Thế giới hôm nay: 03/08/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng 

Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, đã hạ cánh xuống Đài Loan. Pelosi là chính trị gia Mỹ cấp cao nhất đến thăm hòn đảo tự trị trong 25 năm qua. Chuyến thăm nhấn mạnh “cam kết kiên định của Mỹ trong việc hỗ trợ nền dân chủ mạnh mẽ của Đài Loan,” Pelosi chia sẻ trên Twitter. Bà dự kiến sẽ gặp Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào thứ Tư. Trước đó, Nhà Trắng đã cảnh báo Trung Quốc về những lời đe dọa tấn công. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin máy bay tác chiến đã bay qua Eo biển Đài Loan. Chuyến thăm của Pelosi sẽ làm gia tăng căng thẳng quan hệ của Mỹ với Trung Quốc, quốc gia tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ có chủ quyền của họ.

Tổng thống Joe Biden xác nhận rằng Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh của al-Qaeda, đã bị giết chết ở Afghanistan trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ vào cuối tuần qua. Zawahiri là kẻ đứng thứ hai trong âm mưu tấn công khủng bố ngày 11/09 và đã lên nắm quyền sau khi Osama bin Laden bị giết vào năm 2011. Y vừa trở về Kabul, thủ đô của Afghanistan, sau khi Taliban lên tiếp quản vào năm ngoái. Biden nói rằng “công lý đã được thực thi” và cảnh báo rằng Mỹ sẽ không cho phép Afghanistan trở thành “nơi trú ẩn an toàn của bọn khủng bố” một lần nữa.

Bộ Tư pháp Mỹ đã nộp đơn kiện tiểu bang Idaho, cáo buộc rằng lệnh cấm phá thai gần như hoàn toàn của bang này sẽ ‘hình sự hóa’ dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp được bảo vệ theo luật liên bang. Trong một số trường hợp, ‘hành động “phá thai” theo mô tả của tiểu bang thực chất là hành động cần thiết mà các bệnh viện bắt buộc phải cung cấp’ để ngăn ngừa những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng cho người mẹ, chính quyền Biden lập luận trong đơn khiếu nại của mình. Đạo luật của Idaho có hiệu lực vào ngày 25/08.

Chính phủ Yemen và phiến quân Houthi đang kiểm soát miền bắc đất nước đã đồng ý kéo dài thời hạn của hiệp định đình chiến có hiệu lực 4 tháng qua cho đến ngày 02/10. Các trung gian hòa bình quốc tế vẫn đang làm việc để hướng tới một thỏa thuận mở rộng, nhưng trước tiên, họ chấp nhận gia hạn ngừng bắn hai tháng trong bối cảnh hai bên tham chiến vẫn thường xuyên nghi ngờ nhau. Xung đột đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di tản, nhưng trong 4 tháng qua, Yemen đã chứng kiến khoảng thời gian yên bình dài nhất trong suốt 7 năm.

Uber đã ghi nhận dòng tiền dương hàng quý đầu tiên của mình khi dịch vụ gọi xe này chứng kiến sự gia tăng các chuyến đi sau đại dịch. Công ty đã công bố dòng tiền tự do – được định nghĩa là doanh thu từ các hoạt động kinh doanh trừ đi chi phí đầu tư – là 382 triệu đô la trong ba tháng tính đến tháng sáu, cao hơn nhiều so với dự đoán của các nhà phân tích. Bất chấp tin tốt này, Uber vẫn lỗ ròng hàng quý 2,6 tỷ USD, một phần do các khoản đầu tư hoạt động kém hiệu quả.

Bộ trưởng Cơ sở Hạ tầng Ukraine cho biết sẽ mất vài tháng trước khi xuất khẩu ngũ cốc từ Odessa và các cảng lân cận quay trở lại mức trước chiến tranh, dù người Nga đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa. Hôm thứ Hai, một con tàu chở ngũ cốc đã rời Odessa lần đầu tiên kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào tháng 02. Nhưng Oleksander Kubrakov nói rằng ông dự kiến chỉ có năm tàu sẽ khởi hành trong hai tuần tới.

Nhập khẩu dầu diesel của châu Âu từ Nga đã tăng hơn 1/5 trong tháng 7, cho thấy thách thức mà châu lục này phải đối mặt trong việc cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Nhập khẩu từ nước này đạt gần 700.000 thùng/ngày, tăng 22% so với tháng 7 năm ngoái. EU đã cam kết ngừng nhập khẩu dầu diesel của Nga vào tháng 02/2023.

TIÊU ĐIỂM

Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken

Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, Antony Blinken, đến Campuchia hôm thứ Tư để tham dự hội nghị thượng đỉnh do Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á tổ chức. Các sự kiện của ASEAN thường chỉ mang tính hình thức hơn là thực chất, nhưng sự hiện diện của Blinken là minh chứng cho cuộc tranh giành ảnh hưởng ngày càng tăng ở những khu vực này giữa Mỹ, Trung Quốc, và thậm chí cả Nga. Những người đồng cấp Trung Quốc và Nga của ông cũng sẽ tham dự hội nghị.

Trong khi ở Phnom Penh, Blinken cũng sẽ gặp Hun Sen, nhà độc tài lâu năm của Campuchia, trước khi bay đến Manila để gặp Ferdinand “Bongbong” Marcos, Tổng thống mới của Philippines. Tuy nhiên, chuyến đi của ông có nguy cơ bị lu mờ bởi chuyến đi đến Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi. Pelosi được cho là sẽ gặp Tổng thống Thái Anh Văn vào thứ Tư. Tức giận trước chuyến thăm của Pelosi, Trung Quốc đã gửi máy bay tác chiến đến gần ranh giới quân sự không chính thức ở Eo biển Đài Loan vào hôm thứ Ba. Nhà Trắng đã cảnh báo Trung Quốc về các hành động đe dọa này.

Các nền kinh tế châu Âu chịu áp lực nặng nề

Bằng chứng về tác động của lạm phát tăng và suy giảm niềm tin vào các nền kinh tế châu Âu – cả hai vấn đề vốn trở nên trầm trọng hơn bởi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine – tiếp tục xuất hiện. Sẽ có nhiều bằng chứng hơn vào thứ Tư, khi các nhà thống kê của Liên minh châu Âu công bố dữ liệu bán lẻ trong tháng 6. Hôm thứ Hai, Đức báo cáo rằng doanh số bán hàng tại nền kinh tế lớn nhất EU đã giảm 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm hàng năm mạnh nhất trong ít nhất 28 năm. Về giá trị danh nghĩa, doanh số bán hàng giảm chỉ 0,5% tính theo tháng tháng và 0,8% tính theo năm, minh chứng cho tác động của lạm phát.

Các nhà sản xuất đang vật lộn vì cầu đang chậm lại. S&P Global, một công ty nghiên cứu, ghi nhận hoạt động sản xuất ở Đức, Pháp, Ý, và Tây Ban Nha đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 vào tháng 7 – cho thấy sự sa sút kinh tế – mức thấp nhất ở cả bốn quốc gia trong hơn hai năm. Đây là điểm nghẽn tăng trưởng. Nền kinh tế châu Âu vẫn tăng trưởng nhẹ trong quý II: GDP của khu vực đồng euro tăng 0,7%. Nhưng GDP của Đức không hề tăng, và những dấu hiệu ban đầu của quý thứ ba rất đáng ngại.

Một đám tang gây chia rẽ cho Abe

Vào thứ Tư, Quốc hội Nhật Bản sẽ tổ chức một phiên họp bất thường. Các nhà lập pháp sẽ nhóm họp để thảo luận về nhiều vấn đề, trong đó có kế hoạch tổ chức lễ tang cấp nhà nước cho Abe Shinzo, cựu Thủ tướng, người bị ám sát vào tháng trước. Ông sẽ là Thủ tướng thứ hai được tổ chức tang lễ cấp nhà nước ở Nhật Bản thời hậu chiến (người đầu tiên là Yoshida Shigeru, năm 1967).

Lúc còn đương nhiệm, Abe là một nhân vật gây chia rẽ. Cách tiếp cận theo chủ nghĩa xét lại của ông đối với lịch sử, bao gồm cả việc hạ thấp các hành động tàn bạo của Nhật Bản trong Thế chiến II, đặc biệt gây tranh cãi. Và ngay cả khi đã qua đời, ông vẫn là một nhân vật gây phân cực: một cuộc thăm dò của đài truyền hình nhà nước NHK cho thấy chỉ có khoảng một nửa số người Nhật ủng hộ việc dùng tiền thuế để tưởng niệm ông.

Kishida Fumio, người kế nhiệm Abe, cũng là một người theo chủ nghĩa dân tộc, nhưng ít gây tranh cãi hơn. Ông có thể đang ở vị trí tốt hơn Abe trong việc theo đuổi các chính sách của đảng, chẳng hạn như tăng chi tiêu quốc phòng và sửa đổi hiến pháp vốn theo chủ nghĩa hòa bình. Tuy nhiên, việc ép buộc dân chúng Nhật miễn cưỡng chịu tang có thể khiến tình thế trở nên khó khăn hơn.

Biểu tình khiến căng thẳng chính trị gia tăng tại Iraq

Mọi người dường như đều đang muốn can dự. Kể từ ngày 30/07, trụ sở Quốc hội Iraq đã bị chiếm đóng bởi những người ủng hộ Muqtada al-Sadr, một giáo sĩ và chính trị gia người Shia. Họ thề sẽ ở lại cho đến khi có những thay đổi trong hệ thống chính trị, chẳng hạn như chuyển Iraq từ chế độ nghị viện sang chế độ tổng thống. Trong khi đó, các đối thủ của Sadr đã bắt đầu tổ chức biểu tình phản đối. Tuần này có thể sẽ xảy ra các cuộc biểu tình lớn trên đường phố Baghdad. Lực lượng an ninh cho đến nay vẫn tách riêng các nhóm với nhau. Nhưng hai trong số các phe phái mạnh nhất của Iraq đang hướng đến xung đột.

Vấn đề là ai sẽ điều hành đất nước – và cướp bóc nó. Đảng của Sadr đã giành được số ghế lớn nhất trong cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 10. Nhưng ông không thể tập hợp đủ sự ủng hộ để thành lập một chính phủ liên minh, loại trừ các đối thủ Shia của mình. Ông yêu cầu các nghị sĩ của mình từ chức, và các đối thủ của ông hiện đã đề cử một ứng viên cho chức thủ tướng. Cả hai phe đều muốn kiểm soát ngân sách 89 tỷ đô la của Iraq để chuyển tiền cho các mạng lưới bảo trợ và lực lượng dân quân của họ. Những gì Sadr không thể đạt được thông qua chính trị, ông hy vọng sẽ đạt được bằng vũ lực.