Bình Định Vương Lê Lợi khởi nghĩa chống nhà Minh (P11)

Tác giả: Hồ Bạch Thảo

Sau chiến thắng tại Chi Lăng, Cần Trạm, tiêu diệt đạo quân cứu viện của Liễu Thăng; Bình Định Vương sai gửi thư đến Thành sơn hầu Vương Thông, phân tích cho y cơ hội cuối cùng để rút quân trở về, mang lại hòa bình cho hai nước:

Thư cho Vương Thông.

Kể ra, nhà lớn gần xiêu, một cây gỗ khôn hay chống đỡ; đê dài sắp vỡ, một vốc đất khó thể chi trì. Nếu không biết lượng sức mà cứ cưỡng làm, thì ít khi không thất bại. Việc ngày trước bất tất bàn nữa. Lấy sự thể ngày nay mà nói, chỗ trông cậy của các ông chỉ là quân cứu viện mà thôi. Ngày tháng giêng năm nay, có sắc cho bọn An viễn hầu, Bảo định bá, Thôi đô đốc, Hoàng thượng thư, Lý Ngự sử (Lý Khánh) cùng thổ quan là Nguyễn Huân (viên Hữu bố chánh sứ người Việt) đem quân sang, hẹn trong tháng 4 tiến binh vào cõi Giao Chỉ. Rồi trong một tháng (theo Toàn Thư ngày 18 tháng 9 [8/10/1427]) quân đến cửa ải của ta. Quân sĩ ở biên giới của ta dụ quân ấy đến ải Chi lăng. Ngày tháng 2 (theo Toàn Thư ngày 20 tháng 9 [10/10/1427]) năm nay quân ta đánh một trận mà tan vỡ, binh mã quân tiên phong nhất thời quét sạch, mà tổng binh An viễn hầu thì chết ở trận tiền. Đến ngày 25 (15/10/1427), quân ta lại đánh trận nữa, mà toàn quân tan hết; Bảo định bá thì tử trận, còn bại quân chạy tản vào rừng đều bị quân ta bắt được. Việc đến như thế, cũng không phải là ý tôi muốn, mà do tướng sĩ thủ biên của tôi làm thôi, khiến tôi lại thêm nặng lỗi. Ngài cầm quân nhân nghĩa, khi tới cõi Giao Chỉ đã biết lấy cái họa cùng binh độc vũ làm răn, xem bức thư ngài tâu xin lập họ Trần thì ân ý của ngài không nỡ phụ. Nay lấy một thành Đông Quan cỏn con, đem cả nước lại vây mà đánh, vẫn là rất dễ, song tôi sở dĩ làm như thế này, chính là cảm cái ơn ngày trước của ngài, lại để trọn cái lễ nước nhỏ thờ nước lớn. Nếu ngài biết chỉnh đốn quân sĩ, cởi giáp mở thành, lại theo lời ước trước, thì ngài có thể toàn quân về nước, mà cái tệ hiếu đại hí công (ưa bành trướng, ham lập công) của Hán Đường, từ đây chấm dứt, và cái đạo hưng diệt kế tuyệt (phục hưng nước bị diệt, nối dòng bị đứt) của Thang Vũ lại thấy cử hành. Thế chẳng tốt đẹp hay sao? Nếu còn do dự chưa quyết, tướng sĩ của tôi nhọc về chinh chiến, bỏ cả nông tang, quyết tâm đánh gấp, thế không thể ngăn. Đến lúc bấy giờ thì làm sao được nữa. Như thế lại càng thêm nặng lỗi cho tôi thôi. Thư này tới nơi, cúi xin trả lời cho biết.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, a 42.

Mộc Thạnh, với nhiệm vụ hành quân phối hợp với Liễu Thăng, điều cánh quân Vân Nam đến cửa ải Lê Hoa; bấy giờ viên tướng già này tỏ ra chần chừ, ngóng trông thành bại. Xử trí với cánh quân này, phía nghĩa quân nhân danh Trần Cảo, hậu duệ nhà Trần; khuyên y bãi binh, chuyển lời tâu về triều đình với lòng thành xin phục hưng nước bị diệt, nối dòng dõi nhà Trần bị dứt:

Cháu ba đời Vua nhà Trần nước An Nam trước là Trần Cảo, thư gửi quan Tổng binh Vân Nam Kiềm quốc công cùng các vị quyền ba ty xét.

Tôi thường nghe: đạo người quân tử làm trọn cái tốt đẹp của người khác; lòng người có nhân thường muốn đạt ý người khác lên người trên. Trước đây tôi gửi thư đến nói về việc quan hệ giữa nhà nước thành hay bại, cùng sinh dân vui hay buồn. Người có lòng muốn yên dân, há chẳng chạnh lòng thương xót ư? Nay đã mấy tháng rồi, không biết thư tôi gửi khi trước có đến đại nhân hay không, mà không từng thấy một chữ nào trả lời cho biết. Lòng của người có nhân lại im lặng như thế ư? Kể ra đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm. Thánh nhân bất đắc dĩ mới dùng đến. Còn việc dùng binh đến cùng, cậy vào vũ lực là điều mà xưa nay vẫn răn dạy. Từ khi quân nhà vua dẹp yên cõi Giao Chỉ đến giờ, binh đao liền liền, tai vạ chồng chất, một ngày một quá lắm. Người Trung Quốc thì bị đòi bắt tần phiền, quân và ngựa đều bị chết. Cái mà lấy được không bù cho cái mà bị mất, cái mà cướp được không chữa được vết tổn thương. Trừ ra, nguyên số quân đi đánh lần trước, và nhiều lần tiếp tục, quân và ngựa chết hại không biết đâu mà tính, thì không kể; năm ngoái, lại điều phát quân và ngựa ở ba tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên, Quí Châu hiện nay mười phần không còn một phần. Cứ xem thế, (thì người xưa) bảo đồ binh là thứ hung bạo, đánh nhau là việc nguy hiểm, há chẳng đúng lắm ru? Từ tháng 11 năm ngoái trở về sau, các xứ Tân Bình, Diễn Châu, Nghệ An đều đã cởi áo giáp ra ngoài thành cùng với chúng tôi bàn việc hòa giải. Các vị tổng binh quan Thành sơn hầu, Vinh xương bá, các quan Đô đốc họ Phương, họ Mã, họ Thái, Thái giám Sơn Thọ đều trong tháng 4 năm nay, đã mở cửa thành cởi áo giáp.[1] Tất cả hết thảy quan viên quân nhân và người trong các thành, cộng mấy vạn người, tôi đều thu nuôi, không xâm phạm mảy may. Chỉ đợi ngày chiếu thư ban xuống thì đem trở về đủ số. Các đại nhân đều là nhân nhân quân tử, há lại không biết rõ nghĩa giao thiệp của với nước láng giềng cùng đạo vui trời, sợ trời. May ra được (đại nhân) đem ý trong thư trước của tôi chuyển tâu về triều đình rồi truyền bảo cho tôi biết ý định của triều đình để cho dân vô tội cõi Giao Chỉ tôi được thoát mình khỏi nước sôi lửa bỏng mà quân đi đánh dẹp của Trung Quốc được về quê hương; thế làm làm một việc mà được hai điều tiện lợi. Nếu không thế, chỉ chăm đòi bắt quân lính lại sang lần nữa, các ông đã biết rõ lời răn từ xưa tới nay về viêc cùng binh độc vũ, há chẳng thấy thế mà sờn lòng ư? Kính xin trả lời cho biết.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 12.

Trong thời điểm đương đầu với đạo quân Liễu Thăng từ Quảng Tây xâm nhập; Bình Định Vương Lê Lợi ra lệnh các tướng đặt mai phục đạo quân Vân Nam, chớ giao chiến vội. Đợi đến khi quân Liễu Thăng thua, bèn đem những sắc thư, phù ấn của Liễu Thăng đưa đến chỗ quân Mộc Thạnh; kèm bức thư sau đây, nhắm lung lạc lòng quân địch:

Thư của Đầu mục nước An Nam kính gửi Tổng binh quan. Thái phó, Kiềm quốc công xét.

Tôi nghe, trời đất sinh muôn vật, tất trước phải có sấm sét làm vang động, rồi mới gia ơn mưa móc; thánh nhân trị nhân dân, tất phải đặt ra hình phạt để ngừa phòng rồi mới làm việc giáo hóa. Cho nên, vua Thành Thang đánh nhà Hạ là có ý đẩy nước đã mất lên làm vững người hiện còn; vua Vũ Vương đánh nhà Thương là có ý đẩy nước đã diệt mà nối dòng đã tuyệt. Lòng của thánh nhân, tức là lòng của trời đất về việc ban mệnh, về việc dánh dẹp, một khi vui mừng, một khi tức giận, toàn là do lòng chí công của trời đất, không có mảy may ý riêng ở đó. Trước đây (Hồ Quí Ly) làm việc không có đức, Thái tông hoàng đế dấy quân hỏi tội; sau khi dẹp yên rồi, xuống chiếu tìm con cháu họ Trần, để giữ việc thờ cúng; thế thì đối với cái nghĩa làm vững người hiện còn, dấy nước bị diệt, há chẳng cùng một đường lối với vua Thang, vua Võ hay sao? Không may mà các quan coi biên giới tâu man là con cháu vua Trần đều đã chết hết, rồi đem bọn con cháu họ hàng nhà Trần như Trần Nguyên Hy, Trần Sư Trinh, Trần Nguyên Chỉ, vài mươi người đem về kinh sư, đem an trí mỗi người một nơi.[2] Thế há chẳng rõ ràng là lừa dối triều đình ư?

Tự khi ấy đến giờ, binh đao liền liền, tai họa chồng chất, hơn hai mươi năm không được yên nghỉ. Cái mà lấy được không bù cho cái mất đi, số người bắt được không bõ với số người chết đi. Huống chi, nếu lấy được đất An Nam, không thể cho dân Trung Quốc đến ở được, bắt được dân An Nam không thể dùng để phục dịch cho Trung Quốc được. Thế thì được hay hỏng, lẽ phải hay trái, há chẳng rõ ràng lắm ư?

Kính nghĩ đại nhân là họ thân của nhà vua được ủy nhiệm cho việc nặng nề như ông Chu, ông Thiện ngày xưa. Trên chín lần [cửu trùng, Vua] yêu dấu trông cậy, dưới muôn dân thấp thỏm ngóng trông. Ra làm tướng võ, vào làm tướng văn, thiên hạ yên hay nguy quan hệ ở mình. Văn sư võ bị không phải người thường tài có thể sánh kịp, nên mới vâng mệnh sang cõi Nam lấy đức vỗ về, mà người nào cũng vui lòng. Sau khi đem quân về thì công ơn để lại dân, còn nhớ mãi, chẳng khác gì cây cam đường của Thiện công nhà Chu[3] xưa kia.

Nay lại vâng mệnh sang chầu lần nữa, đóng quân ngoài cõi, có thể tưởng thấy sự tiến hay dừng của đại nhân, vững chắc như gò núi. Về sự việc thấy sáng suốt, biết việc được sớm, tất người khác không thể theo kịp. Nay đem thực sự bày tỏ hết để đại nhân rõ:

Ngày tháng 9 năm này, An viễn hầu Liễu Thăng thống lĩnh đại quân đến địa phận thành Khâu Ôn. Tôi đã hai ba lần gửi thư nói kỹ về thiên thời, về nhân sự; nói đi nói lại không ngại rờm lời, mà Liễu công cho lời nói của tôi là không đáng tin, bèn mạo hiểm tiến quân vào sâu chuyên việc chém giết, ý định giết hết không để sót người nào.[4] Nhưng không biết đạo trời ưa sống, lòng người ghét loạn. Thành hay bại, phúc hay họa, chỉ trong khoảng trở bàn tay thôi.

Ngày 20 tháng 9, (Liễu Thăng) tiến quân đến cửa Chi Lăng, quân lính giữ cửa ải của tôi không làm thế nào được, liền phải chống cự lại. Liễu công bị chết tại trước trận, không biết lẫn lộn vào đâu. Bảo định bá, Thái đô đốc, Lý thượng thư cũng bị chết nối nhau. Còn các quân lính đều bỏ trốn chạy tan. Đó tuy cũng là tội lỗi của tôi, cố nhiên không thể chối cãi được, mà cái họa của Liễu công tất phải tự mình chuốc lấy. Người xưa có câu nói: “Cậy vào đức thì tốt, cậy vào sức thì chết”, tức là thế đấy.

Nay chúng tôi nhờ ơn của đại nhân như trời đất cha mẹ, nên mới thổ lộ tình thực; mong đại nhân thương cho. Đại nhân đem lòng người quân tử nhân đức, tất sẽ làm việc nhân nghĩa, để cho người đời này đều tiến lên cõi thái hòa, há lại chịu lấy đất chỗ An Nam bé như nốt ruồi, mà làm cho thiên hạ nhọc ư? Trước đây Hóa Châu làm loạn,[5] đại nhân còn dung thứ vì tấm lòng hướng thiện của họ, bảo sắp đủ lễ vật, mong cho bản thân được đạt tới triều đình. Nhưng lời bàn của triều đình không ưng thuận, và cứ lo việc tiến đánh. Nay vua tôi nước tôi một lòng, quân lính cùng một chí hướng. Về cái nghĩa kính trời thờ nước lớn không dám bỏ thiếu. Trước đây các thành Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn Châu, Nghệ An, Tiền Vệ, Xương Giang, Thị Cầu, Tam Giang, Trấn Di đều mở cửa thành, cởi áo giáp cùng hòa giải với tôi. Hết thảy các quan lại quân dân cộng mấy vạn người, tôi nhất nhất thu nuôi cả, không xâm phạm đến mảy may nào. Đại nhân quả có lòng thương, tôi xin đem nộp tất cả các quan lại quân nhân nói trên và xin chuyển tâu về triều đình cái việc nói rõ trong lá thư này. May ra lời bàn của triều đình y cho cái ơn của đại nhân như trời đất cha mẹ, mới toàn vẹn được trước sau. Nếu triều nghị không nghe thì chúng tôi dẫu chết cũng không ân hận gì. Nay đem các quân lính của Liễu công mà tôi đã bắt được ấy, đưa trả về doanh.[6] Trừ ra việc hỏi rõ thực hư không kể, trước hết xin đệ trình bản thảo thư riêng chữ viết (của Liễu công). Kính xin đại nhân có lòng thương tới mà dạy bảo cho thì may lắm.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b 13.

Đạo quân Mộc Thạnh sau khi chứng kiến sự thực, hoảng sợ tự tan vỡ; quân ta truy kích, giết hàng vạn, tịch thu rất nhiều vũ khí:

Bấy giờ Tổng binh Vân Nam là Kiềm quốc công Mộc Thạnh cùng với bọn Phạm Văn Xảo, Lê Khả, Lê Trung, Lê Khuyển cầm cự nhau ở Lê Hoa. Vua liệu tính rằng Mộc Thạnh tuổi đã già, từng trải việc đời đã nhiều, lại biết tiếng vua từ trước, nhất định còn đợi xem Liễu Thăng thành bại ra sao chứ không nhẹ dạ tiến quân, bèn gởi thư mật, bảo bọn Khả, Khuyển cứ đặt mai phục chờ đợi, chớ giao chiến vội. Đến khi quân Liễu Thăng đã bị thua, vua sai lấy 1 tên Chỉ huy và 3 tên Thiên hộ của giặc mà ta bắt được, cùng những sắc thư, phù ấn của Liễu Thăng đưa đến chỗ quân Mộc Thạnh. Bọn Thạnh trông thấy rất hoảng sợ, trong phút chốc quân hắn tan vỡ tháo chạy. Bọn Văn Xảo và Khả thừa thắng tung quân ra đánh, phá tan quân giặc ở Lãnh CâuĐan Xá,[7] chém hơn 1 vạn thủ cấp, bắt sống hơn 1 nghìn tên và hơn 1 nghìn con ngựa, còn bị chết đuối ở khu vực thì nhiều không kể xiết. Mộc Thạnh thì chỉ còn một mình một ngựa tháo chạy. Ta thu được chiến khí, của cải, xe cộ nhiều hơn hẳn thành Xương Giang.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 41b.

Riêng sử Trung Quốc, cố dấu không chép đến sự thảm bại này; chỉ mô tả Mộc Thạnh điều quân vào biên giới:

Ngày 26 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 2 [14/11/1427]. Ngày hôm nay quân của Chinh Nam Tướng quân Kiềm quốc công Mộc Thạnh đã đến trại Cao huyện Thủy Vĩ,[8] Giao Chỉ. Cả hai con đường thủy bộ giặc đều chống cự, giao thông bị ngăn trở. Bọn Thạnh đốc suất tạo binh thuyền, sai người tuần thám, tiếp tục theo hành trình mà tiến.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 176)

Mãi đến năm sau, lúc chiến tranh chấm dứt; quần thần nhà Minh họp nhau đàn hạch Mộc Thạnh; mới lộ việc Thạnh không hăng hái tiếp viện, để cho nghĩa quân thừa cơ chém giết, bỏ cả khí giới y giáp, thành trì thất thủ:

Ngày 16 tháng 5 năm Tuyên Đức thứ 3 [28/6/1428]

Công, Hầu, Bá, cùng 5 phủ 6 bộ, Đô sát viện, Đại lý tự, Cẩm y vệ hặc tấu Thái truyền Kiềm quốc công Mộc Thạnh, Hưng an bá Từ Hanh, Tân ninh bá Đàm Trung……

…. Khi nghe tin Thăng bi hãm, Thạnh không hăng hái phấn đấu tiếp viện, lại dẫn binh rút lui, để cho giặc thừa cơ chém giết quan quân, bỏ cả khí giới y giáp; bọn giặc tranh hoành, thành trì thất thủ. Bọn Thạnh đã làm trái với quân mệnh, nhục nước, chôn vùi quân đội; đáng làm rõ tội, để làm sáng tỏ ý thay trời thảo phạt.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 197)

Về phía thành Đông Quan, Bình Định Vương lại viết thư báo tin thêm cho Tổng binh Vương Thông, Thái giám Sơn Thọ và các tướng Minh ở trong thành này biết về sự thất bại của đạo quân tiếp viện:

Thư gửi quan Tổng binh, Sơn đại nhân và các vị.

Ta nghe, người phương Nam, phương Bắc cũng ví như trâu với ngựa, khi tới kỳ sinh đẻ không bao giờ đến với nhau. Trước đây vì Hồ Quí Ly không có đức, mình chết nước mất, hơn hai mươi năm họa loạn, khổ cực lắm rồi. Dân mong được bình trị hầu như người đói mong ăn, khát mong uống. Con cháu họ Trần ta nhờ ơn người trước để lại, được người trong nước yêu mến suy tôn, mới được như thế. Nay quan tổng binh mang tiết việt chuyên việc đánh dẹp. Từ ngày vâng mệnh ra đi, được phép tiện nghi làm việc. Và, đại nhân thực không phụ với kí thác long trọng của triều đình. Xem như thư đã tâu lên, thì ý của đại nhân, thực đáng ghi nhớ. Nay đem chân tình thực sự báo cho đại nhân biết. Vào tháng Giêng năm nay (năm Đinh Vị 1427), triều đình sắc cho thái tử thái phó An viễn hầu là Liễu Thăng, đô đốc họ Thôi, thượng thư họ Hoàng (Thôi Tụ, Hoàng Phúc)… Ngày 20 tháng này (10/10/1427), họ đến cửa ải Chi Lăng, quân giữ cửa ải của ta liền cùng đánh nhau. Liễu Thăng tự mình lên trước, thân đốc quân tiền phong, bị quân ta giết chết. Những quân nhân đi trước thăm dò, đều bị giết hết. Đến ngày 25 [15/10/1427], trận đánh ở núi Mã Yên (Chi Lăng, Lạng Sơn), Bảo định bá trúng phải phi lao bị thương nặng tắt thở ngay. Quân nhu khí giới mất hết không còn gì. Ngày 28 [18/10/1427] trận đánh ở Cần Trạm (Kép, Bắc Giang), Lý Khánh cũng chết nối theo. Về lương thực, xe chở lương, các vật kiện công để thưởng cho quân, bài vàng, súng lớn, súng nhỏ, giáp sắt, đinh ba, cung tên các thứ, tất cả cùng bị quân ta lấy được. Ngày 29 (Toàn Thư ghi vào ngày 15 tháng 10 tức 3/11/1427) lại đánh nhau, quân ta bao vây bốn mặt, bắt sống được các quan và đô đốc Thôi, thượng thư Hoàng hãy còn kia. Quân nhân mấy vạn người bị đói, rủ nhau trốn đi; có người vào rừng núi tự vẫn chết, không thể xiết kể. Ngày nay quân lính của ta, chỉ để giữ nước không lại cùng đánh nhau nữa. Tất cả các quân giỏi mạnh của ta và người có tri thức đều ở xứ khác; duy có bọn già yếu, ốm đau không dùng được, mới cho ở đấy giữ trại mà thôi. Nay nghĩ đến ơn của đại nhân ngày trước, săng sắc không quên, mới đem sự thực về quân tình của đàn trẻ báo cáo về, báo cho tướng quân biết đó thôi. Thư nói không hết lời.Quân Trung Từ Mệnh Tập, B 14.

Bấy giờ đến giai đoạn phải làm áp lực mạnh cứ điểm then chốt của giặc; Bình Định Vương gửi thư tường thuật chi tiết đầu đuôi về thảm bại của đạo quân viễn chinh; từ lúc đương đầu với Liễu Thăng cho đến Lương Minh, Thôi Tụ:

Đầu mục nước An Nam là Lê Lợi thư gửi quan Tổng binh Vương đại nhân, Thái giám Sơn đại nhân xét.

Tôi thường nghe: thời có nước thịnh suy, quan hệ ở vận trời; việc có thành bại thực bởi tại người làm. Nay thử lấy những việc đã qua, kể ra từng việc để các đại nhân rõ, rồi sau lấy việc ngày nay bày tỏ sự thực, có nên không? Trước đây về giao ước hòa giải, không những lòng của tôi và của các đại nhân đều được yên, mà cả đến lòng quân sĩ của hai nước đều thế, ai cũng vui mừng nhảy nhót tự bảo rằng: cả Nam lẫn Bắc từ nay trở đi đều được vô sự.

Tại sao hai ông Phương và Mã [Đô đốc Phương Chính, Thái giám Mã Kỳ] cố chấp ý riêng của mình, nệ mà không thông, đến nỗi làm ngăn trở việc hòa ước của hai bên. Thế tức là người xưa có câu: “Một lời nói làm hỏng việc” há chẳng đáng tin sao? Từ đấy biến thân thiết làm thù địch, chuyển yên làm nguy. Hàng ngày chỉ nghĩ việc đánh nhau, lại làm cho kẻ không có tội bị gan óc dây đầy cỏ nội, khí tức giận xông lên tận trời. Nước lớn lỗi đạo giải hòa, vỗ yên người xa, nước nhỏ thiếu lễ kính trời thờ nước lớn. Xét ra việc làm ấy là lỗi của ai? Song việc trước đã qua, thực không thể lấy lại được. Hiện nay có An viễn hầu là Liễu Thăng vâng mệnh triều đình đem hơn 10 vạn quân, đi đến Quảng Tây, đã hai lần sắc thư gọi về, Liễu Thăng trót đã mang quân ra, chống lại mệnh lệnh mà cứ đi. Quân đi đến Lễ Giang, bị tai họa đắm thuyền, chết đuối đến hơn một vạn người. Đó là, trời bảo cho biết đã rõ lắm rồi. Còn khi đi đường, người trốn, kẻ chết kể có đến hàng vạn người, lòng người không thuận, lại có thể thấy rõ hơn đấy. Khi đến Nam Ninh, lại có sắc chỉ đòi về, đó là bởi các quan ở trong triều tất có người biết thời thông biến, biết đem chính đạo can vua, muốn cho thánh thượng lại làm như việc dấy lại dòng giống đã tuyệt, nối lại cho nước đã bị diệt, như vua Thang, vua Vũ ngày xưa, mà không bắt chước việc làm thích khoe khoang, ưa lập công của nhà Hán, nhà Đường, Liễu Thăng không nghĩ đến mức ấy, không xét thời trời, không biết việc người, chỉ lấy việc chém giết làm oai, ý muốn đánh giết không sót người nào. Đã trái lòng người lại trái mệnh vua, (Liễu Thăng) tiến qnân đến cửa ải Chi Lăng, cùng với quân lính giữ cửa ải ấy của ta đánh nhau kịch liệt một trận, rốt cuộc bị quân ta giết chết. Còn lại Bảo định bá (Lương Minh) lại thu họp tàn quân, ngày 25 (15/10/1427) tiến ra Cần Trạm (Kép, Bắc Giang), lại bị quân ta giết chết; Lý thượng thư (Lý Khánh) cũng bị chết tại trận, duy có Thôi đô đốc một mình chạy thoát, thì lại tức tối không thể thôi được, ngày 28 tiến quân đến phố Cát, lại bị quân ta đánh cho thua, quân nhân đều mạnh ai nấy chạy, ẩn trốn tan nát, khí giới cũng bị mất hết chỉ còn lại hơn một vạn quân, quân ta đến nơi bao vây bốn mặt, muốn tiến không hay, muốn lui không được. Đến nay, đã 1 tháng, 14 ngày,[9] lương thực hết cả, quân nhân chết đói xác chất thành núi. Kế cùng sức hết, bèn xông vòng vây mạo hiểm ra đánh, từ giờ mão đến giờ thân, sức không thể chống được. Quân của Thôi công, lại ngay khi đó bị đánh giết gần hết, chỉ còn lại người gầy yếu ốm đau, tự mở cửa trại ra hàng. Ta tuy không giết chết, cũng là bởi Thôi công trái mệnh trời, rước lấy tai họa. Mà câu nói là: “Việc thành hay bại, thực bởi người làm ra”, há chẳng đúng lắm ư?

Ví bằng việc hòa giải đã xong, thì ngày nay tất không có cái họa Liễu Thăng, mà cái ơn của đại nhân như ơn cha mẹ khi trước, quyết không thể quên được. Nay đem chân tình thực ý, phúc báo để cùng biết. Nếu như các đại nhân lại theo đúng ước xưa, tôi mong được Sơn đại nhân sang qua sông cùng họp, tôi sẽ xin lui quân về các vùng Thành Đàm, Ái Giang, để cho đại nhân được thung dung trở về nước. Phàm mệnh trời sở dĩ cầm quyền, đưa ra ý kiến không ngại phiền phức, chính là lấy lòng thành của nước nhỏ thờ nước lớn, muốn mưu việc lâu dài trên thuận lòng hiếu sinh của trời, dưới cứu thoát nhân dân từ trong chỗ nước sôi lửa bỏng. Nếu không thế, xua nhân mệnh vào đám tên đạn, để quyết sống mái, thì tôi xin quyết ý mà làm, cần gì phải nói đi nói lại mãi làm gì?” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b15.

Bình Định Vương sai người đem tù binh và chiến lợi phẩm làm bằng chứng đến thành Đông Quan, cả thành sợ hết vía, không còn tinh thần chiến đấu. Tuy vậy vẫn cho chuẩn bị dụng cụ đánh thành, để thị uy:

Sai thông sự Đặng Hiếu Lộc giải Thôi Tụ, Hoàng Phúc và tù binh bắt được cùng là song hổ phù và ấn bạc hai tầng của Chinh lỗ tướng quân [Liễu Thăng], chiến khí, cờ trống, sổ quân… bảo cho thành Đông Đô biết. Bấy giờ quân Minh trông thấy khí giới thu được ở thành Xương Giang đưa tới, lại nghe tin hai đạo quân cứu viện và hai thành Xương Giang và Chí Linh đều đã mất, nhưng trong lòng còn nghi hoặc chưa tin hẳn, vẫn đóng cửa thành cố thủ. Đến đây thấy ta bắt được bọn Phúc, Tụ, thì sợ hết vía, không dám hành động gì nữa.

 Hạ lệnh cho các tướng sĩ sửa soạn rào gỗ, chiến khí để vây thành Đông Quan.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 42a.

Vương Thông viết thư trả lời cho Bình Định Vương Lê Lợi nhưng còn tỏ ra lo sợ, nghi ngại. Y sợ tự bỏ thành rút quân về thì mang tội với triều đình; sợ ta lừa dối, không bảo đảm cho quan quân Minh được rút về an toàn. Bình Định Vương chủ trương khép chặt vòng vây quanh thành Đông Quan và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để khi cần thiết sẽ hạ thành, nhưng mặt khác vẫn kiên trì dụ hàng Vương Thông, mở đường rút lui cho quân Minh; đề ra việc trao đổi con tin, cử Sơn Thọ sang sông họp bàn trực tiếp:

Đầu mục nước An Nam là Lê Lợi trả lời Tổng binh đại nhân, Thái giám Sơn, Mã đại nhân xét:

Tôi nghe: lời nói không cứ thực hay dối mà tình không thể tự che giấu được, việc phải có, phải hay trái mà lẽ không thể tự mờ tối được, duy có người trí giả mới có thể phân biệt được. Còn người chấp nhất thủ thường, mà đắm đuối vào việc nghe thấy, tất nhiên có chỗ mờ tối mà vẫn không tự xét ra.

Tôi nay nhận được thư đại nhân gửi đến, nói về thứ bậc lớn nhỏ, tôn ti và chia ra việc trí, ngu, được, hỏng. Lời nói ấy thực là đúng lắm. Phàm xưa nay tôi sở dĩ ân cần đưa ra, ý kiến hai ba lần gửi thư như thế, chính là đúng như lời tôn công đã nói. Nước lớn hết đạo của nước lớn, nước nhỏ hết lòng thành của nước nhỏ. Về việc mưu tính cho nhân dân trong thiên hạ, há chẳng sâu và xa ư? Đại nhân gọi là lẽ chính, đạo lớn, trừ ra ngoài hai việc ấy, há lại có đạo lý nào khác nữa ư? Lại bảo rằng: tôi không lấy lối Diễn, Nghệ mà đối đãi với đại nhân, sao câu nói ấy không có lượng rộng thế! Tôi trước đây có bắt được quan và quân các thành, bất tất nói làm gì. Hiện nay lại mới bắt được quân lính đến hơn hai vạn: các cấp thượng thư đô đốc, đô ti, chỉ huy, thiên bách hộ, hơn một trăm người, ngựa 3.000 con, đều là tôi làm sự giả dối mà bắt được chăng? Nay tôi muốn giữ lại mấy vạn người phục dịch cho tôi cũng không ích gì, mà triều đình lại mấy vạn người ấy cũng không tổn gì. Nay tôi liệu tính số quân của các đại nhân ở trong thành, chẳng qua chỉ độ vài mươi vạn người mà thôi. Tôi tuy lại kiếm cách lừa dối để bắt được hết cũng chẳng bổ ích gi cho việc cả. Ví bằng dùng mưu kế dĩ nhiên trong một lúc mà để mối lo cho bốn biển đến mãi vô cùng, thì chi bằng khéo tính việc dài lâu để làm phúc cho nhân dân toàn thiên hạ. Cho nên sao bằng không thấy cái này mà đổi cái kia, bỏ cái ngắn mà lấy cái dài. Do đó mà bàn, thì sự thành thực hay giả dối của tôi có thể biết được.

Nay đại nhân mang tiết việt chuyên việc đánh dẹp, thì việc quân ở cõi ngoài có thể tùy tiện mà xử trí. Huống chi việc binh không thể ở xa mà ức đạc được; việc, có việc hoãn việc gấp, có thể nhất nhất đợi lệnh triều đình được ư? Nay kẻ bày kế cho đại nhân bảo chỉ có việc đánh và giữ, cuối cùng là chết, quyết không có lẽ nào không vâng mệnh mà tự bỏ về. Thế thì câu nói là: “Đại tướng ở bên ngoài, mệnh lệnh của vua có thể có việc không tuân theo cũng được”. Câu nói ấy cho là không đáng tin ư? Huống chi bảo rằng: Chết mà có ích cho nước, dù chết cũng đáng. Nếu chết mà không bổ ích gì cho nước thì chết uổng mà thôi. Biết thế nào có ích, thế nào là vô ích? Kia như Trương Tuần giữ thành Thú Dương mà có ý che chắn cho Giang, Hoài. Nếu Giang, Hoài không giữ được thì nhà Đường sẽ nguy. Cho nên cái chết của Trương Tuần là đáng chết, không như thế, chỉ bo bo giữ tiết nhỏ mọn mà chết, làm hại cả tính mệnh của nhân dân trong một thành, thì lòng của người dân giả không làm thế. Nay, bọn các ông giữ một thành trơ trọi, mà tự bảo là chịu chết theo với thành, thế thì thực có bổ ích gì cho nước không? Hay là muốn đợi khi không còn viên đạn nào đều khêu ra cái họa cùng binh độc vũ chăng! Túng nhiên giữ được thành không bị mất thì có bổ ích gì cho Nhà nước? Nếu thành ấy bị hạ, lại có người như An viễn hầu (Liễu Thăng) lại đến, để cho dân nước nhỏ phải mệt mỏi tai họa, thế là lỗi của ai chứ? Đúng như câu nói: “Tham hư danh mà chịu thực họa”.

Nếu bảo rằng: một năm không đánh được thì hai năm phải đánh được, cho đến năm năm, mười năm, hết năm này đến năm khác, cũng đến đánh được. Ta sợ rằng đức hiếu sinh của thượng đế tất không nỡ lòng như thế. Nếu quả như vậy là việc làm của đời cuối sắp suy mất. Lẽ nào ngày nay đương buổi thánh minh, mà đại nhân là vị nguyên soái có văn học, há lại không biết nhân dân có tội gì, mà nỡ để cho gặp phải họa hại lâu đến mãi trăm năm mà không dứt ư? Lại nói ngay đến chuyện nhà Hán với Hung Nô, nhà Đường với Cao Ly, đại nhân há chẳng thấy Vũ Đế (nhà Hán) xuống chiếu bỏ Luân Đài; Thái Tông (nhà Đường) rút quân ở Tân Thị về. Hai bậc vua ấy, nếu không biết hối lỗi, thì thiên hạ chẳng suýt nữa nơm nớp lo ư? Sách Truyện (tức Luận ngữ) có câu: “Ba người cùng đi tất có người là thầy ta, mình chọn lấy điều nào thiện thì theo, điều nào ác thì đổi đi” (三人同行,必有吾師焉。擇其善者而從之,其不善者而改之 Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên: trạch kỳ thiện giả nhi tòng chi, kỹ bất thiện giả nhi cải chi). Thế thì người thiện, người ác đều là thầy ta cả. Tôi không biết đại nhân sẽ lấy vua Hán, vua Đường biết hối lỗi là bậc đáng làm thầy ư? Hay là lấy vua Hán vua Đường cùng binh độc vũ là bậc đáng làm thầy ư? Sẽ lấy vua Thang vua Vũ dấy nước đã diệt nối dòng đã tuyệt làm phép nhất định chăng? Hay là lấy nhà Hán nhà Đường thích khoe khoang, ưa lập công làm phép nhất định ư?

Nay hãy bỏ việc ấy mà bàn (thiết thực ngay): đại nhân thực cho lời nói của tôi là phải thì nên theo ước trước, xin được Sơn thái giám sang qua sông cùng hội họp. Tôi cũng sai người thân ruột thịt của tôi vào thành trực hầu, để cho lời giao ước được chắc chắn, rồi sau sẽ lui quân ở các vùng Thanh Đàm, Lũng Giang (sông Đáy) để cho đại nhân được thung dung đem quân về nước. Phàm các đường sá, cầu đập, lương chứa cung cấp và sản vật địa phương đem triều cống, tờ biểu lời lẽ có lễ độ, các hạng, tôi dã dự bị sẵn. Và các ông Hoàng thượng thư, Thái đô đốc, cũng đã vì tôi dâng một bản tâu lên rồi. Đại nhân nếu có thể suy lòng mình, đặt vào lòng người, thì chúng tôi còn tội gì mà nỡ lòng phụ bạc nữa? Nếu cứ như thế, kéo dài năm tháng chỉ lấy lời nói suông cùng lừa dối nhau, muốn đợi quân khác đến cứu viện, như ngày trước đã làm, ngoài mặt thì hòa giải mà ngầm có mưu khác, rồi đại quân kéo đến, lại để cho tôi phải phía bụng, phía lưng đồng thời phải đương với địch thủ, như thế thì bọn ngu phu ngu phụ cũng còn chẳng tin được, huống chi tôi là kẻ tuy không có mưu trí mà lại tin thế ư? Những việc tôi làm đều là tình ý thực thà, có trời đất quỷ thần soi rọi trên đầu, xét ở bên cạnh. Nếu làm không đúng lời nói đã có mặt trời sáng soi.

Thư này gửi đến, cúi xin trả lời cho biết.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b16.

Vào tháng 11[19/11-17/12/1427], hạ lệnh dâng kế sách ích quốc lợi dân, và kiểm tra xe đánh thành. Phía Minh gửi thư xin giảng hòa, Bình Định Vương chấp nhận:

Mùa đông, tháng 11, hạ lệnh các tướng hiệu dâng kế sách bàn về những việc đương thời, nếu có ích thì được ban thưởng hậu. Kiểm tra xe đánh thành và mang chiến khí của các quân.”

Tổng binh Vương Thông và nội quan Sơn Thọ nhà Minh sai viên thiên hộ họ Hạ mang thư đến giảng hoà, xin mở cho đường về. Vua chấp nhận, lại gởi tặng thổ sản và hải sản.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 42b.

Lúc bấy giờ có 2 thành Cổ Lộng và Tây Đô chưa chịu hàng, nhà Vua sai tướng đến dụ, nhưng không thành. Chờ đến sau ngày 22 tháng 11 [10/12/1427] hội thề với Vương Thông thoả thuận cho đem quân về, bèn đem thư của Thông đến các thành này, rồi giải vây cho rút về. Riêng Đèo Cát Hãn, thuộc châu Ninh Viễn [Lai Châu] trước kia theo nhà Minh, nay xin qui thuận:

Sai bọn Đại tướng Nguyễn Lôi mang thư dụ hàng hai thành Cổ Lộng [huyện Ý Yên, Nam Định] và Tây Đô [Thanh Hoá].Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 42b.

Sai Đồng tri Nguyễn Mẫn, Nguyễn Lôi mang thư đến hai thành Tây Đô và Cổ Lộng ra lệnh giải vây, vì hai thành này trước đây chưa hạ được.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 45b.

Sai bọn Chủ thư thị sử Trần Hồ đi chiêu dụ châu Ninh Viễn (sau đổi là châu Phục Lễ, nay là phủ An Tây). Phụ đạo châu ấy là Đèo Cát Hãn đem binh tướng theo về.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 42b.

Bình Định Vương cho đúc tiền, ghi năm Thiên Khánh, tức niên hiệu của Trần Cảo; lại ban 6 điều dụ các tướng lãnh quân nhân:

Ban hành tiền mới đúc (tức là đúc vào năm Thiên Khánh).”

Vua dụ các tướng hiệu, quan nhân 6 điều là:

1-Kẻ làm tôi con phải trung thành thờ vua, không được làm điều dối trá.

2- Ở với mọi người phải cho ngay thẳng, không được làm điều gian phi.

3- Khi ra trận đánh giặc có bắt được tù binh, chém được giặc không được cướp công của nhau.

4- Có kẻ nào gian ác, phi pháp ở trong quân, trong dân thì phải bắt giữ để trị tội, mà các ngươi cũng phải lấy đó làm gương răn, chớ để tội đến thân mình.

5-Các quan thị vệ chớ cậy mình được yêu quý mà ngược đãi, bắt nạt mọi người.

6- Khi làm việc, lúc lập công, phải tự mình làm gương trước, để mọi người dưới trông vào bắt chước.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 43b.

Về phía quân Minh, tuy xin giảng hòa nhưng vẫn do dự chưa quyết, mấy lần gây hấn, bị đánh thua. Vua cho đắp lũy kề sát thành, quân Minh ở thế đường cùng đành phải khoanh tay:

Quan quân vây thành gấp, quân Minh nhiều lần đánh đều thua. Bọn đi kiếm củi chăn ngựa đều bị ta bắt. Vương Thông tuy xin giảng hòa, nhưng vẫn do dự chưa quyết. Các quân ta đắp lũy, Vương Thông lo sợ, đem hết quân ra đánh. Quan quân đặt mai phục rồi giả vờ thua chạy. Quân Minh đuổi theo, quân phục xông ra đánh, phá tan quân giặc. Thông ngã ngựa suýt nữa bị bắt. Quân ta đuổi đến cửa Nam thành, đắp lũy phía ngoài để chẹn giặc. Vua lại thân đốc suất các tướng đắp lũy từ phường Yên Hoa [Yên Phụ, Hà Nội] đến tận cửa Bắc thành, chỉ trong một đêm là xong.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 43a.

Việc đắp lũy khiến quân Minh ngờ vực, ảnh hưởng đến hòa nghị; nên Bình Định Vương gửi thư cho Vương Thông nói tránh rằng bị quan quân bắn rát, nên quân lính đắp thêm quai nhỏ, để tránh tên đạn:

Thư lại gửi cho Vương Thông.

Tri phủ phủ Thanh Hóa là Lê Lợi thư trả lời tổng binh quan Vương đại nhân và các vị đại nhân và các vị cùng soi xét:

Bữa nọ tôi gửi thư đến, chưa được trả lời, sai thông sự đi nói mồm không có gì làm bằng. Song, việc trước đã qua, khó lấy lại được, từ nay về sau, nên biết hối cải, chớ diễn lại nữa. Đại nhân nếu nghĩ đến nhân dân một phương An Nam, như đứa trẻ chập chững không biết gì, không nỡ để cho kẻ không có tội mà bị giết chết, thì lời nói ngày trước có thể không sai.

Tôi xin lại phiền Sơn đại nhân là người già cả sang qua sông cùng họp với chúng tôi. Tôi cũng sai một hai đầu mục hoặc người thân tín của tôi vào thành hầu tiếp. Tất phải như thế thì lòng ngờ vực của đôi bên mới tiêu tan được. Sau đó, tôi lập tức lui quân, dẹp mở đường về cho quân đại nhân. Phàm đại nhân có truyền bảo gì, tôi đều nghe theo hết. Nếu hoặc không thế, thì muôn nghìn câu nói, sợ cũng đều hão cả thôi. Đêm trước các lộ Thiên Trường, Nam Sách, người canh giữ ở cửa sông Tân Hà, thấy quan quân hàng ngày đánh đuổi, tên đạn bắn xuống nhiều, không nơi náu mình, bèn bàn nhau đắp con đường quai nhỏ, để làm kế náu mình, xin đại nhân chớ có hiềm nghi. Nghĩa lớn một khi đã nhất định, thì mọi việc khác không nên để ý lo ngại. Lòng tôi thực hay dối, lâu ngày sẽ biết rõ. Thư này gửi đến, kính xin trả lời cho biết. Thư nói không hết lời.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b17.

Tuy muốn giảng hòa, nhưng bọn Vương Thông vẫn sợ rằng, ngày rút quân về, còn có mưu kế gì khác chăng; nên dùng dằng ngờ vực mà không thể quyết được; nên bức thư sau đây nhắm đả thông tư tưởng, củng cố lòng tin bọn chúng:

Đầu mục nước An Nam là Lê Lợi thư gửi Tổng binh quan đại nhân, Thái giám Sơn, Mã hai đại nhân, các vị xét.

Về việc tôi muốn các đại nhân rút quân về, trước sau chưa từng thay đổi, may mà được thỏa lòng mong muốn ấy, là tự trời. Không may mà không được thỏa lòng mong muốn ấy cũng bởi tự trời. Nhưng, bảo rằng “lấy đất đem cho người, không phải là người làm tôi được tự chuyên”, thì tôi thiết nghĩ là không phải.

Từ đời xưa, đế vương trị thiên hạ chẳng qua chỉ có “chín châu” mà nước Giao Chỉ lại ở ngoài “chín châu”. Xét ra từ xưa Giao Chỉ không phải là đất của Trung Quốc rõ lắm rồi. Lại khi buổi đầu mới dẹp yên (Giao Chỉ), Thái tông hoàng đế có chiếu tìm con cháu họ Trần để cho giữ việc thờ cúng. Thế là ý của triều đình vẫn không cho đất Giao Chỉ là đất của Trung Quốc. Vả lại, lời huấn của Thái tổ Cao hoàng đế để lại, hãy còn rõ ràng, cứ theo thế mà làm, có gì mà không nên. Huống chi đất ở ngoài cõi xa không dùng gì, nếu giữ lấy thì chỉ tốn cho Trung Quốc, bỏ đi thì dân Trung Quốc lại có thể sống lại. Thế thì bỏ đi và giữ lấy, nên hay không, tuy đến muôn đời sau ta cũng có lời nói được. Ai bảo là đại nhân ngày nay ở ngoài cửa ngoại thành, rút quân về mà không có danh nghĩa.

Lại bảo rằng: không có việc nước nhỏ chống lại nước lớn, để cho bốn rợ di trông vào. Thì, như tôi nghe lại khác thế. Kể ra, nước nhỏ sợ trời, nước lớn vui trời, nước lớn nước nhỏ đều được phải đạo cả. Như Thái vương nhà Chu thờ nước Huân Dục; vua Văn đế nhà Hán hòa với Hung Nô. Hai vua ấy há chẳng đáng làm phép cho muôn đời sau ư? Vả lại, tôi nay muôn dặm vượt thuyền, trèo thang, đúc vàng làm người, dâng bản tâu tạ tội, xưng làm bầy tôi nộp cống phẩm, lại đem những quan quân đã bắt được quân hơn mấy vạn người, ngựa hơn mấy vạn con, và Hoàng thượng thư, Thái đô đốc cùng đô ti chỉ huy, thiên bách hộ hơn một vạn người, đều trở về kinh sư hết. Thế là tôi dám kháng cự với nước lớn ư?

Lời bàn của triều đình nếu biết lại lấy điều chương của Thái tổ Cao hoàng đế và tờ chiếu của Thái tông Văn hoàng đế lại đem ra mà làm, thì ai bảo không phải là để cho bốn rợ, muôn nước trông vào? Tôi nghe: đấng vương giả trị nước ngoài, coi như là không thèm trị để mà trị; chưa nghe thấy làm nhọc dân, đem quân để làm việc ở chỗ đất vô dụng mà làm cho bốn rợ, muôn nước trông vào bao giờ. Tôi không biết ý của đại nhân thế nào?

Vả lại, đất Giao Chỉ từ mấy năm nay đến giờ, trồng dâu làm ruộng đều thất nghiệp, cùng nhau đau xót kêu gào. Hoặc còn giờ bảo rằng: nếu quân nhà vua không rút về thì đánh nhau không bao giờ thôi. Vả lại, chiếu lệnh của thiên tử, biết rõ có xá tội chăng? Hay lại hỏi tội cũng chưa biết chừng. Ngày nay, quân nhà vua tiến hay dừng lại, do ở đại nhân đạt quyền thông biến mà thôi. Tôi xem trong thư gửi đến đã nói, và suy xét rõ lời nói của đại nhân, chẳng qua (đại nhân muốn) bảo là nghị luận là việc làm của tôi đều không tin được. (Đại nhân) sợ rằng, ngày rút quân về, hoặc có mưu kế gì khác chăng. Cho nên dùng dằng ngờ vực mà không thể quyết được. Kinh Thi có câu: “Người khác có lòng, ta lường tính xem”. Tôi sở dĩ cần quyền gửi thư, đi đi lại lại không dứt, chính là ơn của đại nhân như trời đất cha mẹ, không ngày nào quên, mà cái lẽ nước nhỏ thờ nước lớn lại không thể thiếu được. Có thế may ra sẽ không còn lo về sau nữa. Nếu không, như người trước đã bảo: “Có đất thì phong lại còn xin gì”? Như thế thì tôi quyết ý không cùng đi lại với đại nhân nữa, còn đợi gì rút quân hay không rút quân? Cúi xin đại nhân thương đến cho, may lắm.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b18.

Rồi Vương Thông xin hội thề giảng hoà, nhà Vua chấp nhận; ra lệnh đắp đường, chuẩn bị thuyền bè, giúp cho quân Minh trở về nước:

Vua đã cho quân Minh giảng hòa, hạ lệnh cho Bắc Giang, Lạng Giang sửa cầu đắp đường, lại hạ lệnh cho các lộ chuẩn bị thuyền ghe, buồm chèo đưa tới quân doanh giao cho chúng về nước.

“Ngày 22 [10/12/1427], vua cùng với Tổng binh quan nhà Minh Thái tử thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông, Tham tướng hữu đô đốc Mã Anh, Thái giám Sơn Thọ, Mã Kỳ, Vinh xương bá Trần Trí, Anh Bình bá Lý An, Đô đốc Phương Chính, chưởng Đô ty sự đô đốc thiêm sự Trần Tuấn, Đô chỉ huy thiêm sự Trần Hựu, Giám sát ngự sử Chu Kỳ Hậu, Cấp sự trung Quách Vĩnh Thanh, Hữu bố chính sứ Dặc Khiêm, Hữu tham chính Lục Quảng Bình, Tả tham chính Hồng Binh Lương, Lục Trinh, Án sát sứ Dương Thì Tập, Thiêm sự Quách Đoan, hội thề ở phía nam thành. Họ hẹn đến ngày 12 tháng 12 thì đem quân về nước và sai người đem tờ trình xin trả lại đất đai cho ta.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 43a.

Sử Trung Quốc cũng xác nhận sự kiện này; cho biết sau hội thề có yến tiệc, hai bên trao đổi quà tặng:

Ngày 24 tháng 10 năm Tuyên Đức thứ 2 [12/11/1427]. Quan Tổng binh Giao Chỉ Thành sơn hầu Vương Thông tập hợp đông quân dân quan lại tại bờ sông thuộc vòng đai phòng thủ, lập đàn cùng Lê Lợi thề, ước hẹn rút quân; sau đó ban yến tiệc, tặng hàng dệt kim tuyến, lụa nõn hoa văn hai lớp trong ngoài. Lê Lợi cũng tạ bằng bảo vật.” (Minh Thực Lục Quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 2, trang 175)

Bấy giờ quân dân ta căm giận lũ giặc tham tàn, muốn giết sạch chúng; nhưng Nguyễn Trãi xem mật thư, viết rõ tình hình địch không còn ý chí chiến đấu, nên nhà Vua chấp nhận giảng hòa:

Khi ấy, các tướng sĩ và người nước ta, khổ vì bọn giặc tàn ngược đã lâu, rủ nhau cố xin với vua rằng giặc nhiều mánh khoé biến trá, phải dùng quân mà đánh thắng chúng, khuyên vua hãy giết chúng đi. Chỉ có Hành khiển Nguyễn Trãi tham mưu ở nơi màn trướng, đã xem thư bọc sáp của Thông gởi về nước chép rằng:

‘Chớ vì một góc đất đai nhỏ nhoi mà bao phen làm nhọc quân đi muôn dặm. Giả sử dùng tới số quân như lần đánh ban đầu, có được 6, 7, 8 viên đại tướng… như bọn Trương Phụ thì mới có thể đánh được. Nhưng dẫu có đánh được cũng không thể nào giữ được’.

Nên Trãi biết rất rõ chổ mạnh yếu của giặc, mới chủ trương hoà nghị. Vua nghe theo. Bèn lệnh cho các quân giải vây và rút ra. Bấy giờ quân Minh cho Sơn Thọ, Mã Kỳ ra dinh Bồ Đề làm con tin với vua. Vua cũng sai Tư đồ Tư Tề và Lê Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin với quân Minh. Cuối cùng hòa ước đã thành. Trước đây, vua cho Lê Quốc Trịnh và Lê Như Tỳ đi làm con tin. Đến đây, vì muốn cho Sơn Thọ và Mã Kỳ tới hội, cho nên sai Tư Tề và Nhân Chú cùng đi.” Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 44a.

Theo bức thư dưới đây trong Quân Trung Từ Mệnh Tập, Bình Định Vương đề nghị gửi Nguyễn Trãi, Lê Nhân Chú sang nhà Minh làm con tin; nhưng phút chót có sự thay đổi, như Toàn Thư chép, dùng con trưởng là Tư Tề và Lê Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin:

Đầu mục nước An Nam là Lê Lợi thư gửi quan Tổng binh Vương đại nhân cùng 2 vị Thái giám Sơn và Mã soi xét.

Tôi nghe: thiên hạ được yên hay phải nguy, sinh dân bị họa hay hưởng phúc, thực do ở việc binh, mà giữ quyền lấy hay bỏ, cho hay cướp lấy, lại quan hệ ở người làm tướng. Cho nên có câu nói rằng: “Tướng là người giữ vận mệnh của quân”.

Nay đại nhân chuyên việc đánh dẹp ở ngoài cửa ngoại thành trở đi. Một địa phương Giao Chỉ, mệnh bạc của dân chúng, cùng là trong thiên hạ yên hay nguy, do ở ngày nay quân của nhà vua tiến đi hay dừng lại. Vì bằng đại nhân không nghĩ đến lợi hại riêng mình, chuyên vì thiên hạ mưu tính công việc, thì chỉ cốt ở một tấm lòng thành thực mà thôi. Nếu quả là lòng thực chăng, thì nên đem lòng thực của mình đặt vào lòng người, quả là không có lòng thực chăng, thì trăm thứ lo, vạn thứ nghĩ, phòng giữ quá cần, mà việc đưa đến tất có việc xãy ra ngoài ý nghĩ của mình. Như bảo rằng người tâu việc đi ra ngoài cõi, cần phải có được thư tín chắc chắn, có bằng cứ về báo, chỉ có một việc ấy, sao cho là tin cả được. Tôi có thể lui quân và voi ngựa về Thanh Đàm; dìm thuyền xuống sông Xương Giang, nhưng nếu lòng tôi không thành, thì quân và voi ngựa đã lui cũng có thể lại tiến được, thuyền đã dìm xuống ấy cũng có thể làm lại cho nổi lên được. Huống chi trong khoảng dọc đường, đi đến đâu mà không có chỗ đáng ngờ. Như thế chỉ nhọc lòng tốn nghĩ uổng công, mà không ích gì cho việc cả.

Vả lại, Nhân Chú (hay Thụ) là con tôi, Nguyễn Trãi là mưu sĩ của tôi. Tất cả công việc phá thành đánh trận đều là công của hai người ấy. Các đại nhân há lại không biết Nhân Chú, Nguyễn Trãi là con tin, thì lòng nghi ngờ của các đại nhân cũng có thể tiêu tan được chứ. Nay đại nhân còn cho là chưa đủ tin, thì tôi không còn biết lấy kế gì câu nói gì để đại nhân cho là đáng tin được. Đại nhân nếu có lòng thương mà nghe lời tôi thì không những là may riêng cho một địa phương nước Giao Chỉ mà cũng là may chung cho cả thiên hạ nhân dân. Nếu không được đại nhân ưng thuận thì không thể làm thế nào được, tôi xin chịu tội lỗi với triều đình, chỉ có một điều là chết mà thôi. Quân Trung Từ Mệnh Tập, b19.

Tiếp theo, thư đề ra những biện pháp cụ thể để thực hiện sự thỏa thuận như trao đổi con tin, ăn thề, bảo đảm sự rút lui an toàn:

Đầu mục nước An Nam là Lê Lợi thư gửi Vương Thông.

Tôi tiếp được thư, thấy lòng của đại nhân rất thành, có thể động đến trời đất, cảm được quỷ thần. Quả đúng như lời, thì không những may riêng cho nước An Nam, cũng là may chung có cả nhân dân trong thiên hạ. Chí nguyện của tôi từ đây thỏa mãn rồi, lại còn phải nói gì nữa. Xin cùng với các đại nhân giết muông sinh uống máu, đối chứng với quỷ thần, rồi sau tôi sai người thân ruột thịt và người đại đầu mục thay thế cho bản thân tôi, hoặc đại tiểu đầu mục năm ba người, đến thành đợi chỉ thị. Đại nhân thì sai Sơn đại nhân sang qua sông nói chuyện để cho lời ước được chắc chắn thêm, và xem lại công việc làm của tôi, quả là thực chăng hay dối trá chăng?

Tôi tự lui quân ở các vùng Ninh Kiều,[10] Lũng Giang để đại nhân được thung dung sắp quân về nước. Khi đến Khâu Ôn, tức thì trả lại ngay các đầu mục của tôi nói trên đây trở về; tôi cũng thân cho đưa bọn Sơn đại nhân ra đến đấy. thế thì lòng ngờ vực của đôi biên đều tiêu tan mà lòng mọi người đều yên cả. Tất cả đường sá cầu đập, lương chứa cung ứng, đều đã đủ cả, không dám thiếu gì. Còn Hoàng thượng thư, Thái đô đốc, bố chánh, án sát, chỉ huy, thiên, bách hộ, quan lại ở phủ, châu, huyện; quan quân ở các xứ Tân Bình, Thuận Hóa, Diễn Châu, Nghệ An, Tam Giang, và quân nhân, ngựa bắt được của An viễn hầu, hết thảy đưa trả về đủ số. Chỉ có bẩm lại như thế thôi, không có nói gì khác nữa. Cúi xin đại nhân soi xét.” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b20.

Theo Toàn Thư vào ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi [10/12/1427], Bình Định Vương Lê Lợi cùng với Vương Thông họp thề ở phía nam thành Đông Quan, hẹn đến ngày 12 tháng 12 [29/12/1427] thì đem quân về nước; không rõ tại sao nhật kỳ tại dưới ghi khác. Bài văn hội thề như sau:

Bài văn hội thề.

Ghi rõ: năm Tuyên Đức thứ hai của nước Đại Minh là năm Đinh mùi tháng 11 ngày mồng 1 [19/11/1427] là ngày Ất Dậu qua đến ngày 24 [12/12/1427] là ngày Mậu Thân.

Tôi là đại đầu mục nước An Nam tên là Lê Lợi và bọn Trần Văn Hãn, Lê Nhân Chú, Lê Vấn, Trần Ngân, Trần Văn Xảo, Trần Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Trần Lý, Phạm Bôi, Trần Văn An, Bế Khắc Thiệu, Ma Luân, cùng với:

Quan tổng binh của Thiên triều là thái tử thái bảo Thành sơn hầu tên là Vương Thông, và các quan tham tướng hữu đô đốc là Mã Ánh, Thái giám là Sơn Thọ, Mã Kỳ, Vinh xương bá là Trần Trí, Yên bình bá là Lý An, đô đốc là Phương Chính, Chương đô ti sự Đô đốc Thiêm sự là Thuế Lự, đô đốc thiêm sự là Trần Hựu, giám sát ngự sử là Châu Kỳ Hậu, Cấp sự trung là Quách Vĩnh Thanh, bố chính là Dặc Kiêm, tả tham chính là Thanh Quảng Bình, hữu tham chính là Hồng Thừa Lương, hữu tham nghị là Lục Trinh, Án sát sứ là Dương Thời Tập, thiêm sự là Quách Hội;[11]

Kính cáo Hoàng thiên (trời), Hậu thổ (đất) cùng với Danh sơn (núi), Đại xuyên (sông) và thần kỳ các xứ:

Chúng tôi cùng nhau phát tự lòng thành, ước hẹn thề thốt với nhau:

Từ sau khi lập lời thề này, quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông quả tự lòng thành, đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng, để đợi viên binh đến nơi. Lại phải theo đúng sự lí trong bản tâu, đúng lời bàn trước mà làm.

Bọn Lê Lợi chúng tôi nếu còn chứa giữ lòng làm hại, tự làm việc lừa dối, không dẹp xa ngay quân lính ngựa voi, việc làm không đúng lời nói ngầm sai… Các việc nói trên tuy là không tự mình làm lấy, lại chuyển sang người khác có xâm phạm đến một chút nào tức thì Trời, Đất, thần minh, núi cao sông lớn, cho đến thần kỳ các xứ, tôi cùng con cháu thân của tôi, và người cả một nước tôi, giết chết hết cả, không để sót lại mống nào.

Về phía bọn quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, nếu không có lòng thực, lại tự trái lời thề (đối với việc) người phục dịch và các thuyền đã định rồi, cầu đập đường sá đã sửa rồi, mà không làm theo lời bàn, lập tức đem quân về nước, còn kéo dài năm tháng để đợi viên binh, cùng là ngày về đến triều đình lại không theo sự lí trong bản tâu, không sợ thần linh núi sông ở nước An Nam lại bàn khác đi, hoặc cho quan quân đi qua đâu cướp bóc nhân dân, thì Trời, Đất cùng là Danh sơn, Đại Xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà.

Nếu mà cả hai bên đều do lòng thành cả thì Trời Đất thần minh đều phù hộ cho đến bản thân mình mạnh khỏe, trong nhà mình vinh thịnh, cùng hưởng lộc vị, đều được bình yên.
Trời, Đất thần kì cùng soi xét cho
!” Quân Trung Từ Mệnh Tập, b21.

Vương Thông vẫn còn nghi ngại nên viết thư muốn Lê Lợi gửi biểu văn và đồ tiến cống sang nhà Minh và cho quân lính bị bắt rút trước rồi mới chịu rút quân. Nên có thư trả lời và đề ra kế hoạch rút quân cho Vương Thông:

Thư gửi cho Vương Thông Sơn Thọ.

Mới rồi tiếp được thư của ông, theo lời trong thư thì công việc đại khái cố nhiên đã định rồi. Nhưng, về chi tiết bên trong, còn có chỗ chưa ổn. Tôi thực là người khí lượng nhỏ hẹp, kiến thức nông cạn, không được như ông, độ lượng rộng lớn, không vì là không bao dung. Xin ông cố gượng y theo thì thật may cho tôi lắm.

Như bảo rằng, hãy cứ gửi biểu văn tâu xin dâng tiến, người, ngựa (đợi) báo về cho biết rồi mới đem quân ra khỏi cõi nước tôi. Thế là, ông còn có lòng ngờ, muốn tôi đem trước người và ngựa vào trong cõi đất Trung Quốc tạm lấy làm tin chắc chăng? Như thế e rằng đôi bên còn ngờ vực lẫn nhau. Ngày nay tôi cùng ông đều nên hết lòng rất thực, không nên còn có một ý riêng nào. Tôi thỉnh cầu: tờ biểu cùng người ngựa đi nộp ở thành Xương Giang, hôm trước thì hôm sau bọn các ông cũng sẽ khởi hành theo đường bộ. Còn ngoài ra các việc khác đều xin theo mệnh lệnh của ông. Quân Trung Từ Mệnh Tập, b23.

————————–

[1] Nội dung đoạn này nhắm tuyên truyền, thực ra vào tháng 4 thành Đông Quan chưa hạ được; do đó Vương Thông chưa hoàn toàn bó tay.

[2] Sau khi đánh bại nhà Hồ (1406-1407), nhà minh một mặt lấy cớ con cháu nhà Trần không còn ai để chiếm lấy nước ta, một mặt lùng bắt những người họ Trần trong đó có Trần Nguyên Hi, Trần Sư Trinh, Trần Nguyên Chí, đem đày về nước.

[3] Thiệu Công Cơ Thích phò tá Chu Văn Vương, Chu Võ Vương. Có lần ông đi ra ngoài, có người dân đến kiện cáo. Ông bèn ngồi dưới gốc cây lê xử kiện. Sau khi ông đi khỏi, nhân dân nhớ tới ơn ông, bèn cùng nhau bảo vệ cây lê không cho ai chặt và làm thơ ca ngợi.

[4] Khi đạo quân Liễu Thăng đến Khâu Ôn, Lê Lợi hai lần gửi thư cho Liễu Thăng xin lui binh về biên giới. Nhưng Liễu Thăng rất chủ quan, khinh địch, nhận được thư không thèm xem, chỉ sai người chuyển về triều rồi tiếp tục tiến quân (Cương Mục q. 14, 19b).

[5] Hóa Châu là vùng Thừa Thiên, trước đây là căn cứ của cuộc khởi nghĩa Trần Quý Khoáng (1409-1414). Lúc đó Mộc Thạnh chỉ huy quân Minh ở nước ta đàn áp cuộc khởi nghĩa này.

[6] Theo Toàn Thư (q. 10, 42a), Cương Mục (q. 14, 19b), Lê Lợi sai một số tù binh vừa bắt được trong đạo quân Liễu Thăng gồm 1 viên chỉ huy, 3 viên thiên hộ, mang sắc, thư, phù, ấn của Liễu Thăng đưa đến cho Mộc Thạnh xem.

[7] Lãnh Câu và Đan Xá là hai địa điểm gần cửa ải Lê Hoa.

[8] Thủy Vĩ: tên châu có từ đời nhà Nguyễn trở về trước, vị trí tại huyện Bảo Thắng tỉnh Lào Cai ngày nay.

[9] Toàn Thư (q. 10, 41b) chép rõ ngày 15 tháng 10 (3-11-1427) quân ta mở cuộc tiến công tiêu diệt toàn bộ số quân địch bị vây ở Xương Giang. Điều đó phù hợp với câu trong Bình Ngô Đại Cáo: “Lại hẹn giữa tháng mười diệt giặc”. Thời gian quân địch bị bao vây ở Xương Giang là từ sau trận Phố Cát ngày 28 tháng 9 đến 15 tháng 10 năm Đinh mùi (từ sau ngày 28-10 đến 3-11-1427) tính ra là khoảng 14 hay 15 ngày, chứ không phải 1 tháng 14 ngày. Có thể là do sao chép nhầm và nên chữa lại là 14 ngày.

[10] Ninh Kiều vốn là cầu qua sông Ninh tức sông Đáy, thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Tây.

[11] Tên những người trong phái đoàn Vương Thông chép trong văn bản này có 4 người không phù hợp với Toàn Thư (q. 10, 41a):

– Thuế Lự, Toàn Thư chép là Trần Tuấn.

– Tả tham chính Thanh Quảng Bình, Toàn Thư chép là hữu tham chính Lục Quảng Bình.

– Hữu tham chính Hồng Thừa Lương, Toàn Thư chép là tả tham chính Hồng Bỉnh Lương.

– Quách Hội, Toàn Thư chép là Quách Đoan.