Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Quân đội Nga tiếp tục nã đạn vào các thị trấn xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhia ở miền đông nam Ukraine. Nhà máy này bị quân đội Nga đánh chiếm từ tháng 3 nhưng vẫn do nhân viên Ukraine điều hành và, theo Nga, đang bị Ukraine nã pháo vào. Giao tranh tại đây đã làm gia tăng lo ngại có rò rỉ phóng xạ từ nhà máy. Cư dân quanh Zaporizhia đang được hướng dẫn cách tự điều trị bằng i-ốt để phòng nhiễm phóng xạ.
Bốn hiệp hội thẩm phán châu Âu đã phản đối quyết định của Hội đồng châu Âu về việc cho phép Ba Lan tiếp cận 23,9 tỷ euro (23,8 tỷ USD) trợ cấp và 11,5 tỷ euro cho vay. Khoản tiền này bị tạm thời phong tỏa xoay quanh các tranh cãi về tính độc lập tư pháp của Ba Lan, mà Ủy ban châu Âu cho rằng đang bị làm cho suy yếu. Các thẩm phán nói kế hoạch cải cách của Ba Lan “thiếu những gì cần thiết” để bảo vệ độc lập tư pháp.
Hải quân Mỹ cho biết hai tàu chiến Mỹ đang đi qua eo biển Đài Loan, lần đầu tiên kể từ khi chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan hồi đầu tháng. Lực lượng này nói họ đang thể hiện “cam kết của Mỹ đối với một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do”. Trung Quốc – nước đã tập trận quân sự lớn quanh Đài Loan để phản đối chuyến đi của bà Pelosi – tuyên bố đang giám sát các tàu này và duy trì tình trạng báo động cao.
Liz Truss, người đang dẫn đầu cuộc đua lãnh đạo Đảng Bảo thủ và thủ tướng Anh, được cho là đã “loại trừ” khả năng tung hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình đang đối mặt với giá năng lượng cao. Ngược lại, đối thủ Rishi Sunak của bà tuyên bố chính phủ “phải hỗ trợ trực tiếp.” Còn Boris Johnson, nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm, nhấn mạnh rằng cho dù ai chiến thắng trong ngày 5 tháng 9, “chính phủ cũng sẽ công bố một gói hỗ trợ tài chính khổng lồ.”
Lee Jae-myung, ứng viên về thứ nhì trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc hồi đầu năm, đã được bầu làm lãnh đạo của đảng đối lập chính. Ông Lee thắng 78% số phiếu của các đảng viên đảng Dân chủ. Trong bài phát biểu chiến thắng, ông đã chỉ trích chính quyền của tân tổng thống Yoon Suk-yeol.
Angola tổ chức tang lễ cho nhà độc tài quá cố, José Eduardo dos Santos, chỉ vài ngày sau cuộc bầu cử bị tranh chấp quyết liệt. Trong cuộc tổng tuyển cử ngày 24 tháng 8, đảng cầm quyền của ông dos Santos đã thắng đa số sít sao. Nhưng thủ lĩnh phe đối lập Adalaberto Costa Júnior bác bỏ kết quả. Lễ tang cấp nhà nước tạo cơ hội cho chính phủ kiềm chế các cuộc biểu tình phản đối.
Giới chức Pakistan hôm Chủ nhật cho biết số người chết vì lũ lụt do mưa lớn kể từ giữa tháng 6 đã lên đến hơn 1.000 người. Trong lời kêu gọi giúp đỡ của quốc tế hôm thứ Sáu, thủ tướng Shehbaz Sharif nói có tới 33 triệu trong số 230 triệu dân của Pakistan bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
Con số trong ngày: 145.000, là số từ trong hiến pháp của Ấn Độ, dài nhất trên thế giới.
TIÊU ĐIỂM
Sàn chứng khoán chính của Nga ngừng cho phép thế chấp bằng đô la
Trong bối cảnh bị cấm vận kinh tế, Nga đang nỗ lực tách nền kinh tế khỏi phương Tây. Động thái mới nhất đến vào thứ Hai, khi Sàn Giao dịch Chứng khoán Moscow sẽ không còn chấp nhận đô la Mỹ làm tài sản thế chấp cho các giao dịch bảo lãnh phát hành. Đây là một phần của chiến lược dài hạn nhằm giảm phụ thuộc vào hệ thống tài chính Mỹ. Trước đó, trong nhiều năm trước khi có chiến sự ở Ukraine, ngân hàng trung ương Nga đã giảm số ngoại hối bằng đô la của mình. Nước này cũng xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán song song không dựa vào thẻ Visa và MasterCard.
Câu hỏi đặt ra là liệu tách khỏi phương Tây có phải là một chiến lược kinh tế tốt hay không. Cho đến nay kinh tế Nga vẫn tồn tại tốt hơn so với dự đoán của nhiều người. Họ đã xuất nhiều dầu hơn cho Ấn Độ và Trung Quốc, và mua nhiều hàng hơn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng theo thời gian, việc tách khỏi công nghệ và ý tưởng của phương Tây – cũng như tiền – là một quá trình đầy đau đớn.
Cuộc chiến không hồi kết ở Syria
Suốt hơn một thập niên qua, thế giới đã mặc định coi Syria như một chiến trường thường nhật. Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ xé toang nước này thành nhiều vùng ảnh hưởng, đồng thời đẩy người Syria – và chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad – vào tình trạng bị cấm vận nặng nề. Vào thứ Hai, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng Syria.
Vận mệnh của nước này phụ thuộc nhiều vào tình hình thế giới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan dường như muốn hòa giải với ông Assad và đưa người tị nạn Syria hồi hương trước khi ông bước vào cuộc bầu cử trong năm sau. Trong khi đó, Nga đã chuyển một số lực lượng của mình sang Ukraine. Còn Mỹ và Iran một lần nữa lại nói về thỏa thuận hạt nhân, dù các lực lượng do Mỹ và Iran hậu thuẫn vẫn đang giao tranh ở Syria. LHQ trông như người ngoài cuộc. Tuy nhiên, Hội đồng Bảo an là một diễn đàn quan trọng cho các cường quốc khu vực và toàn cầu thúc đẩy lợi ích của họ, trong khi vẫn có thể tuyên bố giúp đỡ người dân Syria.
NASA phóng phi thuyền lên Mặt trăng
Vào thứ Hai, hoặc ngay sau đó, NASA sẽ tiến gần hơn đến việc đưa con người trở lại bề mặt Mặt trăng khi họ đưa Space Launch System (SLS) lên quỹ đạo. SLS sẽ đưa một khoang phi thuyền mang ba hình nộm có dây cảm biến bức xạ đến vùng lân cận của Mặt trăng. Đây là chiến dịch mở đường để đưa con người quay lại quỹ đạo Mặt trăng vào năm 2024 — và hạ cánh lên bề mặt trong năm 2025.
Nhưng vụ phóng rất tốn tiền. SLS, vốn đã tiêu tốn của người Mỹ khoảng 23 tỷ đô la trong mười năm qua, có thể sẽ sớm bị các mô hình tư nhân vượt mặt. Được biết, sứ mệnh này được tách ra từ chương trình Chòm sao của NASA, vốn đã bị hủy bỏ vào năm 2010 vì chi phí quá cao. Khi ấy các hợp đồng của chương trình đã được chuyển giao cho các công ty hàng không vũ trụ tư nhân. Vì vậy, theo cái mà Lori Garver, một cựu quan chức NASA, gọi là “động lực không ngừng của hiện trạng,” chương trình SLS đã được Quốc hội phê chuẩn nhằm đảm bảo các hợp đồng của Chòm sao được tiếp tục hoạt động.