Thế giới hôm nay: 01/07/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Cơ quan quản lý tài chính độc lập Mỹ FINRA đã ra hình phạt tổng cộng 70 triệu đô la – lớn nhất từ ​​trước đến nay – cho Robinhood, một ứng dụng giao dịch cổ phiếu. Họ cho biết ứng dụng này gây tác hại “trên diện rộng và đáng kể” cho người dùng khi cung cấp thông tin sai lệch và không duy trì dịch vụ ổn định trong thời điểm thị trường biến động cao. Robinhood cho biết sẽ giải quyết các lo ngại của FINRA.

EU kéo dài ân hạn xuất khẩu thịt ướp lạnh từ Anh sang Bắc Ireland cho đến cuối tháng 9 – qua đó tạm thời giải quyết một tranh chấp thương mại có tên “cuộc chiến xúc xích”. Theo thỏa thuận Brexit, Bắc Ireland vẫn bị ràng buộc bởi các tiêu chuẩn thực phẩm của EU, khiến cho một số mặt hàng xuất khẩu qua Biển Ireland bị cấm. Chính phủ Anh muốn đàm phán lại.

Hai cựu quan chức Serbia đã bị tòa án Liên Hợp Quốc kết án vì dính líu đến các tội ác của quân đội Serbia vào năm 1992. Jovica Stanisic và Franko Simatovic bị kết án 12 năm tù với tội tiếp tay giết người, trục xuất và ngược đãi ở Bosnia và Herzegovina. Các phán quyết này là bản truy tố cuối cùng của Liên Hợp Quốc đối với những tội ác trong thời kỳ Nam Tư tan rã.

Bill Cosby được ra tù ngay sau khi tòa án cao nhất Pennsylvania lật lại bản án tấn công tình dục hồi năm 2018 của ông. Nam diễn viên hài đã chấp hành được hai năm của bản án từ ba đến mười năm. Tòa cho biết lẽ ra ông không phải đối mặt cáo buộc vì đã đạt một thỏa thuận không truy tố hơn 15 năm trước. Vụ Cosby là phiên tòa xét xử tội phạm tấn công tình dục nổi bật đầu tiên của kỷ nguyên #MeToo.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã sa thải một quan chức bộ y tế bị cáo buộc yêu cầu hối lộ khi đàm phán đơn đặt hàng vắc-xin covid-19 từ một công ty cung cấp y tế. Hôm thứ Ba, chính phủ đã đình chỉ một hợp đồng khác trị giá 1,6 tỷ reais (321 triệu đô la) với công ty Ấn Độ Bharat Biotech xoay quanh các cáo buộc bất thường. Cả Bharat và chính phủ đều phủ nhận hành vi sai trái. Đến nay hơn 500.000 người Brazil đã chết vì coronavirus.

Chính phủ Ethiopia cho biết quân đội có thể quay lại Mekelle, thủ phủ vùng Tigray, trong vòng vài tuần – theo đó vi phạm lệnh ngừng bắn do chính họ đơn phương tuyên bố trong tuần này. Hôm thứ Hai, Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, tổ chức lãnh đạo vùng này, đã buộc quân đội chính phủ phải rút lui. Tám tháng giao tranh ở Tigray tới nay đã khiến hàng nghìn người chết, hàng triệu người phải di dời và 350.000 người gần như chết đói.

Các nhà lập pháp Minnesota đã thông qua một loạt các cải cách cảnh sát, bao gồm các giới hạn về khám nhà không thông báo và việc sử dụng nhân chứng, dù các đảng viên Dân chủ yêu cầu có biện pháp triệt để hơn. Các cải cách này được thông qua sau nhiều tháng tranh cãi trong cơ quan lập pháp bang, và chỉ chưa đầy một tuần sau khi cựu cảnh sát Derek Chauvin bị tuyên án vì tội sát hại người đàn ông da đen không vũ trang George Floyd hồi năm ngoái.

TIÊU ĐIỂM

Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập

Chỉ một thập niên trước, khó có thể nhìn thấy bàn tay kìm kẹp của Đảng Cộng sản đối với Trung Quốc. Các nhà đầu tư nước ngoài và khách VIP thường gặp các bộ trưởng chính phủ, thị trưởng thành phố và hiệu trưởng các trường đại học, chứ không phải bí thư đảng ủy, người thực sự đứng đầu. Nhưng giờ đây dưới thời Tập Cận Bình, chủ tịch nước kiêm tổng bí thư, ĐCSTQ đang hiển hiện hơn bao giờ hết và không hề e ngại về quyền lực tuyệt đối của mình.

Hôm nay sẽ có một buổi lễ ở Bắc Kinh để kỷ niệm 100 năm ngày thành lập đảng, với ông Tập phát biểu trước đám đông ở Quảng trường Thiên An Môn. Bốn thập niên tiến bộ kinh tế, quân sự và công nghệ đã khiến các quan chức Trung Quốc quả quyết rằng mô hình kỹ trị của họ cũng chính danh như bất kỳ nền dân chủ nào khác, và chắc chắn là hơn cả hệ thống kém cỏi của Mỹ. Ông Tập là “Nhà lãnh đạo của Nhân dân” chỉ làm điều gì tốt nhất cho đa số, theo lời các cơ quan tuyên truyền. Song người thiểu số, chẳng hạn như người Hồi giáo ở Tân Cương hay phe dân chủ ở Hồng Kông, có thể không đồng ý. Tất nhiên họ không được mời đến dự buổi lễ.

OPEC+ họp trong bối cảnh giá dầu lên cao

Kể từ tháng 4 năm 2020, giá dầu thô Brent đã tăng từ 20 USD/thùng lên hơn 70 USD, cao nhất trong ba năm qua. Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch, giới năng lượng đang kháo nhau xem khi nào giá sẽ vượt 100 đô la. Điều này còn phải xem liệu các bộ trưởng OPEC+ có quyết định tăng sản lượng hơn nữa hay không khi họ họp hôm nay.

Triển vọng 100 đô la có thể không quá sáng sủa. Nếu OPEC+ giữ nguyên các kế hoạch hiện có, sản lượng sẽ cao hơn 841.000 thùng/ngày trong tháng này. Và một thỏa thuận nới lỏng biện pháp trừng phạt đối với dầu Iran có thể còn làm tăng nguồn cung hơn nữa. Tuy vậy nếu covid-19 tăng đột biến trên toàn cầu thì nhu cầu có thể giảm.

Khá kỳ lạ nhưng giá cao sẽ không quá tốt cho OPEC+. Bởi vì khi ấy các nhà đầu tư sẽ bơm tiền vào sản xuất mới ở những nơi ngoài tổ chức, từ đó khiến giá giảm. Thị trường dầu mỏ nên cẩn thận với điều mà họ muốn.

Chính quyền Mỹ không muốn tập trung vào các thỏa thuận thương mại

Hiến pháp Mỹ khá cụ thể trong việc phân chia quyền lực. Trong khi tổng thống có thể đàm phán các thỏa thuận thương mại, chỉ Quốc hội mới có thể thay đổi thuế quan. Để tránh giẫm lên chân nhau, hai cơ quan đã đặt ra một sắp xếp hữu ích. Với một thứ gọi là Thẩm quyền Xúc tiến Thương mại (TPA), Quốc hội sẽ đặt ra những điều khoản mà các nhà đàm phán phải đạt được từ các đối tác thương mại. Đổi lại, họ đồng ý tiến hành bỏ phiếu thuận hay chống đơn giản về kết quả của những cuộc đàm phán đó.

Nhưng TPA có giới hạn thời gian. Vòng thương lượng cuối là hồi năm 2015, và sẽ hết hạn hôm nay, với dường như không có bất kỳ kế hoạch nào để gia hạn nó. Điều này phù hợp với thông điệp chung của chính quyền Biden: các thỏa thuận thương mại mới không phải là ưu tiên của họ. Các cuộc đàm phán hiện tại, chẳng hạn như với Anh, thì “đang được xem xét”, khiến cho các quan chức Anh rất khó chịu, đặc biệt sau khi họ đã dành nhiều tháng đàm phán với chính quyền Trump. Người Mỹ dường như quan tâm hơn đến việc thực thi các thỏa thuận hiện có và chắt chiu vốn liếng chính trị của họ cho những cuộc chiến khác.

Cuba đối mặt khủng hoảng lương thực

Cuba đang đối mặt tình trạng thiếu lương thực tồi tệ nhất kể từ những năm 1990. Ở một nước nhập khẩu tới khoảng 70% thực phẩm, việc tìm kiếm nguyên liệu trước đây đã khó khăn, và giờ đây thì gần như không thể. Chính phủ, vốn buộc nông dân bán sản phẩm thu hoạch của họ với giá không cạnh tranh, đang rất thiếu tiền mặt. Đại dịch đã gây thiệt hại nặng cho ngành du lịch, thường chiếm 10% GDP, và khiến người Cuba khó làm ăn hơn. Giá lương thực toàn cầu tăng 40% cũng không giúp được gì. Hiện các tiệm bánh mì quốc doanh đang thay thế các loại bột mì nhập khẩu bằng những loại tự trồng trong nước, khiến người tiêu dùng thất vọng.

Chính phủ đã công bố các biện pháp tăng sản lượng nông nghiệp trong nước, song nếu không tự do hóa kinh tế thì sẽ chẳng cải thiện được nhiều. Cho đến nay, các cải cách vẫn còn chậm chạp. Ví dụ, nông dân đã có thể giết mổ bò để bán hoặc tiêu dùng cá nhân, điều trước đây là bất hợp pháp. Nhưng theo một nông dân ở thị trấn ven biển Bahía Honda, quy trình xin phép quan liêu là đủ để “khiến anh ta chán món [thịt bò]”.