Về vụ gián điệp TQ đánh cắp thông tin mật của Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

su-bin

Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) số ra ngày 24/3/2016 đăng xã luận dưới tiêu đề “Chúng ta nên cảm ơn hay là kêu oan cho Tô Bân?” Nguyên văn như sau:

Ngày 23/03/2016, bộ Tư pháp Hoa Kỳ ra thông cáo cho biết một người Trung Quốc tên là Tô Bân [Su Bin – Stephen Su] đã thú nhận tội xâm nhập hệ thống máy tính của nhiều nhà thầu quốc phòng Mỹ để đánh cắp tài liệu kỹ thuật liên quan đến các loại máy bay tiên tiến như máy bay tiêm kích F-22 , F-35 và máy bay vận tải hạng nặng C-17.

Thông cáo nói: trong bản nhận tội thỏa thuận được với Bộ Tư pháp Mỹ, ông Tô Bân thừa nhận đã “đóng vai trò quan trọng trong một âm mưu từ Trung Quốc”, có kết hợp với hai người “không rõ lai lịch” sống ở Trung Quốc. Có báo Mỹ phỏng đoán hai người đó là quân nhân Trung Quốc.

Tháng 7/2014, Tô Bân bị bắt tại Canada, tháng 2 năm nay được giao cho cơ quan tư pháp Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc luôn từ chối thừa nhận có liên quan tới vụ án Tô Bân. Ngày 24/3/2015, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói sẽ tiếp tục quan tâm mật thiết vụ án này, yêu cầu phía Mỹ bảo đảm quyền riêng tư và các quyền lợi hợp pháp tại Mỹ của công dân Trung Quốc.

Vì tư pháp Mỹ trên thực tế phổ biến áp dụng chế độ nhận tội; người nhận tội thường có thể đổi lấy bản án nhẹ hơn, do đó người ngoài cuộc rất khó biết được suy nghĩ thật của người nhận tội và trong vụ đó có hay không có thành phần “oan uổng”.

Quốc gia nào cũng tiến hành công tác tình báo. Cơ quan tình báo nổi tiếng nhất thế giới là CIA và FBI. FBI coi Trung Quốc là mục tiêu thu thập tình báo số một. Thế nhưng chúng ta bao giờ cũng nghe nói qua cơ quan truyền thông là nước Mỹ bắt được “gián điệp Trung Quốc”, nhưng rất nhiều người trong số đó về sau được chứng minh là bị oan sai. Đồng thời chúng ta lại rất ít nghe nói Trung Quốc bắt được “gián điệp Mỹ”. Nghe nói Trung Quốc cũng bắt được một số, nhưng xuất phát từ suy nghĩ nào đó mà không công khai hé lộ vụ việc.

Thông thường khi có gián điệp bị bắt, quốc gia cử hoặc mua chuộc gián điệp đó đều không thừa nhận. Thí dụ mỗi lần Trung Quốc tuyên bố bắt được gián điệp phương Tây thì đối phương chẳng những từ chối thừa nhận gián điệp đó phục vụ cơ quan tình báo của mình, mà còn động viên dư luận phương Tây hùa nhau công kích vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, kích động tình cảm đau thương.

Là cơ quan truyền thông của Trung Quốc, chúng tôi không có căn cứ nào để biết Tô Bân có thật là đã đánh cắp số liệu về ba loại máy bay quan trọng của Mỹ và giao cho chính quyền Trung Quốc hay không. Nếu điều đó là sự thực thì chúng tôi muốn tỏ lòng cảm ơn ông Tô Bân, thậm chí gửi ông lời chào kính trọng. Ngày nay, khi giữa Trung Quốc với Mỹ tồn tại cuộc đấu trên lĩnh vực an ninh, mặt trận đấu tranh bí mật của Trung Quốc hiển nhiên cần có những cao thủ có thể lấy được các tài liệu tình báo quan trọng như phía Mỹ nói. Cho dù người đó là nhân viên tình báo Trung Quốc phái từ bên ngoài đến hay là người đó xuất phát từ lợi ích thương mại mà liều mình làm công việc dễ gặp rủi ro ấy, chúng tôi đều cho rằng người đó là tấm gương tốt.

Nếu quả thật người đó bị oan nhưng dưới sức ép của Bộ Tư pháp Mỹ buộc phải ký bản nhận tội, chúng tôi xin ngỏ ý đồng tình sâu sắc với người ấy. Chúng tôi tin rằng cùng với sự tiếp tục cuộc chiến tranh tình báo Trung Quốc-Mỹ, sau đây sẽ còn có những người vì bị nhầm lẫn coi là “gián điệp Trung Quốc” mà phải vào nhà tù Mỹ. Đây là tấn bi kịch của thời đại. Mong rằng những người Hoa làm việc trong các lĩnh vực nhạy cảm ở Mỹ nên thận trọng hơn để tránh tình trạng chẳng hiểu vì sao bị cơ quan tình báo Mỹ theo dõi.

Hiện nay có một tình trạng tồi tệ là nước Mỹ đang nắm được cách “hướng dẫn dư luận” của thế giới này. Nước Mỹ dựa vào lợi ích của mình để xác định như thế nào thì gọi là hoạt động gián điệp bất hợp pháp. Hơn nữa, một khi hoạt động tình báo của Mỹ bị đưa ra ánh sáng thì dư luận Mỹ sẽ giúp làm giảm tính chất nguy hại của các hoạt động đó. Nhưng khi hoạt động nào đó được nghi là tình báo của các nước khác bị (Mỹ) nắm đằng chuôi thì Mỹ sẽ thêm dấm thêm ớt, khuếch trương mức độ phạm pháp và tính chất nghiêm trọng của các hoạt động ấy.

Điển hình nhất là vụ Snowden tiết lộ dự án “Lăng kính”, theo đó Mỹ coi các nhà lãnh đạo các nước đồng minh của mình là đối tượng trọng điểm thu lượm tình báo, khiến thế giới la ó. Nhưng nước Mỹ chẳng những không nghĩ lại mà còn truy nã Snowden. Trong cùng thời gian ấy Washington lại còn không biết xấu hổ lên giọng giao thiệp với Trung Quốc về “hoạt động gián điệp trên mạng”, thể hiện nước Mỹ bên trong bên ngoài đều có lý cả.

Về kỹ thuật, có lẽ Trung Quốc còn kém Mỹ một bậc. Mỹ công khai thành lập bộ đội chiến đấu trên mạng, tính chất tấn công của họ cao hơn rất nhiều các hacker của Trung Quốc – điều đó ai cũng có thể hiểu được. Nhưng chúng ta cần chứng cứ và công khai các chứng cứ đó để vạch trần sự dũng cảm ngoại giao giả tạo của Mỹ.

Mỹ thường lên án chính quyền Trung Quốc ủng hộ giới hacker tấn công Mỹ, và sử dụng các “chứng cứ” Mỹ tạo ra, người ngoài chẳng thể nào kiểm chứng thật giả để vạch mặt chỉ tên phê phán các “cơ quan quân sự” cụ thể của Trung Quốc, “truy nã” những “sĩ quan Trung Quốc có tội” do Mỹ chỉ ra. Trung Quốc cần có hành động ngược lại với Mỹ.

Rốt cuộc Tô Bân là ai, có lẽ 20 năm sau mới có câu trả lời rõ ràng. Giờ đây ông có thể đối mặt với 5 năm tù và khoản tiền phạt vài trăm nghìn USD. Chúng ta cầu chúc ông có thể vượt qua cửa ải khó khăn này.

Nguồn社评:我们该向苏斌致谢,还是为他喊冤?, 2016-03-24.

Ảnh: Hình Su Bin chụp tại một trạm kiểm soát biên giới giữa Mỹ và Canada năm 2011. Nguồn: cbc.ca.

Xem thêm: Các bài về chủ đề tình báo

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]