Thế giới hôm nay: 05/05/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Cục Dự trữ Liên bang đã tăng lãi suất chuẩn lên nửa điểm phần trăm, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2000, nhằm kiềm chế lạm phát. Fed cũng công bố kế hoạch thu nhỏ bảng cân đối 9 nghìn tỷ đô la từ tháng 6. Họ sẽ chấp nhận 95 tỷ đô la trái phiếu đáo hạn mỗi tháng thay vì phát hành trái phiếu mới.

Chính phủ Nga nói các biện pháp trừng phạt mới của EU, bao gồm lệnh cấm nhập dầu, sẽ gây tổn hại cho người dân châu Âu. Nếu được thông qua, các biện pháp trừng phạt mới cũng sẽ nhắm vào các ngân hàng và “những tổ chức tuyên truyền thông tin sai lệch.” Ngoài ra, EU cam kết viện trợ quân sự cho Moldova và ủng hộ việc nước này nộp đơn gia nhập. Căng thẳng đang gia tăng tại Moldova sau một loạt vụ nổ tại khu vực ly khai thân Nga.

Belarus khởi động các cuộc tập trận quân sự “sẵn sàng thực chiến” vào thứ Tư; họ khẳng định tập trận không gây ra mối đe dọa nào cho Ukraine hay EU. Trong khi đó, Nga tiếp tục pháo kích vào nhà máy thép Azovstal ở Mariupol. Liên hợp quốc và Hội Chữ Thập đỏ đang giúp sơ tán người dân ra khỏi thành phố này. Còn ở những nơi khác, Nga dồn hỏa lực vào các trạm điện và đường sắt nhằm làm gián đoạn nguồn cung cấp vũ khí qua biên giới phía tây của Ukraine.

Bốn đảng cánh tả của Pháp đã đồng ý về nguyên tắc để chỉ đưa ra một ứng viên cho mỗi khu vực bầu cử trong cuộc bầu cử tháng Sáu. Mục tiêu chung của họ là tước lấy thế đa số trong quốc hội của tổng thống Emmanuel Macron. Các bên tham gia gồm Đảng Xã hội, đảng La France Insoumise cực tả của Jean-Luc Mélenchon, đảng Xanh, và đảng Cộng sản.

Nhà chức trách Bắc Kinh đã đóng cửa hơn 40 ga tàu điện ngầm và 158 tuyến xe buýt nhằm ngăn covid-19 lây lan. Thủ đô của Trung Quốc đang làm mọi cách để không phải phong tỏa như Thượng Hải, nơi hàng triệu cư dân đã bị bắt buộc ở nhà trong hơn một tháng qua. Chiến lược của Bắc Kinh là xét nghiệm hàng loạt và phong tỏa tạm thời.

Thâm hụt thương mại của Mỹ đạt mức cao kỷ lục 109,8 tỷ đô la trong tháng 3, tăng 20 tỷ đô la so với tháng trước đó, do nhập khẩu tăng đột biến khi tình trạng tắc nghẽn cảng được giải tỏa. Xuất khẩu tăng 5,6% so với tháng 2, còn nhập khẩu tăng 10,3%. Trong vài tháng tới nhập khẩu có thể sẽ giảm do phong tỏa ở Trung Quốc.

Nhà đầu tư mạo hiểm J.D. Vance đã thắng vòng sơ bộ để trở thành ứng viên Thượng viện của đảng Cộng hòa tại bang Ohio, sau khi được Donald Trump lên tiếng ủng hộ – mặc dù từng lên án cuộc tranh cử năm 2016 của ông. Ông Vance là tác giả của cuốn hồi ký lọt vào danh sách ‘best-seller,’ “Hillbilly Elegy”, trong đó mô tả cuộc sống của những người Mỹ da trắng nghèo ở nông thôn. Chiến dịch trị giá 66 triệu đô la của ông, trong đó Peter Thiel, doanh nhân tỷ phú và đồng minh của Trump, quyên góp tới 10 triệu đô la, là chiến dịch bầu cử sơ bộ tốn kém nhất trong lịch sử Ohio.

Con số trong ngày: 5%, là thị phần giao dịch thẻ toàn cầu của Apple Pay.

TIÊU ĐIỂM

Liệu Bắc Kinh có tránh được số phận như Thượng Hải?

Với số ca nhiễm covid-19 tăng nhanh, giới chức Bắc Kinh đang làm mọi cách để ngăn dịch. Kỳ nghỉ lễ kéo dài 3 ngày vừa rồi đã diễn ra im ắng khi cửa hàng, nhà hàng và phương tiện giao thông công cộng đồng loạt phải đóng cửa. Hiện người dân đang được xét nghiệm hàng loạt, trong khi một số bị cách ly tại nhà. Trong ngày thứ Tư, thành phố ghi nhận 51 ca nhiễm mới.

Việc có nhiều người cao tuổi chưa được tiêm phòng là nguyên nhân khiến chính quyền thủ đô lo ngại. Tuy vậy chính sách zero-covid cũng gây ra nhiều thiệt hại. Người nước ngoài và dân địa phương đang tính đến việc rời đi, khi nhiều người bất mãn trước chi phí kinh tế- xã hội khổng lồ của các quy định.

Phong tỏa trung tâm quyền lực của Đảng Cộng sản sẽ là một điều không thể chấp nhận được. Do đó, chính quyền quyết tâm không để thủ đô bị phong tỏa như Thượng Hải. Thay vào đó, họ hy vọng dùng Bắc Kinh để chứng minh chính sách chống dịch thực sự có hiệu quả, và Thượng Hải chỉ là một ngoại lệ. Lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình dường như tin rằng khoa học, sự kiên trì và tinh thần của đảng là đủ để ngăn chặn virus. Nhưng omicron là một kẻ thù đáng gờm.

Cuộc bầu cử quan trọng của Bắc Ireland

Bắc Ireland có thể đang đứng trước một thời khắc lịch sử. Vào thứ Năm, các cử tri sẽ quyết định thành phần 90 ghế của nghị viện ở Belfast. Thăm dò dư luận liên tục cho thấy đảng Sinn Fein, bên muốn thống nhất Bắc Ireland với Cộng hòa Ireland, sẽ giành chiến thắng. Nếu vậy, đây sẽ là chiến thắng đầu tiên của một đảng theo chủ nghĩa dân tộc trong lịch sử 101 năm của Bắc Ireland.

Sinn Fein đã nói họ sẽ không vội vàng tiến hành trưng cầu dân ý về thống nhất Ireland. Theo Thỏa thuận Thứ Sáu Tuần Thánh, được ký vào năm 1998, thủ hiến và phó thủ hiến có vị thế ngang nhau. Vì phó thủ hiến nhiều khả năng là người của đảng phản đối thống nhất, nên việc Sinn Fein chiến thắng sẽ mang tính biểu tượng hơn là thực chất. Tác động trước mắt là đối với Nghị định thư Bắc Ireland, một phần trong thỏa thuận Brexit của Anh, vốn tạo ra một biên giới trên Biển Ireland. Sinn Fein và các bên ủng hộ quy chế này gần như chắc chắn sẽ thắng đa số. Biên giới biển tiếp tục chia cắt Bắc Ireland với phần còn lại của Anh – và đưa xứ này đến gần Ireland hơn.

Tình hình hiện tại của EU

Các thể chế đa phương như Liên minh châu Âu luôn được biết đến với sự hoa mỹ và đầy cung cách. Vì vậy cũng không quá khi cho rằng một hội nghị học thuật về EU sẽ luôn xa rời thực tế. Tuy nhiên, cuộc họp “Tình hình của Liên minh” tại Viện Đại học Châu Âu ở Florence, bắt đầu vào thứ Năm, lại rất thực chất.

Hầu hết là những chủ đề lâu năm về hội nhập châu Âu: ổn định nền kinh tế của khu vực đồng euro bằng cách chi mạnh tiền EU, phân bổ người tị nạn giữa các nước thành viên, phi carbon hóa nền kinh tế, đảm bảo pháp quyền và xây dựng đường sắt xuyên biên giới. Song các nước thành viên đều bị ảnh hưởng bởi chiến tranh Ukraine. Bỗng nhiên chính sách năng lượng giờ không chỉ là nhằm chống biến đổi khí hậu mà còn chống cả Nga. Và một EU tự coi mình là “siêu cường chuẩn tắc” đang tự hỏi liệu đặt ra một loạt lệnh cấm có giúp ngăn được những đoàn xe thiết giáp hay không. Chắc chắn các đại biểu sẽ rất bận rộn.

Tòa án Tối cao Ấn Độ xem lại luật cấm phỉ báng chính phủ

Quyền tự do báo chí ở Ấn Độ, vốn đã căng thẳng, đang bị xói mòn. Theo chỉ số tự do báo chí của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới, nước này xếp thứ 150 (trong số 180 nước) trên thế giới, giảm từ vị trí 142 của năm 2021. Một lý do là việc tăng cường thực thi luật cấm phỉ báng, theo đó trừng phạt bất kỳ ai nói hoặc viết nội dung “khinh miệt” chính phủ. Từng được các nhà cai trị thuộc địa Anh sử dụng để bịt miệng phong trào độc lập, giờ đây nó lại trở thành vũ khí cho chính phủ trấn áp mọi nguồn cơn rắc rối, từ các nhà bất đồng chính kiến cho ​​đến các nhà báo mạnh miệng.

Song mọi chuyện có thể thay đổi từ thứ Năm. Tòa án Tối cao Ấn Độ sẽ tổ chức phiên điều trần cuối cùng xoay quanh tính hợp hiến của luật. Những người khởi kiện, bao gồm một nhóm đại diện cho các nhà báo, cho rằng nó có một “tác động xấu” lên quyền tự do ngôn luận. Trước đây, những lời biện hộ của chính phủ – thường cho rằng luật rất cần thiết cho “an ninh quốc gia” – luôn chiếm ưu thế.

Phiên tòa về Hồng y Becciu

Một trong những vụ bê bối lớn nhất, nhưng mờ ám nhất, của Tòa thánh sẽ tiến thêm một bước ra ánh sáng vào thứ Năm. Đức Hồng y Giovanni Angelo Becciu, trước đây là một trong những quan chức cấp cao nhất của Giáo hoàng Francis, sẽ tiếp tục điều trần trước tòa, nơi ông được yêu cầu giải thích về mối liên hệ của mình với một phụ nữ tự tuyên bố là gián điệp riêng của ông.

Hồng y Becciu là một trong mười người bị vướng vào các nỗ lực trấn áp nạn tham nhũng của Giáo hoàng. Phiên toà tập trung vào thương vụ mua một bất động sản ở London trị giá 350 triệu euro (410 triệu đô la). Nhưng nó có liên quan đến nhiều thứ khác, bao gồm cả mối quan hệ của ông với Cecilia Marogna, người cho biết mình có nhiệm vụ thu thập thông tin về cuộc sống riêng tư của các quan chức khác. Bên công tố cáo buộc rằng phần lớn trong số 575.000 euro thù lao đã được cô chi cho quần áo hàng hiệu và đi spa.

Hồi tháng 3, Hồng y Becciu đã từ chối trả lời các câu hỏi về cô Marogna, với lý do bí mật của Vatican. Nhưng kể từ đó, Đức Giáo hoàng Francis đã dỡ bỏ nghĩa vụ giữ bí mật – qua đó gây áp lực buộc Hồng y phải nói ra tất cả.