Thời báo Hoàn cầu bình luận về nguy cơ chiến tranh hạt nhân

Nguồn: “社评:在核战争问题上,没有任何后悔药可吃”, 环球时报 (Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc), 22/09/2022

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Phải chăng “Bóng ma chiến tranh hạt nhân” đang lúc ẩn lúc hiện? Cùng với sự leo thang của cuộc xung đột Ukraine, cảm giác nguy cơ chiến tranh hạt nhân của cộng đồng quốc tế ngày càng mạnh lên. Hôm qua [21/9/2022], Tổng thống Nga Putin nói các quan chức cấp cao của NATO từng lên tiếng đe dọa Nga, nhưng Nga “có rất nhiều vũ khí có thể đánh trả”. Ông còn nhấn mạnh, đây không phải là hư trương thanh thế. Ngoài ra, tại Hội nghị kiểm điểm lần thứ 10 “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân”, Tổng thư ký Liên Hợp quốc Guterres cũng cảnh báo “nguy cơ hạt nhân ở vào điểm cao nhất kể từ Chiến tranh Lạnh”.

Vũ khí hạt nhân là vũ khí có sức sát thương mạnh nhất, nếu nổ ra chiến tranh hạt nhân mất kiểm soát thì nó sẽ đưa loài người xuống vực thẳm hủy diệt. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nếu xảy ra xung đột hạt nhân toàn diện giữa Mỹ và Nga thì sẽ có khoảng hơn 5 tỷ người thiệt mạng. Hiện nay đang xuất hiện một xu thế nguy hiểm: Cho dù các bên đương sự có nói hay không nói những “lời bực tức” hoặc “lời khoác lác” thì đúng là số lần bàn về vũ khí hạt nhân đang tăng lên. Nhưng vũ khí hạt nhân quyết không phải là trái lựu đạn giắt ở thắt lưng, có thể sẵn sàng đem ra vung vẩy dọa dẫm người ta, sự leo thang xoắn ốc của chiến tranh thường là không thể ngờ tới. Trên vấn đề chiến tranh hạt nhân không có bất kỳ thứ thuốc hối hận nào có thể dùng được.

Bởi vậy các bên liên quan cần phải cố nhanh chóng hạ nhiệt tình thế hiện nay, việc cần kíp trước mắt là tạo điều kiện đàm phán hòa bình. Cần thấy là sự “căng thẳng hạt nhân” hiện nay bắt nguồn từ cảm giác mất an ninh mạnh mẽ gây ra bởi cuộc đọ sức địa chính trị. Một nguyên nhân quan trọng là khả năng xung đột giữa các nước lớn đang tăng lên, sự ổn định chiến lược toàn cầu đang nhanh chóng bị lung lay. Có một lý lẽ đơn giản rõ ràng là khi tình thế càng hòa bình ổn định thì lớp bụi phủ trên vũ khí hạt nhân sẽ càng dầy thêm; nhưng một khi rơi vào tuần hoàn ác tính “Tìm kiếm an ninh hơn – thì càng mất an ninh – càng muốn an ninh tuyệt đối”, thì vũ khí hạt nhân sẽ dễ dàng được lấy ra để lau chùi bóng loáng.

Có tình trạng họa vô đơn chí là hệ thống không phổ biến hạt nhân đang èo uột hơn bao giờ hết. Mỹ và phương Tây phải chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Nhiều năm nay, “ngưỡng hạt nhân” của Mỹ và phương Tây như một chiếc đinh đóng lên các nỗ lực không phổ biến hạt nhân toàn cầu, làm thành những cái lỗ thủng, thực ra là làm cho “ngưỡng hạt nhân” ngày càng thấp đi, tình hình ngăn ngừa phổ biến hạt nhân ngày càng khó khăn, lúng túng. Không những thế, do bị tư duy chiến tranh lạnh thúc đẩy, Mỹ đã tăng cường chính trị tập đoàn và đồng minh quân sự nhằm tìm kiếm ưu thế chiến lược tuyệt đối, kích động sự đối lập giữa các phe phái hai phía Đông Tây của đại lục Âu Á, tăng cường bố trí lực lượng chiến lược ở tiền duyên, như bố trí tên lửa hạt nhân. Một loạt biện pháp tiêu cực ấy chính là những ung nhọt của sự “căng thẳng hạt nhân”.

Ngày nay trên sân khấu quốc tế, Mỹ hăng hái nhất bày tỏ sự “lo ngại” về chiến tranh hạt nhân. Chúng tôi cho rằng nếu Mỹ nói thực lòng thì với tư cách nước lớn hạt nhân, cũng là siêu cường duy nhất trên thế giới, Mỹ nên có những hành động thực tế làm dịu sự căng thẳng của cộng đồng quốc tế, nhất là giảm bớt cảm giác mất an toàn giữa các nước lớn. Ví dụ, ngừng phát triển và ngừng bố trí hệ thống chống tên lửa toàn cầu, không theo đuổi việc bố trí tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất tại nước ngoài, vv… Chỉ khi nào Mỹ đi trước làm được các điều đó thì Mỹ mới có tư cách nêu yêu cầu với kẻ khác.

Mỹ và Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất, hai nước này nên thiết thực làm tròn trách nhiệm lịch sử đặc biệt và ưu tiên trong việc cắt giảm vũ khí hạt nhân, dùng phương thức có thể thẩm tra, không thể đảo ngược và có lực ràng buộc pháp lý để cắt giảm với quy mô lớn và có tính thực chất kho vũ khí hạt nhân của mình, tạo điều kiện cuối cùng thực hiện cắt giảm vũ khí hạt nhân toàn diện, triệt để. Ngoài ra, chúng tôi còn kêu gọi các nước sở hữu vũ khí hạt nhân nên từ bỏ chiến lược răn đe hạt nhân mà cốt lõi là ra tay trước để áp đảo đối phương. Mọi người đều biết, Trung Quốc là nước lớn hạt nhân duy nhất công khai cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân trước, không sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc không tiến hành đe dọa hạt nhân với các nước và khu vực không sở hữu vũ khí hạt nhân. Chính sách này đang phát huy tác dụng quan trọng trong việc giảm nguy hiểm hạt nhân, ngăn ngừa xung đột hạt nhân. Mong rằng các quốc gia có vũ khí hạt nhân khác, nhất là các nước lớn hạt nhân, có thể noi theo Trung Quốc.

Đầu năm nay, lãnh đạo 5 nước sở hữu vũ khí hạt nhân Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp đồng thời công bố “Tuyên bố chung về ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân và phòng tránh chạy đua vũ trang”, nói rõ “chiến tranh hạt nhân đánh không thắng và cũng không thể đánh được”. Để ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân, điều căn bản là giữ cho chiến lược toàn cầu được ổn định và bảo đảm an ninh của các nước không bị tổn hại. Chỉ có như vậy thì mới làm cho vũ khí hạt nhân trước mắt “phục vụ cho mục đích phòng ngự, đe dọa để ngăn ngừa xâm lược và ngăn ngừa chiến tranh”, cũng có thể tạo ra hoàn cảnh an ninh có lợi cho việc cắt giảm vũ trang, cuối cùng xây dựng một thế giới không vũ khí hạt nhân.