơi đổ đến CES

Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa sản xuất ô tô và công nghệ sẽ được thể hiện rất rõ tại CES, sự kiện công nghệ xa hoa đang diễn ra ở Las Vegas cho đến thứ Bảy. Bên cạnh TV màn hình khổng lồ, máy theo dõi sức khỏe cho mèo và trang phục chơi game kích thích cơ bắp bằng điện cực, các nhà sản xuất ô tô cũng tham gia. (Nhiều hãng đã tham dự trực tuyến vì covid-19.)

General Motors dùng sự kiện này để ra mắt chiếc bán tải Silverado chạy điện mới của họ, trong khi Mercedes-Benz công bố mẫu xe điện đang phát triển có thể đi được 1.000 km mang tên Vision EQXX. Trong khi đó, dường như ngó lơ trào lưu xe điện, BMW trình làng một chiếc xe có thể thay đổi màu sắc chỉ bằng một nút bấm. Ngoài ra các thoả thuận cũng được kí kết giữa các nhà sản xuất ô tô và công ty chip như Mobileye của Intel và Qualcomm. Các thương vụ này sẽ cải thiện lái xe có hỗ trợ và đẩy nhanh phát triển ô tô tự hành.