Cuộc khủng hoảng Đài Loan sẽ thay đổi quan hệ Mỹ-Trung như thế nào?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: How the crisis over Taiwan will change US-China relations”, The Economist, 11/08/2022

Biên dịch: Phạm Thị Hồng Nhung

Cuộc đối đầu có vẻ sẽ mở ra một kỷ nguyên thù địch mới đầy nguy hiểm.

Tháng 01/1950, ba tháng sau chiến thắng của phe Cộng sản trong cuộc nội chiến Trung Quốc, tổng thống Harry Truman đưa ra một tuyên bố: Mỹ sẽ không can thiệp quân sự để giúp đỡ phe Quốc dân Đảng – những người bại trận chạy sang đảo Đài Loan. Mao Trạch Đông lúc ấy đã chuẩn bị cho một cuộc xâm lược [vào Đài Loan] và có lẽ sẽ thành công nếu chiến tranh Triều Tiên không nổ ra vào tháng 6 năm đó. Cuộc xung đột đã thay đổi chiến lược của Truman: ủng hộ Hàn Quốc và ra lệnh cho Hạm đội 7 bảo vệ Đài Loan nhằm ngăn chủ nghĩa cộng sản lan rộng ở châu Á. Bốn năm sau, khi lực lượng Trung Quốc tấn công một số đảo ngoại vi của Đài Loan, các quan chức Mỹ đã đe dọa tấn công hạt nhân vào Trung Quốc, một lần nữa buộc Mao phải lùi bước.

Nhìn lại, đó là cuộc đối đầu đầu tiên trong chuỗi đụng độ xoay quanh vấn đề Đài Loan đã định hình mối quan hệ Mỹ – Trung và để lại nhiều hậu quả cho thế giới. Bảy thập kỷ sau, cuộc khủng hoảng lần thứ 4 tương tự như vậy đang diễn ra, lần này được châm ngòi bởi chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vào ngày 2-3/8. Bà Pelosi là chính trị gia Mỹ cao cấp nhất đến thăm hòn đảo (mà Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền), kể từ chuyến thăm của một trong những người tiền nhiệm của bà, Newt Gingrich, vào năm 1997. Dù cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc, nó có vẻ đã mở ra một kỷ nguyên thù địch mới đầy nguy hiểm giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trung Quốc tuyên bố chuyến thăm của bà Pelosi là “điên rồ, vô trách nhiệm và rất phi lý”. Các nhà ngoại giao Bắc Kinh cáo buộc Mỹ vi phạm các cam kết khi nước này công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1979. Từ khi bà Pelosi rời hòn đảo, lần đầu tiên Trung Quốc bắn tên lửa đạn đạo qua không phận Đài Loan, đưa số lượng kỷ lục tàu và máy bay quân sự vượt qua đường trung tuyến của eo biển Đài Loan, và tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật bao quanh hòn đảo trong một cuộc diễn tập phong tỏa. Bắc Kinh cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Đài Loan, đồng thời cắt giảm các hoạt động hợp tác quân sự và các hợp tác khác với Mỹ.

Cho đến nay, phản ứng đó được hiệu chỉnh để thể hiện sự bất mãn sâu sắc và những năng lực mới của Trung Quốc, trong khi giữ cho chiến tranh không xảy ra. Nhưng đây có lẽ mới là khúc dạo đầu. Tập Cận Bình dường như muốn tránh một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ, nhưng cũng không thể tỏ ra nhút nhát khi đã tự xây dựng cho mình hình tượng một nhà chính trị mạnh mẽ cùng lời hứa tiến tới thống nhất đất nước. Trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc, các phần tử kích động đã phẫn nộ vì chính phủ không bắn rơi máy bay của bà Pelosi. Rủi ro đặc biệt lớn khi Đại hội Đảng Cộng sản cuối năm nay đang đến gần, nơi ông Tập được kỳ vọng sẽ tiếp tục là lãnh đạo Đảng trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ ba, phá vỡ những quy chuẩn gần đây.

Do đó, các biện pháp đối phó của Trung Quốc có khả năng diễn ra trên nhiều phương diện, trong nhiều tuần, nhiều tháng hoặc nhiều năm: bao gồm gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Đảng Dân Tiến hiện nắm quyền tại Đài Loan, ngăn chặn các chính khách nước ngoài khác công du đến hòn đảo, và lôi kéo sự ủng hộ của gần chục quốc gia còn lại có quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Tuy nhiên, quan trọng nhất, Trung Quốc có vẻ đang cố gắng thiết lập một “bình thường mới” cho các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, bao gồm các cuộc xâm nhập thường xuyên vào vùng biển và không phận mà hòn đảo này tuyên bố chủ quyền, và có thể là nhiều vụ thử tên lửa bay qua không phận hòn đảo hơn. Ngày 10/8, Bộ Tư lệnh Chiến khu miền Đông Trung Quốc (đơn vị tiến hành các cuộc tập trận mới nhất) cho biết họ đã hoàn thành “nhiều nhiệm vụ” trong các cuộc diễn tập, nhưng sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ eo biển Đài Loan và tiến hành các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu thường xuyên ở đó.

Mọi việc đi đến đâu sẽ phụ thuộc một phần vào những gì Mỹ và đồng minh làm để giúp Đài Loan. Dù kiềm chế, đến nay, Mỹ vẫn cam kết nối lại các hoạt động quân sự thường xuyên trong khu vực, bao gồm cả việc điều tàu đi qua eo biển Đài Loan cũng như cung cấp nhiều đợt huấn luyện và khí tài hơn cho hòn đảo. Vài người đã thấy trước một chu trình hành động-phản ứng với rủi ro xảy ra sự cố và tính toán sai lầm gia tăng. Taylor Fravel của Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: “Các nhà sử học rất có thể nhìn lại mùa hè 2022 như một thời điểm mà mối quan hệ Mỹ-Trung chuyển từ cạnh tranh để giành lợi thế tương đối sang đối đầu công khai, với nguy cơ khủng hoảng và leo thang căng thẳng lớn hơn nhiều.”

Pelosi đùa với lửa

Cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần thứ tư bắt đầu vào tháng 4, khi có tin bà Pelosi sẽ ghé thăm hòn đảo. Là người chỉ trích hồ sơ nhân quyền Trung Quốc, chắc chắn bà đã nghĩ tới một di sản cho riêng mình: ở tuổi 82, đây hẳn là nhiệm kỳ chủ tịch hạ viện cuối cùng của bà. COVID-19 đã trì hoãn chuyến thăm này. Khi được hỏi về chuyến đi vào tháng 7, Tổng thống Joe Biden cho biết các quan chức quân đội nghĩ rằng đó “không phải một ý hay lúc này”. Lời cảnh báo từ ông Tập đến vài ngày sau: “Những ai đùa với lửa sẽ bỏ mạng vì nó”. Nhưng hủy bỏ chuyến đi sẽ đồng nghĩa với nhượng bộ trước sự bắt nạt của Trung Quốc, và ông Biden không muốn thách thức các quyết định của Quốc hội.

Sau cùng, chuyến bay của bà Pelosi đến Đài Loan diễn ra trót lọt. Được chào đón bởi những người thiện chí, bà đã gặp lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cùng các nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc. Bác bỏ lời đe dọa từ Bắc Kinh, bà nhắc lại lập trường của các quan chức Mỹ rằng chuyến đi này không thay đổi hiện trạng, và đề cập ví dụ từ chuyến thăm của ông Gingrich cùng những chuyến đi định kỳ của các phái đoàn quốc hội.

Trên thực tế, nguyên trạng đã sụp đổ từ trước. Từ khi nắm quyền vào năm 2012, ông Tập đã khơi dậy một kiểu hình chủ nghĩa dân tộc hừng hực và quyết tâm giành lại Đài Loan mạnh mẽ hơn bất kỳ lãnh đạo nào trước đây kể từ thời Mao. Không đề ra một tiến trình rõ ràng, Tập nói rằng việc thống nhất không thể bị trì hoãn vô thời hạn và gắn nó với mục tiêu “phục hưng dân tộc” cho tới năm 2049 – dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước CHND Trung Hoa. Các lực lượng vũ trang được trang bị và diễn tập để chuẩn bị cho một cuộc tấn công: máy bay phản lực và ném bom của Trung Quốc thường bay gần không phận Đài Loan. Một số tướng Mỹ cho rằng ông Tập, người hiện đã 69 tuổi, có thể cố gắng thực hiện một cuộc tấn công vào những năm 2030 hoặc thậm chí là trong thập kỷ này với hy vọng thống nhất đất nước trong cuộc đời của mình.

Trong khi đó, các chính khách Trung Quốc những năm gần đây đã tin rằng Mỹ đang dần xóa bỏ chính sách “một Trung Quốc”. Theo nguyên tắc đó, Hoa Kỳ công nhận CHND Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và “thừa nhận” lập trường của nước này rằng Đài Loan là một phần của một Trung Quốc đơn nhất. Nhưng Mỹ không công nhận chủ quyền của CHND Trung Hoa đối với Đài Loan và vẫn duy trì mối quan hệ không chính thức với hòn đảo này. Theo luật trong nước, Mỹ có nghĩa vụ cung cấp vũ khí phòng thủ cho Đài Loan và duy trì vai trò bảo vệ hòn đảo. Tuy nhiên, Mỹ từ lâu đã theo đuổi sự “mập mờ chiến lược”, không xác định rõ liệu có can thiệp vào một cuộc chiến trên hòn đảo này hay không, và nếu có thì sẽ tiến hành như thế nào.

Lo ngại của Trung Quốc càng gia tăng sau năm 2016, khi chính quyền Trump mở rộng các chuyến thăm chính thức cấp cao và mua bán vũ khí với Đài Loan – gồm cả vũ khí tấn công. Trước sự tức giận của Trung Quốc, Biden nhìn chung vẫn tiếp tục hướng đi ấy. Ông đã 3 lần công khai gợi ý rằng Mỹ sẽ trực tiếp bảo vệ Đài Loan. Năm ngoái, ông nói rằng Đài Loan độc lập. Lời tuyên bố sau đó đã được các phụ tá rút lại nhưng vẫn khiến giới chức Trung Quốc sôi sục.

Đài Loan, với tư cách là một nền dân chủ tự trị với 24 triệu dân đa số là người Hán, đang là thách thức đối với chế độ chuyên quyền khổng lồ sát cạnh, nhất là khi những công dân tự do ở đây giàu có hơn những ‘đồng bào’ không-có-quyền-bầu-cử ở bên kia eo biển. Về mặt chính trị, hòn đảo này cũng đã tách xa hơn so với Đại lục trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi ông Tập dập tắt tự do dân sự ở Hồng Kông, khiến công thức “một quốc gia, hai chế độ” đã được Anh áp dụng trước đây và được ông Tập đề xuất như khuôn mẫu cho một sự thống nhất hòa bình giữa Trung Quốc và Đài Loan trở nên kém hấp dẫn. Mặc dù các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người dân Đài Loan ủng hộ việc duy trì hiện trạng hơn là tuyên bố độc lập ngay lập tức (điều chắc chắn sẽ kích động một cuộc xâm lược), chỉ một thiểu số nhỏ ủng hộ sự thống nhất và gần như tất cả đều bác bỏ công thức “một quốc gia, hai chế độ”.

Thời điểm chuyến thăm của bà Pelosi đặc biệt nhạy cảm. Ông Tập vừa phải đối mặt với những khó khăn bất ngờ trong năm nay khi phải khéo léo dành sự ủng hộ cho Nga về vấn đề Ukraine, vừa duy trì chiến lược zero-covid bất chấp suy thoái kinh tế. Nếu giữ nguyên truyền thống, vào tháng này những nhân vật quan trọng của Đảng sẽ gặp nhau tại thị trấn nghỉ mát Bắc Đới Hà, nơi thường diễn ra những cuộc thảo luận không chính thức về chính sách và nhân sự của đảng. Chưa rõ bao nhiêu trong số đó vẫn tiếp tục dưới thời Tập, nhưng ông và các nhà lãnh đạo khác phải sớm đưa ra những quyết định quan trọng về những lãnh đạo sẽ sát cánh cùng Tập ở vị trí cao nhất và các ưu tiên cần theo đuổi trong những năm tới – bao gồm cả vấn đề Đài Loan.

Phản ứng của Tập

Khi rõ ràng chuyến thăm của bà Pelosi sắp diễn ra, ông Tập dường như đã cảm nhận được một cơ hội để đạt nhiều mục tiêu cùng lúc: phô trương quyền lực ở trong nước, đảo ngược xu thế gắn kết ngày một gần gũi hơn giữa Mỹ và Đài Loan, răn đe sự can thiệp của các nước khác, và tiến hành cuộc diễn tập lớn nhất từ trước đến nay cho một cuộc tấn công vào hòn đảo. Cùng lúc đó, Tập có vẻ đã đánh tiếng về mong muốn tránh một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ, chẳng hạn bằng cách không cố gắng chặn chuyến bay của bà Pelosi và trì hoãn các cuộc tập trận bắn đạn thật cho đến khi bà rời khỏi Đài Loan.

Các khu vực diễn tập bắn đạn thật của Trung Quốc. Nguồn: The Economist

Khi những cuộc tập trận bắt đầu, chúng được điều chỉnh sao cho vẫn gợi nhớ – nhưng vượt trội hơn – những cuộc tập trận đã được Trung Quốc tiến hành trong cuộc khủng hoảng Đài Loan trước đó vào năm 1995-96, sau khi tổng thống Đài Loan lúc đó đến thăm Mỹ. Sáu khu vực được đánh dấu để bắn đạn thật gần hòn đảo hơn so với khi ấy và một số điểm nằm trong phạm vi 12 hải lý (22 km) so với bờ biển Đài Loan, chồng lấn lên những nơi mà Đài Loan tuyên bố là lãnh hải và không phận (bản đồ).  Sự “bao vây” này tạo ra “những điều kiện rất tốt để định hình lại tình hình chiến lược theo hướng có lợi cho thống nhất” – Trung tướng Meng Xiangqing, giáo sư tại Đại học Quốc phòng Trung Quốc, nói với đài truyền hình trung ương nước này.

Trong những ngày đầu của cuộc khủng hoảng tháng 7/1995, Trung Quốc chỉ bắn 6 tên lửa, với 1 trong số đó gặp sự cố. Ngày 4/8, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, Bắc Kinh đã khai hỏa 11 tên lửa. Tokyo nói rằng 5 trong số đó đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của họ (vùng biển rộng 200 hải lý tính từ bờ biển của Nhật), trong số đó, 4 chiếc được cho là đã bay qua Đài Loan. Trong một sự kiện xảy ra lần đầu khác, hàng chục máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc đã băng qua đường trung tuyến eo biển Đài Loan suốt nhiều ngày liên tiếp trong một cuộc tấn công mô phỏng trên không và trên biển.

Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu đã cáo buộc Trung Quốc dùng chuyến thăm của bà Pelosi như một cái cớ để tập dượt cho một kế hoạch xâm lược bao gồm tấn công mạng, đưa thông tin sai lệch, và cưỡng bức kinh tế. Quy mô và mức độ phức tạp của các cuộc tập trận do Trung Quốc triển khai phản ánh sự thay đổi cán cân quân sự ở hai bờ eo biển trong 2 thập niên qua, cũng như những bài học mà Trung Quốc đã rút ra từ cuộc khủng hoảng trước, khi quốc gia này không thể làm gì để ngăn Mỹ gửi 2 tàu sân bay tới khu vực, một trong số đó đã đi qua eo biển Đài Loan.

Năm 1995, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ gấp đôi ngân sách quốc phòng của Đài Loan, mặc dù số lượng binh sĩ gấp 60 lần so với Đài Loan. Ngày nay, chi tiêu của Trung Quốc gấp 20 lần Đài Loan. Theo nhận định của Lầu Năm Góc, quân đội Trung Quốc đã đạt mức ngang bằng hoặc vượt Mỹ về số lượng tàu và tàu ngầm, tên lửa đất đối không tầm xa cũng như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo thông thường mà nước này có thể triển khai.

Tất cả những điều này có thể giúp Trung Quốc chinh phục được Đài Loan hay không vẫn chưa rõ. Một trò chơi chiến tranh được thực hiện vào tháng 5 bởi Trung tâm Nghiên cứu An ninh Hoa Kỳ Mới, một viện nghiên cứu chính sách tại Washington, cho thấy trong vòng 1 tuần giao tranh, Trung Quốc có thể đưa quân đổ bộ lên đảo nhưng không thể đến được Đài Bắc, chứ chưa nói đến việc giành chiến thắng nhanh chóng. Cuộc xung đột, theo kịch bản diễn ra vào năm 2027, đã trở thành một cuộc chiến kéo dài.

Tuy nhiên, các cuộc tập trận mới nhất được xem như lời cảnh báo rằng Trung Quốc có nhiều cách, chưa đến mức xâm lược, để gây hại cho Đài Loan, đặc biệt là thông qua một cuộc phong tỏa. Các hoạt động bao gồm kiểm soát việc tiếp cận 3 trong số các cảng quan trọng nhất của Đài Loan và vùng trời mà máy bay sử dụng để hạ cánh xuống các sân bay của hòn đảo. Một vị tướng Đài Loan phàn nàn rằng chúng “tương đương một cuộc phong tỏa trên không và trên biển.”

Mặc dù có chút phóng đại, như trong một dấu hiệu cho thấy phong tỏa có thể diễn ra như thế nào, việc vận chuyển thương mại đã buộc phải chuyển sang những tuyến đường dài hơn, tốn kém hơn. Các trang web theo dõi tàu cho thấy các tàu đang tránh các khu vực tập trận. Đó là một lời nhắc nhở về cách Trung Quốc có thể cô lập Đài Loan, nơi phải nhập khẩu hơn 60% lương thực và 98% năng lượng.

Lonnie Henley, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Lầu Năm Góc, cho biết một tác động của các cuộc tập trận có thể là thúc đẩy nhiều hơn các cân nhắc về việc làm sao giúp Đài Loan sống sót trong vòng phong tỏa. “Đẩy lùi một cuộc đổ bộ xuyên eo biển là việc khó nhưng tương đối đơn giản – chỉ cần đánh chìm thật nhiều tàu”, ông nói, “đẩy lùi một cuộc phong tỏa khó hơn nhiều vì vị trí và địa hình. Đánh giá của tôi là Trung Quốc có thể phong tỏa Đài Loan trong nhiều tháng, hay có khi nhiều năm, với hậu quả mang tính tàn phá.”

Các cuộc tập trận cũng làm dấy lên những lo ngại mới về tính dễ bị tổn thương của các đảo xa xôi của Đài Loan, bao gồm quần đảo Kim Môn – một cụm đảo chỉ cách bờ biển Trung Quốc 6 dặm (10 km), nơi từng bị lực lượng của Mao tấn công vào năm 1954-55 và 1958. Vào ngày khởi hành chuyến đi của bà Pelosi, những người lính Đài Loan ở Kim Môn đã bắn pháo sáng vào các máy bay không người lái của Trung Quốc trên cao. Ngày hôm sau, tên lửa Trung Quốc được bắn gần quần đảo Mã Tổ của Đài Loan.

Tương quan sức mạnh quân sự của Trung Quốc và Đài Loan. Nguồn: The Economist

Các động thái tiếp theo của Trung Quốc có lẽ một phần sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Mỹ và Đài Loan. Bonnie Glaser thuộc Viện nghiên cứu Quỹ Marshall Đức tại Hoa Kỳ cho biết nếu Bắc Kinh tin rằng Mỹ – Đài sẽ tiếp tục thách thức lằn ranh đỏ của mình (bằng cách mở rộng các mối quan hệ chính thức), Trung Quốc có thể gia tăng áp lực lên họ. “Trong lúc ấy, quân đội Trung Quốc sẽ học được nhiều thứ từ các cuộc tập trận quân sự của họ”, bà nói, dự đoán về nhiều cuộc tập trận tương tự.

Fravel nói: “Sẽ không thể quay trở lại hiện trạng như trước nữa”. Ông so sánh với phản ứng của Trung Quốc năm 2012 về việc Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku – nơi Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Lựu lượng Trung Quốc bắt đầu các cuộc tuần tra thường xuyên trên không và trên biển trong phạm vi cách hòn đảo 12 hải lý.

Thách thức đối với Mỹ và đồng minh là chống lại những nỗ lực tương tự như thế của Trung Quốc mà không làm khơi mào một cuộc khủng hoảng khác. Đến nay, họ đã cố gắng tránh leo thang căng thẳng. Chuyến bay của bà Pelosi đến Đài Loan đi theo một lộ trình vòng quanh khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Mỹ có vẻ không gửi thêm tàu chiến mới đến khu vực. Lầu Năm Góc cũng cho biết vào ngày 4/8 rằng họ đã hoãn một vụ phóng thử định kỳ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tuần đó.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, Mỹ ít nhất sẽ cần nối lại các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, bao gồm cả việc đi xuyên qua eo biển Đài Loan để duy trì uy tín với các đồng minh trong khu vực. Ngày 8/8, thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách chính sách Colin Kahl cho biết, hải quân sẽ tiếp tục những chuyến đi như vậy trong vài tuần tới. Đó có thể là điểm bùng phát xung đột tiềm tàng, đặc biệt nếu Trung Quốc tiếp tục các cuộc tập trận quanh hòn đảo này.

Cũng có khả năng Mỹ tăng cường năng lực phòng thủ của Đài Loan bằng cách bán nhiều vũ khí tấn công hơn, huấn luyện thêm binh lính và cho hoặc cho vay để mua thêm vũ khí, bao gồm những vũ khí nhỏ và cơ động từng chứng tỏ hiệu quả ở Ukraine. Thời Ánh Hồng (Shi Yinhong) thuộc Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh dự đoán: “Sự đối đầu sẽ trở nên dữ dội hơn”.

Quốc hội có thể sẽ đòi hỏi nhiều hơn. Hiện Mỹ đang xem xét Đạo luật Chính sách Đài Loan cho phép hòn đảo này tham gia các cuộc tập trận quân sự với Mỹ và tuyên bố Đài Loan là một “đồng minh lớn không thuộc NATO”, tạo điều kiện cho việc cung cấp các loại khí tài tiên tiến hơn. Điều đó cũng cho phép “đối xử ngoại giao trên thực tế với Đài Loan tương đương với các chính phủ nước ngoài khác”. Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ coi bất kỳ động thái nào trong số đó là vượt qua lằn ranh đỏ.

Bằng cách nào đó, Mỹ phải điều chỉnh phản ứng để tránh đặt Đài Loan vào nguy hiểm và để duy trì sự gắn kết với các đồng minh và đối tác. G7 đã lên án các cuộc tập trận của Trung Quốc, Nhật Bản và Úc cũng vậy, nhưng Hàn Quốc – một đồng minh khác của Mỹ – thì không. Các nước Đông Nam Á cũng lưỡng lự khi chọn bên, giống như nhiều quốc gia sau cuộc khủng hoảng đầu tiên năm 1954-1955.

Một bài học từ các cuộc khủng hoảng Đài Loan trước đây là những hậu quả của chúng rất khó lường. Khi Trung Quốc bắt đầu pháo kích vào các đảo xa của Đài Loan năm 1958, Mỹ can thiệp trở lại và phá vỡ cuộc phong tỏa pháo binh ở Kim Môn bằng cách hộ tống các tàu tiếp tế. Nhưng khi giới lãnh đạo Đài Loan thúc đẩy một cuộc phản công và Mỹ cân nhắc việc sử dụng vũ khí hạt nhân, Liên Xô đã đe dọa trả đũa và Mỹ phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ phương Tây bởi mạo hiểm gây chiến vì một quần đảo nhỏ. Gần bốn thập niên sau, cuộc khủng hoảng 1995-1996 răn đe việc Bắc Kinh triển khai các hành động quân sự trong ngắn hạn, nhưng đã khơi dậy tình cảm chống thống nhất tại Đài Loan và thuyết phục Đại lục đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa quân đội.

Hậu quả của cuộc đối đầu gần đây nhất có thể không thể hiện rõ ràng trong nhiều năm. Trong ngắn hạn, vẫn còn hi vọng cho một kết cục hòa bình nếu mỗi bên phô diễn năng lực quân sự và sau đó rút lui, tuyên bố chiến thắng, như họ đã làm vào năm 1996. Nhưng trong dài hạn, với việc Trung Quốc hiện đang quyết tâm củng cố các lợi ích xung quanh eo biển Đài Loan, trong khi Mỹ cam kết chống lại điều đó, tất cả các bên dường như đang hướng đến những vùng nước nguy hiểm.